Bài thơ: Mẹ và quả Tác giả: Nguyễn Khoa Điềm Thật khó mà quên giọng đọc trầm ấm và truyền cảm của PGS. TS Hồ Thế Hà trên giảng đường Đại học ngày ấy. Không giải thích, không bình luận, chỉ đọc thôi, thầy đã đưa bao kiệt tác thơ ca đi vào lòng những người học trò của thầy, để họ tự chiêm nghiệm. Bài thơ Mẹ và Quả hẳn là một trong những bài thơ thầy tâm đắc nhất, vì thỉnh thoảng chúng tôi lại được nghe thầy cất lên, đầy suy tư, lắng đọng: Mẹ và quả Những mùa quả mẹ tôi hái được Mẹ vẫn tin vào tay mẹ vun trồng Những mùa quả lặn rồi lại mọc Như mặt trời, khi như mặt trăng Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên Còn những bí và bầu thì lớn xuống Chúng mang dáng giọt mồ hôi mẹ mặn Nhỏ xuống lòng.. thầm lặng.. mẹ tôi Và chúng tôi một thứ quả trên đời Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi Mình vẫn còn một thứ quả non xanh. (Nguyễn Khoa Điềm) Nói đến mẹ là nói đến cả một bầu trời thương yêu: Năm xưa tôi còn bé Mẹ tôi đã qua đời Lần đầu tiên tôi hiểu Thân phận kẻ mồ côi Quanh tôi ai cũng khóc Im lặng tôi sầu thôi Để dòng nước mắt chảy Là bớt khổ đi rồi () Hoàng hôn phủ trên mộ Chuông chùa nhẹ rơi rơi Tôi thấy tôi mất mẹ Là mất cả bầu trời (Mất mẹ - Xuân Tâm) Ai trong chúng ta cũng đều có thể đã sống như đứa bé trong bài thơ của Xuân Tâm: "Độ nhỏ tôi không tin, người thân yêu sẽ mất". Chúng ta cứ nghĩ mẹ sẽ còn hoài đó cho ta hờn lẫy. Nhưng không đâu. Tình thương của mẹ luôn đi cùng con qua năm tháng bất chấp cả cái chết, nhưng xác thân là hữu hạn. Sẽ có một ngày mẹ nằm xuống và không bao giờ còn dậy nữa. Lúc ấy đứa trẻ trong ta mới sững sờ, mình đã mồ côi. Thêm một người, trái đất sẽ chật hơn Nhưng thiếu mẹ, thế gian đầy nước mắt Mẹ là người cưu mang ta chín tháng mười ngày. Mẹ là người chịu đau đớn để sinh ra ta. Nghe con cất tiếng khóc chào đời, lòng mẹ mừng rỡ quên mọi lo âu. Nằm ướt nhường khô là mẹ, ăn đắng nhả ngọt là mẹ. Bú mớm nuôi nấng chạy chữa thuốc thang, hi sinh tất cả miễn sao con được no ấm hạnh phúc. Mẹ là người đầu tiên và là người cuối cùng thương yêu ta: Mẹ già hơn trăm tuổi Vẫn thương con tám mươi Mẹ là người ta chịu ơn nhiều nhất. Trong tất cả tội lỗi, bất hiếu tội đứng đầu. Thế nên mẹ đã trở thành niềm cảm hứng bất tận cho văn thơ. Mẹ trong bài thơ "Mẹ và quả" là một bà mẹ nông thôn bình dị. Nông thôn với đất và cây, với hoa và trái.. dễ gợi cho người đọc cảm giác ấm áp, thanh bình. Vì đất là mẹ của trần gian, đất là mẹ của muôn loài. Từ đất đã mọc lên bao chủng loại. Trong đó có những cây và trái mà mẹ đã gieo trồng, săn sóc với tất cả niềm tin và hi vọng của mẹ: Những mùa quả mẹ tôi hái được Mẹ vẫn tin vào tay mẹ vun trồng Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lần nói vui rằng, tả về mẹ phải là mẹ nhà quê, mẹ nghèo khổ, mẹ tần tảo.. mới cảm động, chứ nói mẹ thành phố trẻ trung xinh đẹp, ăn mặc hiện đại, lái ô tô thì khó hay lắm. Cá nhân người viết cho rằng, đã là mẹ thì mẹ nào cũng tảo tần, tất bật, hi sinh dù giàu hay nghèo, già hay trẻ, thành phố hay nông thôn. Tất cả những gì mẹ làm đều là để hi sinh cho con, cho sự tiếp nối của mẹ. Chữ đắt nhất trong dòng thơ thứ hai đó chính là chữ "tin". Nghĩa là mẹ đã gửi tất cả tâm hồn của mẹ, cuộc đời của mẹ vào đó. Chữ "những" cho người đọc thấy công việc của mẹ, không phải một mùa mà là những mùa, không phải một lần mà lần này rồi lần sau. Chữ "được" nói lên thành quả và niềm vui của mẹ. Vun trồng rồi gặt hái được kết quả, mẹ vui lắm chứ Những mùa quả lặn rồi lại mọc Như mặt trời, khi như mặt trăng Tại sao không phải là "mọc rồi lại lặn' mà nhà thơ nói đảo ngược:" Lặn rồi lại mọc "? Đó là vì để cho ta biết rằng sự sống vẫn đang tiếp diễn, chưa kết thúc. Mẹ và những mùa quả vẫn còn đang hiện hữu. Mặt trời mọc ban ngày, mặt trăng mọc ban đêm; mặt trời xuất hiện mỗi ngày, mặt trăng thì mỗi tháng. Mặt trời và mặt trăng ẩn dụ cho ngày và đêm, cho ngày và tháng được đem so sánh với quả. Đó là một so sánh đẹp, nên thơ, phù hợp với hai động từ" mọc "và" lặn "ở câu thơ trước. Không biết có phải tác giả ví những quả" như mặt trời "là có màu của mặt trời, và những quả" như mặt trăng "là có màu của mặt trăng hay không. Nhưng đọc hai câu thơ trên, sự liên tưởng và cảm nhận của ta về vòng tuần hoàn lặp đi lặp lại của thời gian và không gian, về chu kì ngày và đêm, ngày và tháng.. là rất rõ, phản ánh quá trình lao động miệt mài, đầy nhẫn nại và không ngừng nghỉ của mẹ. Cuộc đời của mẹ hình như không có thời gian cho sự nghỉ ngơi, nhất là khi những đứa con của mẹ ra đời: Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên Còn những bí và bầu thì lớn xuống Chúng mang dáng giọt mồ hôi mẹ mặn Rỏ xuống lòng.. thầm lặng.. mẹ tôi Dưới sự chăm sóc, vun trồng của mẹ, những đứa con và những loại quả đều có sự phát triển. Mẹ là yêu thương, nhưng yêu thương của mẹ đi cùng hành động. Nỗi vất vả của mẹ hiện rõ qua hình dáng của quả: Chúng mang dáng giọt mồ hôi mẹ mặn Rỏ xuống lòng.. thầm lặng.. mẹ tôi Câu thơ nói rất rõ sự nhọc nhằn lặng lẽ của mẹ. Có thành quả nào gặt hái mà không bỏ ra công sức. Giữa" lũ chúng tôi "và" những bí và bầu "không chỉ có quan hệ đối nghịch như một bên là lớn lên, bên kia thì lớn xuống, mà thực ra, bên lớn xuống kia, mang đầy những giọt mồ hôi của mẹ kia, chính là để nuôi lớn lên bên này. Đó là mối quan hệ mà chỉ độc giả ngầm hiểu. Và còn một điều mà chúng ta cũng chỉ có thể hiểu trong thầm lặng, vì tác giả không viết, rằng quá trình nuôi lớn lên lũ con, sẽ không phải chỉ có những giọt mồ hôi thầm lặng như là trồng quả, mà đi cùng nước mắt và cả máu nữa. Đó là một sự thật hiển nhiên. Khi sinh con ra đời là mẹ đã phải chịu nỗi đau đớn cùng cực: Mẹ ta khi sinh nở Thân thể đều mở toang Tâm hồn như mê mẩn Máu me chan hòa đầy Chờ nghe tiếng con khóc Lòng mẹ mừng rỡ thay Đương mừng, lo lại đến, Rầu rĩ ruột gan này (Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân) Nên ngày sinh nhật còn có tên gọi khác là" Mẫu nan nhật ", ngày nguy nan của người mẹ. Sinh con là một cửa ải mà qua được thì sống, không qua được thì chết, có khi chết cả mẹ lẫn con, có khi mất con còn mẹ, có khi con còn mẹ mất. Vào ngày sinh nhật, tổ chức những bữa tiệc linh đình, hát hò cùng bạn bè, mấy ai nghĩ đến những khổ đau của mẹ mình để mình được ra đời và có một bông hoa, một món quà tri ân mẹ? Rồi mẹ nuôi con lớn lên, bao nhiêu nước mắt đổ ra khi con ốm đau tai nạn, khi con ngỗ nghịch bất hiếu làm mẹ đau lòng? Lũ con của mẹ liệu có hình dung và đong đếm được hay chăng? Đến cuối bài ta mới nhận ra một điều, trồng quả với mẹ tuy vất vả nhưng đầy tự tin, an vui và hi vọng. Còn thứ quả khác mẹ chăm, quả người, thì cay đắng hơn, và quá đỗi bấp bênh, bởi vì: Và chúng tôi, một thứ quả trên đời Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi Mình vẫn còn một thứ quả non xanh. Ta thấy có một sự khác biệt giữa những mùa quả và những đứa con. Khi mẹ vun trồng quả, mẹ tin và mẹ vui vì mẹ thu hoạch được, mẹ không phải chờ lâu: Những mùa quả mẹ tôi hái được Mẹ vẫn tin vào tay mẹ vun trồng Nhưng những người con, loại quả tinh thần của mẹ, thì mẹ phải đợi chờ, mong mỏi trong một thời gian dài hơn, và khắc khoải hơn. Còn gì xót xa cho bằng mẹ tuổi già bóng xế mà con chưa kịp trưởng thành," vẫn còn một thứ quả non xanh ". Mẹ mong con lớn lên, con thảo con hiền để mà trông cậy, bởi lẽ trẻ cậy cha già cậy con là quy luật. Nhưng đã có bao người không đáp ứng được mong chờ của cha mẹ. Khi đó tránh sao khỏi tội bất hiếu, nên người con hoảng sợ. Đó là cái hoảng sợ của lương tri. Tin rằng từ hoảng sợ, người con sẽ có động lực đền đáp để mẹ vui lòng. Mong mỏi lớn nhất của mẹ vẫn chỉ là hạnh phúc và bình an cho các con, mặc đời mẹ" mai sau dù có bao giờ ". Thật may mắn cho các em học sinh khi được tiếp cận bài thơ này trong chương trình giáo dục. Bài thơ sẽ gieo những hạt giống của tình thương và lòng hiếu thảo cho tâm hồn các em, để nhân cách các em được hoàn thiện. Người phương Đông quan niệm, hiếu thảo là điều thiện lớn nhất trong các điều thiện, là nguyên tắc đạo đức đầu tiên của đạo làm người. Ngày Vu lan, bông hồng cài trên áo lại nhắc nhở ta:" Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha", và: Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không. Người viết: Chơn Định