Ngữ văn: Phân tích bi kịch của gia đình hàng chài - Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 16 Tháng ba 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Nguyễn Minh Châu có thể xem là một trong những cây bút nổi bật với những tác phẩm mang đậm triết lí nhân sinh trong cuộc sống. Ông là người luôn đi tìm "cái hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn con người". Và có lẽ, dường như điều đó đã được Nguyễn Minh Châu khắc họa rõ nét trong "Chiếc thuyền ngoài xa". Có thể nói, tác phẩm chính là lời tâm tình nhẹ nhàng mà sâu sắc của nhà văn đối với mọi người. Thông qua "Chiếc thuyền ngoài xa", Nguyễn Minh Châu vẽ ra một bức tranh về hiện thực đau xót trong gia đình hàng chài ven biển.

    Truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" (1987) in đậm phong cách tự sự – triết lí của Nguyễn Minh Châu. Với ngôn từ dung dị đời thường, truyện kể về chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của ông về nghệ thuật và cuộc đời. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn "Chiếc thuyền ngoài xa" mang đến một bài học đúng đắn về cách nhìn nhận cuộc sống và con người: Một cách nhìn đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật sau vẻ đẹp bên ngoài của hiện tượng.

    Khi đến với vùng biển nghèo xa xôi, nhiếp ảnh Phùng may mắn chụp lại được khoảnh khắc tuyệt đẹp của chiếc thuyền ngoài xa trong buổi bình mình trên biển. Bên cảnh đó, Phùng cũng vô tình chứng kiến hiện thực đau xót trong gia đình hàng chài. Người chồng lầm lì vũ phu: "Người đàn ông đi sau. Tấm lưng rộng và cong như lưng một chiếc thuyền, mái tóc tổ quạ, đi chân chữ bát, hàng lông mày cháy nắng, hai con mắt đầy vẻ độc dữ". Bằng nghệ thuật miêu tả, Nguyễn Minh Châu đã khắc họa hình ảnh một người đàn ông làm nghề chài lưới lam lũ, khó nhọc. Nhưng đối với vợ của mình, người đàn ông này hiện ra là một người đánh vợ một cách tàn ác: "Hùng hổ, mặt đỏ gay.. dùng chiếc thắt lưng (của lính ngụy ngày xưa) quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két:" Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ! " Người đàn ông đã hành hạ vợ con một cách dã man vô nhân tính khi đứa con bênh vực mẹ. Người đàn ông là trụ cột gia đình, có trách nhiệm chở che, bảo vệ cho gia đình. Vậy mà người đàn ông này đánh đập, nguyền rủa vợ con không thương tiếc. " Đang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát ". Khi mới chứng kiến cảnh này, ai cũng sẽ tưởng rằng: Người đàn ông này chưa hoàn thành trách nhiệm của người chồng, người cha và là một người xấu xa. Tác giả xây dựng tình huống bất ngờ, tạo ấn tượng với người đọc.

    Người vợ nhẫn nhục cam chịu, vị tha: " Vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục, không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách chạy trốn. Người đàn bà cảm thấy đau đớn – vừa đau đớn vừa vô cùng xấu hổ, nhục nhã: "Phác, con ơi!". Miệng mếu máo.. những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt ". Bình thường, theo lẽ tự nhiên, khi bị ai đánh, chúng ta sẽ cầu cứu hoặc chạy trốn. Nhưng ở đây, người vợ lại tự nguyện để cho chồng đánh. Quả thực phi lí. Không những thế, khi thấy Phác bênh vực mình, đánh trả lại cha, người đàn bà hàng chài lại sụp xuống lạy con mình. Khi chứng kiến cảnh này, chúng ta đều có cảm giác phi đạo đức. Những chi tiết này hé mở gia đình của người đàn bà đang lâm vào bi kịch nào đó mà chúng ta chưa hiểu hết được. Khi người vợ biết được con đang chứng kiến bi kịch của gia đình mình, người đàn bà cảm thấy xấu hổ, nhục nhã. Người đàn bà hàng chài là người phụ nữ yêu thương chồng con và có số phận bất hạnh.

    Và câu chuyện càng trở nên kì lạ hơn khi có sự xuất hiện của người con trai tên Phác. Phác yêu thương mẹ và có phản ứng mãnh liệt với cha. Đối với mẹ, Phác có những cử chỉ nhẹ nhàng yêu thương: " Cái thằng nhỏ, lặng lẽ đưa mấy ngón tay sờ trên khuôn mặt mẹ, như muốn lau đi những giọt nước mắt chứa đầy trong những nốt rỗ chằng chịt ". Đồng thời, khi nhìn thấy cha đánh mẹ, nó Phản ứng mãnh liệt: " Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm.. nó nhảy xổ vào cái lão đàn ông.. giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng ". Việc con ngăn cha đánh mẹ là việc nên làm nhưng thằng Phác sau khi giành được thắt lưng lại dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt đánh cha. Còn đối với mẹ, Phác lại ân cần hỏi han. Điều này khiến người đọc bị lôi cuốn vào tác phẩm. Nguyễn Minh Châu khơi gợi nhiều suy nghĩ. Ông đã thành công trên phương diện kể chuyện và tạo tình huống bất ngờ trong tác phẩm.

    Khi chứng kiến câu chuyện kì lạ của gia đình hàng chài, nghệ sĩ Phùng ngạc nhiên, xót xa. Trước cảnh tượng ấy, trong Phùng trào lên một cảm xúc mạnh mẽ, ngỡ ngàng: " Như trong câu chuyện cổ đầy quái đản, chiếc thuyền lưới vó biến mất ". Sự việc đối với gia đình người đàn bà hàng chài xảy ra rất nhanh. Phùng chưa kịp suy nghĩ và hành động gì thì chiếc thuyền lưới vó chở gia đình người đàn bà đi xa. Khoảnh khắc sau, bãi cát trở về mênh mông và hoang sơ chỉ còn Phùng và thằng bé. Vậy câu chuyện về gia đình hàng chài là một sự phi nhân tính, phi đạo đức. Một sự thật về cuộc sống, về con người đối lập với khung cảnh thiên nhiên, đối lập với hình ảnh con thuyền và biển tuyệt đẹp trong ánh sương mai. Vậy đâu mới là sự thật, là hiện thực cuộc sống trên bãi biển này.

    Truyện kể lại chuyến đi thực tế của người nghệ sĩ nhiếp ảnh và những cảm nhận sâu sắc về số phận con người. Qua đó, tác giả bày tỏ những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời, về nghệ thuật của người nghệ sĩ, đề cao tính trung thực của người nghệ sĩ và mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và hiện thực. Từ câu chuyện về một bức ảnh nghệ thuật và sự thật cuộc đời đằng sau bức ảnh, truyện ngắn nhắc nhở chúng ta cần nhìn nhận cuộc sống và con người một cách đa diện, nhiều chiều, phát hiện ra bản chất thật đằng sau vẻ bề ngoài của hiện tượng. Vẻ đẹp văn xuôi của Nguyễn Minh Châu là vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết con người. Hình ảnh, chi tiết chân thực giàu ý nghĩa biểu tượng. Tình huống truyện bất ngờ. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất, tạo sự chân thật cho câu chuyện. Nhà văn dễ bộc lộ quan niệm nghệ thuật của mình. Mạch truyện tự nhiên theo thời gian nhưng vẫn có sự đan xen linh hoạt. Giọng điệu trần thuật lúc khách quan, dí dỏm, khi day dứt, tự trào, lúc lại trầm ngâm triết lý, có tính trữ tình.

    " Chiếc thuyền ngoài xa "phản ánh tình trạng bạo lực trong gia đình do cuộc sống nghèo đói cơ cực. Người chồng vì gánh nặng mưu sinh trở thành kẻ vũ phu, thô bạo. Người vợ vì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng mà không biết đã làm tổn thương tâm hồn thơ dại của con. Đứa con vì thương mẹ, bênh vực mẹ mà trở nên thù địch với cha. Người đàn bà hàng chài hiện ra là một người phụ nữ cam chịu, yêu thương chồng con và hy sinh vì gia đình của mình.

    " Mẹ là tia nắng đời con

    Đêm ngày khổ cực héo mòn sắc xuân

    Bấy lâu mẹ đã thấm nhuần

    Những lọ gạo mắm đổi luân ở đời"

    (Lòng mẹ - Minh Lộc)
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...