Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt - Lưu Quang Vũ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngọc Hạc Phong, 1 Tháng tư 2022.

  1. Ngọc Hạc Phong

    Bài viết:
    250
    Lưu Quang Vũ là nhà soạn kịch tài năng của nền Văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Trước khi đến với thể loại kịch nói, Lưu Quang Vũ từng làm thơ, sáng tác truyện ngắn, vẽ tranh. Kịch của ông đậm chất triết lí và nhân văn sâu sắc. Trong đó, nổi bật là đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đã khắc họa rõ nét quan điểm con người cần phải được sống là chính mình. Nhân vật Trương Ba đau khổ khi phải sống nhờ sống tạm trong thân xác anh hàng thịt. Điều này đã được thể hiện rõ trong cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt.

    Hồn Trương Ba, da hàng thịt viết 1981, công diễn 1984. Đây là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Từ một cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã xây dựng thành một vở kịch nói hiện đại, đặt ra nhiều vấn đề mới mẻ, có ý nghĩa tư tưởng, triết lí và nhân văn sâu sắc. Đoạn trích là phần lớn cảnh VII: Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Sau mấy tháng sống trong tình trạng "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo", nhân vật hồn Trương Ba ngày càng trở nên xa lạ với bạn bè, người thân trong gia đình và tự chán ghét chính mình, muốn thoát ra nghịch cảnh trớ trêu.

    [​IMG]

    Hồn Trương Ba đau khổ, bế tắc khi lâm vào bi kịch phải sống nhờ vào thân xác hàng thịt. Sau ba tháng hồn một nơi, xác một nẻo, Trương Ba sống trong đau đớn, bi kịch. Như vậy, hồn Trương Ba sống trong nghịch cảnh không là chính mình, sống nhờ sống tạm. Trương Ba muốn rời khỏi xác hàng thịt: "Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta muốn rời xa mi tức khắc!" Hồn Trương Ba rất đau khổ. Điều này thể hiện rõ qua lời độc thoại, đối thoại với xác hàng thịt. Trương Ba ghê tởm xác hàng thịt: "Mày.. chỉ là xác thịt âm u đui mù.. chỉ là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có tư tưởng, không có cảm xúc!.. Hoặc nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém, mà bất cứ con thú nào cũng có được". Hồn Trương Ba gọi xác hàng thịt là mày một cách khinh bỉ, xem thường. Sống trong xác hàng thịt nhưng hồn Trương Ba vẫn xem thường xác hàng thịt. Đối với hồn Trương Ba, xác không có ý nghĩa, chỉ là hình thức, không thể hiện được cảm xúc của con người. Với hồn Trương Ba, thể xác của con người tượng trưng cho phần con và không có giá trị. Hồn Trương Ba phủ nhận sự hiện diện của xác. Trương Ba bị xác hàng thịt lấn át: "Mày đã tìm được đủ mọi cách để lấn át. Nhưng lẽ nào ta lại chịu thua mày, khuất phục mày và tự đánh mất mình?" Chẳng còn cách nào khác "mày nói như thế hả? Nhưng có thật là không còn cách nào khác? Không cần cái đời sống do mày mang lại! Không cần!" Sau đó, trước những lí lẽ, bằng chứng thuyết phục của xác hàng thịt, hồn Trương Ba nhận ra xác hàng thịt cũng có tiếng nói và đang lấn át phần hồn. Trong cuộc đối thoại, hồn Trương Ba nói những câu ngắn, lập luận thiếu chặt chẽ, thiếu nhất quán, chỉ là những ý nghĩ, cảm xúc của hồn mà thiếu dẫn chứng nên không có tính thuyết phục cao. Trước đề nghị thỏa hiệp của xác hàng thịt, hồn Trương Ba đau khổ, không chấp nhận, không muốn tự đánh mất mình. Hồn Trương Ba vẫn muốn giữ được tâm hồn thanh cao, trong sáng. Hồn Trương Ba không muốn trở thành kẻ thô lỗ, người có lối sống phàm tục như xác hàng thịt. Đó là mơ ước chính đáng nhưng khó thành hiện thực. Nhân vật Trương Ba rơi vào bi kịch. Mâu thuẫn kịch ngày càng phát triển, đòi hỏi hồn Trương Ba phải có hướng giải quyết. Cách kể chuyện thắt nút của tác giả tạo sự hấp dẫn và đặt ra vấn đề có tính triết lí sâu sắc. Khi sống nhờ, sống tạm, con người luôn phải đối diện với dằn vặt, đau khổ.

    Xác hàng thịt khẳng định sức nặng của mình. Xác hàng thịt tượng trưng cho những lối sống phàm tục thô thiển. Đầu tiên xác hàng thịt khẳng định. Sau đó đưa ra một loạt những dẫn chứng cụ thể, lí lẽ mà hồn Trương Ba không chối cãi được. "Xác thịt có tiếng nói đấy!.. có sức mạnh ghê gớm, lắm khi át cả cái linh hồn cao khiết của ông đấy!" Xác hàng thịt khẳng định xác và hồn là một thể thống nhất không thể tách rời, xác và hồn có tác động qua lại lẫn nhau. "Tôi đã cho ông sức mạnh! Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông tóc máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi.." Xác hàng thịt khuyên hồn Trương Ba nên chấp nhận, quy phục: "Tôi là cái hoàn cảnh mà ông buộc phải quy phục! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới! Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan.." Xác hàng thịt đề cao tầm quan trọng của thân xác: "Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cái cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác.." Trong cuộc đối thoại với hồn, xác hàng thịt nói những câu thoại dài, ý tứ rõ ràng, dẫn chứng cụ thể, lập luận chặt chẽ, lời lẽ có tính thuyết phục cao. Cuối cùng xác hàng thịt đưa ra lời thỏa hiệp: "Những lúc một mình một bóng, ông cứ việc nghĩ rằng ông có một tâm hồn bên trong cao khiết, chẳng qua vì hoàn cảnh, vì để sống mà ông phải nhân nhượng tôi. Làm xong điều xấu gì ông cứ việc đổ tội cho tôi, để ông được thanh thản." Mới nghe qua lời đề nghị rất hợp tình. Vì nếu hồn Trương Ba chấp nhận sống trong xác hàng thịt thì cả hai đều được sống theo ý muốn của mình. Nhưng sự thật, hồn Trương Ba có cảm thấy thanh thản khi phải làm việc mình không muốn. Thực tế, xác hàng thịt cũng không thể làm những điều mà xác hàng thịt không muốn. Chưa kể nếu cứ sống mãi trong cảnh hồn Trương Ba, da hàng thịt thì sẽ gây ra nhiều điều phiền trái khác. Mâu thuẫn kịch cần phải đẩy lên đỉnh điểm. Xác hàng thịt tỏ ra thắng thế, tin vào sức mạnh bản năng sẽ chi phối được phần hồn. Qua đối thoại giữa hồn và xác, tác giả đề ra triết lí sâu sắc. Con người là thể thống nhất giữa hồn và xác, phần con và người. Đây là hai mặt của một vấn đề không thể tách rời. Hồn và xác có tác động qua lại, chi phối lẫn nhau. Đôi khi trong cuộc sống gần mực thì đen, gần đèn thì sáng nhưng con người chúng ta gần mực thì dễ đen nhưng gần đèn thì khó sáng. Đôi khi phải đấu tranh để có lối sống thanh cao.

    Đoạn trích đề cập đến bi kịch của hồn Trương Ba khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu thanh cao bị tha hóa trước sự lấn át của thể xác thô lỗ, phàm tục. Qua đó, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc một thông điệp. Đó là được sống làm người quý giá thật nhưng phải là cái "tôi toàn vẹn". Sự sống thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Mâu thuẫn kịch được đẩy lên cao trào, đòi hỏi phải có hướng giải quyết. Tính cách nhân vật được khắc họa qua độc thoại và đối thoại. Vở kịch giàu chất trữ tình và tự sự. Tác giả sử dụng chất liệu dân gian để sáng tạo nên một bi kịch mang giá trị triết lí sâu sắc. Hồn Trương Ba, da hàng thịt là sự kết hợp giữa giá trị truyền thống và màu sắc hiện đại.

    "Hồn Trương Ba" tượng trưng cho tâm hồn nhân hậu thanh cao. "Da hàng thịt" tượng trưng cho thể xác thô lỗ, phàm tục. Vì th, đoạn trích "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" đề cập đến bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên. Được sống làm người quý giá thật nhưng phải là cái "tôi toàn vẹn", phải được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Do đó, con người phải vượt lên trên mọi hoàn cảnh để đấu tranh với nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...