ĐỌC HIỂU TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP ĐỀ 1: Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi sau: Hỡi đồng bào cả nước! "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được. Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? A. Bình Ngô đại Cáo – Hồ Chí Minh. B. Nam quốc sơn hà – Lí Thường Kiệt. C. Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh. D. Tuyên ngôn độc lập – Nguyễn Trãi. Câu 2: Ý chính của văn bản là? A. Nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả mọi người từ đó khẳng định tuyệt đối quyền độc lập của dân tộc Việt Nam. B. Nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả mọi người từ đó suy ra thành quyền tự do, bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới. C. Nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới từ đó suy ra thành quyền tự do, bình đẳng mọi người. D. Nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả mọi người từ đó khẳng định tuyệt đối quyền độc lập của mọi dân tộc trên thế giới. Câu 3: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản? A. Phong cách ngôn ngữ chính luận. B. Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. C. Phong cách ngôn ngữ hành chính. D. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật. Câu 4: Việc dùng từ "Suy rộng ra" có ý nghĩa như thế nào? A. Bình luận một cách sáng tạo. B. Nâng quyền cá nhân lên tầm dân tộc. C. Giải phóng nữ quyền. D. Cả ba đáp án trên. Câu 5: Viết đoạn văn khoảng 150 chữ đánh giá về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên. ĐÁP ÁN: Bấm để xem Câu 1: C. Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh. Câu 2: B. Nói về quyền tự do, bình đẳng của tất cả mọi người từ đó suy ra thành quyền tự do, bình đẳng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Câu 3: A. Phong cách ngôn ngữ chính luận. Câu 4: D. Cả ba đáp án trên. Câu 5: Lê ô nít đã nói: "Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một phát minh về hình thức và khám phá về nội dung." Với Hồ Chí Minh, nghệ thuật lập luận ở phần mở đầu là "phát minh về hình thức" và hệ thống cơ sở pháp lí cơ bản mà vững chãi được đưa ra là một "khám phá về nội dung". Từ cách lập luận chặt chẽ, đanh thép giàu sức thuyết phục, đến văn phong trong sáng và súc tích, từ phần trích dẫn các văn bản Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp đến phần "Suy rộng ra" đầy tính nhân văn, nhân đạo, Hồ Chí Minh đã bộc lộ quan điểm chính trị nhạy bén, tài năng hùng biện hiếm có trong văn chương để từ đó nêu cao quyền dân tộc. Có thể nói, Hồ Chí Minh nói chung và phần đầu của bản Tuyên ngôn độc lập nói riêng đã "bắn phát súng lệnh" thổi bùng phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước khác trên thế giới. ĐỀ 2: Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. (Trích Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh, Ngữ văn 12, tập 1) Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Xác định biện pháp tu từ trong đoạn văn bản trên? A. Điệp ngữ B. Liệt kê C. Nói giảm nói tránh D. Nói quá. Câu 2: Điệp ngữ "sự thật" nhằm mục đích gì? A. Khẳng định hai sự việc: Từ mùa thu 1940, nước ta thành thuộc địa của Nhật và dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải Pháp. B. Khẳng định từ mùa thu 1940, nước ta thành thuộc địa của Pháp. C. Khẳng định từ mùa thu 1940, nước ta thành thuộc địa của Nhật. D. Khẳng định dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải Pháp. Câu 3: Từ "dân ta" được điệp đi điệp lại không nhằm mục đích gì? A. Nhấn mạnh vai trò to lớn của dân ta đối với đất nước. B. Đặt cuộc cách mạng Tháng 8 của ta ngang hàng với cuộc cách mạng tư sản Mĩ 1776. C. Bác bỏ công khai hóa và bảo hộ mà thực dân Pháp luôn rêu rao. D. Thể chế nước ta lựa chọn là chế độ dân chủ cộng hòa. Câu 4: Mục đích của đoạn trích là? A. Bác bỏ công khai hóa của Pháp. B. Bác bỏ công bảo hộ của Pháp. C. Khẳng định công bảo hộ của Pháp. D. Khẳng định công khai hóa của Pháp. Câu 5: Từ quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, anh, chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 từ) bày tỏ suy nghĩ về tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ ngày nay? ĐÁP ÁN: Bấm để xem Câu 1: A. Điệp ngữ "sự thật là" Câu 2: A. Khẳng định hai sự việc: Từ mùa thu 1940, nước ta thành thuộc địa của Nhật và dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải Pháp. Câu 3: C. Bác bỏ công khai hóa và bảo hộ mà thực dân Pháp luôn rêu rao. Câu 4: B. Bác bỏ công bảo hộ của Pháp. Câu 5: Dân tộc Việt Nam vốn giàu truyền thống yêu nước, đặc biệt, thế hệ trẻ ngày nay đã và đang giữ gìn được truyền thống và tinh thần cao đẹp ấy. Tinh thần yêu nước tựa như một ngọn đèn hải đăng đem đến cho những bạn trẻ năng lượng và lối sống tích cực, có mục tiêu. Những bạn trẻ ngày nay đang ra sức học tập để xây dựng đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. Họ hiểu rõ và coi trọng nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc, tiếp thu những nguồn tri thức mới để hoàn thiện bản thân. Tinh thần yêu nước chính là lá cờ đầu để họ cống hiến hết mình cho tổ quốc. Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ đang có lối sống sai lầm. Họ chỉ chạy theo những giá trị vật chất, sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến tương lai của mỗi người, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của một đất nước. Chính vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay cần không ngừng tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. (Còn tiếp)
ĐỀ 3: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi: ".. Về chính trị - Chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược. Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng. Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.." Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Đoạn văn trên được trích trong tác phẩm nào? Tác giả là ai? A. Bình Ngô đại Cáo – Hồ Chí Minh. B. Nam quốc sơn hà – Lí Thường Kiệt. C. Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh. D. Tuyên ngôn độc lập – Nguyễn Trãi. Câu 2: Nội dung đoạn trích đề cập tới những tội ác của thực dân Pháp trên những lĩnh vực nào? A. Chính trị - kinh tế. B. Chính trị - văn hóa. C. Văn hóa - giáo dục. D. Kinh tế - giáo dục. Câu 3: Xác định biện pháp nghệ thuật tu từ trong đoạn văn bản trên? A. Đảo ngữ "Chúng" B. Liệt kê "ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu" C. So sánh "là" D. Nói giảm, nói tránh "tắm" Câu 4: Nội dung đoạn trích không thể hiện? A. Tư duy chính trị thiên tài của Hồ Chí Minh. B. Bản cáo trạng đanh thép về tội ác của giặc. C. Tái hiện tình cảnh thê thảm của nhân dân ta. D. Lời cảnh cáo sâu sắc tới kẻ thù. Câu 5: Từ nội dung đoạn trích, anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày về ý nghĩa của cuộc sống hòa bình? ĐÁP ÁN: Bấm để xem Câu 1: C. Tuyên ngôn độc lập – Hồ Chí Minh. Câu 2: A. Chính trị - kinh tế. Câu 3: B. Liệt kê "ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu" Câu 4: D. Lời cảnh cáo sâu sắc tới kẻ thù. Câu 5: Đất nước bốn ngàn năm lịch sử thăng trầm và đầy biến động khiến cho lớp lớp con dân Việt Nam ta càng thêm trân quý và tự hào những tháng ngày hòa bình và hạnh phúc. Có thể nói, cuộc sống hòa bình là một niềm ước mong giản dị mà khó thực hiện nhất. Hòa bình là trạng thái bình yên khi con người và các quốc gia hòa thuận với nhau, cùng nhau hợp tác phát triển, giao bạn hữu. Chỉ khi có được hòa bình, con người mới có thể sống trong điều kiện tốt nhất, không phải chịu nỗi đau mất mát, chia li như trong chiến tranh và thoải mái theo đuổi đam mê của riêng mình. Đó cũng chính là lí do tại sao trên thế giới hiện nay luôn có những tổ chức, cá nhân đấu tranh không ngừng nghỉ vì một nền hòa bình bền vững cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ. Vậy mà trên thế giới vẫn luôn có những cuộc xung đột, những đấu tranh vô nghĩa. Tại sao mỗi cá nhân không hòa mình trong một sức mạnh chung hướng đến hòa bình cho mỗi quốc gia dân tộc. Như vậy, cuộc sống hẳn sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều!
ĐỀ 4: Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi: ".. Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần, lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1: Đối tượng được nhắm đến trong văn bản phải là? A. Quốc dân đồng bào B. Nhân dân thế giới C. Các đối tượng thù địch. D. Cả ba đáp án trên. Câu 2: Chỉ ra phép liên kết không được sử dụng trong đoạn trích? A. Phép nối "và" B. Phép lặp "tự do, độc lập" C. Phép lặp "sự thật" D. Phép thế "ấy" Câu 3: Đoạn trích trên không được coi là? A. Lời tuyên bố B. Lời nhận xét C. Lời thề D. Lời cảnh cáo Câu 4: Xác định nội dung cơ bản của đoạn trích? A. Tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. B. Khẳng định chủ quyền dân tộc. C. Bác bỏ công bảo hộ, khai hóa của Thực dân Pháp. D. Tố cáo tội ác của Thực dân Pháp. Câu 5: Từ ý nghĩa đoạn trích trên, anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 150 chữ bày tỏ suy nghĩ về truyền thống chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta. ĐÁP ÁN: Bấm để xem Câu 1: D. Cả ba đáp án trên. Câu 2: C. Phép lặp "sự thật" Câu 3: B. Lời nhận xét Câu 4: A. Tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Câu 5: Dân tộc ta là dân tộc anh hùng và chúng ta tự hào với truyền thống ngoan cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Khi đất nước lâm nguy, dù là nông dân, công nhân hay các nhà tư sản hàng đầu đều không ngại ngần cống hiến sức lực, của cải, tâm huyết mình cho đất nước. Truyền thống ấy đã đi sâu vào máu thịt, vào linh hồn, để mỗi người dân Việt Nam ta không ngừng yêu mến và tự hào dải đất hình chữ S nghìn năm văn hiến này. Truyền thống ấy vẫn được tiếp nối từ quá khứ, hiện tại, tương lai để rồi lớp lớp thế hệ con cháu không ngừng dựng nước và làm giàu thêm cho đất nước. Thế nhưng, cũng có những con người không biết quý trọng truyền thống ấy. Điều này thật đáng buồn! Mỗi chúng ta đều phải nêu cao nhận thức về vấn đề này.