Đọc hiểu: Thanh Niên - Xuân Diệu

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Thanh Niên - Xuân Diệu

    ĐỀ 1

    Đọc đoạn trích sau:

    Thanh Niên ơi, ngươi đang ở cùng ta,

    Rộn tiếng mùa, và thay đổi cười hoa.

    Ngươi ríu rít như một rừng chim núi,

    Ngươi xôn xao như một vạn cây rừng;

    Nao lòng ta bằng muôn cánh yêu đương,

    Làm rợn ngợp như phất cờ trẻ mạnh.

    Ở trong máu thắm vì xuân trộn ánh,

    Suối ngươi đi, róc rách giọng hồng vàng,

    Xui chân vồng thành những bước nghênh ngang

    Và gót nhịp theo một lời hứa hẹn.

    Miệng thổi sáo, mày nghiêng đưa mắt bén,

    Ta liếc đời bằng những khoé ham mê;

    Ngươi treo đèn, ngươi mở nhạc, tung huê,

    Và ta đóng những vòng tay thật chặt.

    Thế mà cũng có một ngày khe khắt

    Ta ở đây mà ngươi bỏ ngươi đi.

    Ôi Thanh Niên! Ngươi mang hết xuân thì,

    Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng.

    Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng,

    Đuổi bướm chim, làm sợ cả hoa hương;

    Và dần dà càng rõ rệt bộ xương

    Mà bạn hữu sẽ đặt nằm dưới đất [..]

    (Trích "Thanh Niên", Xuân Diệu - 1945)

    [​IMG]

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn trích.

    Câu 2: "Ngươi" mà tác giả nhắc đến trong bài thơ là gì?

    Câu 3: Trong cảm nhận của nhà thơ, quãng đời "thanh niên" của mỗi người là khoảng thời gian như thế nào?

    Câu 4: Câu thơ: "Ta ở đây mà ngươi bỏ ngươi đi" cho em hiểu điều gì?

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Cần làm gì để tuổi trẻ có ý nghĩa.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: Xác định thể thơ của đoạn trích: Thể thơ 8 chữ

    Câu 2: "Ngươi" mà tác giả nhắc đến trong bài thơ là: Thanh Niên - là tuổi trẻ của con người.

    Đây là phép tu từ nhân hóa, tác giả coi Thanh Niên là đối tượng để trò chuyện, giãi bày, bộc lộ suy nghĩ của mình về tuổi trẻ.

    Câu 3: Trong cảm nhận của nhà thơ, quãng đời "thanh niên" của mỗi người là khoảng thời gian tươi đẹp, vui vẻ, rực rỡ nhất; đó là tuổi của yêu đương, của nhiệt huyết căng trào.. Điều đó được thể hiện qua các từ ngữ như: rộn, cười, ríu rít, xôn xao, yêu đương, trẻ mạnh, máu thắm, róc rách, nghênh ngang, thổi sáo, ham mê..

    Câu 4: Câu thơ: "Ta ở đây mà ngươi bỏ ngươi đi" cho ta hiểu: Tuổi trẻ của con người dù đẹp nhưng không là vĩnh viễn, tất cả sẽ trôi đi theo quuy luật của thời gian. Câu thơ không chỉ nói đến sự ngắn ngủi của đời người, sự trôi đi không trở lại của tuổi trẻ mà còn thể hiện tâm trạng ngậm ngùi, tiếc nuối của Xuân Diệu trước quy luật nghiệt ngã ấy.

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Cần làm gì để tuổi trẻ có ý nghĩa.

    Xuân Diệu từng ngậm ngùi:

    "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.."

    Đó là quy luật muôn thở của đời người: Mùa xuân có thể tuần hoàn theo sự luân chuyển của mùa nhưng tuổi trẻ thì một đi không trở lại, vậy chúng ta cần sống như thế nào để tuổi trẻ trở nên có ý nghĩa, để khi khoảng thời gian đẹp đẽ ấy qua đi, ta không phải hối hận muộn màng? Để tuổi trẻ có ý nghĩa, chúng ta trước hết cần có nhận thức về quy luật của thời gian, đời người - thời gian là dòng chảy tuyến tính, đời người thực ra là hữu hạn, ngắn ngủi.. từ đó biết quý trọng thời gian, trân trọng cuộc đời mình, nhất là những năm tháng tuổi trẻ. Tuổi trẻ sẽ ý nghĩa hơn nếu chúng ta sống có mục đích có ước mơ và cháy hết mình với đam mê. Bởi mục đích, lí tưởng là bánh lái con thuyền cuộc đời, xác định được mình cần phấn đấu cho điều gì thì bản thân mới toàn tâm toàn ý chinh phục nó và mới có được thành công. Để tuổi trẻ có ý nghĩa, mỗi chúng ta cũng phải không ngừng học tập để trau dồi tri thức; rèn luyện tư cách đạo đức để hoàn thiện nhân cách; biết sống yêu thương, chia sẻ, sống trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng; sống nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong mọi công việc.. Tuổi trẻ là quãng thời gian rực rỡ nhất của cuộc đời, vì vậy chúng ta hãy sống thật đẹp để tuổi trẻ mãi là niềm tự hào của chúng ta kể cả khi nó đã trôi qua.

    Xem tiếp bên dưới: Đề 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng ba 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    Đọc đoạn trích sau:

    Người đương ở cùng ta, ôi Thanh Niên!

    Ta ôm choàng, ôm riết bánh thần tiên,

    Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,

    Làm dây đa quấn quít cả mình xuân;

    Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,

    Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất.

    Thanh Niên hỡi! Lòng ngươi thơm quá mất!

    Ta uống mê vào hơi thở của ngươi;

    Ta bấu răng vào da thịt của đời,

    Ngoàm sự sống để làm êm đói khát.

    Muôn nỗi ấm, với ngàn muôn nỗi mát,

    Ta đều ăn, nhắm nhía rất ngon lành;

    Ngực thở trời, mình hút nắng tươi xanh,

    Ta góp kết những vòng hoa mới lạ.

    Ngươi đang ở! Ta vội vàng dữ quá!

    Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn!

    Sống toàn thân! Và thức nhọn giác quan,

    Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ;

    Sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ [..]

    (Trích "Thanh Niên", Xuân Diệu - 1945)

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2: Đoạn trích là những nhận thức của tác giả về quãng thời gian nào của đời người?

    Câu 3: Liệt kê những từ ngữ thể hiện lòng ham sống mãnh liệt cảu nhà thơ.

    Câu 4: Phân tích tác dụng cảu biện pháp nghệ thuật trong những câu thơ: Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn! - Sống toàn thân! Và thức nhọn giác quan

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Vì sao cần phải sống mãnh liệt, sống hết mình những tháng năm tuổi trẻ?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Biểu cảm

    Câu 2: Đoạn trích là những nhận thức của tác giả về quãng thời gian tuổi trẻ của đời người (tuổi thanh niên)

    Câu 3. N những từ ngữ thể hiện lòng ham sống mãnh liệt của nhà thơ: ôm choàng, ôm riết, ôm bó, cánh tay ta làm rắn, làm dây đa, không muốn đi, ở mãi, hút mùa, uống mê, bấu răng. Ngoàm sự sống, ăn, nhấm nhía, hút..

    Câu 4: Phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong những câu thơ: Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn! - Sống toàn thân! Và thức nhọn giác quan

    - Biện pháp nghệ thuật: Điệp từ "sống", điệp ngữ "sống toàn..", liệt kê: Tim, trí, giác quan.

    - Tác dụng:

    + Tạo âm hưởng, giọng điệu mạnh mẽ, cuộn trào cho lời thơ;

    + Thể hiện quan niệm sống mãnh liệt, sống hết mình của Xuân Diệu.

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Vì sao cần phải sống mãnh liệt, sống hết mình những tháng năm tuổi trẻ:

    "Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.."

    Tuổi trẻ là quãng thời gian đẹp nhất, rực rỡ nhất, nhiệt huyết căng trào nhất trong cuộc đời con người. Nhưng tuổi trẻ nào rồi cũng phải qua đi, vì vậy, ta phải sống mãnh liệt, sống hết mình nhứng tháng năm thanh xuân ấy. Vì sao? Vì tuổi trẻ là khi sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất đều sung mãn nhất, là tuổi mà chúng ta có thể làm được những điều mà sau này chúng ta không thể làm được. Tuổi trẻ là tuổi cần phải phấn đấu để nửa sau cuộc đời ta không phải hối tiếc. Tuổi trẻ là tuổi dựng xây, vun đắp. Ngôi nhà nào cũng cần có nền móng vững chắc, tuổi trẻ là quãng thời gian "xây" móng ấy, là tuổi mà chúng ta phải chuẩn bị mọi thứ cho sự trưởng thành vững chắc sau này.. Chúng ta có được thành công hay không, có được cuộc đời như mơ ước hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sự phấn đấu của nhứng tháng năm tuổi trẻ. Vì vậy, sống mãnh liệt, sống hết mình là lựa chọn đúng đắn của những con người tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, khao khát sống một cuộc đời có ý nghĩa. Nếu tuổi trẻ mà lười biếng, tùy tiện, sống hời hợt.. thì làm sao có thể tạo nên giá trị cuộc sống, có được thành công? Nếu ta sống hết mình những năm tháng tuổi trẻ, cuộc đời năm mươi năm sau sẽ dễ dàng, ngược lại, chọn an nhàn những năm tháng cần phải phấn đấu ấy, cả cuộc đời sẽ vất vả. Vì vậy, hãy chuẩn bị bước đà cho vững, xây móng cho bền, hỡi các bạn trẻ.

    Xem thêm bên dưới: Đề 3
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    Đọc đoạn trích sau:

    Thanh Niên ơi, ngươi đang ở cùng ta,

    Rộn tiếng mùa, và thay đổi cười hoa.

    Ngươi ríu rít như một rừng chim núi,

    Ngươi xôn xao như một vạn cây rừng;

    Nao lòng ta bằng muôn cánh yêu đương,

    Làm rợn ngợp như phất cờ trẻ mạnh.

    Ở trong máu thắm vì xuân trộn ánh,

    Suối ngươi đi, róc rách giọng hồng vàng,

    Xui chân vồng thành những bước nghênh ngang

    Và gót nhịp theo một lời hứa hẹn.

    Miệng thổi sáo, mày nghiêng đưa mắt bén,

    Ta liếc đời bằng những khoé ham mê;

    Ngươi treo đèn, ngươi mở nhạc, tung huê,

    Và ta đóng những vòng tay thật chặt.

    Thế mà cũng có một ngày khe khắt

    Ta ở đây mà ngươi bỏ ngươi đi.

    Ôi Thanh Niên! Ngươi mang hết xuân thì,

    Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng.

    Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng,

    Đuổi bướm chim, làm sợ cả hoa hương;

    Và dần dà càng rõ rệt bộ xương

    Mà bạn hữu sẽ đặt nằm dưới đất [..]

    (Trích "Thanh Niên", Xuân Diệu - 1945)

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1:
    Chỉ ra 3 từ láy được sử dụng trong đoạn trích.

    Câu 2: Những câu thơ: Ôi Thanh Niên! Ngươi mang hết xuân thì - Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng - Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng đề cập đến quy luật gì của đời người?

    Câu 3: Nhận xét về vẻ đẹp của "Thanh Niên" được Xuân Diệu miêu tả trong đoạn trích.

    Câu 4: Lí giải vì sao hai chữ "Thanh Niên" lại được viết hoa.

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Nếu bạn để lãng phí tuổi trẻ thì..

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: 3 từ láy được sử dụng trong đoạn trích: ríu rít, xôn xao, róc rách (hoặc nghênh ngang, khe khắt )

    Câu 2: Những câu thơ: Ôi Thanh Niên! Ngươi mang hết xuân thì - Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng - Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng đề cập đến quy luật: Tuổi trẻ qua đi, tuổi già sẽ đến; thời gian đời người là hữu hạn..

    Câu 3: Về vẻ đẹp của "Thanh Niên" được Xuân Diệu miêu tả trong đoạn trích:

    - Là quãng đời vui vẻ, tươi đẹp: Rộn tiếng mùa, cười hoa, ríu rít như một rừng chim núi, xôn xao như một vạn cây rừng;

    - Là tuổi tràn đầy sức khỏe, sức trẻ: Như phất cờ trẻ mạnh;

    - Là tuổi tự do theo đuổi đam mê, khẳng định cái tôi: Những bước nghênh ngang

    - Là tuổi nhiều tình yêu, mơ ước: gót nhịp theo một lời hứa hẹn.

    - Là tuổi lạc quan, lãng mạn: Miệng thổi sáo, mày nghiêng đưa mắt bén,

    - Là tuổi nhiều đam mê: Ta liếc đời bằng những khoé ham mê;

    Câu 4: Hai chữ "Thanh Niên" được Xuân Diệu viết hoa một cách trang trọng để thể hiện tình yêu, sự trân trọng của tác giả đối với độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Nếu bạn để lãng phí tuổi trẻ thì..

    Ta ở đây mà ngươi bỏ ngươi đi.

    Ôi Thanh Niên! Ngươi mang hết xuân thì,

    Hình ngực nở, nụ cười tươi, màu tóc láng.

    Già sẽ đến, giơ tay xua ánh sáng,

    Sẽ có một ngày khe khắt nào đó, "Thanh Niên" - độ tuổi đẹp nhất của đời người sẽ bỏ ta mà đi. Đó là quy luật tất yếu của đời người. Dù mùa xuân có tuần hoàn theo bốn mùa, nhưng tuổi xuân của chúng ta thì một đi không trở lại. Nếu quãng đời đẹp nhất ấy mà ta để lãng phí thì sẽ như thế nào? Lãng phí tuổi trẻ, ta sẽ để tuột khỏi tầm tay nhiều điều quý giá. Tuổi trẻ là lúc cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đều sung mãn nhất, sống tùy tiện, lười biếng - làm sao ta có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất? Lãng phí thời gian học tập, tri thức chẳng đủ đầy. Không cố gắng trong lao động, thành quả chẳng là bao. Lãng phí tuổi trẻ đồng nghĩa bản thân đang tự đóng lại rất nhiều cánh cửa đưa ta đến thành công, đến một cuộc đời tốt đẹp. Bởi "Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng", kẻ lãng phí tuổi trẻ chính là những kẻ lười biếng mà thôi. Tuổi trẻ không chịu cố gắng, năm mươi năm cuộc đời còn lại sẽ vất vả, nhọc nhằn. Bởi những tháng năm sống phóng túng tùy tiện ấy lấy đi của ta sức khỏe, nhiệt huyết, cơ hội, không mang đến cho ta nhiều hiểu biết và kinh nghiệm.. thì nửa đời năm mươi năm sau, chẳng phải sẽ hoang mang, vô định lắm sao? "Không ai có thể gặt hái thành công mà chưa từng gieo trồng". Khoảng thời gian "gieo trồng" đúng mùa vụ nhất của cuộc đời con người là tháng năm thanh xuân tuổi trẻ. Hãy gieo trên mảnh đất thanh xuân những hạt mầm của sự nỗ lực, cố gắng, ta sẽ nhận về những trái chín ngọt ngào. Vậy, đừng lãng phí những năm tháng thanh xuân để cả đời phải ân, tiếc nuối: Ta đã làm chi đời ta vậy?

    Xem tiếp bên dưới: Đề 4
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 4

    Đọc đoạn trích sau:

    Người đương ở cùng ta, ôi Thanh Niên!

    Ta ôm choàng, ôm riết bánh thần tiên,

    Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn,

    Làm dây đa quấn quít cả mình xuân;

    Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần,

    Chân hóa rễ để hút mùa dưới đất.

    Thanh Niên hỡi! Lòng ngươi thơm quá mất!

    Ta uống mê vào hơi thở của ngươi;

    Ta bấu răng vào da thịt của đời,

    Ngoàm sự sống để làm êm đói khát.

    Muôn nỗi ấm, với ngàn muôn nỗi mát,

    Ta đều ăn, nhắm nhía rất ngon lành;

    Ngực thở trời, mình hút nắng tươi xanh,

    Ta góp kết những vòng hoa mới lạ.

    Ngươi đang ở! Ta vội vàng dữ quá!

    Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn!

    Sống toàn thân! Và thức nhọn giác quan,

    Và thức cả trong giấc nồng phải ngủ;

    Sống, tất cả sống, chẳng bao giờ đủ [..]

    (Trích "Thanh Niên", Xuân Diệu - 1945)

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

    Câu 2: Liệt kê những động từ biểu đạt lòng ham sống, khát sống của thi sĩ.

    Câu 3: Em hiểu Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn! là sống như thế nào?

    Câu 4: Thông điệp tác giả gửi gắm trong đoạn thơ là gì?

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Vì sao phải yêu cuộc sống?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: Nghệ thuật

    Câu 2: Liệt kê những động từ biểu đạt lòng ham sống, khát sống của thi sĩ: ôm choàng, ôm riết, ôm bó, hút, uống, bấu, ngoàm, ăn, nhấm nhía,

    Câu 3: Sống toàn tim! Toàn trí! Sống toàn hồn! là sống mạnh mẽ, sống hết mình, sống bằng cả trái tim, trí tuệ, tâm hồn

    Câu 4: Thông điệp tác giả gửi gắm trong đoạn thơ là: Cần phải trân trọng tuổi trẻ, phải sống nhiệt huyết, hết mình nhất là nhứng tháng năm tuổi trẻ. Vì tuổi trẻ qua đi sẽ không trở lại, vì tuổi trẻ là tuổi đẹp nhất, tuổi cần phải phấn đấu, phát triển cho cuộc đời dài phía sau.

    Câu 5: Viết đoạn văn 150 chữ về vấn đề: Vì sao phải yêu cuộc sống?

    Được đến với cuộc đời, được trải qua những hỉ nộ ái ố của kiếp sống con người điều đáng quý. Ta phải trân trọng cuộc sống, phải yêu cuộc sống bởi có yêu cuộc sống, con người mới thấy cuộc sống này thật nhiều điều tốt đẹp, đáng yêu. Yêu cuộc sống, ta sẽ biết sống như thế nào, sống sao cho cuộc đời mình là niềm vui, là thảo nguyên hoa cỏ chứ không phải là thung lũng đầy nước mắt hay sa mạc khô cằn. Yêu cuộc sống, ta mới tạo nên giá trị cho chính mình, mới từng bước chinh phục thành công và mang đến nhứng cống hiến cho tập thể, cộng đồng. Yêu cuộc sống, ta mới có động lực tinh thần mạnh mẽ để sống nhiệt huyết, sống hết mình cho những điều tốt đẹp và sẽ lan tỏa năng lượng tích cực ấy đến mọi người. Sẽ như thế nào nếu con người "chán sống"? Không yêu cuộc sống, con người dễ rơi vào trạng thái tâm lí bi quan, tuyệt vọng, thậm chí muốn chấm dứt sự sống, điều đó thật đáng buồn biết bao. Cuộc sống không kéo dài mãi mãi, vì vậy, cần phải yêu, trân trọng mấy mươi năm cuộc đời mình để khi không thể sống tiếp nữa, ta sẽ không phải hối tiếc mà than thở: Trời ơi! Ta đã làm được gì cho đời ta?
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...