Ngữ văn: Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài - Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 17 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    "Thân em như tấm lụa đào,

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai"

    (Ca dao)

    Từ ngàn xưa, số phận người phụ nữ đã đi vào văn học một cách nhẹ nhàng và đầy ngang trái. Bởi lẽ, họ phải gánh chịu rất nhiều bất công và nghịch cảnh. Đến ngày nay, cuộc sống của những người phụ nữ đã có sự thay đổi lớn. Nhưng đâu đó vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn cần được quan tâm chia sẻ. Điều này cũng đã được khắc họa rõ nét trong các tác phẩm văn học. "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu cũng là một trong vô số những tác phẩm ấy. "Chiếc thuyền ngoài xa" thể hiện những triết lý nhân sinh sâu sắc. Và nổi bật trong đó là hình tượng người đàn bà hàng chài của vùng biển nghèo.

    Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" (1987) in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường, truyện kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

    Người đàn bà hàng chài là người có ngoại hình thô kệch. "Từ nhỏ tuổi tôi đã là một đứa con gái xấu, lại rỗ mặt sau một bận lên đậu mùa". Thông thường khi sinh ra, ai cũng muốn có vẻ ngoài ưa nhìn. Nhưng bất hạnh thay, ngay từ khi sinh ra, người đàn bà hàng chài đã thiệt thòi về hình thức. Đã thế còn bị mắc bệnh đậu mùa nên rỗ mặt. Tác giả không đặt tên cho nhân vật cụ thể mà chỉ gọi chung là người đàn bà hàng chài, là mụ. Phải chăng Nguyễn Minh Châu muốn hình tượng người đàn bà hàng chài trở thành biểu tượng cho những người phụ nữ kém may mắn? Số phận bất hạnh, thường xuyên bị chồng bạo hành đã được tác giả khắc họa rõ nét. Lớn lên, vì xấu nên người đàn bà hàng chài không có ai chịu cưới. Sau đó chị trót có mang với một anh thuyền chài nhưng không phải là người chồng hiện tại. Chị cũng có may mắn là người chồng hiện tại chấp nhận cưới chị nhưng thực tế: "Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu.. Giá mà lão uống được rượu.. thì tôi còn đỡ khổ..". Chị còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần. Dường như bao nhiêu nỗi khổ đều trút lên người đàn bà xấu xí này. Đã thế, gia đình người đàn bà này rất đông con, có lẽ đến cả chục đứa. Với số con như vậy, gia đình người đàn bà hàng chài sẽ rất nghèo khổ, thiếu thốn về vật chất.

    Thế nhưng qua lời đối thoại ở tòa án, chúng ta đã phát hiện ra bản chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài. Nhẫn nhục cam chịu, thương con, vị tha là nét nổi bật khi nhắc đến tính cách, phẩm chất của người đàn bà hàng chài. "Ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng. Cả nước không có một người chồng nào như hắn". Người đàn bà hàng chài vẫn tự nguyện để chồng đánh vì một lẽ đơn giản, bà muốn trong gia đình có một người đàn ông để cùng mình làm ăn nuôi con. Bà chịu đựng chỉ vì thương con, chỉ vì muốn các con mình có cha, mẹ. "Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão.. đưa tôi lên bờ mà đánh". Chắc chắn bà sợ tâm hồn con mình bị tổn thương, sợ các con không tôn trọng cha chúng. Dù ít học nhưng bà ý thức được trách nhiệm làm cha mẹ, không chỉ nuôi con mà còn dạy dỗ con nên người. Bà quan niệm: "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình". Đó là suy nghĩ của người mẹ hết mực thương con. Quả là người mẹ giàu lòng vị tha. Người đàn bà hàng chài trở thành biểu tượng cao đẹp của tình mẫu tử. Bà biết chia sẻ nỗi nhọc nhằn với chồng. Bà xin: "Quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó". Lời van xin của bà nghe thật tội nghiệp nhưng ẩn sâu trong đó là sự yêu thương chân thành giành cho chồng mình. Bà hiểu chồng đánh mình vì cuộc sống quá khổ mà không thể chia sẻ cùng ai. Chồng bà cũng không uống rượu để bớt khổ. Việc chồng đánh bà dã man như vậy là do quá ức chế. Bà hiểu chồng bà cũng thương bà và con nên mới ở lại cùng bà nuôi con khôn lớn. Bà hiểu chồng bà là một con người có trách nhiệm với gia đình nên bà coi việc tự nguyện để cho chồng đánh là một cách chia sẻ nỗi nhọc nhằn của bà giành cho chồng. Người đàn bà hàng chài trở thành biểu tượng cho người vợ, người mẹ hết lòng vì chồng con.

    Bên cạnh đó, người đàn bà hàng chài là người phụ nữ từng trải và thấu hiểu lẽ đời. Bà nhận ra những phẩm chất tốt đẹp của chồng. Ngày xưa: "lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi". Bà nhận ra đằng sau vẻ thô kệch về hình thức bên ngoài của chồng mình, ẩn giấu bên trong một tâm hồn cao cả, tốt đẹp, người đàn ông này là một người tốt, vị tha nên mới chấp nhận vẻ xấu xí của người đàn bà hàng chài. Bà không chấp nhận lời đề nghị li hôn mà chánh án Đẩu đã gợi ý rất thiện chí. "Chị cảm ơn các chú. Lòng các chú tốt nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn.. cho nên các chú đâu có hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc.. Các chú không phải đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông". Lúc đầu, chị gọi Đẩu là quý tòa một cách trân trọng và xưng con một cách khiêm nhường. Điều này chứng tỏ bà đang xưng hô ở vị thế thấp nhưng đến lúc này, bà gọi là các chú và xưng chị. Khi đó, bà ở vị trí cao hơn. Người đàn bà hàng chài xưng hô như vậy chứng tỏ bà là một người lao động từng trải có nhiều vốn sống, kinh nghiệm sống. Bà hiểu "cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa". "Vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận vui vẻ". "Giá mà lão uống rượu.. thì tôi còn đỡ khổ". Bà có một mơ ước thật phi lí. Bà mơ ước chồng uống rượu. Bà hiểu được trách nhiệm của người làm cha mẹ. Bà hiểu tầm quan trọng, vị trí không thể thay thế của người chồng trong gia đình. Để con mình lớn lên thành người tốt, có cuộc sống nhất định, gia đình đó phải trọn vẹn, có cha có mẹ. Bà là người từng trải, có suy nghĩ sâu sắc, có trách nhiệm, có những phẩm chất tốt đẹp, giàu đức hy sinh, biết sống vì người thân. Bà hết mực yêu thương chồng con mới có suy nghĩ, quan điểm sống như vậy. Thế nhưng "tình thương con cũng như nỗi đau, cũng như cái sự thâm trầm trong việc hiểu thấu các lẽ đời hình như mụ chẳng bao giờ để lộ ra bên ngoài" . Những phẩm chất tốt đẹp của người đàn bà hàng chài đã bị che khuất sau vẻ xấu xí, sau sự phi lí. Đó là những vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng của một người mẹ giàu đức hy sinh, của một người vợ rất mực thương chồng. Một con người đầy bản lĩnh, thấu hiểu lẽ đời. Mặc dù khi mới chứng kiến tấn bi kịch, ta thấy cách xử sự của chị thật phi lí nhưng sau khi hiểu kĩ về cuộc sống của chị, ta thấy đó là việc hợp tình, hợp lí, giàu tính nhân văn, rất đẹp.

    Mặc dù có số phận đầy khó khăn, gian khổ nhưng trong tâm hồn mình, người đàn bà hàng chài có mơ ước thật giản dị. "Giá tôi đẻ ít đi, hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn.. Vui nhất là lúc ngồi nhìn đám con chúng tôi nó được ăn no.." Mơ ước của bà thật giản dị tầm thường. Mơ ước đó là điều hiển nhiên, trở thành hiện thực với đại đa số nhưng lại là niềm hạnh phúc của gia đình hàng chài. Bởi lẽ cuộc sống của họ quá cực khổ. Mơ ước của người đàn bà hàng chài đã phản ánh được phần nào hiện thực cuộc sống lúc bấy giờ. Một bộ phận dân lao động phải vật lộn với trời biển để chống lại cái đói nghèo, để tồn tại. Cuộc chiến này rất khốc liệt, khó khăn. Nơi Phùng chứng kiến được tấn bi kịch gia đình hàng chài phải chăng là nơi mà cuộc chiến chống ngoại xâm đã lùi xa. Nhưng ở đây, con người phải đấu tranh với cuộc chiến chống đói nghèo. Nguyễn Minh Châu đã phản ánh hiện thực một cách chân thực. Ông thấu hiểu và tán đồng những mơ ước chính đáng của nhân vật. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ biết chắt chịu hạnh phúc giữa cuộc đời đau khổ, biết trân trọng nâng niu những gì mình đang có. Bà là người mẹ, người vợ biết cách xây dựng tổ ấm, làm cho gia đình hạnh phúc. Quan niệm "Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ". Quan niệm của bà là quan niệm của người mẹ, người vợ có trách nhiệm với con mình. Đó là quan niệm dựa trên nền tảng đạo đức. Trách nhiệm này cũng được quy định bởi luật pháp. Chính vì quan niệm, ý thức rất rõ trách nhiệm người mẹ, người vợ trong gia đình nên bà cam chịu để chồng đánh, sụp xuống lạy thằng Phác. Bà sợ thằng Phác làm điều gì lầm lỗi. Suy nghĩ của bà dưới cái nhìn của Phùng và Đẩu là lạc hậu nhưng bà vẫn hy sinh vì chồng, vì con.

    Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn nhắc nhở chúng ta cần nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật đằng sau vẻ bề ngoài của hiện tượng. Vẻ đẹp văn xuôi của Nguyễn Minh Châu là vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết con người. Bên cạnh đó, tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp của người đàn bà hàng chài. Đây là một người phụ nữ thấu hiểu lẽ đời, mơ ước giản dị và yêu thương chồng con hết mực. Hình ảnh, chi tiết chân thực giàu ý nghĩa biểu tượng. Tình huống truyện bất ngờ. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, tạo sự chân thật cho câu chuyện. Nhà văn dễ bộc lộ quan niệm nghệ thuật của mình. Mạch truyện tự nhiên theo thời gian nhưng vẫn có sự đan xen linh hoạt. Giọng điệu trần thuật lúc khách quan, dí dỏm, khi day dứt, tự trào, lúc lại trầm ngâm triết lý, có tính trữ tình.

    "Chiếc thuyền ngoài xa" phản ánh tình trạng bạo lực trong gia đình do cuộc sống nghèo đói cơ cực. Người đàn bà hàng chài hiện ra là một người phụ nữ cam chịu, yêu thương chồng con và hy sinh vì gia đình của mình.
     
    THG Nguyen thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...