Đọc hiểu: Tạo hóa gây chi cuộc hí trường - Thăng Long thành hoài cổ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 8 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề ôn tập, kiểm tra đọc hiểu bài thơ "Thăng Long thành hoài cổ" - bà huyện Thanh Quan bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Mời các bạn cùng tham khảo:

    Đọc hiểu bài thơ: Thăng Long thành hoài cổ - Bà huyện Thanh Quan
    Đọc bài thơ:

    Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

    Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

    Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

    Nước còn cau mặt với tang thương.

    Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

    Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

    (Thăng Long thành hoài cổ, Bà Huyện Thanh Quan)

    (Hí trường: Sân khấu diễn tuồng. Ở đây dùng ví với cuộc đời, vì nối tiếp hết lớp này tiếp lớp khác, luôn biến đổi; Tinh sương: Một năm, tinh là sao, mỗi năm di chuyển một vòng, sương theo thời tiết, mỗi năm giáng một lần; Thu thảo: Cỏ mùa thu; Tịch dương: Bóng mặt trời lúc chiều tà; Tuế nguyệt: Năm tháng; Tang thương: Do chữ "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành ruộng dâu), chỉ việc sự vật thay đổi; Đoạn trường: Đau lòng đứt ruột.)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1. Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 2. Những câu thơ nào gợi lên hình ảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa?

    Câu 3. Chỉ ra 03 từ Hán Việt được sử dụng trong bài thơ. Hãy nhận xét về ngôn ngữ thơ của bà Huyện Thanh Quan.

    Câu 4. Anh/chị cảm nhận được gì về tâm trạng của tác giả trong hai câu thơ sau: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".

    Câu 5. Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương".

    Câu 6. Anh/chị hiểu như thế nào về nhan đề của bài thơ?

    Câu 7.
    Bài thơ gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về thái độ trân trọng những giá trị của quá khứ?

    [​IMG]

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1:

    Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

    Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật.

    Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

    Câu 2: Những câu thơ gợi lên hình ảnh hoang tàn, phế tích của kinh thành xưa:

    Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

    Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

    Đường bàn cờ dọc ngang nơi Long Thành xưa kia từng suốt đêm ngày nhộn nhịp ngựa xe, nay chỉ còn lại "thu thảo" - cỏ mùa thu vàng úa, tàn tạ. Cảnh vật càng trở nên ảm đạm dưới "bóng tịch dương", bóng mặt trời lúc sắp lặn.

    Câu 3:

    - 03 từ Hán Việt được sử dụng trong bài thơ: hí trường, tinh sương, thu thảo (hoặc lâu đài, tịch dương, tuế nguyệt, tàng thương, kim cổ, đoạn trường...)

    - Nhận xét về ngôn ngữ thơ của bà Huyện Thanh Quan: Ngôn ngữ thơ của bà huyện Thanh Quan là ngôn ngữ trang trọng, cổ điển, có sự xuất hiện dày đặc của các từ ngữ Hán Việt.

    Câu 4: Tâm trạng của tác giả trong hai câu thơ sau: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/Nền cũ lâu đài bóng tịch dương":

    Hai câu thơ thể hiện nỗi buồn, niềm hoài cổ của thi sĩ về kinh thành Thăng Long xưa. Những triều đại vàng son, huy hoàng, tráng lệ ngày trước nay chỉ còn là cảnh hoang phế, điêu tàn, vắng lặng. Đứng trước cảnh đó, lòng người chất chứa biết bao cảm giác xót xa, ngậm ngùi, nhớ tiếc.

    Câu 5: Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đối trong hai câu thơ sau: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt/Nước còn cau mặt với tang thương":

    - Làm nổi bật được sự vĩnh hằng, bất biến của thiên nhiên, vũ trụ trước thời gian. Tạo cảm nhận rõ ràng, sâu sắc, cụ thể về sự biến thiên, dâu bể của cuộc đời.

    - Tạo sự nhịp nhàng, cân đối cho lời thơ; thanh điệu bằng, trắc hô ứng nhau tạo nên âm điệu du dương, trầm bổng...

    Câu 6: Nhan đề của bài thơ: "Thăng Long thành hoài cổ" có nghĩa là nỗi niềm nhớ tiếc về thành Thăng Long.

    Câu 7: Bài thơ gợi trong lòng mỗi người suy nghĩ, nhận thức: cần có thái độ trân trọng những giá trị của quá khứ. Vì:

    - Những giá trị của quá khứ sẽ là nền tảng cho hiện tại và tương lai ( là bài học kinh nghiệm vô giá...)

    - Trân trọng những giá trị của quá khứ sẽ hình thành cho con người những phẩm chất cao đẹp.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...