10+ Mở bài hay nhất "Những ngôi sao xa xôi" I. Khái quát về tác giả, tác phẩm - Lê Minh Khuê là nhà văn có sở trường về truyện ngắn, với ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, sắc sảo, đặc biệt là tâm lí nhân vật phụ nữ. - Trong kháng chiến chống Mĩ, nhà văn (khi đó lứa tuổi đôi mươi) gia nhập thanh niên xung phong và bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70. Ta hiểu vì sao Lê Minh Khuê chủ yếu viết về cuộc sống và chiến đấu của thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn và những sáng tác ấy đã gây được sự chú ý của bạn đọc. Sau năm 1975, sáng tác của Lê Minh Khuê bám sát những chuyển biến của đời sống, cập nhật đến Nhiều vấn đề bức xúc của xã hội và con người với tinh thần đổi mới mạnh mẽ. - "Những ngôi sao xa xôi" là một trong những truyện ngắn đầu tay của tác giả được viết vào năm 1971. - Truyện ca ngợi vẻ đẹp của ba cô thanh niên xung phong hồn nhiên, dũng cảm, lạc quan. Đó là hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. II. Các mở bài hay Mở bài 01: "Có một thời để mãi nhớ trong tôi Đã tiến bước dưới quân kỳ quyết thắng Bất chấp đạn bom, kể chi trời mưa nắng Súng chắc tay - thời đó mãi sao quên." Trích "Có một thời như thế" Một thời mưa bom bão đạn đã trở thành mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt của một thời kì văn học của nước nhà. Đó là thời kì những chàng trai, cô gái "xẻ dọc Trường Sơn" hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc. Những năm tháng đó, ta không con xa lạ gì với hình ảnh người lính lái xe trong thơ Phạm Tiến Duật, những cô gái mở đường trong "Khoảng trời hố bom" của Lâm Thị Mĩ Dạ hay tình đồng chí, đồng hữu trong thơ Tố Hữu.. Khơi dòng cảm hứng từ những cô thanh niên trinh sát, Lê Minh Khuê đã mang đến cho nền văn học một làn gió mới về thời kì mưa bom bão đạn được thể hiện qua truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi". Hình ảnh những cô gái ấy được ví như "những con thoi trên đèo cao". Như những ngôi sao trên bầu trời luôn phát ra ánh sáng, dù dịu dàng nhưng vẫn không kém phần rực rỡ tựa những cô gái đang ngày đêm chiến đấu hết mình dãy Trường Sơn. Mở bài 02: Lê Minh Khuê - cây bút nữ chuyên viết truyện ngắn - viết về cuộc sống chiến đấu của tuổi trẻ ở tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Bà gắn với bạn đọc bởi tác phẩm: "Những ngôi sao xa xôi" viết năm 1971 khi cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Với cách kể chuyện tự nhiên, ngôn ngữ giản dị, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật vô cùng đặc sắc, truyện ngắn đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, mơ mộng, tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ hi sinh của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn ngày nào. Mở bài 03: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước, tuyến đường Trường Sơn đầy bom rơi đạn nổ đã trở thành con đường huyền thoại. Bởi nơi đây đã có những câu chuyện thần kì với những anh bộ đội hiên ngang, anh dũng, những chiến sĩ lái xe ngang tàng, lẫm liệt mà nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng ca ngợi. Câu chuyện thần kì đó còn là chuyện về những cô gái thanh niên xung phong vừa kiên cường dũng cảm trong chiến đấu vừa hồn nhiên, thơ mộng thật đáng yêu, đáng quý. Lấy cảm hứng từ đó, nhà văn Lê Minh Khuê đã sáng tác thành công truyện ngắn đặc sắc: "Những ngôi sao xa xôi". Mở bài 04: Viết về những nẻo đường Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ, không chỉ có những bài thơ, bài ca ca ngợi những chiến sĩ lái xe hay những cô gái mở đường trong trang thơ của Lâm Thị Mĩ Dạ mà còn có những câu chuyện đầy cảm phục viết về những cô gái thanh niên xung phong, những cô trinh sát mặt đường, những cô chuyên phá bom nổ chậm mở đường cho xe qua. Những cô gái trẻ ấy đã được Lê Minh Khuê (một cây bút nữ xuất sắc của mảnh đất Xứ Thanh) kể lại và khắc họa chân dung tâm hồn tính cách qua truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi". Ba cô gái trẻ là những ngôi sao xa xôi trên cao điểm Trường Sơn một thời bom đạn.. Mở bài 05: Đường Trường Sơn- tuyến đường huyết mạch gắn liền với những năm tháng kháng chiến chống Mĩ dữ dội mà hào hùng của dân tộc. Tuyến đường ấy không chỉ in sâu trong kí ức của những người lính bước ra từ chiến tranh mà còn ghi dấu trong nền thơ ca cách mạng với những tác phẩm thơ văn hay, đặc sắc nhất, đó chính là hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật, đó là những cô gái mở đường trong "Khoảng trời, hố bom" của Lâm Thị Mỹ Dạ. Cũng viết về chiến tranh, viết về tuyến đường Trường Sơn lịch sử, Lê Minh Khuê qua truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" đã tái hiện đầy chân thực, xúc động về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong làm công tác trinh sát mặt đường, đo đất đo đá, lấp hố bom để đảm bảo lưu thông cho đoàn xe chi viện. Mở bài 06: Có một thời để nhớ, một thời đẹp hơn mọi lời ca, một thời mà cả nước lên đường phơi phới bước chân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại: "Đường ra trận mùa này đẹp lắm Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây" Trường Sơn ơi, rầm rập bước quân hành. Ở đó có sự xuất hiện của những cô giao liên, những cô gái thanh niên xung quanh trên tuyến đầu lửa đạn. Sự kiêu hùng, dũng cảm của những cô gái đã đi vào thi ca một cách tự nhiên và để lại đầy ấn tượng trong lòng người đọc. Một trong số đó là tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê. Với sự duyên dáng, tài năng của cây bút trẻ, tác phẩm đã phản ánh chân thực sự khốc liệt của chiến tranh đồng thời ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn như những vì sao lung linh ngời sáng của những cô gái thanh niên xung phong. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Mở bài 10: "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê là một trong những tác phẩm hay nhất viết về đề tài người lính trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Qua việc miêu tả cuộc sống sinh hoạt và công việc chiến đấu của Phương Định, Thao, Nho, Lê Minh Khuê đã tái hiện không khí chiến đấu đầy gian khó và vất vả của cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ngoài ra, tác phẩm đã khắc họa thành công hình tượng đẹp đẽ, chân thực về tinh thần, ý chí của những cô gái thanh niên xung phong. Đó là những cô gái đại diện cho cả thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước, sẵn sàng để lại những giấc mơ, những gì đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân, chấp nhận đánh đổi cả mạng sống để lên đường phục vụ chiến đấu. Mở bài 11: "Chào em, em gái tiền phương Hẹn gặp nhé, giữa Sài Gòn. Em vẫy cười đôi mắt trong." Trích "Lá đỏ" - Nguyễn Đình Thi Hình ảnh các cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đã là một nguồn cảm hứng bất tận cho văn học cách mạng, đó là những cô gái kiên cường nhưng giàu tình cảm, mang những phẩm chất tốt đẹp. Phương Định trong truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" (Lê Minh Khuê) là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống mãnh liệt của hình tượng cô thanh niên xung phong trong lòng bạn đọc. Nhà văn Lê Minh Khuê, bằng một bút pháp tinh tế và cảm nhận sâu sắc, đã mở ra một khoảng trời kí ức trong tâm hồn Phương Định, hé lộ những phẩm chất của nhân vật, đặc biệt qua đoạn trích: "Ở đây, trên cao điểm.. chúng xoáy mạnh như sóng trong tâm trí tôi". Mở bài 12: Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết trong thi phẩm của mình: "Em nằm dưới đất sâu Như khoảng trời đã nằm yên trong đất Đêm đêm, tâm hồn em tỏa sáng Những vì sao ngời chói, lung linh" Trích "Khoảng trời hố bom" Tiếng thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ nhắc nhở bạn đọc chúng ta về hình ảnh của những cô gái thanh niên xung phong trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt, trường kỳ, gian khổ năm ấy. Những con người bé nhỏ, mang trong mình lý tưởng lớn lao mong muốn có thể góp phần vào công cuộc chung dành lại độc lập, tự do cho đất nước cho Tổ quốc. Họ - những con người ấy đã ngã xuống thế nhưng trái tim và tâm hồn của họ vẫn đang tỏa sáng, lấp lánh, ngời chói, lung linh. Cũng viết về hình ảnh cô gái thanh niên xung phong, không thể không nhắc tới truyện ngắn "Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê. Mở bài 13: "Một dãy núi mà hai màu mây Nơi nắng nơi mưa, khí trời cùng khác Như anh với em, như Nam với Bắc Như Đông với Tây một dải rừng liền" Trích "Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" Chỉ với bốn dòng thơ, Phạm Tiến Duật đã đưa người đọc đến với một không gian vừa hoang sơ, vừa kỳ vĩ, vừa thân thuộc, vừa khốc liệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ - con đường Trường Sơn lịch sử. Con đường ấy đã ghi dấu chân của biết bao những chàng trai, cô gái – "Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra đất nước." Những con người đang ở độ tuổi mười tám đôi mươi, gác lại bút nghiên, gác lại hoài bão, những khoảng trời mơ mộng của riêng mình nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh của họ đã rất nhiều lần xuất hiện trong các tác phẩm văn học kháng chiến. Một trong số đó là hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trong tác phẩm "Những ngôi sao xa xôi" của nhà văn Lê Minh Khuê.