Hình ảnh người lao động qua bài thơ đoàn thuyền đánh cá và truyện ngắn lặng lẽ SaPa

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cam Thuong, 9 Tháng hai 2022.

  1. Cam Thuong My name is Cẩm Thương :)

    Bài viết:
    92
    Hình ảnh người lao động qua bài thơ đoàn thuyền đánh cá và truyện ngắn lặng lẽ SaPa .

    Bài làm

    Trong những năm tháng của thời kì đổi mới, khi mà con người đang cùng nhau gắng sức trong công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, đã có biết bao bài văn, bài thơ ra đời nhằm cổ vũ tinh thần con người. Trong đó hai tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long và Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận đã tạo cho chúng ta những ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của con người lao động thời kì mới. Hai tác phẩm đều viết về những con người lao động tuy làm những công việc khác nhau nhưng đều toát lên sự hăng say, phấn khởi khi được làm chủ cuộc đời.

    Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống. Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập thơ "Trời mỗi ngày lại sáng".

    Hình ảnh những con người lao động mới trong bài thơ được khắc họa trên nền thiên nhiên rộng lớn, bao la và trước hết, họ là những người có tâm hồn phóng khoáng, yêu lao động và luôn có niềm hi vọng, ước mong đánh bắt được nhiều hải sản. Hai câu thơ mở đầu bài thơ đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên miền biển lúc hoàng hôn tuyệt đẹp với việc sử dụng những hình ảnh so sánh độc đáo "mặt trời xuống biển như hòn lửa" cùng biện pháp nhân hóa - "sóng đã cài then, đêm sập cửa". Và để rồi, trên cái nền thiên nhiên thơ mộng, gần gũi, thân thương ấy, hình ảnh

    Con người dần hiện ra:

    "Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

    Câu hát căng buồm cùng gió khơi."

    Phụ từ "lại" đã giúp nhấn mạnh ngữ điệu của câu thơ, đồng thời, qua đó gợi lên thế chủ động của con người trước thiên nhiên và hơn thế, nó cho chúng ta thấy rằng công việc ra khơi của những con người nơi đây vẫn lặp đi lặp lại hằng ngày, nó trở thành một công việc quen thuộc đối với những con người nơi đây. Đặc biệt, hình ảnh "câu hát căng buồm cùng gió khơi" là một sáng tạo độc đáo, qua đó đã cụ thể hóa niềm vui sướng cùng sự hào hứng của người lao động. Thêm vào đó, với việc sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác "câu hát căng buồm" đã gợi lên vẻ đẹp tâm hồn của người lao động gửi vào trong những lời ca ấy. Trong tâm trạng hứng khởi khi ra khơi, những người dân chài đã cất lên tiếng hát ngợi ca sự giàu có của biển cả và gửi gắm niềm ước mong của mình.

    "Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng

    Cá thu biển đông như đoàn thoi

    Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

    Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!"

    Với thủ pháp liệt kê cùng biện pháp so sánh, tác giả đã ngợi ca sự giàu có, trù phú của biển cả. Nhưng hơn hết, qua hình ảnh nhân hóa "đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng" như đã gợi lên trước mắt người đọc hình ảnh những người lao động đang làm việc, lao động hăng say không kể ngày đêm giữa biển cả. Đồng thời, câu hát "đến dệt lưới ta đoàn cá ơi" không chỉ như một lời mời gọi những loài cá mà hơn thế nữa, nó còn cho thấy ước muốn đánh bắt được thật nhiều những loài hải sản và những điều đó xét đến cùng là khao khát, là hi vọng được khám phá, chinh phục tự nhiên của những người lao động nơi đây.

    Hơn thế nữa, hình ảnh con người lao động

    Mới còn hiện lên là những người với niềm vui sướng phơi phới, sự hăng hái, làm chủ thiên nhiên, quê hương, đất nước.

    "Thuyền ta lái gió với buồm trăng

    Lướt giữa mây cao với biển bằng,

    Ra đậu dặm xa dò bụng biển,

    Dàn đan thế trận lưới vây giăng."

    Trên cái nền thiên nhiên bao la, rộng lớn, chiều cao của gió của trăng, chiều rộng cả mặt biển và chiều sâu của lòng biển hình ảnh đoàn thuyền đánh cá dần hiện lên. Với lối nói khoa trương, phóng đại, những hình ảnh "lái gió với buồm căng", "lướt giữa mây cao với biển bằng" gợi nên hình ảnh con thuyền kì vĩ, khổng lồ, hòa nhập vào thiên nhiên bao la, rộng lớn của biển cả, của vũ trụ. Thêm vào đó, với việc sử dụng hàng loạt các động từ "lái", "lướt", "dò", "dàn" cho thấy đoàn thuyền đang làm chủ biển trời, làm chủ thiên nhiên. Như vậy, khổ thơ với việc sử dụng những hình

    Ảnh kì vĩ, lớn lao đã cây dựng thành công hình ảnh của đoàn thuyền, của những con người nơi đây đang làm chủ thiên nhiên, vũ trụ bao la, rộng lớn.

    Đồng thời, những người lao động trong bài thơ còn là những con người với lòng biết ơn sâu sắc trước những ân tình của thiên nhiên, của quê hương và là những con người lớn lao, phi thường. Sự trù phú, giàu có của biển cả được tác giả tái hiện thông qua việc liệt kê, miêu tả những loài cá vừa ngon vừa quý hiếm của biển cả. Và để rồi trước sự giàu có ấy của biển cả những người lao động đã cất lên tiếng hát:

    "Ta hát bài ca gọi cá vào

    Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

    Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ

    Nuôi lớn đời ta từ buổi nào."

    Có thể nói, với hình ảnh so sánh độc đáo biển với "lòng mẹ" đã cho thấy vai trò, vị trí lớn lao

    Của biển cả đối với những con người nơi đây - biển như người mẹ, như bầu sữa khổng lồ đã nuôi dưỡng con người từ bao đời nay. Nhưng hơn thế nữa, hình ảnh đó còn thể hiện niềm tự hào sâu sắc và lòng biết ơn của những người dân chài với biển cả, với quê hương yêu dấu. Đồng thời, hình ảnh những con người lao động còn hiện lên thật phi thường, lớn lao.

    "Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng

    Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng

    Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông

    Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng."

    Tác giả đã sử dụng hàng loạt các hình ảnh độc đáo, hấp dẫn và giàu giá trị đặc tả - "kéo xoăn tay", "lưới xếp", "buồm lên" để tái hiện lại một cách chân thực công việc kéo lưới của những người dân chài. Với việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ "ta kéo xoăn tay chùm cá nặng" dường như tác giả đã tạo nên những nét vẽ, những nét tạo hình đầy gân guốc, chắc khỏe,

    Cứng cỏi, gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của những người dân làng chài. Đồng thời, những hình ảnh "vẩy bạc", "đuôi vàng" không chỉ gợi nên sự giàu có của biển cả, sự bội thu của chuyến ra khơi mà hơn thế nữa nó còn cho chúng ta thấy được niềm vui sướng, phơi phới của những người lao động.

    Nếu như trong những khổ thơ trên, hình ảnh người lao động hiện lên với niềm hứng khởi, phơi phới với công việc của mình thì trong khổ thơ kết thúc bài thơ, người lao động hiện lên với niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan khi được làm chủ đất trời, thiên nhiên bao la, rộng lớn.

    "Câu hát căng buồm với gió khơi

    Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

    Mặt trời đội biển nhô màu mới

    Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi."

    Nếu câu hát ra khơi là câu hát "căng buồm

    Cùng gió khơi" thì câu hát trở về của đoàn thuyền lại là câu hát "căng buồm với gió khơi", tác giả đã biến đổi từ "cùng" thành từ "với", điều đó đã cho thấy niềm vui phơi phới của những người dân chài khi trở về trên một chiếc thuyền đầy ắp cá sau một chuyến đi thuận lợi và bội thu. Đặc biệt, với hình ảnh nhân hóa "đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời" đã làm cho chúng ta thấy rằng dường như đoàn thuyền đang trở thành một sinh thể sống để chạy đua với thiên nhiên. Chính điều đó đã nâng tầm vóc của đoàn thuyền, của con người ngang với tầm vóc của vũ trụ, của thiên nhiên, đồng thời qua đó còn gợi lên tư thế hào hùng, khẩn trương để giành lấy thời gian để lao động của những người dân chài.

    Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" có âm hưởng khỏe khoắn, sôi nổi, vừa phơi phới, vừa bay bổng. Âm thanh ấy được tạo thành bởi: Lời thơ dõng dạc, âm điệu thơ

    Như khúc hát say mê, hào hứng với chữ "hát" lặp đi lặp lại bốn lần, khiến bài thơ như một khúc ca - khúc ca của tình yêu lao động. Bằng sự liên tưởng tưởng tượng phong phú của mình, nhà thơ Huy Cận đã xây dựng hình ảnh người dân chày làm việc hăng say, tư thế sóng ngang với vũ trụ. Cùng với đó là cảnh thiên nhiên, trăng, bầu trời đẹp huy hoàng, tráng lệ, đầy sức sống.

    Khác với bài thơ đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, truyện ngắn "lặng lẽ Sa Pa" được sáng tác vào hè năm 1970, là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai thực tế của tác giả. Truyện đã xây dựng thành công nhân vật anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn, một con người có lòng yêu nghề, có lý tưởng có lối sống đẹp đã âm thầm lặng lẽ cống hiến sức mình cho đất nước. Anh thanh niên tiêu biểu cho

    Hình ảnh người lao động mới trong thời kì kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

    Mặc dù anh chỉ hiện ra trong chốc lát trong cuộc trò chuyện giữa bác lái xe và những vị khách nhưng anh thanh niên cũng kịp để các nhân vật khác kịp ghi nhận một cách ấn tượng, một kí họa chân dung thật đẹp về anh. Tiếp tục trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, nhân vật anh thanh niên hiện ra đủ để cho mọi người cảm nhận được rằng "Trong cái lặng im của Sa Pa.. Sa Pa mà chỉ nghe tên người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi có những con người làm việc và lo nghĩ như vậy cho đất nước".

    Là thế hệ thanh niên trong thời kì xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, anh thanh niên có nhiều cơ hội để xây dựng sự nghiệp riêng của mình. Thế nhưng, như bao con người trẻ tuổi sôi nổi khác, anh

    Hăng hái cùng bố đăng kí đi lính. Người bố trúng tuyển, lên đường phục vụ cong tác chiến đấu ở chiến trường miền Nam, anh không chịu ở yên nơi thành phố mà tình nguyện lên làm công tác khí tượng ở đỉnh cao Yên Sơn, nơi hoang vu, lặng lẽ, heo hút không một bóng người.

    Ý chí kiên cường, tình yêu đất nước và bản lĩnh của con người lao động mới đã giúp anh trụ vững với công việc. Dù thiếu thốn, cô đơn nhưng anh chưa từng than vãn, anh rất tự hào và hài lòng về công việc của mình. Hi sinh tuổi trẻ, hạnh phúc riêng tư, anh thanh niên đã dành trọn tuổi thanh xuân để phục vụ đất nước. Anh hiểu rằng, đất nước còn gian khổ, nhân dân miền Nam đang ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, là người có trách nhiệm, anh không thể chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình.

    Hoàn cảnh sống và công việc gian khổ

    Giúp ta nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp, thấy được tình yêu, ý thức trách nhiệm trong công việc và niềm say mê lao động của con người lao động mới ở anh thanh niên. Phẩm chất của anh thanh niên hiện ra qua góc nhìn, đánh giá của các nhân vật: Bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư. Qua cách nhìn nhận và cảm xúc của mỗi người, hình ảnh anh thanh niên hiện ra rõ nét hơn và đáng mến hơn bao giờ hết.

    Nơi không hề có một bóng người "bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo". Công việc của anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Công việc của anh không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ chính xác và phải có tinh thần trách nhiệm cao. Một ngày anh phải vào ốp bốn lần, nửa đêm đúng giờ ốp thì dù có mưa gió

    Cũng phải trở dậy xách đèn ra ngoài trời làm công việc đã qui định. Những lúc ấy, anh cảm thấy "gió tuyết và lặng im ở bên ngoài như chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới". Nhưng cái gian khổ nhất mà anh phải vượt qua chính là sự cô đơn buồn tẻ, quanh năm suốt tháng sống cô độc một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người.

    Hoàn cảnh sống khắc nghiệt vô cùng bởi sự heo hút, vắng vẻ; cuộc sống và công việc có phần đơn điệu, giản đơn.. là thử thách thực sự đối với tuổi trẻ vốn sung sức và khát khao hành động. Nhưng anh vẫn vượt qua được bằng ý chí, nghị lực, những phẩm chất rất đẹp, giản dị mà sâu sắc.

    Làm việc một mình trên đỉnh núi cao, không có ai giám sát, thúc giục, anh vẫn luôn tự giác, tận tuỵ. Suốt mấy năm ròng rã

    Ghi và báo "ốp" đúng giờ. Phải ghi và báo về nhà trong mưa tuyết lạnh cóng, gió lớn và đêm tối lúc một giờ sáng, anh vẫn không ngần ngại. Qua lời anh nói, ta có thể hình dung được bao nhiêu vất vả, khó khăn mà anh đã chịu đựng. Ấy vậy mà người con trai ấy vẫn tìm thấy được niềm hạnh phúc trong công việc của mình. Khi kể lại thành tích nhờ phát hiện kịp thời đám mây khô, không quân ta đã hạ nhiều máy bay Mĩ ở cầu Hàm Rồng, anh nói: "Kể từ hôm đó, cháu sống thật hạnh phúc". Với anh hạnh phúc là trong công việc, là có thể giúp đỡ mọi người, là góp một phần nhỏ công sức vào sự nghiệp chung của đất nước. Có thể thấy, tinh thần trách nhiệm đã là động lực chính để anh làm việc tận tụy, để anh hiểu được hạnh phúc là làm việc, là cống hiến.

    Anh thanh niên rất yêu công việc của mình.

    Đối với anh, công việc là lẽ sống, là niềm đam mê cháy bỏng. Hơn ai hết, anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là có ích với mọi người, nó gắn liền anh với cuộc sống chung của đất nước. Anh tâm sự với ông họa sĩ: "Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất". Phải chăng khi ta yêu thích công việc của mình, thì công việc đem lại cho ta niềm vui, khi đó ta không còn cảm thấy đơn độc? Phải chẳng lòng yêu nghề tha thiết, sự gắn bó với công việc bằng một tình yêu sâu sắc đã giúp anh thanh niên vượt qua nỗi "thèm người", vượt qua mọi khó khăn để sống một cuộc sống đẹp, đầy ý nghĩa? Nguyễn Thành Long đã để anh thanh niên nói lên những suy nghĩ từ tiếng lòng tha thiết. Đó là những suy nghĩ

    Nghiêm túc, sâu sắc về nghề nghiệp và về công việc.

    Tìm hiểu về anh, lắng nghe những lời tâm sự từ anh, ta thấy người con trai này vừa giản dị, chất phác, vừa hồn nhiên và vô tư. Tất cả đã toát lên một vẻ đẹp nhân cách đáng trân trọng, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Quả là công việc đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc và là lẽ sống của anh thanh niên. Động cơ làm việc đúng đắn và phương châm sống cao đẹp của anh: Làm việc vì mọi người, vì Tổ quốc đã khiến cho ông họa sĩ, cô kĩ sư và mỗi chúng ta phải tự nhủ thầm "người con trai ấy đáng yêu thật!".

    Không chỉ có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm cao với công việc, anh thanh niên còn để lại trong lòng ngược đọc những ấn tượng khó quên ở tính cách chân

    Thành, cởi mở với mọi người; ở sự khiêm tốn, thành thực; và biết cách sắp xếp cuộc sống một cách khoa học, đặc biệt lãng mạn. Không đặt tên cho nhân vật của mình, dường như Nguyễn Thành Long thể hiện anh thanh niên như một con người bình dị mà ta có thể gặp ở nhiều nơi trên đất nước. Mỗi suy nghĩ của anh đều thấm đẫm tình yêu con người, yêu cuộc đời, yêu đất nước.

    Bằng cốt truyện nhẹ nhàng, tình huống truyện hợp lí, cách kể truyện tự nhiên cùng những chi tiết chân thực và ngôn ngữ chọn lọc, trong trẻo, nhà văn đã kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa Pa lặng lẽ. Nhân vật anh thanh niên trong truyện đã hiện ra với tất cả những phẩm chất đáng yêu, đáng quí. Anh chính là hình ảnh tiêu biểu của tuổi trẻ Việt Nam, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa

    Xã hội và bảo vệ đất nước. Cùng với anh thanh niên, trong tác phẩm còn có sự xuất hiện của các nhân vật khác như ông họa sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe.. Mỗi người hiện lên với những vẻ đẹp khác nhau trong tâm hồn, trong lối sống và góp phần làm bật nổi chủ đề của tác phẩm. Đầu tiên không thể không nói đến đó chính là nhân vật ông họa sĩ. Mặc dù không phải là nhân vật chính của tác phẩm nhưng ông họa sĩ lại là nhân vật giữ vai trò đặc biệt quan trọng bởi ông mang điểm nhìn trần thuật của tác giả. Suốt cả câu chuyện, dường như, tác giả đã đặt mình vào vị trí của ông để quan sát và cảm nhận. Đồng thời, ở ông họa sĩ cũng hiện lên nhiều vẻ đẹp. Ông là một người họa sĩ chân chính, nghiêm túc, say mê và không ngần ngại khó khăn để đi tìm cái đẹp "Hơn bao nhiêu

    Người khác, ông biết rất rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại của cuộc đời.. Đối với chính nhà họa sĩ, vẽ bao giờ cũng là một việc khó, nặng nhọc và gian nan". Thêm vào đó, khi gặp anh thanh niên, chứng kiến công việc và cuộc sống của anh, ông họa sĩ xúc động và bối rối còn trước vẻ đáng yêu của anh, ông lại thấy "nhọc quá" vì những điều người ta nghĩ về anh. Những cảm xúc, suy tư của ông họa sĩ về nhân vật anh thanh niên đã góp phần cho chân dung nhân vật anh thanh niên hiện lên sáng rõ.

    Cùng với ông họa sĩ, nhân vật cô kĩ sư cũng là nhân vật để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Cô chính là hiện thân, là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ. Cuộc gặp gỡ bất ngờ cũng những câu chuyện, những lời tâm sự của

    Anh thanh niên đã khiến cô cảm thấy "bàng hoàng", giúp cô hiểu hơn về anh, về những con người như anh và có lẽ đó chính là động lực, là niềm tin để cô có thể tự tin vững bước trên con đường cô đã lựa chọn. Cuối cùng, đó chính là nhân vật bác lái xe. Nhân vật bác lái xe xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm và cũng là người tạo ra cuộc gặp gỡ bất ngờ, thú vị giữa anh thanh niên, ông họa sĩ và cô kĩ sư. Bác là một người yêu nghề và có trách nhiệm với công việc, bác đã làm nghề lái xe ba mươi năm và có vốn hiểu biết phong phú về Sa Pa. Bác còn là một người niềm nở và cởi mở và có tâm hồn nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Sa Pa. Đồng thời, bác còn là cầu nối giữa anh thanh niên với miền xuôi, với cuộc đời - bác mua sách cho anh thanh niên, giới thiệu với anh những

    Người bạn mới..

    Nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa và hình ảnh ngư dân lao động trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là hiện thân của vẻ đẹp người lao động một thời. Đó là những người ưu tú của quê hương trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Người lao động vô danh trong hai tác phẩm đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp, dù ở núi cao hay biển xa đều là những người nhiệt tình, say mê công việc, sống có lí tưởng. Họ là điển hình cao đẹp của con người lao động mới, con người trưởng thành trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

    Hai tác giả đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh người lao động thật lạc quan, yêu đời và sống có trách nhiệm. Chính họ đã đóng góp một phần công sức lớn lao

    Của mình vào việc đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, là hậu phương vững chắc bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Càng khâm phục họ, thanh niên chúng ta phải ra sức học tập để sau này trở thành người sống có ích để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, văn minh.

    Tác giả: DNNY
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...