Phân tích 4 câu thơ đầu tác phẩm Việt Bắc - Tố Hữu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Leykt, 16 Tháng tám 2023.

  1. Leykt

    Bài viết:
    22
    [​IMG]

    Bài Làm

    Mở đầu bài thơ, cây bút trẻ - Tố Hữu đã đưa chân ta về một miền thương nhớ bàng bạc, xa xăm, nơi cất chứa đầy dư vị hoài niệm của một thời quá vãng đã qua, những hồi ức lắng đọng trong tâm khảm của người ở lại, những nỗi niềm da diết, khôn nguôi..

    "Mình về mình có nhớ ta

    Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

    Mình về mình có nhớ không

    Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn"

    Qua lối đối đáp, kết hợp cách xưng hô "Mình;ta" đã thể hiện rõ nét tính dân tộc xuyên suốt chiều dài biên niên sử, mình - ta nghe sao mà thân thương, đằm thắm quá! Bởi lối xưng hô này có xa lạ gì với bạn đọc đâu? Hai âm hưởng làm lòng người xuyến xao đã từ lâu xuất hiện trong ca dao, dân ca xưa, chúng ta dễ dàng bắt gặp qua:

    "Mình về có nhớ ta chăng

    Ta về ta nhớ hàm răng mình cười"

    Hay:

    "Mình ơi có nhớ ta chăng

    Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời"

    Tố Hữu đã thổi hồn vào lối nói xưa, cách tân của thời đại mới, nhưng vẫn mang đậm chất lãng mạn, chính trị qua những con chữ. "Mình về có nhớ ta" là lời ướm hỏi dạt dào cảm xúc, hỏi để gợi nhớ, tái hiện lại những kỉ niệm thuở còn kháng chiến trường kì tuy gian khó mà hào hùng của cách mạng và người dân Việt Bắc. "Mười lăm năm ấy" so với cái gọi là đường đời, không ngắn mà cũng không dài, nhưng trong cái mười lăm năm đã chất chứa biết bao những niềm vui, những giọt nước mắt, có cả những cái ôm, hôn động viên giữa người lính và người mẹ? Tình cảm giữa người với người gắn bó tựa keo sơn, không kém gì tình duyên đôi lứa, qua đó cho ta thấy tinh thần đoàn kết, tình thương mến thương giữa quân - dân trong giai thoại kháng chiến. Thế mà khi người về kẻ ở thì sao mà không nhớ cho được? Hóa ra, dù cho nỗi nhớ có bị ngăn cách bởi thời không thì trái tim và linh hồn cảnh vật Việt Bắc, sớm từ lâu đã nhập vào hồn Tố Hữu và máu thịt của những người con đất Việt. Câu thơ "Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn" như một lời nhắn gửi các anh khi trở về chốn Hà Nội phồn hoa đô thị thì cũng hãy đừng quên người và cảnh nơi đây. Hãy nhớ nơi gắn bó thủy chung, son sắc, nơi người chiến sĩ cách mạng và người dân Việt Bắc đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu, cùng nhau vượt qua ngày tháng gian khổ bát cơm sẻ nữa. Khi nhìn thấy sông thì hãy nhớ đến nguồn, hãy nhớ đến sông núi nơi Việt Bắc, nhớ đến những dòng sông cùng người chiến sĩ hành quân chinh chiến sa trường. Điệp từ "nhìn" và "nhớ" càng nhấn mạnh hơn mong muốn ít ỏi của người dân nơi đây rằng là các anh đừng quên nguồn cội. Niềm mong mỏi những người cách mạng luôn nhớ về chốn núi non, nơi có những con người sắt son, thủy chung, luôn mong nhớ và ngày đêm chờ đợi về người lính cách mạng.

    Bốn câu thơ đầu là lời của người dân Việt Bắc hỏi về người cán bộ về xuôi. Với lối đối đáp cách xưng hô "mình - ta", kết hợp điệp từ cùng với từ láy, đặc biệt là câu hỏi tu từ đã cho ta thấy được tình cảm gắn bó thiết tha, mặn nồng, thủy chung son sắt của con người nơi miền núi. Qua đó ta có thể cảm nhận được phẩm chất tốt đẹp của con người nơi đây. Dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, đồi núi hiểm trở, chông chênh, thiếu thốn lương thực - thực phẩm nhưng tình yêu của họ đối với người chiến sĩ, đối với cách mạng vẫn không hề thay đổi, luôn luôn cồn cào, da diết và có khi mãnh liệt hơn.
     
    Admin, Phượng Chiếu NgọcLieuDuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...