Giờ đây, khi đã bước sang chương trình học mới, có lẽ sẽ ít còn ai quan tâm đến cách phân tích từng dòng, từng chữ trong bài thơ như thế này nữa. Thế nhưng, tôi thiết nghĩ việc phân tích từng biện pháp tu từ, từng con chữ, từng sắc thái, từng nét nghĩa sẽ góp phần không nhỏ trong việc cảm nhận cũng như hiểu về tác phẩm hơn. Chính vì lẽ đó, tôi quyết định sẽ chia sẻ góc nhìn, cảm nhận của bản thân về một vài đoạn trong những bài thơ đã quá đỗi quen thuộc với chương trình lớp 9 cũ. Hy vọng những bài phân tích này sẽ có ích cho quý độc giả. Bài phân tích ".. Không có kính, rồi xe không có đèn, Không có mui xe, thùng xe có xước, Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước: Chỉ cần trong xe có một trái tim." Qua những vần thơ độc đáo, sát với thực tế của nhà thơ Phạm Tiến Duật trong bài "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", ta thấy được ý chí quyết tâm giành thắng lợi, sự lạc quan, yêu đời của những người lính thời kháng chiến chống Mỹ. Còn nếu nói về sự lãng mạn, về lời tâm sự đầy tha thiết thì có lẽ, bài "Đồng chí" ra đời vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp của người chiến sĩ đất Hà Tĩnh - Chính Hữu - là nổi bật nhất. Phải chăng vì Trần Đình Đắc - tên thật của người thi sĩ ấy - hoạt động trong quân đội suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ nên hầu như thơ ông chỉ viết về người lính trong chiến trận? Nhưng thật đáng tiếc khi một thi sĩ đặc biệt như thế chỉ viết một số ít tác phẩm, dầu vậy, nó vô cùng đặc sắc cùng với ngôn ngữ chọn lọc, hàm súc đã "kéo dài ở sự ngân vang", theo như lời tâm sự của ông. Bài "Đồng chí" ra đời vào năm 1948 khi tác giả cùng đồng đội tham gia vào chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947 và sau đó được in trong tập thơ "Đầu súng trăng treo" - một trong những tác phẩm chính của vị thi sĩ. Cả bài thơ ca ngợi tình đồng đội - một tình cảm cao đẹp - của những người chiến sĩ thời chống Pháp, nhưng có lẽ, đoạn thơ nói về những biểu hiện đẹp đẽ của tình đồng chí chính là điểm nhấn nổi bật nhất. Xuyên suốt cả đoạn thơ này, dường như hai người lính đang nói chuyện cùng nhau, họ giãi bày nỗi lòng thầm kín, những nỗi nhung nhớ khôn xiết cho người còn lại nghe: "Ruộng nương anh gửi bạn thân cày Gian nhà không mặc kệ gió lung lay Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính." Anh đã đi, bằng lòng để lại tất cả, ruộng nương dường như đã thuộc về người khác khi họ tự do cày cấy, còn ngôi nhà mất đi người trụ cột bỗng trở nên yếu ớt, xuống cấp, cơn gió thoảng qua cũng làm nó nghiêng ngả. Ở đây, nghệ thuật hoán dụ "giếng nước gốc đa" đã vẽ nên một bức tranh buồn hiu, trầm lặng khi những người trai làng đi đầu quân, để lại sau lưng những ruộng nương hoang vắng, những tiếng ru ầu ơ cùng tiếng khóc oe oe. Dầu vậy, anh vẫn đi, mang theo nỗi nhớ của "giếng nước gốc đa", của quê hương, gia đình mà lên đường bảo vệ tổ quốc thân yêu, anh đã vượt qua chân trời của cái tôi bé nhỏ để đến với chân trời của tất cả. Có lẽ, tấm lòng của anh bị giằng xé nát tan, anh đã phân vân, giữa một gia đình bé nhỏ ấm êm, hạnh phúc mà anh đã yêu hết mực và một đất nước mà anh đặt cả trái tim vào đang lâm nguy. Anh khó xử lắm! Nhưng rồi, anh đã quyết, ruộng nương thì "gửi bạn thân", còn căn nhà thì "mặc kệ" cho gió lung lay, muốn làm gì thì làm. Bỏ lại tất cả, anh dấn thân mình vào một cuộc chiến đầy khó khăn, gian khổ, nơi mà quân thù lẫn bệnh tật đều rình rập ngày đêm: "Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi." Nhịp thơ vẫn vang lên, nhưng nó lại đột ngột đứt quãng rồi lại tiếp tục vang xa. Có lẽ, cái thiếu thốn, cái vất vả của những người chiến sĩ đã dồn nén lại, rồi từ câu thơ nấc lên tựa tiếng lòng sâu lắng. Thời ấy, nước ta còn nghèo nên chẳng thể chu cấp đầy đủ cho những người lính, họ không có đủ quân trang, quân dụng. Cái lạnh giá của màn đêm hay cơn sốt rét rừng dữ dội có thể mang họ "đi xa" bất cứ lúc nào. Quần áo của họ cũng không hề lành lặn, bình thường khi: "Áo anh rách vai Quần tôi có vài mảnh vá Miệng cười buốt giá Chân không giày Thương nhau tay nắm lấy bàn tay." Họ chìm ngập trong khó khăn, hết nỗi nhớ quê hương da diết, lại đến cái áo rách vai, mảnh quần vá. Áo của anh thì rách ở vai, còn quần tôi thì phải vá đi, vá lại, nhưng chúng ta vẫn nở nụ cười, dù nó giá buốt, lạnh lẽo. Nụ cười thiếu thốn ấy bay xuyên qua rừng núi, vượt qua những trở ngại, mà cất lên cao cùng tiếng hát của sự lạc quan, yêu đời. Chân họ không có giày để mang, nhưng họ vẫn vượt rừng hoang, sương muối, họ vẫn đi trên những con đường mòn cheo leo, hiểm trở. Để rồi, họ chợt nhận ra, tình đồng chí thật cao đẹp, nó đã gắn chặt họ lại với nhau, họ đã đồng hành cùng nhau trên những nẻo đường hành quân. Xúc cảm dâng trào, họ nắm lấy bàn tay nhau! Họ không nắm tay như "Bàn tay em, gia tài bé nhỏ Em trao anh cùng với cuộc đời em" (Xuân Quỳnh, Bàn tay em) Mà là " Bạn cần ủng hộ tác giả 500 xu để đọc nội dung nay). Họ nắm lấy tay nhau để truyền ngọn lửa quyết tâm, để truyền niềm tin sáng chói vào một tương lai hòa bình, êm ấm, để tập hợp lại thành một sức mạnh dữ dội mà chiến thắng quân thù. Tình đồng chí cao đẹp ấy lan tỏa, thấm dần vào tấm lòng của mỗi người lính, bởi lẽ, nó "Là hớp nước uống chung, nắm cơm bẻ nửa, Là chia nhau một trưa nắng, một chiều mưa, Chia khắp anh em một mẩu tin nhà, Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp Chia nhau cuộc đời, chia nhau cái chết" (Chính Hữu, Giá từng thước đất) Một cách tài tình, tác giả đã sử dụng thể thơ tự do để nói lên vẻ đẹp cao quý của tình đồng chí. Từng câu thơ dài ngắn xen lẫn vào nhau làm cho người đọc cảm thấy khi thì dồn dập, hối hả, lúc lại chậm rãi, khoan thai. Những từ ngữ được chắt lọc một cách kỹ càng nhẹ nhàng đi vào trong lòng người đọc, xuyên qua từng lớp của trái tim để đến nơi sâu thẳm nhất của mỗi người. Tình đồng chí đẹp đẽ, lãng mạn của họ sẽ bay mãi, bay mãi lên theo cuộc kháng chiến, bay mãi đến vô cùng. *Lưu ý: Bài viết hoàn toàn dựa trên ý kiến và cảm nhân của riêng bản thân tôi về tác phẩm này, hoàn toàn không thể xem là suy nghĩ của tác giả Chính Hữu. Quý độc giả chỉ nên tham khảo, và cân nhắc kỹ trước khi sử dụng những ý trong bài văn.