Nghĩa Của Từ Hi Sinh Từ Hán việt, chữ Hán viết là 犧牲, giản thể viết 牺牲, bính âm là /xīshēng/, trong đó: - Hy là con vật thuần sắc dùng để cúng tế; - Sinh là con vật dùng để cúng tế nói chung, bất kể thuần hay không thuần sắc. Từ điển Thiều Chửu giảng con vật nuôi thì gọi là "súc", dùng để cúng thì gọi là "sinh", lại giảng "Vua Thang cầu mưa, tự phục trước miếu thay làm con muông (tức là con thú, trong từ ghép muông thú - NNVC) để lễ, vì thế người ta gọi những người bỏ cả đời mình để làm cho đạt một sự gì là hy sinh." Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Phân Biệt Các Từ Ngộ - Giác ngộ: Chữ "ngộ" này có nghĩa là hiểu ra, hiểu rõ, mở trí óc ra không mê muội nữa. Chữ Hán viết là 悟. "Giác ngộ" là tỉnh ra mà hiểu rõ. Đây chính là chữ "ngộ" trong cảm ngộ, chấp mê bất ngộ, đại ngộ, ngộ tính, tỉnh ngộ. - Hội ngộ: Chữ "ngộ" này vốn có nghĩa là gặp nhau, hợp nhau. Đối đãi với nhau. Chữ Hán viết là 遇. "Hội ngộ" là gặp nhau, thường là không hẹn mà gặp giữa những người thân thiết. Đây cũng là chữ "ngộ" trong Bích câu kì ngộ, cảnh ngộ, đãi ngộ, hạnh ngộ, kì ngộ, tao ngộ, tri ngộ, tương ngộ. - Ngộ nhận: Chữ "ngộ" này nghĩa là lầm, sai, lầm lỡ, làm hại. Chữ Hán viết là 誤. "Ngộ nhận" nghĩa là hiểu sai, hiểu lầm, nhận thức sai. Đây chính là chữ "ngộ" trong ngộ giải, ngộ sát, thác ngộ (lầm lẫn). - Ngộ mị: Chữ "ngộ" này có nghĩa là thức, không ngủ. Chữ Hán viết là 寤. Chữ này nay hiếm dùng. "Ngộ mị" là thức và ngủ. Trong "Bình Ngô đại cáo", bản dịch của Ngô Tất Tố viết "Những trằn trọc trong cơn mộng mị, Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi", thì bản chữ Hán của Nguyễn Trãi viết là 圖回之志, 寤寐不忘, tức "Đồ hồi chi chí, ngộ mị bất vong". "Ngộ mị bất vong" nghĩa là dù thức hay ngủ cũng không quên. Và còn một số chữ "ngộ" ít phổ biến nữa tụi mình không kể ra đây. Trong tiếng Việt, những chữ "ngộ" này dù viết (bằng chữ Quốc ngữ) và đọc giống nhau nhưng về mặt ngữ nghĩa thì hoàn toàn không giống nhau. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Chi Tiết Từ Hán việt, viết là 枝節, giản thể viết 枝节, bính âm là /zhījié/, trong đó: - Chi là cành cây, như kim chi ngọc diệp là cành vàng lá ngọc; - Tiết là đốt tre, cũng dùng để chỉ đốt cây, tức là cái lóng cây, đoạn giữa hai mắt, hai đầu khớp, như cốt tiết là đốt xương. "Chi tiết" vốn là cành cây và đốt cây, ý chỉ những cái nhỏ nhặt, cái bộ phận trong cái toàn thể. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Lâm Ly Từ Hán việt, viết là 淋漓, bính âm là /línlí/, trong đó: - Lâm là ngâm nước, dầm nước, ướt đẫm, như "nhật sái vũ lâm" là dầm mưa dãi nắng; - Ly là thấm ướt, thấm khắp, Từ điển Nguyễn Quốc Hùng giảng nước thấm vào đất thì gọi là ly. "Lâm ly" (cũng viết "lâm li") là từ ghép vốn có nghĩa thấm ướt, ướt át, mở rộng nghĩa thành buồn rầu thấm thía. Từ điển Hoàng Phê giảng chuyện gì buồn thảm, gây thương cảm là "lâm ly", như tiếng khóc nghe lâm ly hay khúc nhạc lâm ly. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nghĩa Của Từ Tồi Tàn Từ Hán Việt, chữ Hán viết là 摧殘, giản thể viết 摧残, bính âm là /cuīcán/, trong đó: - Tồi là bẻ gãy, hủy hoại, phá vỡ, làm thương tổn, từ điển Nguyễn Quốc Hùng giản "tồi bại" là "hư hỏng xấu xa"; - Tàn là hư hại, rách, sứt mẻ, hỏng, cũng có nghĩa là cái còn thừa lại ( "tàn bôi" là chén rượu thừa, ý nói tiệc đã kết thúc), giết ai, hủy hoại ai cũng gọi là tàn (như "cốt nhục tương tàn"), bị thiếu, khuyết mất cũng gọi là tàn (như "tàn tật"). "Tồi tàn" là từ ghép chỉ cái gì bị phá hư, bị hủy hoại, bị làm cho tan nát. "Truyện Kiều" viết: "Hạ từ van lạy suốt ngày, Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn". Từ "tồi tàn" ở đây mang nghĩa bị làm cho tan nát, ý nói hai cha con nhà họ Vương bị bọn sai nha "đánh đập tàn nhẫn" (theo bản "Truyện Kiều" do Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú giải). Về sau mở rộng nghĩa thành cái gì hư hỏng, đổ nát cũng gọi là "tồi tàn", như từ điển Hoàng Phê giảng "tồi tàn" nghĩa là "tồi* quá đáng đến mức thảm hại" (ăn mặc tồi tàn, căn nhà tồi tàn rách nát). Chúng ta thường dùng từ "tồi tàn" với nghĩa này. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Giải Nghĩa Từ Bỉ Ổi Từ Hán Việt, viết là 鄙猥, bính âm là /bǐ wěi/, trong đó: - Bỉ là thô tục, thô lỗ, hèn hạ, hèn mọn, đê tiện, nói chung là bảy bảy bốn chín cái nghĩa chỉ kẻ thô tục; - Ổi là hèn hạ, thấp kém. "Bỉ ổi" là từ để chỉ sự xấu xa, hèn hạ, đáng khinh, như hành động bỉ ổi, con người bỉ ổi, thủ đoạn bỉ ổi. (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa chứ ổi này không liên quan gì trái ổi) Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Giải Nghĩa Từ Trụy Lạc Từ Hán Việt, viết là 墜落, giản thể viết 坠落, bính âm là /zhùiluò/, trong đó: - Trụy là ngã xuống, rơi, rụng, đổ, mất, chìm xuống; - Lạc là rơi rụng, sa xuống, "ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng tri thu" (梧桐一葉落, 天下共知秋) là một lá ngô đồng rụng, mọi người đều biết là mùa thu đến. "Trụy lạc" nghĩa chung là rơi rụng, nên được dùng để chỉ sự sa ngã, như Từ điển Hoàng Phê giảng là "sa vào lối sống ăn chơi thấp hèn, xấu xa". Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Giải Nghĩa Từ Trắc Ẩn Từ Hán Việt, viết là 惻隱, giản thể viết 恻隐, bính âm là /cèyǐn/, trong đó: - Trắc là xót xa, bùi ngùi, đau lòng, thương xót trước cảnh khổ thì gọi là trắc, "Liêu trai chí dị" của Bồ Tùng Linh viết: "Quy kiến môn hộ tiêu điều, ý thậm bi trắc" (歸見門戶蕭條, 意甚悲惻), về thấy nhà cửa tiêu điều, trong lòng rất chua xót. ; - Ẩn là không hiện ra, che đi, là không để cho người khác thấy hoặc biết, như chuyện còn chưa rõ, còn nhiều điều chưa thể hoặc chưa được tiết lộ gọi là "ẩn tình", ngoài ra chữ "ẩn" cũng có nghĩa là nỗi khốn khổ nữa. "Trắc ẩn", theo từ điển Hoàng Phê nghĩa là thương xót trong lòng. Động lòng trắc ẩn nghĩa là có việc gì đó xảy ra, chạm vào lòng thương xót vốn có ở trong lòng. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Nguồn gốc của câu "Từ thời năm Thìn bão lụt.." Người Nam bộ có câu cửa miệng rằng, "từ thời năm Thìn bão lụt", hoặc "hồi năm Thìn bão lụt", hoặc là "nước tràn như năm Thìn bão lụt". Hồi bé tui cứ tưởng đó chỉ là cách nói chung chung vì năm Thìn là năm rồng, mà rồng thì làm mưa. Té ra có một năm Thìn bão lụt thật. Sách "Đồng bằng Sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa & Văn minh Miệt vườn" của Sơn Nam (NXB Trẻ, 2017, tr. 24-25) viết: "Hạn hán, mất mùa ít xảy ra, chẳng bao giờ gây thiệt hại lớn, đồng loạt cho nhiều vùng một lượt. Ôn lại trí nhớ, quanh quẩn có vụ bão lụt năm Thìn là biến cố hy hữu, xảy ra vào mùa nắng (Rằm (1) tháng 3 nông lịch, 1 tháng 5 năm 1904), trận" sóng thần "do động đất từ đáy biển khơi dậy lên". Lần mò tư liệu thì thấy trận bão lụt này từ biển vào đất liền, nơi chịu trận đầu tiên là xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang bây giờ. Có tư liệu không kể đó là "sóng thần do động đất từ đáy biển khơi dậy lên" như Sơn Nam mà ghi là cơn bão này đi từ Cao Miên qua. Dù từ nguyên do gì thì dân gian vẫn còn lưu truyền nhiều câu ca dao, bài vè miêu tả cái sự kinh hoàng khiếp đảm của nó: "Không ai mà rõ thiên cơ Bước qua mười sáu giông chơi một hồi Tưởng là một lát mà thôi Ai dè đến tối nổi trôi cửa nhà.." 16 âm lịch vốn là ngày chánh con nước Rằm. Tuy nhiên tháng 3 là mùa nước kém nên chuyện nước dâng là không ai ngờ đến. Từ Tiền Giang, bão lan ra khắp Nam bộ: "Mỹ Tho, Cửa Tiểu ba đào Bến Tre, Cần Giuộc, Vũng Tàu, Đồng Tranh Cần Giờ, Bà Rịa chung quanh Thảy đều hư hại rành rành chẳng sai Vĩnh Long, Sa Đéc một vài Cần Thơ cây ngã lầu đài vô can.." Sài Gòn cũng không tránh khỏi: "Bến Thành nóc chợ cũng bay Đèn khí nó ngã nằm ngay cùng đường.." Trận đó chết đến hàng ngàn người: "Tại kinh Nước Mặn (2) chết nhiều Ghe bầu, tàu khói (3) tấp xiêu lên bờ Đứt neo gãy bánh (4) nằm trơ Tàu khói lên bờ huống luận là ghe.." "Gò Công nghe bão nặng nề Bình Duân, Long Kiểng gần kề hải duyên.." "Ghe bầu trôi tắp lên bờ Thây ma trôi tới Cần Giờ quá đông.." Về sau còn có câu ca dao này: "Gặp em đây mới biết em còn Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi" Để thấy một trận năm đó đi qua, kẻ còn người mất, lưu lạc tứ tán. Đến năm Nhâm Thìn 1952 cũng có một trận bão nữa dù ít được sáng tác vè hay ca dao bằng trận năm 1904, nhưng mà nó hình thành chung tâm lý sợ năm Thìn của người Nam bộ. Có ý kiến bảo là năm 2000 bị đồn tận thế tối trời gì đó có nhiều lý do, nhưng cũng có lý do vì đó là năm Thìn. Cái này thì tui không chắc vì lúc đó tui còn nhỏ, chả nhớ được gì * * * (1) Sơn Nam viết 1/5/1904 là ngày Rằm, nhưng cũng có chỗ ghi là 16, nên mới có câu ca dao "Không ai mà rõ thiên cơ, Bước qua mười sáu giông chơi một hồi". Mà theo lịch vạn niên tui có thì hôm đó ngày 16 âm lịch. (2) Kinh Nước Mặn thuộc Long An. (3) Tàu khói là tàu có ống khói, tức là thuyền lớn. Người Nam bộ kêu thuyền lớn là tàu, thuyền nhỏ là ghe, nhỏ nữa là xuồng, rồi còn nhiều loại khác nữa. (4) Gãy bánh là gãy bánh lái tàu ghe, không phải bánh xe. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ
Giải Nghĩa Của Từ Xạo Ke Hồi bữa tui coi một MV ca nhạc thiếu nhi, đầu tư công phu lắm, mỗi tội MV có một chi tiết làm tui hơi giật mình, rằng thoại trong MV có đoạn cô bé nhân vật chính, chắc chừng 5-6 tuổi, dùng từ "xạo ke". Hồi năm 2018 tui đã giải thích nghĩa của từ này rồi, và từ độ biết nghĩa của nó đến nay tui hết dám dùng luôn á. Nay đăng lại từ này để ai chưa đọc thì đọc cho biết. Đầu tiên là "xạo". Đại Nam quấc âm tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của giảng "xạo" là "rộn ràng". Xạo xự cũng là rộn ràng, đừng xạo xự nghĩa là đừng có rộn ràng. Nói xạo nghĩa là nói cho rộn bộ, nói cho qua việc, nói cho lớn lối mà không làm sự gì. Từ nghĩa này, tụi mình cho là "nói xạo" đã di nghĩa thành "nói dối", "nói quá sự thật". Từ điển Hoàng Phê thì bảo "xạo" là "không đứng đắn, bậy bạ". Giờ đến "ke". Cũng trong Đại Nam quấc âm tự vị, Hùinh Tịnh Paulus Của giảng "ke" là "khớm, bợn trắng trắng hay đóng theo răng, dựa đàng tiểu, tiếng tục." Cái nghĩa bợn trắng trắng đóng theo khe răng hay chảy ra ngoài trong lúc ngủ (ngủ chảy ke) thì dễ hiểu rồi, nhưng còn cái "tiếng tục" mà Huỳnh Tịnh Của không giảng rõ kia lại là gì? Đào ngược về một tài liệu xưa hơn là Từ Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes thì có giảng "ke" là từ "chỉ bộ phận sinh dục đàn ông hay đàn bà". Ke chính là từ cũ của kẽ như kẽ nứt, kẽ hở, kẽ tay. "Ke" còn có một âm khác là "khe". Trong tiếng Việt xưa, "ke", "kẽ" hay "khe" đều là những từ tượng hình chỉ bộ phận sinh dục nữ. Bữa đọc sách về ca dao, đoạn về những câu nhiếc móc kẻ giàu mà hà tiện, tui còn đọc được câu này: "Thà nghèo một buổi hai ve, Hơn giàu hà tiện ăn ke liếm l*." (Chỗ l* là gì thì chắc mọi người thừa biết) Từ những ý trên, mọi người có thể đoán được "xạo ke" là xạo gì rồi ấy. Nói chung, "xạo ke" là một từ tục có thể giờ đã mất nghĩa tục, chỉ còn cái nghĩa bình dân nên nhiều người vẫn nói với nhau. Dù có thể nó mất nghĩa tục, nhưng mà tui vẫn không thể không giật mình khi nghe trẻ con nói. Người mình hay có cái tật dùng từ mà không rõ nghĩa, cứ nói như một thói quen, đôi khi thật tai hại. Nguồn: Ngày Ngày Viết Chữ