Đề bài: Anh/chị hãy làm rõ tư tưởng nhân nghĩa được thể hiện trong 15 câu đầu "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi Bài làm Lắng nghe nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh: "Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời", rồi tự nhìn ngắm và soi chiếu vào dòng chảy văn học dân tộc để thấy những kiệt tác ra đời không chỉ mang trong mình ý nghĩa văn chương tự thân mà còn mang cả tầm vóc lịch sử. Bình Ngô đại cáo - một khúc tráng ca khải hoàn của một đất nước đã trải qua hai mươi năm khổ cực bởi ách đô hộ và chiến tranh chống giặc Minh. Và lần đầu tiên trong lịch sử nước nhà, tư tưởng nhân nghĩa thể hiện một cách toàn vẹn và sâu sắc như thế qua phần một của bài cáo - áng "thiên cổ hùng văn". Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng nhận xét thật chính xác về cây đại thụ của nước Nam ta: "Nguyễn Trãi là tinh hoa của dân tộc qua bao thời đại kết hợp lại". Trong hàng trăm năm qua, Nguyễn Trãi được nhớ tới như một nhà văn, nhà thơ vĩ đại, một nhà tư tưởng, một nhà chính trị lỗi lạc của dân tộc Việt Nam thế kỉ XV. Dưới ngòi bút đại tài, "Bình ngô đại cáo" được hoàn thành chỉ sau năm ngày tiễn Vương Thông về nước, đến ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi và sau đó được công bố trước toàn nhân dân Đại Việt ta. Thời khắc ấy chính là lúc đánh dấu thiên ca trường hận của đất nước trong thế kỉ XV chấm dứt, thiên ca độc lập dân tộc lại mở ra. "Đại cáo bình Ngô" - áng "thiên cổ hùng văn" - bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai trong lịch sử dân tộc đã ra đời trong không khí hào hùng đó của dân tộc. Ngay từ những câu đầu đầu tiên bài cáo, Nguyễn Trãi đã "tuyên ngôn" về nhân nghĩa như để làm chỗ dựa, căn cứ xác đáng cho toàn bài. Nguyễn Trãi khẳng định nhân nghĩa là một nguyên lí có tính phổ biến, mặc nhiên thừa nhận thời bấy giờ: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo" Soi chiếu vào dòng chảy lịch sử nhân loại thì ta thấy ngay "nhân nghĩa" mà Nguyễn Trãi nêu ở đây là một tiền đề có tính tiên nghiệm bởi tiền đề này có nguồn gốc từ phạm trù nhân nghĩa của Nho giáo. Khổng Tử từng nói đến chữ "nhân", Mạnh Tử nói đến chữ "nghĩa", ghép cả hai từ ấy ta được "nhân nghĩa". Dẫu được nhiều người giải thích, có nhiều cách nói, cách hiểu đôi khi khác nhau nhưng nhìn chung mọi người đều thừa nhận "nhân nghĩa" chính là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí. "Nhân nghĩa" là "yên dân trừ bạo" tức là tiêu trừ tham tàn, bạo ngược bảo vệ vệ cuộc sống yên ổn của người dân. Là một trí thức Nho giáo, "nhân nghĩa" của Nguyễn Trãi cũng bao hàm lẽ đó. Tuy nhiên lại phải nhận mạnh, khi tuyên ngôn về nhân nghĩa, Nguyễn Trãi không những chắt lọc lấy cái hạt nhân cơ bản, tích cực của Nho giáo mà còn đem đến một nội dung mới, lấy ra từ thực tiễn của dân tộc: Nhân nghĩa phải gắn liền với chống quân xâm lược. Đặt vào hoàn cảnh thực tế đất nước như đã nói ở trên thì người dân mà tác giả nói tới là người dân Đại Việt đang bị xâm chiếm bờ cõi, và kẻ tàn bạo không ai khác chính là giặc Minh - cướp nước, xâm chiến lãnh thổ nước ta. Vậy "nhân nghĩa" còn là chống xâm lược, chống xâm lược là "nhân nghĩa". Nội dung này trong quan niệm của Khổng - Mạnh và Nho gia Trung Quốc hầu như không nhắc tới. Nêu cao tinh thần nhân nghĩa gắn với yêu nước, chống giặc ngoại xâm, Nguyễn Trãi đã bóc trần những luận điệu nhân nghĩa xảo trá của địch, phân định rạch ròi thành hai chiến tuyến, ta là chính nghĩa, giặc xâm lược là phi nghĩa. Trong "Thư số 8 - Gửi Phương Chính" Nguyễn Trãi từng nhắc tới: "Nước mày nhân việc nhà Hồ trái đạo, mượn cái tiếng thương dân đánh kẻ có tội, thật ra là làm việc bạo tàn, lấn cướp nước ta, bóc lột nhân dân ta.. Nhân nghĩa mà như thế ư?". Tội ác ấy phải trừng phạt: "Quân điếu phạt trước lo trừ bạo". Quân ở đây là nhân dân: Tập hợp thành đội quân "đại nghĩa - chí nhân" để chống lại quân cường bạo giặc Minh. Vậy là, triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi xét đến cùng là lòng yêu nước thương dân. Giáo sư Đinh Gia Khánh cũng từng nhận xét: "Tư tưởng nhân nghĩa này không mơ hồ, nó gắn chặt với chủ nghĩa yêu nước". Và chính là chủ nghĩa yêu nước là ánh sáng kì diệu để Nguyễn thắp lên chân lí về chủ quyền vững bền có từ xa xưa: "Như nước Đại Việt ta từ trước, Vốn xưng nền văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác" Nguyễn Trãi thật khéo léo khi đưa ra các yếu tố cơ bản để xác định độc lập, chủ quyền của dân tộc: Cương vực lãnh thổ, phong tục tập quán, nền văn hiến lâu đời. Nếu chỉ đưa vào đơn giản như vậy thì đâu có ý nghĩa, cái hay của áng "thiên cổ hùng văn" là sử dụng hàng loạt từ ngữ: "Từ trước", "vốn xưng", "đã lâu", "đã chia", "cũng khác" để khẳng định quyền độc lập, chủ quyền của dân tộc ta một cách hiển nhiên, vốn có, lâu đời. Bên cạnh đó dân ta còn có bề dày lịch sử riêng, chế độ riêng với "hào kiệt không bao giờ thiếu". "Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập, Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, Song hào kiệt đời nào cũng có". Những thực tế khách quan mà Nguyễn Trãi đưa ra là chân lí không thể phủ nhận. Cùng với việc nêu chân lí khách quan, Nguyễn Trãi đã phát biểu một cách trọn vẹn và đầy đủ quan niệm của mình về quốc gia, dân tộc. So với trước đó, học thuyết về quốc gia, dân tộc của Nguyễn Trãi phát triển cao hơn bởi tính toàn diện và sâu sắc của nó. Toàn diện vì ý thức về dân tộc trong "Nam quốc sơn hà" được xác định dựa trên hai yếu tố: Lãnh thổ và chủ quyền còn đến "Đại cáo bình Ngô" ba yếu tố nữa được bổ sung: Văn hiến, phong tục tập quán và lịch sử. Sâu sắc vì trong quan niệm về dân tộc, Nguyễn Trãi ý thức được "văn hiến" và "truyền thống lịch sử" mới là yếu tố hạt nhân để xác định dân tộc đó. Vả chăng sự sâu sắc của Nguyễn Trãi còn được thể hiện ở chỗ: Điều mà kẻ thù xâm lược luôn tìm cách phủ định (văn hiến nước Nam) thì chính lại là thực tế, tồn tại với sức mạnh chân lí khách quan và đến nay học thuyết đó vẫn còn nguyên giá trị. Nhìn lại chân lí đanh thép mà Nguyễn Trãi đưa ra, ta thấy còn được nhìn trên phương diện đối chiếu, so sánh ta với Trung Quốc, đặt ta ngang hàng với Trung Quốc. Ngang hàng về "trình độ chính trị", "tổ chức chế độ" và "quản lí quốc gia" (Triệu, Đinh, Lí, Trần ngang hàng với Hán, Đường, Tống, Nguyên). Và đây có thể là lần đầu tiên nước Đại Việt - vương quốc bé nhỏ được đặt ngang hàng với đế quốc to lớn như Trung Quốc một cách oai hùng. Quan điểm này của Nguyễn Trãi phải chăng có sự tiếp nối tinh thần của người xưa khi nói lên niềm tự hào về văn hiến dân tộc: "Y quan Đường chế độ Lễ nhạc Hán quân thần" (Lễ nhạc như tiền Hán Y quan giống thịnh Đường) (Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục - Hồ Quý Ly) Trong bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân ta, Lý Thường Kiệt cũng đã gửi gắm ý thức dân tộc mạnh mẽ và sâu sắc trong từ "đế" : "Nam quốc sơn hà nam đế cư" Ở "Đại cáo bình Ngô", Nguyễn Trãi tiếp tục phát huy niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ và sâu sắc khi nói: "Mỗi bên xưng đế một phương". Tuy nhiên đặt vào bối cảnh lịch sử khác nhau ta sẽ thấy, với Lý Thường Kiệt "Nam đế" nhằm đối lập với "Bắc đế", phủ nhận tư tưởng "Trời không có hai mặt trời, đất không có hai hoàng đế" mà chưa được phát biểu bằng cách so sánh trực tiếp như Nguyễn Trãi đã làm. Lí do không phải Lý Thường Kiệt không so sánh được mà phải đến thời của Nguyễn Trãi, sau khi dân ta đã có bốn thế kỷ giành được độc lập, sau khi có những triều đại tồn tại ngang hàng (nếu không muốn nói là hơn bởi lẽ dân ta luôn chiến thắng) với các triều đại phương Bắc thì Nguyễn Trãi mới có đủ tiền đề lịch sử để so sánh, chứng minh. Lại nữa, tác giả "Nam quốc sơn hà" khẳng định độc lập và chủ quyền dân tộc dựa trên "sách trời" còn Nguyễn Trãi dựa vào lịch sử. Đó cũng chính là bước tiến tư tưởng thời đại nhưng đồng thời cũng là tầm cao tư tưởng Ức Trai. Chính tinh thần yêu nước, tư tưởng thân dân là cội nguồn của sức mạnh, cội nguồn của chân lí giúp ta làm nên chiến thắng vang dội: "Lưu Cung tham công nên thất bại Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã Việc xưa xem xét Chứng cứ còn ghi" Kẻ xâm lược đi ngược với chân lí, tất yếu sẽ chuốc lấy thất bại: Lưu Cung thất bại, Triệu Tiết tiêu vong, Toa Đô, Ô Mã, kẻ bị giết, kẻ bị bắt. Nguyễn Trãi lấy "chứng cứ còn ghi" để chứng minh cho sức mạnh của chân lí, sức mạnh của tư tưởng "thân dân" đồng thời đó cũng chính là niềm tự hào dân tộc. Tư tưởng nhân nghĩa xuất hiện ngay từ những con chữ đầu tiên của bài Cáo rồi hòa quyện trong từng lời, từng ý tỏa ra dưới ngòi bút chính luận sắc bén của Nguyễn Trãi. Qua con chữ nhỏ ta thấy được một nhân cách lớn, một lí tưởng đẹp đẽ. Nguyễn Trãi đã dùng một đời để chứng minh điều đó, ông nguyện dành hết tất cả tài đức, khả năng của mình cho việc nhân nghĩa, để trợ dân. Ấy cũng chính là "mối ưu tiên" trở đi trở lại trong thơ ca Ức Trai: "Sách một hai phiên làm bầu bạn, Rượu năm ba chén đổi công danh. Ngoài những phận ấy cần đâu nữa? Cần một: Ngồi coi đời thái bình". (Tự thán - bài 10) Tư tưởng "nhân nghĩa", "mối ưu tiên" đã gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Trãi, đang ngày đêm vượt thời gian - qua bao thế kỉ, bao triều đại và vượt cả không gian - vang danh trên thế giới, ý nghĩa rộng lớn không biên giới của lòng nhân nghĩa ấy để trở thành một tư tưởng vĩ đại của loài người. Đã ngàn năm trôi qua, lịch sử cũng đã lùi vào dĩ vãng, nhưng "Đại cáo bình Ngô" vẫn trọn sức sống như thuở ban đầu, vẫn trở nặng "mối ưu tiên" của tâm hồn Ức Trai. Và chắc chắn chỉ có ngòi bút của Nguyễn Trãi mới làm được điều phi thường ấy! Có lẽ cần mượn lời của nhà thơ Xuân Diệu để thay cho lời kết: "Trước Lê Lợi, đã từng có chiến thắng oanh liệt đuổi sạch quân Nguyên xâm lược ở thời nhà Trần, sau thời Lê Lợi, sẽ có chiến thắng thần tốc của vua Quang Trung đánh đuổi 20 vạn quân Thanh xâm lược, nhưng trong văn học sử chỉ có một áng văn" Bình Ngô đại cáo ", bởi các lẽ: Không có ba Nguyễn Trãi để viết ba áng văn khải hoàn mà lịch sử đòi hỏi ở ba thời điểm, mà chỉ có một Nguyễn Trãi cụ thể, hiệu Ức Trai, ở đầu triều Lê cùng với tài thao lược kinh bang tế thế, đã có cái thiên tài viết văn".