Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ "Mẹ và quả" – Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ Mẹ và quả Đoạn 1. Với lời thơ giàu chất suy tư, chiêm nghiệm, "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ để lại nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ qua những cảm nhận của nhân vật trữ tình - người con. Với con, mẹ là người phụ nữ tần tảo, lam lũ, cũng là hiện thân của những đắp bồi vun vén cho ngọt ngào đong đầy nơi những mùa quả, cho yêu thương nuôi lớn những đứa con. Mồ hôi mẹ thầm lặng nhỏ xuống, để những mùa quả "lặn" rồi lại "mọc". Bàn tay mẹ chăm chút, nâng niu, để những đứa con theo năm tháng lớn khôn. Mẹ đã thu hái biết bao mùa bí, mùa bầu ngọt thơm trái chín. Nhưng điều mẹ ước mong lớn nhất là "được hái" thứ quả mẹ chắt chiu vun trồng cả đời – đó là thứ quả của thành công, thứ quả trưởng thành nơi các con. Đối với mẹ, các con chính là thứ quả đặc biệt mà mẹ dành tất cả tình yêu thương để vun xới, đắp bồi. Thấu hiểu được sự mong chờ của mẹ, cũng là lúc con giật mình hoảng sợ một ngày kia mẹ già yếu mà con vẫn còn non dại, chưa kịp trưởng thành. Bài thơ vì vậy không chỉ dừng lại ở ý nghĩa ngợi ca công lao to lớn và tình yêu thương của mẹ, mà còn khiến mỗi chúng ta thêm nhận thức thấm thía về trách nhiệm cần phải trưởng thành để vui lòng mẹ cũng như trách nhiệm đền đáp công ơn sinh thành của mẹ. Đoạn 2. "Mẹ và quả" là bài thơ mang đậm phong cách nghệ thuật Nguyễn Khoa Điềm: Giàu cảm xúc và đậm chất suy tư. Cảm xúc và suy tư ấy đã lắng đọng lại, kết tinh thành những vần thơ đầy sức lay động. Viết về mẹ như biết bao bài thơ khác, "Mẹ và quả" mang đến cho vườn thơ đầy sắc màu ấy một bông hoa thật đẹp. Bài thơ khắc họa hình ảnh người mẹ cả đời chăm chút, chắt chiu cho những mùa quả - những mùa bí mùa bầu đơm hoa, kết trái. Cũng chính người mẹ ấy cả đời yêu thương, che chở, nuôi lớn lũ con mình. Mẹ chăm quả, mẹ chăm con bằng những nhọc nhằn và sự hi sinh thầm lặng. Thầm lặng như những mặn mòi rỏ xuống, tạo nên dáng bí dáng bầu mang dáng giọt mồ hôi. Mồ hôi mẹ kết thành trái chín nơi cây mẹ mỗi mùa thu hái. Nhưng với mẹ, các con là thứ quả mà mẹ mong chờ được hái nhất. Mẹ mong chờ được nhìn thấy thành quả chăm sóc cả đời mình – đó là sự trưởng thành, khôn lớn của các con. Tình yêu của mẹ thật lớn lao, cao cả, mẹ đâu mong đợi gì cho riêng mình. Sự mong đợi ngọt ngào nhất đều là dành cho các con. Nhưng càng thấm thía sự mong mỏi của mẹ, con càng hoảng sợ một ngày kia, khi bàn tay mẹ "mỏi", mà mình vẫn chưa kịp trưởng thành, chưa kịp "chín" như ước mong của mẹ. Hai câu thơ cuối là trăn trở, suy tư của nhân vật trữ tình – người con đã đánh thức trong người đọc biết bao cảm xúc và suy ngẫm về công lao của mẹ và trách nhiệm đáp đền của mỗi người con đối với công lao ấy. Xem tiếp bên dưới..
Đoạn 3. Những bài thơ viết về mẹ thường đọng lại nhiều dư âm sâu lắng trong lòng độc giả. "Mẹ và quả" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ như thế. Bài thơ ghi lại những cảm nhận của người con về mẹ, về những mùa quả của mẹ và về chính mình. Qua những cảm nhận của con, mẹ là người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó. Bàn tay mẹ vun trồng lên những mùa quả, những bí, những bầu. Mẹ đã chăm chút hết mùa quả này đến mùa quả khác, bền bỉ trong hành trình ươm cây hái trái, hành trình nuôi con và hành trình sống. Dù hành trình ấy thật nhiều vất vả, nhọc nhằn. Nỗi vất vả nhọc nhằn như hằn in trên từng dáng quả, mẹ vẫn âm thầm bồi đắp nên những cây trái ngọt ngào và nuôi con lớn khôn bằng tình yêu và hi vọng. Cảm nhận thấm thía công ơn của mẹ, người con đã đặt mình trong sự so sánh với một thứ quả đặc biệt: "Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái". Người con hiểu được những ước mong của mẹ về sự trưởng thành của các con và cũng hoảng sợ vô cùng khi nghĩ đến "ngày bàn tay mẹ mỏi" mà mình "vẫn còn một thứ quả non xanh". Nét tương đồng giữa "chúng tôi" và "quả" gợi lên nhiều liên tưởng sâu sắc, cảm động: Quả bí quả bầu mẹ đều mỗi mùa thu hái, "quả" chín khôn lớn của các con mẹ có kịp thu hái không? Mẹ có kịp tận hưởng ngọt ngào từ sự "chín" chắn của các con không? Lời thơ cất lên như mang cả những lo sợ của con về ngày mẹ già yếu mà chưa thể nở nụ cười mãn nguyện vì thứ quả đặc biệt mà mẹ tận tụy vun trồng cả đời chưa kịp "chín". Câu thơ cuối là trăn trở trong lòng người con, cũng là câu hỏi lay động biết bao xúc cảm trong lòng người đọc, gợi nhiều suy tư, thấm thía. Đoạn 4. Điều tôi cảm thấy ấn tượng đặc biệt khi đọc bài thơ "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm chính là ý nghĩa sâu sắc ẩn sau lớp ngôn từ mộc mạc, giản dị. Ngôn từ thơ vốn dĩ vẫn gợi nhiều hơn tả. Trong thơ Nguyễn Khoa Điềm thì ấn tượng ấy lại càng đậm nét. Bởi phong cách thơ Nguyễn Khoa Điềm có nét rất riêng: Sâu sắc, trí tuệ mà vẫn tràn đầy cảm xúc. Ngay nhan đề "Mẹ và quả" người đọc ngỡ như bài thơ xây dựng hai hình tượng: Mẹ và quả - mẹ và những cây trái mẹ vun trồng. Nhưng đọc hết bài thơ, ta mới thấy, "quả" ở đây không đơn thuần là cây trái của tự nhiên, quả còn là ẩn dụ cho các con của mẹ. Cả cuộc đời mẹ dành yêu thương chăm chút cho quả và cho các con. Đối với mẹ, các con cũng giống như một thứ quả đặc biệt - thứ quả mà mẹ mong được hái nhất. Mẹ âm thầm nuôi nấng, dạy dỗ các con qua bao mùa quả lặn mọc để mong một ngày thứ quả đặc biệt ấy sẽ "chín" - chín chắn, trưởng thành, vững vàng sải bước trên đường đời. Sự thâm trầm, sâu sắc của bài thơ còn thể hiện ở cách người con bộc lộ cảm xúc trong lòng mình: "Tôi lo sợ ngày bàn tay mẹ mỏi - Mình vẫn còn một thứ quả non xanh". Câu thơ chất chứa biết bao suy ngẫm, trăn trở của người con khi nghĩ về ngày mẹ già yếu mà mình vẫn chưa thực sự khôn lớn, trưởng thành. Điều suy tư ấy không bộc lộ bằng cách nói trực tiếp mà bằng hình ảnh hoán dụ "bàn tay mẹ mỏi", ẩn dụ "quả non xanh" mang ý nghĩa biểu cảm và sâu sắc hơn nhiều. Cảm xúc day dứt của người con khiến bài thơ kết lại mà vẫn truyền đến người đọc biết bao suy ngẫm về bổn phận của chính mình. Kết mà mở - thơ Nguyễn Khoa Điềm sâu sắc là thế đó.