Những mở bài gián tiếp cho tác phẩm Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi haosamthi, 5 Tháng bảy 2022.

  1. haosamthi Yewwww

    Bài viết:
    27
    1. Mở bài 1:

    Tây Bắc - "miền đất hứa" đã đi vào biết bao trang văn, trang thơ của những "thư kí của thời đại". Miền đất ấy đã từng hiện lên trong những dòng thơ Quang Dũng với những chặng đường hành quân gian khổ mà lưu luyến của "đoàn quân không mọc tóc", đi vào câu chuyện của Tô Hoài với những bản làng xa xôi còn bị cường quyền, thân quyền, tiền quyền gian hãm.. Và cũng đi vào văn Nguyễn Tuân với "thứ vàng mười đã qua thử lửa". Tất cả vẻ đẹp của nơi núi rừng Tây Bắc được Nguyễn Tuân gói gọn trong áng văn đẹp đẽ mang tên "Người lái đò sông Đà". Ở đó, ta thấy một Nguyễn Tuân không còn nhớ mãi về những "vang bóng" xa xôi, hoài cổ, ông đã hòa nhập với đất nước và cuộc đời này. Cái đẹp mà ông tìm kiếm đã từ những cái xưa cũ đã qua thành vẻ đẹp non sông đất nước và con người lao động của thời đại. "Người lái đò sông Đà" chính là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ của người thi nhân tài hoa uyên bác, kết tinh từ tình yêu đất nước say đắm, với con sông Đà vừa hung dữ vừa trữ tình thơ mộng và "người nghệ nhân" lái đò đã đạt đến đỉnh cao trong chính nghề nghiệp của mình.

    2. Mở bài 2:

    Từ xưa đến nay thiên nhiên luôn là "mảnh đất trù phú" khơi gợi những cảm hứng của các nhà thơ, nhà văn, từ đó biết bao tuyệt tác đã được ra đời. Nếu như những thi nhân, văn nhân trung đại hướng tâm hồn mình với mây, hoa, tuyết, nguyệt, cầm, kì, thi, tửu- những thú vui tao nhã ở đời thì những tác giả hiện đại lại hướng ngòi bút của mình về cảnh sắc thiên nhiên của đất nước, của con người trong thời đại đổi mới, những người anh hùng thầm lặng cống hiến cho Tổ quốc yêu thương. Họ luôn tìm thấy trên quê hương có những vùng núi non tuyệt đẹp, những di sản thiên nhiên đáng để con người trân trọng, luyến lưu. Và sông nước chính là một trong những cảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy, dòng sông với dòng nước chảy, với lịch sử hình thành cũng như những đặc điểm độc đáo về địa lý đã khơi gợi trong lòng các nhà văn những cảm xúc dạt dào nhất khiến họ phải cầm bút và sáng tạo nghệ thuật. "Người lái đò Sông Đà" –Nguyễn Tuân được ra đời từ chính sự thôi thúc trước cái đẹp.

    3. Mở bài 3:

    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu"

    (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Tây Bắc đã trở thành "nơi gieo hạt" ươm mầm biết bao tác phẩm nghệ thuật "ngát hương" trên thi đàn văn chương Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám. Khi miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, các nhà văn nhà thơ đến với nơi đây để tìm cho mình những nguồn cảm hứng mới. Ta từng biết đến Tô Hoài với tập "truyện Tây Bắc" mà nổi bật là truyện ngắn "Vợ Chồng A Phủ", hay Nguyễn Khải cũng đã từng xôn xao lòng mình với "Mùa Lạc" thì Nguyễn Tuân lại thăng hoa trên mảnh đất này với tập "Tùy bút Sông Đà" với linh hồn là bài kí "Người lái đò Sông Đà". Là một nhà văn đi theo chủ nghĩa xê dịch, dấu chân của Nguyễn Tuân đã đi khắp mảnh đất hình chữ S này, nhưng ông lại chọn Tây Bắc làm nơi cho ra đời đưa con đẻ tinh thần của mình là bởi chỉ có nơi đây mới thỏa mãn thực đơn cho nhãn quan sáng tác của ông. Tùy bút sông Đà là những trang văn được viết bằng ngôn ngữ điêu luyện, những đoạn tả đèo cao, vực sâu, thác nước dữ dội, hoặc cảnh thiên nhiên đẹp đến tuyệt đỉnh, nhưng lấp lánh giữa những vẻ đẹp ấy là hình ảnh con sông Đà hiện lên vừa hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình và lãng mạn.
     
    Thùy MinhGóc bình yên thích bài này.
    Last edited by a moderator: 6 Tháng bảy 2022
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...