Đọc hiểu văn bản: Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh - Ngữ văn 11 Kết nối tri thức

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 4 Tháng mười một 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    I. Văn bản nghị luận

    1. Cấu trúc của văn bản nghị luận.


    - Thành tố:

    + Luận đề: Thành tố bao trùm, định hướng việc triển khai luận điểm.

    + Luận điểm: Là sự thống nhất của lí lẽ và bằng chứng để làm nổi bật các khía cạnh của luận đề.

    + Lí lẽ: Nhằm giải thích và triển khai luận điểm, giúp luận điểm sáng tỏ và đứng vững

    + Bằng chứng: Góp phần xác nhận tính đúng đắn, hợp lí của lí lẽ.

    - > Mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành tố như vậy tạo nên cấu trúc đặc thù của văn bản nghị luận.

    2. Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận.

    - Thuyết minh: Giải thích, cung cấp những thông tin cơ bản xung quanh một vấn đề, khái niệm, đối tượng nào đó, làm cho việc luận bàn trở nên xác thực.

    - Miêu tả: Tái hiện rõ nét, sinh động hơn những đối tượng có liên quan.

    - Tự sự: Kể câu chuyện làm bằng chứng cho luận điểm mà người viết nêu lên.

    - Biểu cảm: Bộc lộ cảm xúc, tình cảm của người viết, làm cho văn bản có thêm sức lôi cuốn, thuyết phục.

    II. Tìm hiểu chung

    1. Tác giả Hoài Thanh


    - Nhà phê bình văn học xuất sắc nhất của văn học Việt Nam hiện đại.

    - Tác phẩm sáng giá nhất: Thi nhân Việt Nam (1942) được in tới 33 lần

    - Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2000.

    2. Một thời đại trong thi ca

    - Văn bản nghị luận về 1 vấn đề văn học

    - Là bài tiểu luận đặt ở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam

    - Nội dung: Tổng kết 1 cách sâu sắc về phong trào Thơ mới

    III. Khám phá văn bản

    1. Hệ thống luận điểm của bài và mối quan hệ giữa các luận điểm


    * Luận đề: "Tinh thần Thơ mới" :

    * Các luận điểm làm sáng tỏ luận đề:

    - Thực trạng khó phân biệt rạch ròi giữa thơ cũ và thơ mới

    - Nguyên tắc để xác định tinh thần thơ mới: So sánh bài hay với bài hay và dựa vào đại thể

    - Nhận diện điểm khác biệt giữa thơ cũ và thơ mới: Tinh thần thơ mới: Chữ tôi; Tinh thần thơ cũ: Chữ ta

    - Sự vận động của thơ mới xung quanh cái tôi và bi kịch của nó.

    - Ý nghĩa của cái Tôi thơ mới đối với thơ ca và xã hội đương thời

    * Mối quan hệ giữa các luận điểm:

    Các luận điểm sắp xếp theo trình tự logic:

    - Nêu vấn đề: Thực trạng khó phân biệt rạch ròi giữa thơ cũ và thơ mớiĐề xuất tiêu chí phân biệt

    - Giải quyết vấn đề: Nhận diện điểm khác biệt giữa thơ cũ và thơ mới  Tình trạng "cái Tôi" khi mới xuất hiện và những biểu hiện của cái Tôi trong thơ Mới

    - Kết thúc vấn đề: Ý nghĩa của cái Tôi thơ mới đối với thơ ca và xã hội đương thời

    2. Sự phù hợp về nội dung nghị luận với vấn đề nghị luận

    A. Nội dung 1: Nguyên tắc để xác định tinh thần thơ mới

    - Các tiêu chí so sánh thơ cũ và thơ mới:

    + Phải so sánh bài hay với bài hay, không thể căn cứ vào những bài thơ dở, vì thời nào cũng có bài hay bài dở

    + Dựa trên đại thể vì các thời đại nối tiếp nhau, khó phân biệt rạch ròi

    - Mục đích của việc đưa ra các tiêu chí so sánh thơ cũ và thơ mới:

    + Giúp người đọc hiểu cái khó khăn và khao khát của kẻ yêu văn quyết tìm cho được tinh thần thơ mới.

    + Giúp người đọc hiểu về tinh thần thơ cho đúng đắn.

    + Thuyết phục người đọc đồng thuận với những luận giải của tác giả về tinh thần thơ Mới.

    B. Nội dung 2: Tinh thần thơ mới là cái "Tôi"

    * Nội dung diễn giải về cái "Tôi"

    - Tinh thần thơ mới là chữ "Tôi".

    + Cái khác ở chữ "Tôi" và chữ "Ta". Ngày trước là thời chữ "Ta", bây giờ là thời chữ "Tôi".

    + Chữ "Tôi" trước đây nếu có thì cũng phải ẩn mình sau chữ "Ta". Chữ "Tôi" bây giờ là chữ "tôi" theo ý nghĩa tuyệt đối của nó.

    - Bi kịch "đáng thương" và "tội nghiệp" của cái Tôi:

    + Nó xuất hiện "bỡ ngỡ" như "lạc loài nơi đất khách", trong sự tiếp nhận của "bao nhiêu con mắt nhìn nó một cách khó chịu"

    + Nó không còn cái cốt cách hiên ngang ngày trước, nó "chỉ nói cái khổ sở, cái thảm hại, bế tắc: Thoát lên tiên, phiêu lưu trong trường tình, điên cuồng, đắm say, bơ vơ, ngẩn ngơ buồn, bàng hoàng, thiếu hụt lòng tin..

    * Nhận xét về cách diễn giải của tác giả:

    - Dùng chữ Tôi để diễn đạt ý thức cá nhân, đối sánh với chữ Ta thể hiện ý thức cộng đồng

    - Dùng biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ để diễn tả tình trạng của ý thức cá nhân khi mới xuất hiện trong văn học Việt Nam

    - Sử dụng hàng loạt các từ ngữ chỉ cảm xúc để biểu đạt những hướng tìm tòi và những biểu hiện khác nhau của ý thức cá nhân trong thơ Mới.

    - Đoạn" Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi.. cùng Huy Cận "

    + Nhận định có tính khái quát cao về sự bế tắc của cái tôi

    + Chỉ ra được phong cách riêng của từng nhà thơ một cách tinh tế.

    + Câu văn nghị luận giàu chất thơ, chất nhạc, cách viết mềm mại, uyển chuyển có tác dụng khêu gợi cảm xúc và hứng thú

    + Khi nói về từng nhà thơ: Giọng điệu giãi bày, chia sẻ, tâm tình" lấy hồn tôi để hiểu hồn người "

    3. Tác dụng của dẫn chứng và các biện pháp tu từ trong việc tăng sức hấp dẫn và thuyết phục văn bản

    A. Cách sử dụng dẫn chứng

    * Các dẫn chứng:

    - Minh họa cho tình trạng khó rạch ròi giữa thơ cũ và thơ mới: Trích dẫn thơ Xuân Diệu và các nhà thơ trung đại như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan.

    - Minh họa cho tình trạng thiếu vắng cái Tôi trong thơ cũ (đoạn về Cao Bá Nhạ) và sự khác biệt cảm xúc giữa thơ cũ và thơ mới (Đoạn về Nguyễn Công Trứ)

    - Minh họa cho phong cách riêng của các tác giả thơ Mới..

    * Nhận xét:

    + Hoài Thanh lấy dẫn chứng thực tế từ những nhà thơ đa dạng, cụ thể, giúp cho văn bản có sức thuyết phục cao hơn.

    + Khi tìm cái mới của thơ mới tác giả nhìn vấn đề trong mối quan hệ với thời đại, với tâm lí người đương thời thấu đáo, sâu sắc

    + Có cái nhìn thấu đáo về" cái tôi "," cái ta"có sự so sánh giữa các câu thơ và các nhà thơ cũ- mới trong diễn biến lịch sử.

    B. Giá trị của BPTT

    Minh họa qua đoạn văn cuối

    Biện pháp nghệ thuật:

    - Điệp ngữ, lặp cấu trúc: Chưa bao giờ như bây giờ..

    - Giá trị đặc sắc:

    + Làm cho lời văn nghị luận trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.

    + Giúp cho người đọc cảm nhận được trạng thái đặc biệt trong tâm thế, cảm xúc, khát vọng của các nhà thơ mới và sự tin tưởng, khích lệ của Hoài Thanh với các nhà thơ trong phong trào thơ Mới

    IV. Tổng kết

    1. Nội dung


    Theo Hoài Thanh, khái niệm thơ Mới phải được hiểu là mới cả về mặt nội dung và hình thức. Thơ Mới là thơ ca phản ánh cái Tôi cá nhân của người nghệ sĩ với tất cả các cung bậc phong phú đa dạng, phức tạp của nó thông qua hình thức nghệ thuật có nhiều đổi mới, cách tân nhằm phát huy cá tính sáng tạo độc đáo của mỗi người nghệ sĩ.

    2. Nghệ thuật

    - Lối văn phê bình của Hoài Thanh:

    + Đặt vấn đề rõ, gọn.

    + Dẫn dắt vấn đề khoa học, khéo léo và dễ hiểu, đảm bảo liền mạch trong hệ thống luận điểm.

    + Câu văn nghị luận giàu chất thơ, có sức gợi cảm xúc, gây hứng thú cho người đọc.

    + Nghệ thuật lí luận chặt chẽ, thấu đáo khoa học.
     
    Meme000, LieuDuongNghiên Di thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...