Chương 10: Bấm để xem Lý Văn Khôi tay chân nhanh nhẹn nên một lúc đã làm xong, anh gấp bạt lại rồi để một góc sân bê tông được lợp mái. Anh ra vườn rau hái mấy trái dưa leo, ớt đem để vào cái thau nhỏ nhất ở trong sân giếng. Tiếp theo anh cho nồi thịt lên bếp ga hâm lại, trong thời gian chờ đợi anh rửa dưa leo, cắt khúc rồi trộn với ớt, tỏi, muối, bột ngọt. Anh trộn xong cũng là lúc nồi thịt sôi lên. Tắt bếp ga, anh múc một bát nhỏ thịt đem ra bàn ăn đã bày sẵn đĩa dưa leo trộn. Rút phích cắm của nồi cơm điện, Lý Văn Khôi xới cơm bắt đầu ăn trưa. Đem bát đĩa ra thau ngâm nước, Lý Văn Khôi đợi đến khi ăn xong bữa tối sẽ rửa luôn một lần. Anh ra ngoài sân bê tông được lợp mái tôn lấy ba bao vỏ trấu cho vào không gian rồi di chuyển đến giữa mảnh đất đã thu hoạch bắp thả ba bao vỏ trấu ra, đổ vỏ trấu thành một đống lớn rồi châm lửa cho vỏ trấu cháy từ từ. Nếu đốt quá nhanh, vỏ trấu sẽ thành tro và không còn chất dinh dưỡng nữa. Nếu đốt cho vỏ trấu cháy từ từ thì vỏ trấu sẽ cháy thành than, than là phân bón rất tốt cho cây. Ba bao vỏ trấu ấy cũng là ba bao vỏ trấu cuối cùng mà anh có. Lý Văn Khôi vào nhà lấy tiền, mặc nguyên bộ đồ lao động lái xe ba gác ra khỏi nhà đi mua vỏ trấu. Dẫu sao cũng là chốn nông thôn, anh lại là dân lao động, ăn mặc như vậy cũng chẳng có gì lạ, cũng chẳng phải là đi chơi hay đâu đó, không cần phải ăn mặc đẹp. Cách nhà của Lý Văn Khôi khoảng 2, 5 km có một bác là chủ của một đại lý cà phê và tiêu, có thể nói là giàu nhất vùng. Bác này cũng có bán gạo sỉ và lẻ. Gạo của bác này chính là mua lúa về rồi xay ra gạo mới đem bán. Mà khu vực xay gạo của bác này cũng không nhỏ, mỗi ngày có từ tám đến mười người làm việc ở chỗ xay gạo này. Lý Văn Khôi đến đây mua vỏ trấu, sẵn tiện mua một bao gạo năm mươi cân và một bao lúa về. Đằng nào gạo ở nhà anh cũng chỉ còn khoảng hai cân, lúa cho gà cũng chỉ còn một ít, hôm nay không mua thì vài bữa nữa cũng phải tới đây mua. Chất đầy chiếc xe ba gác, trả tiền xong, Lý Văn Khôi liền lái xe về. Anh dỡ các bao trấu xuống phần sân bê tông được lợp mái, lúc bưng lên thì có mấy anh làm ở chỗ bác kia bưng giúp, bây giờ lại chỉ có mình anh dỡ xuống nên hơi lâu. Bưng bao gạo vào nhà bếp sau đó quay lại xe, dựng bao lúa sang cạnh bao hạt bắp. Vào bếp lấy ly nước uống giải khát, Lý Văn Khôi lấy cái ghế gỗ nhỏ cao bằng gang tay ra ngoài sân giếng nhìn về phía vườn rau nhà mình. Thầm nghĩ hai ngày nay anh tiêu nhiều tiền hơn cả số tiền dùng để mua thức ăn của mấy tháng trước cộng lại. Đương nhiên phần tiêu tiền này chủ yếu là do mua cây giống. Tuy có hơi tốn kém thật nhưng nghĩ đến tác dụng của nó trong mạt thế, Lý Văn Khôi lại có thể lấy lại tinh thần nhanh chóng. Hơn nữa những thứ anh phải tiêu xài còn nhiều nữa nên phần nhỏ này vẫn chưa tính là gì. Lý Văn Khôi ra vườn rau, hai luống rau đã được thu hoạch hết. Hiện tại anh cũng nên trồng lứa rau mới. Cầm mấy gói hạt giống rau trên tay, anh lại suy nghĩ nên trồng cây gì. Trên tay anh là túi hạt giống của rau xà lách, cải bẹ xanh, cải bẹ vàng, cần tây, củ cải, ngò rí, mồng tơi. Hai luống rau cũng khá dài, anh nghĩ muốn trồng một luống xà lách, luống còn lại trồng một ít mồng tơi, cải bẹ vàng, ngò rí và cần tây. Riêng mồng tơi anh trồng ít nhất, bởi ăn không kịp thì cũng không thể bán. Rau mồng tơi khi lên được khoảng ba mươi cm thì Lý Văn Khôi sẽ ngắt phần ngọn của cây, để cây ra phần mầm non hơn và cây tập trung nuôi lá, như vậy lá sẽ luôn luôn xanh non. Có người trồng cây mồng tơi thường cho cây leo lên bờ rào, trước khi anh cũng làm thế, kết quả là hái lá được một thời gian thì lá mồng tơi trở nên già và không ngon nữa, sau đó muốn nhổ cây đi cũng gặp nhiều phiền phức khi dây mồng tơi chạy loạn xạ ở mắt lưới. Ngắt phần ngọn cây, mồng tơi sẽ ra chồi mới và lá sẽ to và non xanh, nhìn rất ngon mắt. Tuy nhiên có một lần ăn không hết, anh đem lên chợ bán thì chẳng ai dám mua những bó mồng tơi của anh vì nhìn lá to và mơn mởn quá, họ nghĩ là phun thuốc kích thích nên không dám mua. Mà công nhận lá mồng tơi anh trồng to thật, có lá còn to hơn bàn tay anh mà. Cái này cũng chỉ có chính anh trồng thì anh biết, ngoại trừ than vỏ trấu và nước thì chẳng có gì nữa. Rút kinh nghiệm lần đó, Lý Văn Khôi chỉ trồng năm hạt mồng tơi thôi. Huống chi bây giờ anh sống một mình, cho dù anh thích ăn rau thật nhưng cũng đâu thể ngày nào cũng ăn một lượng lớn rau mồng tơi trong nhiều ngày liên tục.
Chương 11: Bấm để xem Vỏ trấu cháy xong, từ màu vàng đã trở thành màu đen đặc trưng của than. Lý Văn Khôi đem xe rùa ra chất đầy một xe rồi đẩy đến chỗ luống đất đổ xuống. Tiếp tục lấy một xe rùa than vỏ trấu đổ xuống luống còn lại. Để xe rùa sang một bên, Lý Văn Khôi lấy máy xới đất ra xới đất tơi xốp cả hai luống đất, sau đó tạo luống và gieo hạt giống rau. Bật máy bơm nước để tưới rau. Trong lúc máy đang tưới rau thì anh tới chỗ mảnh đất trồng bắp, dùng xe rùa chở từng xe than vỏ trấu dàn đều cho mảnh đất. Sau đó đem máy xới đất ra, xới đất tơi xốp chuẩn bị trồng đậu xanh. Việc gieo hạt và cho gà ăn đã hoàn thành, Lý Văn Khôi ra ngoài sân xem lại chỗ bắp, vẫn chưa khô hết. Lý Văn Khôi nhớ ra trong không gian của mình không có ban đêm liền trải một cái bạt vào không gian rồi dùng tinh thần lực thu chỗ bắp vào, chỉnh thời gian năm ngày trong không gian bằng một ngày ngoài hiện thực. Buổi tối, sau khi tắm rửa, giặt đồ và rửa chén xong, anh lại cầm tờ danh sách xem lại những thứ cần chuẩn bị. Viết thêm dòng kem đánh răng, bàn chải đánh răng. Quần áo, giày dép cũng cần nữa, thời tiết ở mạt thế rất thất thường, không thể lường trước được. Tắt ti vi, Lý Văn Khôi lên giường ngủ. Trước mắt anh có mấy ngày rảnh rỗi trước khi quay lại với vòng tuần hoàn chăm sóc vườn cây. Nhân lúc này, Lý Văn Khôi lăn vào không gian tập luyện dị năng. Cho không gian có chút biến đổi, Lý Văn Khôi để một dám mây lớn phía trên vị trí của mình che khỏi cái nắng chưa bao giờ thay đổi của không gian mới bắt đầu tập luyện sử dụng dị năng. Lý Văn Khôi không rõ có cách khác để tu luyện dị năng hay không. Bản thân anh tu luyện bằng cách thực hành khống chế dị năng. Với cấp 0, anh chỉ có thể tạo ra chút nước, miễn cưỡng thì tạo ra một quả cầu nước nho nhỏ. Như thế cũng không sao, anh có dị năng trước mạt thế tận bốn năm mà. Cho đến khi dị năng cạn kiệt, Lý Văn Khôi mới dừng lại và ra khỏi không gian. Ngủ một giấc thoải mái, khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, Lý Văn Khôi vẫn như cũ vệ sinh cá nhân rồi cho gà ăn. Vẫn ăn sáng bằng mì tôm và rau tại vườn, Lý Văn Khôi chợt nhớ đến việc chuẩn bị củi cho không gian. Tiếp theo thay quần áo khác, Lý Văn Khôi lái xe ba gác đến chỗ bán tre trúc. Bởi vườn của anh rộng thật nhưng anh cũng không có nhiều củi đến mức có thể sử dụng mà đốt cả mấy năm. Mà trồng cây thân gỗ để lấy củi thì không biết phải chờ đến khi nào. Tre thì khác, nó có tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Chỉ cần trồng vào không gian, không bao lâu nó sẽ lan rộng. Khi cần củi đốt chỉ cần chặt tre thành khúc phơi khô, khi đốt lửa thì nhớ chẻ dọc khúc tre tránh việc không khí trong đốt tre nở ra tạo tiếng nổ. Về phần lá tre cũng sẽ được tận dụng để nhóm lửa. Mua thêm bụi trúc để vào không gian, lúc cần làm giàn cho mướp, đậu ve, đậu đũa, khổ qua hay dưa leo cũng có sẵn mà làm. Về phần tích trữ ga thì Lý Văn Khôi xin miễn. Đã có củi thay thế thì anh sẽ không muốn tốn tiền mua ga, huống hồ bây giờ đã có bếp điện từ rồi. Mạt thế đến, kiểu gì cũng có người làm ra cái này cái nọ, mua ga rồi lại thành ra phí tiền. Mà anh còn phải dành tiền mua đủ thứ nữa, bỏ qua cái gì được liền bỏ qua. Đến nhà trồng tre trúc thì cũng là chuyện của ba mươi phút sau. Chủ nhà là một ông cụ trên bảy mươi tuổi, trồng tre trúc bán cho người ta làm sào hái điều hoặc cán cuốc. Ông cũng thường xuyên làm ra mấy thứ như rổ, nón, thúng bằng tre đem bán. Lái xe ba gác toàn gốc tre trúc về nhà, anh liền tách ra hai phần tre và trúc riêng rồi cho chúng vào không gian, chúng cách nhau cũng không xa lắm. Ra vườn rau nhổ hai bụi khoai lang tím ruột vàng lên, củ khoai anh đem để vào rổ để cạnh giếng chờ trưa sẽ luộc lên sau, phần ngọn khoai cũng bị ngắt ra để trưa nấu canh. Phần dây khoai anh đem cắt ngắn một chút rồi trồng trong không gian. Trước mắt là như thế, có ít khoai thì đem luộc ăn hoặc chặt ra phơi khô nấu khoai xéo, nhiều quá ăn không hết thì đem ra chợ bán. Dây khoai lại liên tục được trồng trong không gian. Cho máy xới đất vào không gian xới đất tạo luống, Lý Văn Khôi trồng hết số dây khoai kia. Sau khi ra khỏi không gian, anh đem chiếc bạt đang dùng phơi bắp ra ngoài phần sân bê tông được lợp mái tôn, sau đó dùng ý nghĩ để trong không gian có trận mưa tưới hết toàn bộ cây đã trồng. Kiểm tra các bắp ngô, tất cả đều đã khô. Lý Văn Khôi mở cửa nhà kho lấy ra một chiếc máy tách hạt bắp mi ni đặt vào giữa bạt rồi cắm điện, đổ bắp ngô vào cho máy tách hạt. Tách hạt bắp xong, Lý Văn Khôi cất máy tách hạt bắp vào nhà kho. Sau đó đem lõi bắp ra chỗ đang phơi thân ngô. Tiếp theo cho bắp vào bao rồi cho lên xe đẩy nông sản, kéo vào nhà kho cất trữ. Chiếc bạt được gấp lại rồi để lại chỗ cũ. Lý Văn Khôi đem cuốc ra dãy chuối bên hông nhà bứng bớt một số cây con vào không gian. Nhà Lý Văn Khôi có hai hàng chuối mật mốc và một hàng chuối lùn. Bình thường anh cũng không chăm sóc gì nhiều trừ một tháng đầu tiên sau khi trồng có tưới nước, về sau toàn phụ thuộc vào thời tiết hoặc khi tưới cho cà phê, chúng mới có nước. Hai hàng chuối mật mốc đem lại cho anh nhiều tiền hơn là chuối lùn, cũng không phải là do ưa thế số lượng mà do giá bán vào ngày rằm hay lễ tết. Đặc biệt là dịp tết, chỉ cần đem các buồng chuối bán hết thì ăn tết có dư. Chuối lùn cũng bán được giá nhưng chẳng ai đời lại đi cúng chuối lún cả nên chỉ có chút giá trị thôi. Mấy cây con ở hàng chuối đều rất nhiều, Lý Văn Khôi cho ngừng thời gian trong không gian ngưng lại, sau đó mới bứng từng cây chuối đem vào không gian. Chỉ để lại một đến hai cây con bên cạnh cây đang cho trái, phần còn lại anh đều bứng hết, phân biệt hai hàng khác nhau trong không gian. Bứng xong rồi, anh đem cả cuốc vào không gian rồi dùng máy xới đất xới một phần đất gần vườn cây ăn trái, sau đó trồng các cây chuối nhỏ xuống với khoảng cách hai mét một cây. Chuối lùn một bên, chuối mật mốc một bên. Lý Văn Khôi không kì vọng vào việc chỗ chuối trong không gian có thể tạo ra giá trị kinh tế gì khủng khiếp cho nhiều bởi chỗ anh chỉ là chợ nhỏ, trồng cho nhiều vào rồi bán cho ai, chưa kể đâu phải mình anh độc quyền bán. Anh trồng vì mục đích ban đầu là chuẩn bị vật tư cho mạt thế để có được cuộc sống thật an nhàn và an toàn trong căn cứ. Còn những cây chuối này cho trái thì anh vẫn cứ bán, ai lại chê tiền. Bước ra ngoài không gian, đặt máy xới đất và cuốc vào chỗ của chúng trong phần sân bê tông được lợp mái tôn. Lý Văn Khôi nhìn đồng hồ, bây giờ đã là 11 giờ 45. Điều chỉnh thời gian bằng với thời gian thực tế, Lý Văn Khôi lại nghĩ đến trận mưa tưới cho cây trong không gian. Ra sân giếng vặn vòi nước rửa chân tay sạch sẽ, Lý Văn Khôi thay bộ quần áo ở nhà. Sau đó vào nấu cơm, rồi nhóm lửa bếp củi, lửa bén lên rồi anh rửa khoai lang đem luộc. Ra vườn rau hái một ít rau má rồi đem đi rửa cùng ngọn khoai lang, cắt nhỏ để vào rổ chờ nấu canh. Anh vào bếp bưng ra nồi thịt đem hâm lại. Đem bát đĩa ra ngâm trong chậu nước, anh lại đem bắp và lúa cho gà ăn. Buổi chiều còn chưa kịp làm gì thì trời đã đổ mưa. Anh chỉ đem một vài thân bắp các thứ đang phơi ngoài sân vào phần sân bê tông được lợp mái nhưng mà anh mới chỉ đem được một ôm thân bắp vào thì trời đã đổ mưa to. Anh cũng chẳng chạy ra mưa để đem phần còn lại vào vì chỗ anh mang vào nhà cũng đủ cho anh nhóm lửa cả tuần, phần còn lại có dính mưa anh cũng chẳng lo vì dạo này mưa không dai dẳng lắm, thân vỏ và lõi bắp có ướt thì mấy hôm sau trời nắng lên rồi cũng sẽ khô nhanh thôi. Mưa như vậy cũng tốt, anh còn đang chuẩn bị tinh thần ba ngày đêm ngủ vật vờ, bây giờ thì khỏe rồi. Một trận mưa này vừa tiết kiệm điện vừa tiết kiệm nước, thời gian và công sức. Nếu như lần nào cây hơi héo mà trời cũng đổ mưa thì tốt. Ngày trước, khi chưa có béc, gia đình Lý Văn Khôi thường thay phiên nhau tưới dí. Bởi tưới dí là cầm ống nước tưới nên cho dù là tưới cho cà phê, tiêu hay điều đều khổ. Ban ngày còn đỡ, ban đêm vừa buồn ngủ vừa muỗi kêu vo ve. Sau nhà anh sắm cái béc mới đỡ vất vả, đem cột béc lên thân cà phê rồi bật máy là xong, hai đến ba giờ sau di dời vị trí đặt béc, hàng béc sau thì đặt so le với hàng trước để không bỏ sót cây là được. Còn vườn tiêu, hai năm trước đã có đầu tư hệ thống tưới tiêu rồi, khỏe hẳn. Còn điều được trồng xen trong cà phê sẽ được cung cấp nước khi tưới cà phê. Trời mưa đâm ra rảnh rỗi, anh rửa bát xong vẫn thấy thời gian quá dài nên đi tắm và giặt đồ sớm, giặt luôn cả bộ đồ lao động, sau khi mắc vào móc liền treo lên cây phơi đồ, rồi cho cả cây phơi đồ vào không gian đang nắng. Vào nhà bật ti vi lên, Lý Văn Khôi lại lấy tờ giấy danh sách ra ghi thêm mục cây phơi đồ và móc treo đồ, mũ nón cũng phải cần nữa. Đặt tờ danh sách xuống bàn, anh bước xuống bếp bưng đĩa khoai lang luộc lúc trưa ra vừa ăn vừa xem chương trình ti vi. Ăn xong, chương trình trên ti vi lại khá nhàm chán nên cũng không muốn xem. Lý Văn Khôi tắt ti vi, đem đĩa trống ra sân giếng rồi vào không gian luyện tập dị năng tiếp.
Chương 12: Bấm để xem Đến khi cạn kiệt dị năng và đói bụng, anh mới ra ngoài hâm lại đồ ăn. Cơm và canh đều còn một nửa, thịt còn một non một bát, chỉ cần hâm lại thịt và canh là được. Dự định bốn đến năm ngày nữa mới đi chợ, mấy ngày nay ngày nào cũng ăn thịt, cho dù số lượng anh ăn mỗi ngày không nhiều nhưng cũng làm anh ngán lắm rồi. Vì dị năng đã cạn kiệt nên Lý Văn Khôi không có vào không gian luyện tập dị năng nữa mà trực tiếp đi ngủ. Ở nông thôn thường ngủ khá sớm, khoảng hai mốt giờ hầu như đã chẳng còn nhà nào bật đèn nữa, không gian lặng ngắt như tờ. Chỗ của Lý Văn Khôi lại là nơi trồng cây công nghiệp nữa, nhà anh lại ở ngõ nhỏ, đêm đã lặng lại càng yên tĩnh hơn. Lý Văn Khôi tỉnh dậy, lần này anh dậy sớm hơn báo thức một chút. Vào phòng tắm làm vệ sinh cá nhân, sau đó lại lên giường ngủ tiếp. Bên ngoài vẫn mưa rả rích, tuy không mưa lớn bằng chiều qua nhưng anh cũng chẳng muốn đi làm. Ai muốn dầm mưa bao giờ, hơn nữa có chậm vài ngày cũng chẳng sao, dẫu sao bây giờ cũng chưa phải chính vụ thu hoạch cà phê, vội cái gì. Con mắt đang nhắm của Lý Văn Khôi bỗng nhiên trừng lớn, anh vội ra bàn ở phòng khách lấy tờ giấy danh sách vào phòng ngủ rồi lại trùm chăn nằm trên giường, khác một chút với lúc nãy là anh nằm úp sấp, kê gối dưới cằm và ngực. Tay cầm bút viết lên tờ danh sách bao đựng nông sản, phân bón và những chiếc bạt. Vườn cà phê nhà anh có diện tích lớn nhất thôn, thu hoạch cũng nhiều nhất nhưng lúc thu hoạch và phơi cũng cực khổ nhất, đặc biệt là từ hai năm trước đến giờ anh chỉ có một mình nên có thuê người chứ mình anh làm không xuể. Mà mùa cà phê lại cứ đúng chính vụ vào mùa mưa mới đau, lúc đó đừng nói chuyện nằm trong chăn như anh hiện giờ, chính vụ rồi thì có mưa cũng phải ra vườn thu hoạch cho kịp. Nếu mùa thu hoạch cà phê mà không rơi vào mùa mưa mà vào mùa nắng thì anh càng khổ bởi khi đó có tiêu, thu hoạch xong tiêu thì đến thu hoạch điều, lúc đó thì thời gian đâu ra mà làm. Để tránh trường hợp sân lớn vẫn chật như bao năm nay, anh dự định trải một loạt các bạt trong không gian rồi cho bớt cà phê tươi vào đó phơi. Sân bê tông trước nhà lại chỉ để một chút qua mắt người ta thôi. Thực ra vẫn còn một cách khách là bán cà phê tươi nhưng chỗ anh ở lại không có đại lý nào thu mua cà phê tươi mà cho dù có thì đa số người dân cũng không muốn bán cà phê tươi, anh cũng vậy. Bởi vì chỉ cần bỏ chút công sức phơi rồi đem xay, đem bán nhân cà phê thì sẽ lời hơn. Riêng Lý Văn Khôi thì khác các hộ dân khác một chút là anh có máy xay cà phê. Phơi xong lúc nào xay lúc đó, không cần phải tốn tiền thuê máy về xay cà phê. Đặt tờ danh sách lên tủ đầu giường rồi đặt bút chặn lên trên, Lý Văn Khôi lại cuộn mình trong chăn ngủ tiếp nhưng anh không ngủ được quá lâu bởi vì anh đói. Ra khỏi giường, anh xuống bếp dùng nồi cơm điện nấu cơm trước. Sau đó một tay cầm ô tay kia đặt con dao nhỏ vào rổ rồi cầm rổ ra ngoài vườn rau. Ngồi xổm bên luống rau, anh đặt rổ rau sang một bên, tay cầm chiếc ô để trên đùi, còn phần thân ô thì dùng cổ và vai giữ lại để hai tay được rảnh. Lý Văn Khôi cắt hành trước, là cắt không phải nhổ bởi chỉ cần giữ một phần củ hành và gốc hành còn trong đất, cây hành sẽ tiếp tục mọc ra từ phần bị cắt. Cắt được ba củ hành tây và bốn cây hành lá, Lý Văn Khôi xoay người đang luống rau đằng sau lưng cắt một bông súp lơ, sau đó bỏ dao vào rổ rồi cầm rổ và ô bước đến luống rau khác hái hai quả ớt chuông, một xanh một đỏ rồi vào sân giếng. Dựng ô sang một góc, Lý Văn Khôi đem rau mình vừa hái rửa sạch và cắt nhỏ, sau đó đặt rổ rau lên giá cho ráo. Chợt nhớ chưa cho gà ăn, anh lấy ô che người, đem hạt bắp cho gà, vì những con gà kia đã có thể ăn bắp nên anh không nhốt riêng nữa và để cho chúng cho ăn hạt bắp luôn. Cầm hơn nửa xô nhỏ hạt bắp cho gà ăn xong, anh bước vào sân giếng lần nữa rửa sạch tay chân rồi mới bật bếp ga xào rau. Ăn xong, nằm trên giường, tay cầm tờ danh sách. Lý Văn Khôi lại nghĩ đến những gì mình cần đến. Còn phải trồng lúa và lúa nếp trong không gian nữa, lại còn phải chuẩn bị những thứ nhưng đồ băng bó, cầm máu thuốc sát trùng nữa. Về lúa thì đơn giản, anh lại chẳng vừa mua một bao lúa cho gà còn gì, mang tiếng là lúa cho gà nhưng hạt lúa rất chắc, không hề bị lép. So với lúa dùng để xay gạo cho người thì chẳng có gì khác, chỉ khác ở mục đích sử dụng. Còn lúa nếp thì hơi khó, bởi chỗ của anh không có ai bán lúa nếp mà chỉ bán gạo nếp. Nhưng thời này là thời nào chứ, trên chợ và đại lý nông sản không có bán thì anh lên mạng mua.
Chương 13: Bấm để xem Nếu đã trồng lúa thì còn phải mua máy tuốt hạt không dùng năng lượng nữa, chính là loại máy dùng bàn đạp để tuốt lúa. Tuy rằng kiếp trước có người chế tạo ra máy phát điện bằng tinh hạch nhưng anh lại không nghe nói có ai cải tạo các loại máy móc bằng xăng dầu sử dụng năng lượng tinh hạch. Mà mấy loại máy gặt đập liên hợp có cái nào không cần dùng xăng dầu. Chưa kể muốn tách hạt lúa thành gạo và trấu còn cần máy xay lúa nữa. Không có khả năng Lý Văn Khôi sẽ mua máy xay lúa bởi có dòng suối chảy xiết trong không gian anh sẽ tận dụng nó, chỉ cần thêm mấy cái guồng quay nước cùng mấy cối để giã lúa bằng sức nước là được. Nhưng đó là cho đến mạt thế anh vẫn chỉ có một mảnh trồng lúa nhỏ, còn nếu ba năm sau mảnh đất trồng lúa trong không gian của anh lớn thì anh sẽ mua máy xay lúa. Rồi lúc đó cũng phải mua thêm máy xay bột nữa. Viết thêm những thứ vừa nghĩ đến, anh lại nghĩ đến việc cần thêm một cái nhà kho cỡ lớn nữa để đặt vật tư. Nếu cứ để trong không gian cũng không sao nhưng cứ để nắng chiếu lên hàng hóa suốt cũng không tốt. Về việc này, anh sẽ chờ cho đến khi kết thúc vụ mùa cà phê vào ba năm sau, khi đó anh bắt đầu mua nhiều các vật tư và khi đó dị năng của anh cũng sẽ đạt cấp cao hơn, anh sẽ đưa cả nhà kho vào không gian rồi thuê thợ đến xây cái nhà kho mới. Như vậy anh sẽ có hai nhà kho, một đặt trong không gian, một để ở bên ngoài. Còn số lượng hàng hóa khổng lồ kiểu này thì không những cần một nhà kho ở không gian mà còn cần nhiều lần mua hàng, chuyển hàng. Cái xe ba gác của anh liệu có chở đi chở về nhiều chuyến mà không khiến người ta nghi ngờ không, đương nhiên là không. Cho nên anh nghĩ cần thiết phải mua tấm phủ thùng xe che kín lại, à mà thôi, lấy cái bạt phủ cho đỡ tốn kém. Khi anh đem đồ vào thùng xe thì sẽ lợi dụng sự che chắn này mà cho đồ vào không gian, như vậy mỗi lần anh chỉ đi đi về về một vài lần nhưng hàng hóa mua được lại gấp nhiều lần. Hàng hóa nhiều cũng không thể mua ở chợ nhỏ, chợ thị trấn cũng có thể mua nhiều nhưng không thể mua nhiều đến mức muốn vét cả tiệm người ta được. Lý Văn Khôi lại nghĩ đến một nơi khác, đó là chợ đầu mối, hầu như chỉ có người dân sống xung quanh khu vực chợ đầu mối mới mua hàng hóa số lượng nhỏ còn những thương lái hoặc tiểu thương sẽ mua hàng hóa với số lượng lớn với giá bán sỉ. Anh đến đó có mua nhiều đồ người ta cũng chẳng bất ngờ. Chợ đầu mối cách chợ thị trấn khoảng bốn mươi hay bốn mươi mấy km gì đó, anh không biết rõ lắm nhưng anh biết đường đi đến đó. Chỉ cần đi theo quốc lộ sẽ thấy một cái chợ rất lớn, có hẳn bảng hiệu treo ở trên cao báo hiệu đó là chợ đầu mối. Nhưng đường lên thị trấn thì rõ rồi nhưng đến quốc lộ rồi thì phải rẽ sang phải hay trái? Lý Văn Khôi cầm điện thoại mở mạng, bật GPS lên rồi tìm đường đến chợ đầu mối. Đương nhiên Google Maps không thể chỉ đường từ nhà của anh đến chợ đầu mối được mà chỉ hiển thị vị trí của anh cùng con đường từ thị trấn đến chợ đầu mối. Khoảng cách là 45 km, thời gian di chuyển khoảng hơn một tiếng. Khoảng vài năm nữa, Lý Văn Khôi sẽ đến đó mua một loạt vật tư, còn hiện tại thì cứ thu thập một ít các cây trồng vào không gian đã. Lý Văn Khôi ra khỏi giường, bước đến ngăn tủ lấy chiếc chìa khóa rồi đẩy tủ quần áo sang một bên. Không còn tủ quần áo che phía trước, hình ảnh két sắt được lộ ra. Lý Văn Khôi nhìn nó lại muốn phục bố mẹ mình sát đất, khi xây nhà liền cố tình làm mảnh tường này dày hơn bình thường rất nhiều, lại để hổng một khoảng vừa đủ để két sắt cách mặt đất nửa mét. Này cũng chẳng ai ngờ đến được. Tra chìa khóa, bấm mật khẩu, xác nhận dấu vân tay, Lý Văn Khôi mới mở được cửa két sắt. Bên trong có sổ đỏ, sổ hộ khẩu gốc, giấy khai sinh, năm cái sổ tiết kiệm, hai mươi cây vàng cùng một hộp gỗ to bằng ba ngón tay, bên trong hộp, trên lớp vải nhung màu trắng là một viên sapphire. Ngoài ra còn có hơn năm mươi triệu đồng tiền mặt. Lý Văn Khôi lấy ra mười triệu đồng, mai là mùng mười dương lịch rồi, anh cũng nên trữ một ít đồ dùng thôi. Mười triệu cũng không hết trong ngày mai được nhưng anh vẫn rút ra số tiền này để có sẵn tiền trong tay thì cũng dễ làm việc hơn. Đóng két sắt lại, Lý Văn Khôi kéo tủ quần áo về chỗ cũ để che đi vị trí két sắt. Buổi chiều trời đã tạnh mưa nhưng không khí còn ẩm ướt, cây cối càng không cần nói, chạm nhẹ vào cành lá cũng có thể rơi một đống nước, đất vườn vì ngâm nước mưa gần một ngày mà lĩnh sĩnh một lớp bùn mỏng phía trên. Dẫu sao bây giờ chưa vào mùa thu hoạch, Lý Văn Khôi chưa phải vội vàng làm gì.
Chương 14: Bấm để xem Rảnh rỗi, Lý Văn Khôi đặt tiền, danh sách, bút và điện thoại trên tủ cạnh giường rồi lắc mình vào không gian luyện tập dị năng. Vì cấp bậc của anh bây giờ đang thấp nên chỉ luyện tập chốc lát đã cạn kiệt dị năng, thân thể cho đến tinh thần đều mệt mỏi. Ra khỏi không gian, anh lại nghĩ đến trận mưa để tưới cho các cây anh đã trồng trong không gian. Khi ra khỏi không gian anh đã nghe thấy tiếng ồn từ động cơ và cả tiếng nói chuyện của người khác ở bên ngoài. Bước ra khỏi phòng khách, anh xỏ dép lê bước ra ngoài ngõ xem chuyện gì. Hóa ra là nhà hàng xóm có vườn cà phê đối diện nhà anh thuê máy đến rạch lối trong vườn cà phê. Ngày trước thường thường mỗi lần cào lá để chuẩn bị vụ mùa thu hoạch cà phê, nông dân phải đào hố rồi cào lá vào hố, tiếp theo sẽ chôn hố lá lại. Có nhà sẽ không đào một cái hố như thế mà đào một vài rãnh xung quanh hố cà phê rồi cào lá vào rãnh đó rồi lấp lại, làm theo cách này vừa có thể cào lá vừa có thể tạo hố cho cây cà phê. Cho dù cách nào thì cũng rất mệt, mấy năm gần đây đã có nhiều nhà thuê máy đến rạch những đường dài trong vườn cà phê, như vậy chỉ cần cào lá lại rồi lấp lối rạch là xong, đỡ tốn công sức và thời gian rất nhiều. Thế nhưng cũng có những nhà không muốn tốn tiền thuê máy nên vẫn tự mình đào hố lấp lá. Ví dụ như nhà hàng xóm có vườn cà phê ở phía bên trái vườn nhà anh chẳng hạn, cứ đến thời gian cào lá là huy động lao động cả nhà ra làm việc. Nhưng đó là vì nhà hàng xóm đó đông người, tính sơ sơ cũng năm lao động chính gồm hai bác, hai người con ruột và một người con rể. Riêng Lý Văn Khôi sẽ thuê máy rạch cho khỏe, thứ nhất là bởi vì đất vườn nhà anh rộng, thứ hai là anh chỉ có một mình, nếu tự mình đào hố thì anh làm không nổi, cũng không phải anh làm không nổi mà vì như thế thì thời gian sẽ rất lâu và công sức đổ vào cũng rất nhiều. Bước tới chỗ những người đang làm việc, anh hỏi giá thuê rạch lối trong vườn như thế nào. Năm nay đắt hơn năm ngoái một chút xíu nhưng vẫn là cái giá có thể chấp nhận được. Sau lại bảo họ xong việc lại qua nhà mình làm. Bình thường người ta hay chọn hai hàng rạch một lối cho tiết kiệm nhưng anh nghĩ đến đống lá rụng như chưa từng được rụng ở vườn nhà mình nên đã chọn một hàng rạch một lối. - Đất vườn nhà tôi tính từ đây sang cái hàng rào ngăn vườn ở kia. Ở bên trái này thì tính từ đây đi qua cái ngõ kia đến tận hàng rào ngăn vườn ở đó. Phía sau thì không có ngăn cách nhưng mấy anh đi lên sẽ thấy chỗ vườn cà phê mà cỏ mọc tràn lan, cái vườn có cỏ mọc tràn lan đó là của nhà người ta. Vừa nói, anh vừa chỉ tay hướng dẫn, cũng không phải anh nói xấu người ta nhưng mà thực sự ở vườn nhà kia có rất nhiều cỏ. Chỉ cần đứng ở phần giáp ranh hai mảnh vườn liền thấy được sự khác biệt giữa một bên nhiều cỏ và một bên ít cỏ tới đáng thương ở vườn của anh. Ảnh hưởng từ tư tưởng không để cỏ mọc như bố mẹ, một tháng anh đi cuốc cỏ một lần để có thể diệt cỏ trước khi nó sinh sôi. Một phần khiến cỏ ở vườn cà phê của anh ít là do cà phê nhà anh rụng nhiều lá quá, cỏ lấy đâu ra chỗ để mọc. Cũng vì vậy mà cỏ nhà anh rất ít, cũng vì thế nên mỗi lần trừ cỏ là anh vác cuốc ra vườn mặc dù máy xới đất có khả năng phay nát cỏ. Bởi vì cỏ ít nên khi mang cuốc sẽ thuận tiện hơn nhiều. Đôi khi nguyên một hàng cà phê cũng không có lấy một cây cỏ, đây căn bản không phải đi làm cỏ mà là đi tìm cỏ để cuốc. Với số cỏ ít như vậy, đưa máy xới đất ra lại mệt người hơn là cầm cuốc. Mấy người này làm cho nhà hàng xóm đối diện cũng nhanh, tầm khoảng một giờ sau đã xong rồi. Sau khi lấy tiền, họ chuyển hướng sang nhà Lý Văn Khôi bắt đầu rạch lối. Còn anh thì vào phòng ngủ cầm tiền cho vào túi quần rồi ra ngoài giám sát công việc, khi nào họ làm xong thì trả tiền luôn để họ khỏi phải chờ. Đất vườn nhà anh đã chẳng ít, người ta trồng cà phê thì còn làm khoảng cách ba mét, cà phê nhà anh lại chỉ có hai mét rưỡi một cây cho nên số cây cà phê nhiều hơn hẳn so với nhà khác, số đường rạch cũng nhiều hơn hẳn. Khi những người này làm xong thì cũng đã là chiều muộn. Lý Văn Khôi đem số tiền chuẩn bị sẵn ra trả cho họ cũng sẵn tiện lấy số điện thoại để năm sau muốn thuê họ đến rạch lối trong vườn cà phê cũng tiện hơn. Vào sân lấy bắp cho gà ăn rồi vào sân giếng rửa chân tay, Lý Văn Khôi bật bóng điện rồi vào bếp xào lại chỗ rau củ lúc trưa rồi ăn cơm.
Chương 15: Bấm để xem Tắm rửa giặt đồ sớm, anh lên phòng khách xem chương tình thời sự. Sau khi chương trình hết thì chuyển sang một số kênh khác, gì chứ nói về hoa, anh không có hứng thú, hơn nữa mạt thế đến thì còn ai muốn để ý dăm ba cái vụ hoa lá làm gì, khi đó có mà nhìn thấy thực vật lại chẳng sợ nó đã biến dị hoặc thi hóa rồi chạy xa cả chục mét không chừng. À mà từ từ, hiện tại còn mấy năm nữa mới tới mạt thế, mà mấy loại hoa cứ đem trồng trong không gian, đến ngày lễ tết gì đó đem ra bán lại chẳng kiếm được khối tiền. Ví dụ quốc tế phụ nữ, ngày nhà giáo, ngày phụ nữ Việt Nam hay ngày tình nhân đều cần hoa hồng, ngày lễ tết gì đó thì hoa cúc chẳng hạn. Cho dù là mạt thế đến thì nhu cầu này cũng không phải không có. Ban đầu khi mạt thế mới xảy ra thì đúng là không ai thèm để ý hoa cỏ này nọ mà chỉ chăm chăm giữ mạng. Nhưng chỉ cần một thời gian sau, khi căn cứ được thành lập, dị năng giả đột phá cấp cao thì những dị năng giả này sẽ có những nhu cầu xa xỉ hơn, sau chỗ ở và thức ăn thì họ sẽ nghĩ đến những nhu cầu khác ví dụ như muốn đẹp và tươm tất hơn chẳng hạn. Mà trước khi mua được hoa thì chính họ sẽ có thể để ý vẻ ngoài trước, như vậy anh còn cần chuẩn bị gương lược hay buộc tóc, mấy thứ như kéo cắt tóc, kìm cắt móng tay. Đến lúc đó chẳng cần lo không có người mua. Chỉ mới nghĩ thôi, Lý Văn Khôi đã thấy tinh hạch bay quanh mắt. Vội vào phòng lấy tờ giấy danh sách và bút ra phòng khách ghi lại những điều mình vừa nghĩ ra. Khi anh ghi xong và ngẩng đầu lên thì chương trình trên ti vi lại đang nói đến cách trồng hoa hồng bằng phương pháp dùng cành. Anh cũng rất nghiêm túc theo dõi, cũng ghi nhớ được những điều cơ bản và cần chú ý còn nếu anh có quên thì anh sẽ lên YouTube tìm hiểu. Chương trình này hết, anh chuyển qua kênh khác, kênh này lại nói về cách làm son phấn từ hoa hồng. Theo anh thấy cái này cũng đơn giản, nhưng làm phấn thì nguyên liệu có hơi khó tìm hơn. Nhưng kệ, anh sẽ lưu ý cách làm son, về sau khi không gian của anh ngày nào cũng hoa nở anh sẽ mua một vài thùng ong đặt vào, vừa lấy sáp làm son lại vừa có thể lấy mật đem bán mà hoa không phải lúc nào cũng nở thì anh sẽ cho ong ăn đường. Lại nhắc đến đường anh lại nhớ ra phải mua đường nhưng mà hình như có cách làm đường thủ công từ mía nhưng chỉ là màu sắc nâu chứ không được trắng như đường được làm từ nhà máy thôi. Nếu vậy thì anh cần trồng mía vào không gian nữa, cũng cần mua máy ép mía, một loại dùng điện và một loại không cần điện. Dẫu sao cũng phải chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ nhất chứ. Ghi lên tờ danh sách thêm dòng mía, máy ép mía dùng điện và không dùng điện. Vỏ son thì cũng có thể mua được mà không thì dùng trê trong không gian, lấy hai đốt tre một to một nhỏ lắp lên nhau là được. Nghĩ đến tính thẩm mỹ, anh vẫn là ghi thêm chữ vỏ son ở dòng phía trên. Tắt ti vi, Lý Văn Khôi kiểm tra một lần các cửa đã đóng và khóa lại chưa rồi ra phòng khách cầm tờ danh sách và bút đem vào phòng ngủ sau đó tắt các bóng điện, đi ngủ. Sáng sớm, Lý Văn Khôi lại tỉnh dậy vì báo thức. Lẽ ra anh cũng có thể tự dậy được nhưng mà lúc đó đã bảy giờ rưỡi, có hôm đã tám giờ rồi. Tỉnh dậy vào giờ đó, sau khi vệ sinh cá nhân xong, anh vẫn có thể đi làm được nhưng mà thời gian đi làm sẽ ngắn hơn một đến hai giờ, như vậy thời gian ở ngoài vườn của anh lại tăng thêm. Mà vào vụ thu hoạch, dậy trễ là một thảm họa đối với anh, bởi vì công việc rất nhiều nên anh chỉ hận một ngày không thể nắng đến hai mươi giờ để có thể thu hoạch nông sản nhanh hơn. Đi vào phòng tắm vệ sinh cá nhân. Hôm nay là mùng mười dương lịch, có không ít các đồ giảm giá, thanh lý của các công ty, không mua thì phí lắm. Nhưng mà những xe tải chở đồ này cũng không đến sớm, thường thường sáu rưỡi mới đến, khoảng sáu giờ bốn lăm mới bày hàng hóa xong xuôi. Bây giờ mới sáu giờ, anh ra vườn cắt một nắm rau hẹ vào ăn với mì tôm đã, ăn xong rồi lên chợ cũng không muộn. Sáu giờ ba mươi, Lý Văn Khôi để cái làn đựng thức ăn ra thùng xe ba gác rồi lái xe ra ngoài chợ. Đậu xe đối diện bên đường đối diện chợ, bây giờ mấy xe tải chở hàng mới đến, đang sắp hàng hóa ra. Lý Văn Khôi cầm làn nhựa vào chợ mua ít đồ ăn trước. Chẳng gì nhiều, chỉ mua cân cá ba sa rồi đi vào một quán tạp hóa mua cái mũ và khẩu trang vải. Tiệm tạp hóa này cũng là tiệm có tiếng bán rẻ nhất chợ, cũng chính là tiệm mà anh đã vào mua quả bồ kết. Ngoài dự kiến là bác bán quán hỏi anh năm nay có chuối bán vào dịp tết không. - Dạ, mấy cây chuối trổ buồng một thời gian rồi ạ, tầm tết sẽ có bán. Khoảng hơn sáu năm trước, khi nhà Lý Văn Khôi trồng một vài cây chuối bên nhà để lâu lâu có trái ăn là chính. Thờ gian sau số cây tăng lên, nhà anh lại trồng tiếp nên chuối chín rộ lên thì không thể ăn kịp trước khi hỏng. Mà ăn nhiều cũng ngán nên mấy hàng chuối cạnh nhà liền trở thành công cụ kiếm tiền. Người mua thường xuyên nhất là bác bán tạp hóa này.
Chương 16: Bấm để xem Ra khỏi chợ, anh để làn lên thùng xe ba gác rồi tới chỗ hàng thanh lý. Đầu tiên là chỗ bán dép, giá cả rất rẻ, năm mươi ngàn đồng một đôi bất kể kiểu dáng, còn dép tổ ong đủ màu bên cạnh thì hai mươi ngàn một đôi. Văn Khôi mua mấy đôi giày thể thao cùng hai mươi đôi dép tổ ong. Những thứ này nhìn dính bụi, cũ cũ, tuy rằng chất lượng không quá tốt nhưng không đến mức kém. Lẽ ra anh định mua nhiều hơn nhưng mà anh lại nghĩ anh nên đến chợ đầu mối sắm vài thùng giày dép có chất lượng tốt một chút thì hơn, còn những thứ anh vừa mua chỉ để phục vụ lao động hằng ngày và đi lại quanh đây thôi. Đặt dép lên thùng xe, Văn Khôi sang hàng bán đồ dùng bằng nhôm và nhựa bên cạnh. Mua mấy cái thau nhôm, rổ nhôm, nồi chảo gì đó cũng mua một ít. Đến mạt thế nổ ra sẽ có có dị năng giả kim hệ, đến lúc đó anh cầm ít thực phẩm trao đổi mất đồ dùng bằng kim loại như xoong chảo gì đó là được. Bây giờ chỉ cần mua một ít phục vụ cuộc sống hằng ngày thôi. Còn quần áo thì anh tạm thời chưa muốn mua bởi anh có hơn chục bộ từ ở nhà đến đi làm, quanh năm anh lại ít đi đâu đi đó nên có hai bộ nhìn được là được rồi. Còn chuẩn bị quần áo vật tư linh tinh gì đó anh tới chợ đầu mối mua số lượng lớn cũng không gây chú ý. Lý Văn Khôi lại vào chợ mua mấy xấp bao đựng nông sản và mười cái bạt. Anh vốn muốn mua nhiều hơn nhưng mà mua nhiều bạt quá người ta lại nhìn anh không bình thường, mua ít thế này người ta nghĩ anh muốn thuê người hái cà phê nên mới có thể không nghĩ gì nhiều. Thôi thì chiều lên thị trấn mua số bạt rồi để trong không gian phơi cà phê là được. Văn Khôi cũng định phơi cà phê lên nền đất trong không gian nhưng như vậy không ổn thì lớp đất trên cùng ở trong không gian khá mềm, chỉ cần trong quá trình đảo cà phê cho khô đều hoặc là gom cà phê lại một đống cũng có thể kéo thêm một mớ đất. Cho nên cứ phơi trên bạt là thượng sách. Ra về, thùng xe của anh tương đối nhiều thứ biểu thị hôm nay anh đã tốn không ít tiền nhưng mà không sao, tuy anh xót tiền thật nhưng chỉ cần nghĩ đến bốn năm nữa mạt thế xảy ra, tiền bạc chỉ là mây bay, anh lại cảm thấy chỗ đồ dùng kia đáng giá. Về nhà cho gà ăn rồi sắp xếp đồ đạc, Lý Văn Khôi nhận ra hàng cây xúp lơ trong vườn rau nhà mình có vẻ sắp nở hoa nên anh lập tức thu hoạch hết số súp lơ rồi cho một ít vào ngăn mát tủ lạnh, phần còn lại cho vào hai bao nông sản. Sau đó đào một cái hố nhỏ chôn mấy thứ như thân, lá, rễ của cây súp lơ xuống. Chờ một thời gian sau là có thể có phân bón hữu cơ rồi. Nhìn đồng hồ trên cổ tay, mới có quanh quẩn một chút mà đã tám giờ sáng. Khi anh thu hoạch súp lơ cũng không có ý định lên chợ nhỏ bán vì chừng này đã chẳng còn ai nhưng chợ thị trấn thì khác, hầu như lúc nào cũng có người mua và người bán, những lúc tan tầm lại càng đông hơn. Cho hai bao súp lơ và hai bao nông sản rỗng khác lên xe ba gác, Lý Văn Khôi đến chợ thị trấn bán rau. Đến một bên cửa chợ, anh cho xe nép vào một chỗ rồi đi đến một quán tạp hóa mua một xấp túi nilon. Sau đó quay lại xe trải hai bao nông sản rỗng ra làm bạt. Đổ một bao súp lơ ra trước, anh bắt đầu bán hàng. Hễ có ai đi lại là anh lại mời chào họ mua: "Ghé mua súp lơ nhà làm đi, chỉ ba ngàn đồng một bông súp lơ, ba bông tám ngàn đồng" Anh thong thả bán hàng, đến lúc khoảng mười giờ rưỡi sáng, khi tan học tan làm thì mới đông người. Văn Khôi bán được nhất là lúc này, khách của anh hầu như là mấy cô cậu học sinh đang ở trọ. Anh cũng biết mình bán với giá như thế này đã gọi là bán phá giá rồi, nhưng mà anh không lo lắm bởi chỉ hôm nay anh mới đến đây bán hàng, chắc không ai sẽ ghét anh đâu. Hơn nữa trước kia mấy lần anh lên thị trấn cũng gặp mấy người nông dân mang rau lên bán với giá rẻ như cho nên anh cũng chẳng thấy hành động của mình có gì lạ. Để mau hết hàng, ai mua ba bông súp lơ hay nhiều hơn anh đều cho thêm một bông súp lơ nho nhỏ nữa. Đằng nào mục đích chính của anh không phải là kiếm tiền mà là giải quyết hết đám súp lơ này sau đó mua bạt số lượng lớn. Khoảng mười hai giờ trưa, Văn Khôi đã bán được gần hết số súp lơ, hiện tại chỉ bảy bông. Có lẽ đến chiều sẽ bán hết nhưng anh không muốn ở lại ngồi bán nữa nên bắt đầu thấy chán nản. Vừa chờ thêm một lúc vừa nghĩ bây giờ nếu ai mua thì anh sẽ bán rẻ như cho luôn. Vào giờ này rất ít người đang ở chợ bởi họ đều đang ở nhà hoặc trọ ăn cơm rồi nên hi vọng bán hết súp lơ của anh lại càng mong manh. Lúc này chị ở bên hàng sửa đồ bên cạnh mới hỏi. - Em ơi, chỗ bông súp lơ đó em bán rẻ thì chị mua hết. Lý Văn Khôi nhanh chóng đáp ứng. Khi lấy gom bao bì các thứ lên xe anh lại nghĩ mua một số lượng bạt như vậy so với đổ một sân bê tông trong không gian có vẻ đắt hơn mà hiệu quả không bằng nên từ bỏ ý định mua thêm bạt để trải trong không gian. Lý Văn Khôi để lại xe tại chỗ rồi đi quanh chợ thị trấn một hồi. Dù sao cũng đã lên đây, cho dù không mua bạt nữa nhưng cũng phải đi một vòng chứ. Đi ngang qua một chỗ bán trái cây, anh mua năm quả dứa to, trái dứa vừa có thể ăn mà phần ngọn phía trên quả dứa có thể đem trồng. Sau đó anh lại mua thêm mấy cây mía, bảo người bán róc mía rồi anh đề nghị lấy mấy ngọn mía của cây mía mình mua lẫn mua thêm toàn bộ số ngọn mía mà người ta chặt ra nữa, mấy ngọn mía này hoàn toàn có thể tái sử dụng để trồng cây chứ chẳng mất đi đâu cả. Đem để túi dứa, túi mía đã róc và túi ngọn mía lên thùng xe rồi dùng mấy bao nông sản rỗng đem phủ lên. Sau đó Lý Văn Khôi lại vào chợ mua thêm đồ cạo vỏ mía một bó rau muống đỏ, anh cố tình chọn bó có nhiều cây hơi già để lấy thân rau muống đem trồng. Mạt thế đến thì rau củ quả chẳng bao giờ rẻ bởi hầu hết đã biến dị, nếu không cũng trở thành tang thi thực vật. Lý Văn Khôi chỉ cần sở hữu nhiều rau củ quả thì đảm bảo số tinh hạch anh trao đổi được đủ cho anh không bao giờ phải ra ngoài chiến đấu lấy tinh hạch đổi mức sống.
Chương 17: Bấm để xem Lái xe ra khỏi chợ đến một cửa hàng khác cách đó không xa chuyên bán hoa và cây cảnh. Lý Văn Khôi vào đây mua hoa hồng có màu đỏ bông lớn. Anh chẳng thích hoa tẹo nào nhưng vì nghĩ đến số tiền kiếm được vào những ngày lễ và số tinh hạch thời mạt thế, anh mua. Mỗi loại hồng anh mua hai chậu, vậy mà cũng có thể xếp gần kín thùng xe của anh. Sau đó lại vì lời mời chào không khác gì chào hàng đa cấp của anh bán hàng mà Lý Văn Khôi đã mua thêm mấy chậu hoa khác nữa. Thùng xe chật kín sau khi xếp vào vài chậu hoa, anh bán hàng đề nghị xếp mấy chậu hoa nhỏ mà Văn Khôi mới mua xếp so le chồng lên những chậu hoa đã xếp từ trước. Cho đến khi về nhà, Lý Văn Khôi vẫn cứ có cảm giác anh vừa bị dụ dỗ, mà đúng như thế thật. Ý định ban đầu của anh là mấy loại hoa hồng thân gỗ màu đỏ và hoa hồng leo màu đỏ chứ đâu có mua mấy thứ hoa đủ loại kia đâu. Nhưng mà kệ đi, đằng nào cũng mua rồi, cứ trồng trong không gian thôi. Mạt thế xảy ra một thời gian, khi căn cứ được thành lập và có nhiều dị năng giả cấp cao xuất hiện thì nhất định chỗ đầu tư của anh không lỗ được. Hơn nữa Lý Văn Khôi tin rằng anh đã trọng sinh thì người khác cũng có thể trọng sinh. Có thể đã có người bắt đầu xây căn cứ chuẩn bị vật tư rồi. Nhưng chắc chẳng ai chuẩn bị mấy thứ anh đang thu gom bên cạnh lương thực và vật tư đâu nhỉ. Về nhà, Lý Văn Khôi cho toàn bộ cây và không gian rồi vào nhà nấu cơm. Hiện tại đã gần hai giờ chiều rồi mà anh còn chưa có ăn trưa nữa. Sáng nay anh cũng không làm việc gì tốn sức nên cũng không quá đói. Trưa nay ăn muộn cũng chẳng sao. Đến khi ăn xong đã là hơn ba giờ chiều. Lý Văn Khôi nghỉ ngơi một lúc rồi mở két sắt ra lấy thêm tiền. Lấy mấy tấm bạt trải ra sân, sau đó lái xe máy đến nơi bán vật liệu xây dựng mua vật liệu đổ bê tông. Anh nói là muốn mua vật liệu để đổ trụ bê tông trồng tiêu nên khi anh đặt một mớ vật liệu cũng chẳng có ai nghi ngờ. Mà có nghi ngờ rồi hỏi anh trồng ở đâu thì anh nói anh muốn nhổ cà phê trồng tiêu rồi người ta cũng tin. Giá tiêu hiện giờ hơn hai trăm ngàn đồng một kí, hai tạ tiêu ăn đứt một tấn cà phê nhân. Ai mà không muốn phá bỏ cà phê để trồng tiêu. Đương nhiên nếu đã có cái lý do đổ trụ bê tông thì phải mua thép để làm lõi trụ bê tông nữa. Văn Khôi chỉ đổ bê tông làm sân trong không gian nên không cần thép nhưng cuối cùng vẫn mua che mắt người ta, mà hiện tại anh không dùng đến nhưng ai biết sau này có dùng hay không. Sau bữa tối, khi trời đã nhá nhem, màn đêm đang buông xuống và xung quanh đang ngày càng yên tĩnh hơn thì tiếng xe tải tiến tới càng rõ ràng hơn. Lý Văn Khôi biết đâu là nhân viên của cửa hàng lái xe chở vật liệu đến. Anh vội ra mở cổng kim loại ngoài sân để xe tải tiến vào. Chỉ chỗ để họ đổ cát, đá và chỗ đặt thép và xi măng lên mấy tấm bạt. Văn Khôi ban đầu muốn để cho chúng ra nền sân luôn nhưng lại nghĩ như vậy thì đưa vào không gian cũng sẽ phải lót tấm bạt để cát không lẫn vào đất nên cho chúng lên bạt từ đầu luôn. Sau khi mấy xe tải nối đuôi nhau trở về, Văn Khôi đóng cổng kim loại lại, khóa cửa luôn. Anh lại chỗ vật liệu xây dựng rồi cho chúng vào không gian. Mảnh sân nhà anh lại trống vắng như thể chưa đặt một mẩu vật liệu nào. Văn Khôi vào phần sân có lắp đặt mái tôn rồi cho vào không gian mấy thứ xe rùa, xẻng và một thanh gỗ thẳng và một khung kim loại có kích thước 50 x 75 cm, phía trên hai cạnh kích thước 50 cm có tay cầm. Cái khung kim loại này vốn được dùng để làm sân. Mỗi lần trộn bê tông xong sẽ cho vào khung này rồi dùng thanh gỗ kia gạt cho bằng phẳng, sau đó nhẹ nhàng nhấc khung kim loại lên, đặt sang ngay bên cạnh để tiếp tục đổ lớp bê tông mới vào, hàng sau lại đặt khung kim loại so le với hàng trước đó. Cứ như vậy sau khi hoàn thành xong thì sân sẽ nhìn giống như được ghép từ hàng trăm 'viên gạch' nhỏ bằng bê tông. Nếu không phải không thể để lộ chuyện không gian thì anh đã sớm thuê thợ đến làm, chỉ cần một ngày đã có thể làm xong cả cái sân lớn chứ cần gì tự anh làm từng mẩu bê tông nhỏ lẻ. Lý Văn Khôi cho ngừng không gian lại rồi bắt đầu trộn từng chút vật liệu lại với nhau, nước thì dùng dị năng biến ra coi như luyện tập dị năng luôn. Trộn xong thì cho vào khuôn, sau đó nhấc khuôn ra để bên cạnh. Liên tục như vậy một lúc lâu, cho dù anh không mỏi tay chân cũng muốn mệt chết giữa cái nắng ở trong không gian. Anh để cho một đám mây thật lớn che đi phần không gian mà anh đang làm việc. Không còn nhiệt độ bỏng da trên người, năng suất lao động của anh cao hơn hẳn.
Chương 18: Bấm để xem Lý Văn Khôi trong bốn năm qua vẫn luôn ở lại nông thôn chăm sóc vườn cây. Đến mùa đến vụ nên làm gì thì làm đó. Tất nhiên anh cũng không quên mua thêm vật tư và luyện tập dị năng. Theo thời gian, anh cũng có chút thay đổi trong kế hoạch. Ban đầu anh vốn muốn chuyển nhà kho vào không gian rồi xây một cái mới ở bên ngoài nhưng về sau liền biến thành tự xây một cái nhà kho tạm bợ trong không gian. Nhà kho trong gian ở ngay cạnh sân phơi và cũng được đổ sàn bê tông và làm nhẵn như sân phơi, tường chỉ có một nửa là được xây lên, nửa còn lại phía trên là các tấm tôn kim loại, phần mái gồm có các kèo, xà bằng ống kim loại có thiết diện hình vuông hoặc chữ nhật được phủ lớp sơn màu xanh, mái cũng được lợp tôn che đi ánh nắng của mặt trời. (Thiết diện là mặt cắt ngang) Nhìn có vẻ hơi hơi tạm bợ và không được đẹp mắt cho lắm nhưng trái lại nó đã thực hiện đúng công năng làm nơi chứa đồ. Tuy nhà kho rất lớn nhưng cũng đã trở nên chật chội hơn rất nhiều do hàng hóa và một số loại máy móc. Nhìn lại nhà kho này, Lý Văn Khôi không khỏi có chút tự phục chính mình. Ngoại trừ phần nền móng và phần tường xây bằng gạch là anh tự thân vận động, còn phần khác anh hoàn toàn sử dụng dị năng. Nếu không có dị năng thủy hệ tạo ra dòng nước giúp đỡ nâng các tấm tôn kim loại cũng như tạo ra xoáy nước vít chặt các con ốc vít để lắp ghép chúng lại với nhau thì một mình anh chẳng thể hoàn thành nhà kho rộng và cao đến như vậy. Hàng hóa trong kho rất nhiều nhưng Lý Văn Khôi vẫn cứ hai tháng một lần lên chợ đầu mối bổ sung thêm vật tư hay mua vài thứ linh tinh gì đó. Mấy thứ như lựu đạn, súng ống, bom mìn linh tinh.. Lý Văn Khôi không mua mà cũng không dám mua và cũng không có ý định mua. Một phần vì luật pháp Việt Nam không cho phép buôn bán và tàng trữ súng đạn. Một phần do anh không biết nơi buôn bán cũng như không thừa tiền đến độ chất vào không gian được cả kho bởi súng đạn các thứ đâu có rẻ. Một phần khác súng đạn cũng không phải vạn năng bởi tang thi cũng có dị năng và ngày càng khôn ra và mạnh hơn chứ không phải chỉ là xác chết biết di chuyển. Mạt thế đến, thời gian đầu những thứ này còn hữu dụng, về sau chỉ có thể là dị năng bởi súng đạn có hạn, dùng nhiều rồi cũng hết. Chưa kể tang thi chỉ có thể đánh nát đầu hoặc bắn vỡ hạch mới chết hoàn toàn, hơn nữa tang thi ngày càng mạnh và nhanh hơn, gặp trúng tang thi hệ cường hóa thì đạn có bay trúng đầu nó cũng không có tác dụng hoặc xui hơn nếu gặp tang thi phong hệ hay tốc độ hệ thì có khi còn chưa kịp giơ súng lên thì đã bị tang thi cho một vỗ là bay mất cái mạng như chơi. Lý Văn Khôi vẫn là bổ sung nhu yếu phẩm cùng tăng cường các loại cây trồng trong không gian về cả chủng loại lẫn số lượng. Anh cũng đã đào một cái ao nhỏ trong không gian để nuôi một số loại cá nước ngọt. Vào giây phút Lý Văn Khôi cho rằng mình đã hoàn toàn sẵn sàng cho mạt thế thì anh vẫn đang thần thờ và ngơ ngác nhìn xa xăm lên bầu trời trong xanh không một gợn mây. Theo như trí nhớ của anh thì bầu trời sẽ chuyển màu đỏ trong hai ngày, sau đó sẽ trở lại màu xanh. Một tháng sau sẽ xuất hiện mưa mà nước mưa màu tím rất quỷ dị, tiếp theo là mạt thế. Những người dính mưa có thể trở thành dị năng giả, trở nên biến dị, cũng có thể vẫn là người bình thường hoặc tang thi hóa và trở thành tang thi. Phạm vi ảnh hưởng không chỉ có con người mà còn có thực vật, động vật. Lẽ ra nửa năm trước bầu trời đã có hiện tượng trở thành màu đỏ cũng như đã có mua trút xuống mới phải nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì. Lý Văn Khôi không khỏi có suy nghĩ liệu có khi nào mạt thế không nổ ra mà yên bình hay không? Khả năng này không phải là không có nhưng như vậy thì những công sức của anh là phung phí sao? Nhưng thà rằng phung phí công sức cũng tốt hơn mạt thế nhiều. Thở dài một hơi, Lý Văn Khôi uống một cốc nước rồi mặc bộ đồ lao động ra ngoài vườn hái ớt. Từ hai năm trước anh đã biến một nửa đất trồng tiêu thành đất trồng ớt. Cái này cũng do hơn hai trăm trụ tiêu nhà anh mắc bệnh, theo như kiếp trước thì cho dù anh có dùng đủ loại thuốc cũng không thể cứu vãn nên kiếp này anh thấy chúng dần chết cũng không cứu vãn mà trực tiếp nhổ bỏ để trồng ớt. Dẫu sao thời gian này giá thu mua tiêu nơi anh sống giảm mạnh, thậm chí một cân tiêu khô còn không bằng một cân ớt tươi. Anh trồng ớt, đến lúc thu hoạch đem bán lại nhàn rỗi hơn là thu hoạch hồ tiêu bởi hồ tiêu cần trèo lên thang nhôm để hái, hơn nữa đâu chỉ đặt thang một chỗ là được đâu, phải di chuyển quanh trụ tiêu mới có thể hái hết mà không bỏ sót gì lại. Ngược lại, ớt lại thu hoạch dễ hơn nhiều, anh chỉ cần cầm một cái xô rồi hái ớt vào là được, chẳng cần thang cũng không cần bạt, đến khi bán cũng chẳng cần phơi trước cho khô.
Chương 19: Bấm để xem Rõ ràng nơi anh sống người dân trồng cây hồ tiêu, những nơi khác người ta cũng trồng cây hồ tiêu nhưng tại sao giá hồ tiêu ở chỗ anh lại thấp đến không tưởng tượng được mà chỗ khác thì giá rõ cao. Thở dài một hơi, Lý Văn Khôi vẫn là tập trung vào công việc hái ớt của mình. Mấy năm nay, anh tự cảm thấy rằng mình đã trở nên trưởng thành hơn nhiều lắm. Có lẽ do thời gian tác động vì anh rất thường xuyên vào không gian rồi điền chỉnh thời gian trong không gian trôi nhanh hơn hiện thực để luyện tập dị năng hay chăm sóc không gian của mình cho nên Lý Văn Khôi cũng tự nhận chính mình đã đi qua quãng thời gian nhiều hơn người khác. Lý Văn Khôi sẽ không cho rằng mình già nhanh hơn người khác, bởi vì anh đã có dị năng và trở thành dị năng giả. Mà dị năng càng mạnh, cấp bậc càng cao thì sống càng lâu, quá trình lão hóa cũng càng chậm lại. Dị năng của anh đã đạt cấp ba trung kì, tuy rằng thăng cấp có điểm chậm hơn kiếp trước nhưng theo lý thuyết, anh vẫn duy trì tuổi trẻ lâu hơn người thường một chút. Trong một thời gian tiếp theo, Lý Văn Khôi vẫn duy trì công việc hằng ngày. Tâm trí cũng không ngừng nghĩ đến mạt thế có nổ ra hay không. Anh không vì mạt thế không xảy ra đúng thời điểm mà cho rằng mạt thế đời này không đến nhưng trong lòng vẫn hi vọng mạt thế thật sự không đến, nhưng nghĩ đến mạt sẽ thật sự không đến thì anh lại nghĩ đến cái nhà kho trong không gian với không ít nhu yếu phẩm, vào lúc này, anh sẽ lại phỉ nhổ chính mình một lúc vì tâm lý tiếc tiền mà quên đi cuộc sống bình yên như hiện tại tốt hơn mạt thế rất nhiều. Mâu thuẫn xoắn xuýt như vậy, Lý Văn Khôi lần nào cũng chỉ thở dài rồi lại gạt bỏ ý nghĩ qua một bên để tập trung làm việc. Mùa nào việc nấy, thời gian rảnh lại vào không gian luyện tập dị năng, vẫn chưa có ngừng lại cho đến một năm rưỡi tiếp theo. Một buổi sáng, Lý Văn Khôi vừa bước ra khỏi nhà liền thấy quang cảnh quanh nhà mình có điểm lạ, anh ngửng đầu nhìn lên trời liên thấy màu xanh da trời đã trở thành một màu khác. Không phải màu trắng do mây vây kín bầu trời mà là màu đỏ nhàn nhạt cùng với một vài rạng mây nhỏ có màu tím nhạt. Văn Khôi nhìn cảnh này, trong lòng anh vang lên tiếng báo động, thôi xong, mạt thế thực sự đến rồi. Lý Văn Khôi không biết là nên cảm thấy vui vì chỗ nhu yếu phẩm chiếm đến hai phần ba gia sản của anh đã có đất dụng võ hay nên buồn vì chính mình phải rời khỏi nơi này. Thực tế mà nói, mảnh đất này cũng có thể gọi là di vật mà cha mẹ đã để lại cho anh nhưng bảo anh rời đi thì anh không nỡ mà bảo anh không rời đi thì không được. Mạt thế đến, không chỉ động vật bị ảnh hưởng mà cả thực vật cũng sẽ bị biến đổi. Chỗ anh sống lại là nông thôn, nơi có đặc trưng là những mảnh đất rộng trồng nhiều cây. Mà một khi mạt thế giáng lâm, cây cối có thể trở nên biến dị hoặc trở thành tang thi thực vật. Ở lại nông thôn chẳng khác gì mạo hiểm sống giữa một bầy tang thi và biến dị thực vật. Mà ở nông thôn đâu chỉ có thực vật thôi đâu, nơi này đâu thiếu những gia đình nuôi thêm động vật như mèo, chó, gà, vịt, lợn.. Một khi mạt thế nổ ra, những động vật này cũng sẽ trở thành tang thi hoặc trở nên biến dị và có lực công kích rất cao. Tuy rằng ở thành phố lớn cũng không thiếu tang thi vì những nơi như thành phố, đô thị đều tập trung rất nhiều người. Sống ở thành phố cũng không khác gì sống ở giữa bầy tang thi là bao nhiêu nhưng ít nhất ở thành phố không có nhiều cây cối, đi đường cũng không cần để ý từng cái cây ngọn cỏ xem chúng có ý định ăn thịt hay siết cổ mình hay không. Vậy nên dù muốn hay không, Lý Văn Khôi đều phải rời đi. * * * Bầu trời đỏ rực phá lệ rực rỡ nhưng cũng nguy hiểm không kém. Hôm nay Lý Văn Khôi không có ra ngoài làm việc như mọi ngày mà lái xe ba gác đến chợ đầu mối thu mua một lượng lớn nhu yếu phẩm, cái gì cũng mua rất nhiều, lợi dụng tấm che nắng nơi thùng xe che mắt người khác, đưa toàn bộ hàng hóa vào không gian. Liên tục ra vào các cửa hàng trong chợ đầu mối, Lý Văn Khôi cố gắng mua nhiều nhất có thể, cho dù mình không dùng tới thì đưa vào căn cứ bán cho người khác cũng không thiếu tinh hạch. - Cái này chỉ còn nhiêu đây là hàng tốt thôi. - Vậy thì loại kém chất lượng hơn thì thế nào, còn không? Lý Văn Khôi không suy nghĩ quá ba giây đã hỏi lại. Tuy rằng chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng, nhưng hiện tại không có chất lượng thì lấy số lượng để bù đắp vậy. Lý Văn Khôi đi qua hết gian hàng này liền đến gian hàng khác mua đồ, buổi trưa anh ra khỏi chợ đầu mối, rẽ vào một quán cơm gần đó ăn trưa. Bản thân anh không quá quan trọng hóa vấn đề bỏ qua một bữa ăn thì ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể nhưng anh không quan tâm thì không có nghĩa các tiểu thương trong chợ đầu mối cũng sẽ không nghỉ ngơi và ăn trưa. Đến 13 giờ, Lý Văn Khôi lại vào chợ tiếp tục hành trình mua sắm điên cuồng, xài tiền như nước của mình.