"Mình về mình có nhớ ta, Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng. Mình về mình có nhớ không? Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn" (Việt Bắc - Tố Hữu) Tố Hữu là một trong những nhà thơ đã dùng ngòi bút của mình phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Con đường thơ của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong phong cách thơ là chất trữ tình chính trị về nội dung và đậm đà tính dân tộc trong hình thức biểu hiện. "Từ ấy" của Tố Hữu lời tự nguyện của một thanh niên yêu nước giác ngộ lí tưởng Cách mạng gắn bó với quần chúng, đấu tranh cho những người lao khổ. Thông qua khổ thơ thứ nhất, Tố Hữu đã khắc họa trạng thái hưng phấn, sung sướng khi tiếp thu ánh sáng mặt trời chân lí: "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim" "Từ ấy" đã thể hiện khá rõ phong cách thơ của Tố Hữu. Ghi nhớ kỉ niệm về ngày được đứng vào hàng ngũ những người cùng phấn đấu vì lí tưởng cao đẹp, Tố Hữu đã viết "Từ ấy". Bài thơ nằm trong phần "Máu lửa" của tập "Từ ấy". Hai câu thơ mở đầu bài thơ bộc lộ niềm vui, sự phấn chấn của nhà thơ khi đến với lí tưởng Cộng sản: "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim" Cụm từ "Từ ấy" là cái mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đáng ghi đáng nhớ của người thanh niên giác ngộ lí tưởng; là sự đánh dấu một cuộc đổi đời, cao hơn là sự hồi sinh của một con người khi nhận ra ánh sáng của lí tưởng cộng sản. Hình ảnh thơ giàu tình hình tượng "bừng nắng hạ" à thứ ánh nắng sáng tươi, rực rỡ chiếu soi khắp nơi đặc biệt là soi sáng cả những ngõ ngách kín nhất của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức của con người. Hình ảnh ẩn dụ "mặt trời chân lí" chính là lí tưởng Đảng, nó có sức mạnh cảm hóa, lay động và thức tỉnh nhà thơ. Một sự liên kết sáng tạo giữa hình ảnh và ngữ nghĩa: Nếu mặt trời của đời thường tỏa ánh sáng, hơi ấm thì Đảng là nguồn sáng kì diệu tỏa ra tư tưởng đúng đắn, báo hiệu những điều tốt lành. Lí tưởng cách mạng đã làm thức tỉnh, bừng sáng tâm hồn người thanh niên trí thức. Hai câu tiếp theo là tiếng reo vui, niềm phấn khởi khi tác giả cảm nhận lí tưởng Cách mạng: "Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim" Hình ảnh so sánh "hồn tôi – một vườn hoa lá" – "rất đậm hương và rộn tiếng chim" cho thấy cuộc sống trong sáng, hồn nhiên, một sức sống sinh sôi dào dạt. Cuộc sống mới tươi vui, rộn rã tràn đầy màu sắc, âm thanh và mùi vị được cất lên như một tiếng ca vui, một lời reo mừng phấn khởi trước nguồn sáng vĩ đại của Cách mạng. Tâm hồn tác giả như một vườn hoa tràn đầy sức sống, tươi mới, mơn mởn và chìm đắm trong âm thanh reo vui của một ngày hội lớn. Đó là ngày mà tác giả bước chân vào hàng ngũ của Đảng. Những từ chỉ mức độ cao "bừng, chói, rất đậm, rộn" gợi vẻ đẹp sức sống mới của tâm hồn cũng là của hồn thơ Tố Hữu. Câu thơ nối dòng, cách so sánh giản dị, biện pháp ẩn dụ, giọng thơ sôi nổi rộn ràng và bút phát tự sự được Tố Hửu sử dụng khá tinh tế. Tâm trạng lạc quan, tin tưởng trước quyết định đúng đắn của đời mình đã được nhà thơ khắc họa một cách vui tươi và sống động. Từ ấy "là bài thơ tiêu biểu cho phong cách trữ tình - chính trị của Tố Hữu. Hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng. Ngôn ngữ gợi cảm, giàu nhạc điệu. Giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu hăm hở. Nhà thơ vận dụng thành công nhiều biện pháp tu từ. Thể thơ thất ngôn trang trọng, cách so sánh giản dị, hình ảnh ẩn dụ độc đáo, giọng thơ say sưa, sôi nổi, kết hợp với bút pháp tự sự.." Từ ấy"là tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Tố Hữu nói riêng và thơ Cách mạng 1930 – 1945 nói chung. Bên cạnh đó, tác phẩm cho thấy niềm vui lớn, lẽ sống lớn, tình cảm lớn trong buổi đầu gặp gỡ lí tưởng cộng sản của nhà thơ. Bài thơ là tâm trạng, là lời reo vui, là tiếng lòng của nhà thơ khi bắt gặp ánh sáng của lí tưởng cách mạng. Qua đó, Tố Hữu muốn gửi gắm đến chúng ta những thông điệp quý báu về cuộc sống. Đó chính là tình yêu quê hương đất nước. Đó là sự tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước ta. Vì thế, mỗi học sinh cần phải học tập chăm chỉ, rèn luyện để trở thành một công dân có ích cho xã hội.