Phân tích hình tượng người lái đò trong tùy bút Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi chantbin, 24 Tháng sáu 2023.

  1. chantbin

    Bài viết:
    58
    Đề bài: Hình tượng người lái đò

    [​IMG]

    Bài làm:

    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

    Tây Bắc đã trở thành vùng đất hứa của thi ca nghệ thuật những năm 58-60, các nhà văn, nhà thơ đã tìm đến nơi đây để tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới. Ta từng biết đến Tô Hoài với tập "Truyện Tây Bắc" hay Nguyễn Khải cũng từng xôn xao lòng mình với "mùa lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa với bài kí "Người lái đò sông Đà". Là nhà văn "suốt đời đi tìm cái đẹp", ông đã phát hiện ra vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ lại rất đỗi bình dị của người lao động mà cụ thể là qua hình tượng ông lái đò.

    "Người lái đò sông Đà" được in trong tập "Tùy bút sông Đà" năm 1960. Đó là tập tùy bút gồm mười lăm bài tùy và một bài thơ phác thảo. Tập tùy bút này được đánh giá là giàu chất văn chương và in đậm phong cách Nguyễn Tuân: Độc đáo, tài hoa, uyên bác. Như Vũ Ngọc Phan đã từng nói rằng: "Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức".

    Khi lật giở từng trang viết của Nguyễn Tuân, ta được biết ông lái đò quê ở Lai Châu, làm nghề chèo đò, vượt thác trên sông Đà đã hơn mười năm. Với khoảng chinh chiến này, ông đủ trở thành một tay lão luyện "Trên sông Đà ông xuôi, ông ngược trên trăm lần và chính tay ông giữ lái độ sáu mươi lần". Ông là một con người từng traair, là linh thần muôn thuở của Đà Giang.

    Ông lái đò được ghi tạc qua ngòi bút của Nguyễn Tuân là một người với ngoại hình cao to, gọn quánh như chất rừng chất mun. Ông xuất hiện trước mắt người đọc là một ông già bảy mươi tuổi với mái tóc bạc phơ, một con người tay "lêu nghêu như cây sào", chân khuỳnh khuỳnh, giọng ào ào như tiếng nước trên mặt ghềnh. Trong tâm thức người đọc, ông lái đò hiện lên là một con người cưỡi sóng đạp gió, là vẻ đẹp của người anh hùng trong đời thường. Tác giả đã miêu tả ông lái đò bằng cảm nhận giác quan và ngôn ngữ phong phú, nâng cao và ca ngợi giá trị vẻ đẹp con người sinh ra từ sóng nước Đà Giang.

    Hình ảnh ông lái đò hiện lên đậm chất người lao động, trong từng cử chỉ luôn hiện hữu cái nghề ông theo cả đời như chứng tỏ, ông là một người cực kì yêu nghề, xem nó như một người bạn tri kỉ, tâm giao. Ông là biểu tượng của một con người giàu kinh nghiệm, ông hiểu sông Đà như hiểu chính mình. Với ông, sông Đà như một thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến cả những cái chấm than, chấm câu và những đoạn xuống dòng.

    Ngay khi miêu tả dòng sông Đà hung bạo thượng nguồn, Nguyễn Tuân đã có ý thức tạo dựng một nền thiên nhiên dữ dội, kì vĩ, một không gian hoành tráng, lớn lao xứng đáng với sự xuất hiện của một người anh hùng sông nước. Để khắc họa vẻ đẹp trí dũng, tài hoa của ông lái đò, Nguyễn Tuân đã miêu tả một cuộc vượt thác nguy hiểm và nổi bật là sự tương phản giữa thiên nhiên hiểm ác và con người trí dũng, ngoan cường.

    Đối thủ ghê gớm của ông lái đò trong cuộc vượt thác là cả một đoàn quân hung bạo, dữ dằn. Những từ ngữ mang đậm tính chất quân sự, võ thuật, thể thao như "dàn sẵn trận địa.. dụ thuyền.. đánh khuýp quật vu hồi.." đã nhân hóa dòng sông khiến cho thiên nhiên sông Đà với sóng dữ, đá dữ và thác dữ trở nên hung hãn. Tác giả còn sử dụng một loạt từ láy miêu tả diện mạo gớm ghiếc của đám đá sông Đà khi "ngỡ ngược, nhăn nhúm, méo mó" khi "hất hàm thách thức", khi "tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng". Rồi một loạt những động từ đặt trong những nhịp câu ngắt ngắn, nhanh dồn dặp và sử dụng các cấu trúc điệp tả "sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đòn âm" – tất cả đã làm hiện lên sự hung bạo vô cùng của sông Đà mà qua đó cũng bộc lộ được phẩm chất tài hoa, khéo léo, ngoan cường của ông lái đò.

    Đặc biệt, ông lái đò hiện lên như một người chỉ huy tài hoa, làm chủ thiên nhiên, chèo lái con thuyền phá các trùng vi bằng sự thông minh, tài trí. Ở trùng vi thứ nhất, thạch trận cực mạnh, cực ác: Có tới bốn cửa tử mà chỉ có một cửa sinh lập lờ phía tả ngạn, mặt nước sông ùa vào như muốn bẻ gãy cán chèo, đá ở đây luôn ở tư thế mai phục, chúng được chia làm ba hàng chặn ngang sông, những hòn đá "bệ vệ oai phong" được nước thác "reo hò làm thanh viện" liều mạng xông vào "đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền". Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm lấy thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước nước vang trời thanh la não bạt.

    Sự sắc sảo tài hoa không cho phép Nguyễn Tuân miêu tả cuộc vượt thác dễ dàng chống vánh, khi bị sóng thác đánh miếng đòn độc hiểm ông đò "méo bệch", cách sử dụng ngôn từ tài tình làm hiện lên không chỉ gương mặt biến dạng, trắng bệch vì đau mà còn nhợt nhạt bởi dầm lâu trong nước lạnh. Sự "méo bệch" của ông lái đò còn được gián tiếp miêu tả trong cảm nhận của thị giác và xúc giác: "Mặt sông trong tích tắc lòa sóng như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng". Đây chính là cách miêu tả cảm giác của Nguyễn Tuân. Vết thương của ông trong cuộc giao chiến đã được miêu tả bằng cảm giác "Tóe đom đóm" và rát bỏng như lửa cháy. Nhưng ông đã bình tĩnh giữa chắc tay chèo. Ngay cả khi bị con thủy quái tấn công bằng món đòn hiểm nhất, bóp chặt lấy hạ bộ làm ông thương nhưng ông vẫn không gục ngã, cố nén vết thương, hai châ kẹp chặt cuống lái đưa con thuyền thoát hiểm.

    Qua trùng vi thứ nhất, ông lão ấy đã chiến đấu với tướng đá, quân đá như một chiến tướng dũng mãnh, tin vào sức mạnh chính mình, làm chủ thiên nhiên. Qua đó, Nguyễn Tuân đã không giấu được sự ngưỡng mộ và cảm phục trước sự dũng cảm của người lái đò.

    Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét rằng: "Nguyễn Tuân-một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lại, nồng nàn, say đắm". Những cảm xúc ấy của người nghệ sĩ tài hoa uyên bác được thể hiện đậm nét nhất trong trùng vi thạch trận thứ hai. Sông Đà tìm cách tăng số cửa tử, đem cửa sinh chuyển hướng đặt ở hữu ngạn, thác sông Đà nổi hùm beo, hồng hộc trên sông Đà, nước đẩy mũi thuyền đi vào cửa tử. Câu văn "Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà" gợi cho người đọc cảm giác ghê rợn. Động từ "tế" diễn tả tốc độ và cường độ của dòng nước vô cùng nhanh như muốn cuốn tất cả mọi thứ vào hố tử thần. Song nhà văn không miêu tả là "nhiều cửa tử" mà là cả "tập đoàn cửa tử" cho ta thấy sự dàn xếp mưu mô của dòng sông Đà. Phải chăng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, chúng hiện lên như những sinh thể biết suy nghĩ và hoạt động không kém gì một con người để khiêu khích cốt để con thuyền mắc bẫy mà giao chiến với chúng?

    Thế mà ông đò không chỉ toát ra khí thế dững mãnh, kiên cường mà còn thể hiện tài trí của một người nghệ sĩ tài hoa, giàu kinh nghiệm "nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá" như một tướng sĩ tài ba thuần phục con ngựa bất kham của sông Đà khi "nắm chặt được cái bờm sóng.. ông đò ghì cương lái.. phóng nhanh vào cửa sinh". Để rồi thằng đá tướng thất bại "tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng". Cứ thế những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.

    Đến trận cuối cùng-trùng vi thạch trận thứ ba, ta mới thấy được cái tài của ông lái đò được thể hiện qua cái tài của Nguyễn Tuân. Sông Đà đổi binh lược, cho ít cửa hơn, cửa tử nằm ở hai luồng: Trái và phải, còn cửa sinh đặt giữa bọn đá hậu vệ. Vòng ba là vòng khó nhất bởi lẽ hai bên tả hữu đều là luồng chết cả, cửa sinh duy nhất nằm ở giữa và được canh bởi hai hòn đá hậu vệ của con thác. Chính chúng đã gây khó khăn "làm mình làm mẩy" với người lái đò suốt bao nhiêu năm.

    Nhưng với sự quyết đoản, tài trí, ông cứ phóng thẳng con thuyền theo đường giữa mà đi. Ông đã xử lí tình huống rất khôn khéo "Vút, vút cửa ngời, cửa trong lại cửa lái được, lượn được". Động từ "vút vút" cho ta cảm nhận được rõ ràng âm thanh khi con thuyền lao thẳng vào dòng nước đang hồng hộc, cuộn trào mạnh mẽ. Phép so sánh độc đáo, con thuyền như mũi tên tre sắc bén, nhẹ nhàng phi vào dòng nước hung bạo, dữ tợn. Nó đánh bại con sông nhẹ nhàng và tinh vi, khi thì lái qua khúc này khi thì lượn vào khúc khác. Trước mắt ta hiện lên hình ảnh ông đò tài trí vô song, dày dặn kinh nghiệm với cái nhìn và phán đoán chuẩn xác, điều khiển con thuyền điêu luyện vượt qua trùng vi thạch trận thứ ba nhanh chóng,

    Toàn đoạn văn như thước phim về một cuộc chiến trên sông đầy sức sống, linh động mang đến sự hồi hộp, trông ngóng kết quả cho người đọc. Điều đó càng bộc lộ sự uyên bấc của nhà văn khi làm nổi bật hình ảnh người lao động chiến thắng thiên nhiên hung tợn một cách oai hùng với tâm thê chủ động, làm chủ tình thế, không chùn bước, sợ hãi trước bất cứ điều gì, khi luôn trình diễn nghệ thuật lái đò điêu luyện của một "tay lái ra hoa'.

    Đoạn trích đã khắc họa hình ảnh một người lái đò không chỉ có tài trí mà còn mang nét đẹp bình dị của một người lao động khiêm nhường. Đó là sau khi ông đã chiến thắng" con thủy quái "sông Đà và làm chủ thiên nhiên bao la rộng lớn, ông trở lại cuộc sống thanh bình, giản dị. Rtấ ung dung và thanh thản, ông đò vừa nướng ống cơm vừa kể chuyện. Ông bây giờ trải qua hết những thời khắc khó khăn, vất vả để trở về phút giây thanh bình, mông mơ, ông không bàn về chiến thắng vừa qua hay nói cách khác ông không xem cuộc vượt thác vừa rồi là chiến công đáng được khen thưởng càng tôn lên nét tính cách dung dị của ông. Và những câu chuyện rất đời thường qua lời kể của ông lại là chiếc gương phản ánh một đời sống tâm hồn gắn liền với sông nước bình dị mà tài hoa, cần lao mà nghệ sĩ. Với họ, những hiểm nguy sống chết đã trở nên bình thường, điều họ hằng quan tâm là sự đẹp đẽ của thiên nhiên đất nước.

    Đoạn trích trên viết về người lái đò sông Đà, ngòi bút Nguyễn Tuân hiện lên đây lãng mạn. Cảm hứng ấy thắm sâu và lan tỏa trong những câu viết về đời thực, viết về người thật. Cram hứng lãng mạn đã được sử dụng trong tùy bút, đặc biệt khi viết về người lái đò đã tạo nên một khúc ca tươi đẹp, hào sảng với sự phối hợp kì diệu giữa những cái đẹp ngôn từ và ánh sáng chiều sâu hình ảnh, dẫn dắt người đọc đến vẻ đẹp" vàng mười "mà tác giả tập trung khắc họa tâm hồn con người qua hình tượng người lái đò.

    Qua hình tượng người lái đò sông Đà được miêu tả trong đoạn trích trên ta thấy được góc nhìn mới lạ của nhà văn" ưa xê dịch "này. Nam Cao đã từng nói cái nghề văn kị nất là" thấy người ta trồng khoai cũng vác mai đi đào ", rõ ràng Nguyễn Tuân không phải là một nhà văn như thế! Trước Cách mạng Tháng Tám ông luôn đi tìm vẻ đẹp của" một thời vang bóng"còn bây giờ, ông lại đi tìm vẻ đẹp bình dị có trong đời sống đời thường mà phi thường, giỏi giang trong công việc, ngòi bút của Nguyễn Tuân như hả hê, sung sướng khi khám phá ra chất vàng mười trong những tâm hồn bình dị, qua đó cho độc giả thấy được giá trị anh hùng trong thời đại mới với những vai trò đáng ngưỡng mộ khi vừa là chiến sĩ oai hùng khi vừa là người nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện trong lối sống rất đỗi bình dị, khiêm nhường.

    Với ngòi bút tài hoa và sự uyên bác, am hiểu về mọi lĩnh vực, Nguyễn Tuân đã biến câu chuyện đời thường thành bản trường ca hào sảng, biến người lái đò bình dị thành một anh hùng, một người nghệ sĩ trong nghệ thuật leo ghềnh vượt thác. Qua đoạn trích trên, ông lái đò chính là hình tượng điển hình cho con người lao động lúc bấy giờ với vẻ đẹp phi thường toàn diện, đồng thời thể hiện được tài năng sử dụng nghệ thuật, ứng dụng kiến thức sâu sắc của Nguyễn Tuân, bộc lộ cách nhìn người mới mẻ của ông.
     
    ThuyTrangLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...