Làm Văn: Tưởng tượng mình gặp gỡ và trò chuyện với ông Hai trong truyện làng của Kim Lân. Hãy kể lại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Jenny QwQ, 22 Tháng mười hai 2021.

  1. Jenny QwQ Muốn thì tìm cách, không muốn thì tìm lí do <3

    Bài viết:
    24
    [​IMG]

    Dàn Ý:

    A. Mở: Bài:

    _Tình huống gặp gỡ với ông Hai (Nêu về thời gian, không gian, địa điểm, gặp nhân vật một cách hợp lí, hấp dẫn).

    - Giới thiệu sự việc: Trò chuyện về việc ông Hai nghe tin làng mình theo Tây.


    B. Thân bài:

    _Kể hoàn cảnh khiến ông Hai cùng gia đình phải đi tản cư, Kể về niềm hảnh diện, tự hào, nổi nhớ quê hương da diết và sự quan tâm đến cuộc kháng

    Chiến của ông Hai khi ông ở nơi tản cư.

    - Kể diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu có người theo làm Việt gian.

    +Kể tâm trạng bàng hoàng, sững sờ khi mới nghe tin ấy đến cảm giác xấu hổ, lo lắng, buồn bã, chán nản rồi nó trở thành một nổi ám ảnh thường xuyên nặng nề khiến ông Hai vô cùng đau đớn, khổ sở.

    +Kể tâm trạng tình thế bế tắc, tuyệt vọng của ông khi ông và gia đình bị đuổi đi, sự đấu tranh nội tâm của ông giữa đi nơi khác hay về làng chợ Dầu khiến ông phải đau đầu. Nhưng ông quyết định không trở về làng, vì trở về là chống lại cách mạng, chống lại Cụ Hồ.

    +Lời tâm sự của ông Hai với đứa con trai út thể hiện tấm lòng thủy chung, son sắc của ông với cách mạng, với kháng chiến.

    - Kể về tâm trạng vui sướng, vô bờ bến của ông Hai khi tin làng theo giặc được đính chính.


    C. Kết bài:

    _Ấn tượng, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân em sau cuộc trò chuyện ấy.

    Bài Làm:

    Truyện Làng của Kim Lân là một truyện ngắn đặc sắc về chủ đề tình yêu quê hương đất nước của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính của tác phẩm - ông Hai – chẳng những là một người nông dân chất phác, đôn hậu như bao người nông dân khác mà còn là một người có tình yêu làng quê, đất nước thật đặc biệt. Hình ảnh người nông dân chân lấm tay bùn ấy lại mang trong mình một thứ tình cảm cao quý đáng trân trọng đã làm tôi luôn tò mò mãi, trăn trở mãi từ khi đọc xong truyện Làng. Tôi mong muốn được thấy dáng hình, giọng nói của ông, đặc biệt hơn tôi muốn được nghe chính ông kể về sự việc làng ông theo Tây. Và tôi cũng không ngờ rằng cơ hội ấy sẽ đến nhanh thế, đó là một lần tôi ngồi nghe ông tôi kể lại truyện ngắn Làng dưới mái hiên nhà, nơi ánh trăng đang sáng tỏ. Ánh trăng hòa quyện cùng lời kể trầm lắng của ông tôi như đưa tôi vào một không gian khác. Nơi ấy, tôi đã gặp được Ông Hai - nhân vật chính trong truyện!

    Trong không gian mờ ảo, như có ánh trăng rọi xuống, tôi đã đến gặp ông Hai. Ông đang ngồi trước mái hiên nhà và nhâm nhi chén chè. Thấy tôi xuất hiện trong sân nhà mình, ông ngạc nhiên lắm. Ông hỏi thăm tôi đến từ đâu để ông dẫn về vì ông nghĩ rằng tôi bị lạc. Tuy nhiên khi tôi nói không nhớ, ông thở dài và giữ tôi lại. Ông và tôi cùng ngồi ngắm vầng trăng và uống chè. Tôi bắt đầu bắt chuyện với ông. Dù biết rõ về ông, tôi vẫn hỏi:

    - Ông là người dân ở đây ạ?

    Ông Hai nhìn tôi một lát rồi bật cười:

    - Không, ông không phải.. Ông là người làng Chợ Dầu, chỉ là tản cư lên trên này thôi.

    Khi nhắc đến cái tên làng Chợ Dầu, tôi thấy rõ mắt ông như sáng lên, và cả người như chìm vào cảm giác hạnh phúc và nhớ nhung. Ông khoe với tôi cảnh vật ở trong làng Chợ Dầu, nào là có cái phòng thông tin rộng nhất vùng, cái chòi phát thanh cao tít bằng ngọn tre, chiều chiều tiếng loa gọi vang vọng khắp cả một khoảng trời, không ai là không nghe thấy. Rồi thì nhà ngói san sát nhau, sầm uất như tỉnh. Đường trong làng toàn lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối xóm, bùn không dính đến gót chân. Tháng năm ngày mười phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng, không có lấy một hạt thóc đất. Chắc là Ông hai tự hào về cái làng của ông lắm các bạn ạ. Vì ông vẫn có tính hay khoe làng như thế xưa nay. Rồi giọng ông chợt chùng xuống đầy tức giận và bất lực. Thế mà chỉ vì cái bọn giặc đáng khinh kia mà cả làng chợ Dầu đã bị tàn phá, dân trong làng thì phải đi tản cư hết. Thế là từ đó ông không khoe về cảnh vật trong làng với người dân ở đây nữa, ông chuyển sang nói về cảnh ông làm việc cùng anh em trong làng khi chuẩn bị cho cách mạng, nào là đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuân đá.. rồi cả đào đường hầm bí mật.

    - Chà, khi ấy sao mà vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra, bây giờ thì phải hì hục vỡ đất rồi trồng trọt vài trăm cây, không được làm cùng anh em, chỉ có một mình nên ông phải làm cố, lúc nào hai vai ông cũng mỏi nhừ vì mệt.

    Ông vừa nói vừa dùng tay bóp hai bả vai, tôi thấy thương cho ông nên tôi vội đến đấm bóp giúp ông. Ông nhìn tôi cười rồi thở dài:

    - Chao ôi, lão già này nhớ làng, nhớ cái làng ấy quá, không biết khi nào mới được trở về.

    Rồi ông Hai lại kể về những thói quen hằng ngày của ông sau khi tản cư cùng gia đình lên vùng này. Ngày nào cũng vậy, sau khi làm xong việc của mình. Trồng trọt và vỡ đất, ông lại đi đến phòng thông tin nghe đọc báo. Trên đường đi mà gặp ai quen ấy, ông lúc nào cũng níu lại mà bảo: Nắng này thì bỏ mẹ chúng nó! Tôi cười cười khi ông nói đến, tôi biết chúng nó là bọn nào, là bọn Tây chứ còn ai nữa, tôi cũng mong vậy, được vậy thì những người dân Việt Nam cũng đở khổ hơn. Ông kể tiếp, ngày nào ông cũng ra phòng thông tin để nghe tin tức kháng chiến ở quê hương mình. Tâm can ông cứ nhảy múa hết cả lên khi nghe được tin hay, tin quân ta đánh được địch. Ông Hai không nhận được mặt chữ in nên ông rất ghét những anh nào "ra vẻ ta đây" biết chữ đọc báo mà chỉ đọc thầm không đọc to lên cho người khác còn biết. Sau khi nghe xong, ông lại ghé vào quán vợ để dặn vài điều rồi đi thẳng ra lối huyện cũ để hút điếu thuốc lào và uống chè. Ông đang náo nức đến mức ruột gan ông cứ múa cả lên, vui quá! Vì những tin kháng chiến mà dan ta giành chiến thắng khi chống địch thì biến cố bất ngờ xảy ra. Một người đàn bà tản cư ngồi gần đó vừa cho con bú vừa ngấm nguýt khi nhắc đến cái làng Chợ Dầu, nói rằng địch đã tràn qua làng và toàn bộ làng Chợ Dầu yêu quý của ông đã việt gain theo Tây. Khi ông nhận cái tin ấy cứ như bị sét đánh ngang tai. Tôi thấy ông hai lặng đi, tường như đến không thở được, có lẽ ông đang nhớ đến cảm giác khi ấy. Một lúc lâu ông mới rặng è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ và nói tiếp, lúc ấy ông chỉ muốn cúi gằm mặt xuống mà đi, nghĩ đến sự dè bỉu của bà chủ nhà, lại nhìn đến đàn con trong nhà.

    - Khi ấy, nhìn lũ con, tủi thân, nước mắt ông cứ tràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng hắt hủi đấy? Khốn nạn, bằng ấy tuổi đầu.. thôi đấy cháu ạ.

    Khi kể cho tôi, mắt ông cũng trở nên đo đỏ, lúc ấy ông xấu hổ cực kì. Chao ôi cái thời ấy mà cả làng theo Việt gian thì còn làm ăn gì nữa, những người trong làng có tản cư thì ai mà chứa, người ta ghét, người ta hắt như hắt hủi. Cả gian nhà ông như lặng đi và ứ đọng trong căng thẳng, cả nhìn nhau cũng không dám nữa. Ông tuyệt giao với cả mọi người xung quanh, ông sợ người ta nhắc đến chuyện ấy. Và cái chuyện vợ chồng ông lo nhất cũng đã đến. Bà chủ nhà bóng gió đuổi gia đình ông, chỉ vì họ là người của làng theo Tây. Gia đình ông Hai ở vào tình thế căng thẳng. Cho dù có chính sách của cụ Hồ, người ta chẳng đuổi đi nữa, ông cũng chẳng còn mặt mũi mà đi đến đâu. Cứ vậy, lúc ấy ông lại đâm ra thù làng, về chi cái làng ấy nữa, về đấy khác nào đi theo giặc, bán nước, phản bội cụ Hồ! Tôi cũng rưng rưng theo từng lời ông kể, người nông dân chân chất ấy, người từng yêu ngôi làng hơn ai hết lại đâm ra thù hận, tình yêu quê hương đất nước trong ông đã bao trùm lên cả tình yêu đối với làng.

    - Thật là tuyệt đường sống! Trong giây phút ôm đứa con trai út vào lòng ông đã nghĩ vậy đấy. Ông lại thủ thỉ với đứa con ông, cha con ông quyết ủng hộ cụ Hồ, anh em đồng chí biết cho bố con ông, cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông.

    Tôi biết chứ, rằng từng lời đáp của đứa con trẻ cũng là tâm huyết, gan ruột của ông Hai, một người lấy danh dự của làng quê làm danh dự của chính mình, một người son sắt một lòng với kháng chiến, với Cụ Hồ. Những lời thốt ra từ miệng con trẻ như minh oan cho ông, chân thành và thiêng liêng như lời thề đinh ninh vang lên từ đáy lòng ông.

    Nhưng rồi ông Hai trước mặt tôi bỗng tươi tỉnh hơn hẳn, có vẻ như ông dã nhớ đến cái tin đính chính cho làng Chợ Dầu, tôi cũng thấy mừng cho ông. Ông kể cho tôi nghe với giọng nói hào hứng đến lạ thường:

    - Tây nó đốt nhà ông rồi cháu ạ, đốt nhẵn! Ra là láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả..

    Tôi hỏi lại:

    - Thế ông không buồn ạ? Ngôi nhà là cơ ngơi của mọt người nông dân cơ mà?

    - Ôi dào, ai lại quan tâm chuyện ấy nữa. Cái tin ấy đã xác nhận làng ông vẫn nhất quyết đứng về phía kháng chiến. Cái tin ấy đã khiến ông lại được sống lại như một người yêu nước, ông không phản bội lại cụ Hồ!

    Mặt ông hồng hào và đầy vui mừng, hệt như một đứa trẻ. Tôi cảm thấy thân mình bỗng nhẹ, tôi có cảm giác rằng mình đã sắp phải về. Tôi vội chào ông:

    - Có vẻ cháu phải về rồi ông ạ, cháu xin chào ông.

    Rồi tôi chạy vụt ra cổng, vừa ra khỏi, tôi đã quay lại nơi cũ, ông của tôi vẫn đang ngủ, tôi lấy cái chăn đắp cho ông rồi vội ngồi vào bàn viết nhật kí. Đó đúng là một cuộc gặp gỡ và trò chuyện thật tuyệt vời mà tôi cữ ngỡ mình vẫn còn trong giấc mơ. Qua cuộc gặp gỡ tôi lại càng thêm đông tình với ý kiến của nhiều độc giả: Ông Hai quả thật là một nhân vật độc đáo mang nhiều đặc điếm chung tiêu biểu cho người nông dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp nhưng đồng thời cũng mang những đặc điểm tính cách rất riêng, rất thú vị. Ông đã trở thành linh hồn của Làng và thể hiện trọn vẹn tư tưởng của nhà văn Kim Lân và truyện ngắn Làng.


    Hết!

    Ảnh: Trên mạng

    Dàn Ý: Sưu tầm từ nhièu nguồn

    Bài làm: By Jenny QwQ
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...