Những mở bài hay cho đề bài phân tích truyện ngắn Vợ nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi lllan, 23 Tháng tám 2022.

  1. lllan

    Bài viết:
    1
    Phần mở bài trong một bài văn nghị luận có vai trò vô cùng quan trọng. Mở bài không đơn giản chỉ là nêu vấn đề nghị luận. Muốn đạt điểm cao, tạo ấn tượng cho người đọc, mở bài ngoài đảm bảo yêu cầu chung, còn cần phải hay, sáng tạo.

    Phần mở bài thường có 3 nội dung chính:

    + Dẫn dắt vấn đề: Nêu một vài vấn đề liên quan đến vấn đề cần bàn, chuẩn bị tư tưởng dẫn người đọc, người nghe vào vấn đề bàn luận đặt ra ở đề bài. Dẫn dắt vấn đề cần sáng tạo, gây sự chú ý.

    + Nêu vấn đề: Nêu vấn đề một cách ngắn gọn, nêu đúng vấn đề đặt ra trong đề bài. Vấn đề mà mở bài nêu ra chính là vấn đề mà nội dung bài viết cần làm sáng tỏ. Nêu vấn đề cần cách ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ.

    + Nêu giới hạn vấn đề: Nêu được phạm vi bàn luận trong khuôn khổ nào (1 tác phẩm, 1 đoạn trích văn xuôi, 1 khổ thơ)

    Phần nêu vấn đề và giới hạn vấn đề thường giống nhau. Mở bài hay hoặc không hay khác nhau chủ yếu ở phần dẫn dắt vấn đề. Có nhiều cách để dẫn dắt vấn đề: Đi từ tác giả tác phẩm, từ hoàn cảnh sáng tác, từ đề tài, từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt..

    Mở bài có hai dạng: Trực tiếp và gián tiếp:

    - Mở bài trực tiếp: Đề cập trực diện vấn đề, dẫn dắt đơn giản (Giới thiệu tác giả, tác phẩm, thời gian, không gian, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm).

    - Mở bài gián tiếp: Mở bằng câu chuyện, mở bằng cách nêu câu hỏi, đi từ nhận định văn học, từ một vấn đề lí luận, từ một sự so sánh, một sự khác biệt..

    Sau đây là một số mở bài gián tiếp cho bài văn nghị luận về đoạn trích "Vợ nhặt" – Kim Lân.

    MB1: Kim Lân là một cây bút truyện ngắn chuyên nghiệp, thế giới nghệ thuật tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông là mẫu nhà văn của "quý hồ tinh, bất quý hồ đa". Kim Lân viết không nhiều nhưng có hai tác phẩm được xếp vào hàng "thần bút" là Làng và Vợ nhặt. Có thể coi truyện ngắn Vợ nhặt là thiên truyện "hay đến từng chữ". Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt là đã xây dựng một tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn, lôi cuốn sự chú ý của người đọc và góp phần quan trọng trong việc khắc họa nhân vật và thể hiện chủ đề tác phẩm.

    MB2: Nhà văn Nguyễn Khải đã từng viết: "Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những gian khổ, hi sinh. Ở đời không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ sức mạnh để vượt qua những ranh giới đó". Đọc Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, ta thêm một lần nữa hiểu sâu sắc hơn về chân lý này chỉ bằng hai chi tiết nhỏ về cách ứng xử trước miếng ăn của người vợ nhặt trong năm đói Ất dậu, nhà văn "Một lòng đi về với Đất với Người" với những gì "thuần hậu nguyên thủy" ở làng quê Việt Nam, đã gửi đến cho người đọc những thông điệp sâu sắc về sự biến đổi và sự hồi sinh kỳ diệu của con người ngay trong hoàn cảnh bi thảm nhất, từ đó tô đậm chủ đề giá trị tác phẩm.

    MB3: Trên mảnh đất xưa cũ là đề tài làng quê Việt Nam, nơi những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đã khai thác tưởng chừng như thấu triệt, nhà văn Kim Lân cũng đã xây cho mình ngôi nhà rất riêng, rất vững giữa lòng người và thách thức với thời gian. Giá trị lớn nhất và cao nhất trong các tác phẩm của ông không phải giá trị hiện thực mà là giá trị nhân đạo, là vẻ đẹp của hồn người, tình người ngay trong cái hoàn cảnh nghiệt ngã nhất. Đặc biệt trong truyện ngắn Vợ nhặt (in trong tập con chó xấu xí 1962) nhà văn "Một lòng đi về với Đất với Người" với những gì "thuần hậu nguyên thủy" ở làng quê Việt Nam, đã gửi đến cho bạn đọc những thông điệp sâu sắc với sự biến đổi và sự hồi sinh kỳ diệu của con người ngay trong nạn đói 1945 thảm khốc, từ đó tô đậm chủ đề, giá trị nhân đạo sâu sắc thấm thía của tác phẩm.

    Xem tiếp bên dưới
     
    chiqudoll, nntc6761, Tiên Nhi1 người nữa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 5 Tháng chín 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    MB4: "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ/ Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu" - có những tác phẩm chẳng thể hấp dẫn ta đọc đến trang cuối cùng, nhưng có những tác phẩm đọc đến trang cuối cùng vẫn còn đọng lại biết bao dư âm sâu lắng, ám ảnh khôn nguôi. Dư âm ấy khi như men say, mật ngọt khiến ta cảm nhận từng dòng chảy hân hoan, hạnh phúc trong tâm hồn, khi lại như móng vuốt sắc nhọn của một con vật nào đó chạm nhẹ trái tim ta, khiến ta thổn thức, nhói đau. Sức truyền cảm của một tác phẩm thực sự, bao giờ cũng lắng sâu như thế. "Vợ nhặt" của Kim Lân là một tác phẩm mang đến nhiều dư âm trong lòng người đọc. Đúng như Hà Minh Đức trong Nhà văn nói về tác phẩm đã viết: "Kim Lân là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Kim Lân đã tạo được cách viết độc đáo. Phải nói rằng Kim Lân viết không nhiều, nhưng sáng tác của ông đã gây ấn tượng với bạn đọc". Cả tác phẩm "Vợ nhặt" nói chung và đoạn kết truyện với hình ảnh bà mẹ già bên nồi cháo cám thực sự để lại những ấn tượng khó quên:

    ".. Bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại. Giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo [..] Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy".

    MB5: Ai đó đã nói rằng, tình huống truyện là linh hồn của tác phẩm. Đối với nghệ thuật truyện, xây dựng được một tình huống truyện độc đáo là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sức sống của tác phẩm ấy. Đọc "Vợ nhặt" của Kim Lân, người đọc không khỏi ngạc nhiên, tò mò trước một tình huống lạ: Tình huống "nhặt vợ" của anh cu Tràng. Qua tình huống nhặt vợ được miêu tả trong đoạn văn: "Ít lâu nay.. đẩy xe bò về", Kim Lân vừa tái hiện được cảnh ngộ đói khổ, đáng thương của Tràng, vợ Tràng, vừa trân trọng, ngợi ca khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và vẻ đẹp ấm áp của tình người ngay trong tình cảnh thê lương, thảm khốc nhất.

    MB6: Nếu kết thúc truyện "Tắt đèn", chị Dậu chạy ra khỏi nhà tên quan huyện trong một đêm đen "như cái tiền đồ của chị"; nếu kết thúc truyện "Chí Phèo" là cái chết trong đau đớn của Chí và hình ảnh thị Nở nhìn nhanh xuống bụng nghĩ đến cái lò gạch cũ bỏ không như dự báo một Chí Phèo con ra đời thì Kim Lân lại tìm một hướng đi khác cho câu chuyện nhặt vợ cười ra nước mắt của anh cu Tràng. Kim Lân đã không để cuộc đời của các nhân vật chìm đắm trong bóng tối của đói nghèo và cái chết, hình ảnh Việt Minh cùng lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện cuối tác phẩm "Vợ nhặt" đã tạo nên cho truyện một kết thúc "mở, tự nhiên và sáng".

    MB7: Đọc truyện Nam Cao, ta từng biết đến con quỷ dữ Chí Phèo nhờ tình yêu, tình người của thị Nở mà trở nên lương thiện. Đến truyện Kim Lân, ta lại bắt gặp một anh cu Tràng nhờ nhặt được vợ mà bỗng dưng "nên người". Thế mới biết, tình yêu, tình người có sức mạnh thật kì diệu. Đoạn văn: "Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy. Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra.. hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà" trích trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân không chỉ diễn tả thành công sự thay đổi lớn lao ở nhân vật Tràng từ khi có vợ, mà còn nói lên rất nhiều tấm lòng nhân đạo sâu sắc mà nhà văn dành cho những con người trong tận cùng của túng quẫn.

    MB8: Tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân gây tò mò ngay từ khi đọc nhan đề. "Vợ" mà cũng có thể "nhặt" được sao? Người vợ ấy là người như thế nào mới có thể dễ dàng nhặt được như thế? Nhặt trong tình huống như thế nào? Để rồi khi đọc xong câu chuyện, người đọc không khỏi day dứt, xót xa cho số phận của người đàn bà này, chỉ vì đói khổ mà phải theo không một người đàn ông xa lạ. Đồng thời cũng thêm trân trọng một con người dù trong hoàn cảnh bi đát, bị cái đói, cái chết rượt đuổi, chị vẫn cố gắng vùng vẫy, quẫy đạp để vượt thoát khỏi hoàn cảnh bằng một sức sống mãnh liệt. Nhân vật người vợ nhặt là nhân vật để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...