Ngữ văn: Phân tích hình tượng con sông Đà hung bạo - Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 19 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Nguyễn Tuân là nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Phong cách Nguyễn Tuân: Tài hoa, uyên bác, độc đáo. Trong đó, nổi bật là tác phẩm "Người lái đò sông Đà". Tác phẩm góp phần ca ngợi thiên nhiên Tây Bắc tươi đẹp. Đồng thời cho thấy tình yêu quê hương tha thiết và sở trường viết tùy bút của chính tác giả. Hình tượng con sông Đà đã được Nguyễn Tuân khắc họa vừa hung bạo vừa cá tính.

    "Người lái đò Sông Đà" trích trong tập tùy bút "Sông Đà" in 1960 của Nguyễn Tuân. Tập tùy bút có 15 bài là kết quả của chuyến đi thực tế gian khổ và hào hứng lên Tây Bắc. "Người lái đò sông Đà" thể hiện tình yêu, niềm tự hào về Sông Đà, về người lao động tài trí, có tâm hồn nghệ sĩ đã chiến thắng thiên nhiên.

    Con sông Đà hiện lên giống như một chàng trai anh dũng và đầy bản lĩnh. Tính hung bạo, dữ dội của dòng sông đã được Nguyễn Tuân khắc họa tài tình và rõ nét. Thác trên sông Đà rất cao. Thác nước sông Đà thật man dại, nó kết hợp với sóng, gió, ghềnh đá "nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt". Câu văn có cấu trúc trùng điệp, mở ra thế nước dữ dội, náo động, tạo thành những âm thanh dữ dằn "nghe như là oán trách gì, rồi lại như van xin, rồi lại như khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa". Lấy lửa để miêu tả nước – cái đối lập với lửa, lấy rừng để tả sông, Nguyễn Tuân đã gợi được sự tương giao dữ dội man dại của sông Đà. Dòng chảy sông Đà rất hẹp. Sông Đà khác thường ngay từ dòng chảy ngược của nó "Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu", mọi dòng sông đều chảy về hướng đông, một mình sông Đà chảy theo hướng bắc, ngạo mạn như một con ngựa bất kham. Sóng sông Đà rất dữ dội "Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng vào hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên". Hình ảnh so sánh và nhân hóa rất sống động. Sóng nước bám lấy thuyền như một đồ vật háo thắng, hết túm thắt lưng lại đòi lật ngửa ông lão ra giữa trận nước vang trời.

    Sông Đà có nhiều mặt ghềnh. "Lại như quãng mặt ghềnh Hát Loong, dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng muốn đòi nợ xuýt". Câu văn như vẽ ra khung cảnh sông Đà dữ dội, hung bạo với những mặt ghềnh dài hàng cây số. Hút nước trên sông rất nguy hiểm. Sông Đà có những hút nước ngầm sâu, xoáy tít, nguy hiểm rợn người "Nước ở đấy thở và kêu như cửa cống cái bị sặc", "nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi", "có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi biến đi, bị dìm đi và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới" . Nhà văn đã dùng ngôn ngữ của ống kính điện ảnh, khắc họa được không gian ba chiều: Sâu, cao, xa, rất bạo liệt của những hút nước như khối pha lê xanh vừa đẹp vừa đáng sợ ghê người.

    Đá trên sông cũng biết lập trận địa để đón đánh thuyền vượt sông. Cùng với thác là đá "dựng vách thành", vách đá cao "chẹt" lấy dòng sông hẹp, những chỗ hẹp nguy hiểm này được Nguyễn Tuân tả bằng nhiều cách với câu chữ phong phú, so sánh liên tưởng bất ngờ, thú vị. Ông hình dung cảnh tượng rất đỗi hoang sơ bằng cách liên tưởng đến chốn thị thành, có hè phố, có khung cửa sổ, một sự phá cách chỉ có ở những cây bút tài hoa. Một chân trời đá sông Đà hiện ra. Đá sông Đà "từ ngàn năm đã mai phục hết trong lòng sông", khi có con thuyền nào lọt vào "bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền" . Có hòn trông nghiêng thì y như là đang "hất hàm" hỏi con thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao tranh. Những hình thù đá vô tri mà "ngỗ ngược.. nhăn nhúm, méo mó", như "diện mạo và tâm địa một thứ kẻ thù số một" . Những hòn đá sông Đà đứng nằm ngồi tùy thích, nhưng dường như sông Đà đã giao việc cho từng hòn, bày thành thạch trận trên sông với ba vòng mai phục, như một trận đồ bát quái, "đòi ăn chết con thuyền" . Vòng một "trùng vi thạch trận", "mở ra năm cửa trận, có bốn cửa tử một cửa sinh, cửa sinh nằm lập lờ ở phía tả ngạn sông" . Vòng hai "tăng thêm nhiều cửa tử.. cửa sinh lại bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn", với "dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh". Vòng ba"ít cửa hơn, bên phải bên trái toàn là luồng chết cả. Cái cửa sinh lại nằm giữa bọn đá hậu vệ". Với sự quan sát tinh tường, trí tưởng tượng phong phú, liên tưởng so sánh bất ngờ, ngôn từ độc đáo giàu có sắc sảo như thi tài với tạo hóa, Nguyễn Tuân đã truyền đến người đọc cảm giác dữ dội về dòng sông Đà hung bạo.

    Nhà văn không tả sông Đà ở thế tĩnh mà ở thế động, chuyển động náo động, nên sự hung bạo hiện thành hình khối, gào thét trong muôn vàn âm thanh. Người đọc cảm nhận được sắc diện, tâm địa của hình thù đá vô tri "như của một thứ kẻ thù số một". Sông Đà như một thủy quái khổng lồ, nham hiểm, dữ tợn, từ ngàn năm vẫn luôn gây sự với con người. Nhưng sự dữ dội ấy cũng tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ tuyệt vời của thiên nhiên. Đằng sau trang văn chính là tình yêu thiên nhiên đất nước thiết tha của nhà văn với một tâm hồn "lai láng thêm cái lòng muốn đề thơ vào sóng nước" – Nguyễn Tuân. Bài tùy bút này rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Tác phẩm được viết bằng thể tùy bút, sở trường của nhà văn. Đây là tùy bút nhưng đậm đà chất trữ tình, mang dấu ấn riêng của cái tôi Nguyễn Tuân: Tài hoa, uyên bác. Nguyễn Tuân đã vận dụng tri thức của nhiều ngành văn hóa (lịch sử, địa lí), võ thuật, quân sự, đặc biệt là các ngành nghệ thuật (hội họa, điện ảnh.).

    Người lái đò sông Đà là một áng văn đẹp được viết nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp vừa kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...