Đọc hiểu: Sở kiến hành - Nguyễn Du: Một mẹ cùng ba con, Lê la bên đường nọ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 30 Tháng ba 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,023
    Nguyễn Du là một đại thi hào lỗi lạc của nền Văn học Việt Nam. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm tiêu biểu:

    Bằng chữ Hán: 3 tập thơ (250 bài)

    - Nam trung tạp ngâm: Gồm 40 bài thơ ngâm khi ở phương Nam (thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình- những địa phương ở phía nam Hà Tĩnh, quê hương ông).

    - Thanh Hiên thi tập: Gồm 78 bài viết trong thời gian lưu lạc.

    - Bắc hành tạp lục: Gồm 131 bài được viết trong thời kì đi sứ Trung Quốc.

    * Bằng chữ Nôm:

    - Truyện Kiều

    - Văn tế thập loại chúng sinh


    Các tác phẩm Nguyễn Du mang giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc.

    Sở kiến hành là bài thơ tiêu biểu trong Bắc hành tạp lục. Sau đây là một số câu hỏi và định hướng đọc hiểu giúp HS hiểu rõ hơn về bài thơ này.

    Đọc hiểu: Sở kiến hành (Những điều trông thấy) - Nguyễn Du

    Đọc bài thơ sau:

    Một mẹ cùng ba con,
    Lê la bên đường nọ
    Đứa bé ôm trong lòng
    Đứa lớn tay mang giỏ.
    Trong giỏ đựng những gì?
    Mớ rau lẫn tấm cám
    Nửa ngày bụng vẫn không
    Áo quần vẻ co dúm,
    Gặp người chẳng dám nhìn
    Lệ sa vạt áo ướt
    Mấy con vẫn cười đùa
    Biết đâu lòng mẹ xót.
    Lòng mẹ xót vì sao?
    Đói kém phải phiêu bạt.
    Nơi đây mùa khá hơn
    Giá gạo không quá đắt,
    Quản chi bước lưu ly
    Miễn sống qua thì đói
    Nhưng một người làm thuê
    Nuôi bốn miệng sao nổi!
    Lần phố xin miếng ăn
    Cách ấy đâu được mãi!
    Chết lăn rãnh đến nơi
    Thịt da béo cầy sói
    Mẹ chết có tiếc chi
    Thương con càng dứt ruột.
    Nỗi đau như xé lòng
    Trông mặt trời vàng úa.
    Gió lạnh bỗng đâu về
    Khách qua đường thương xót
    Đêm qua trạm Tây Hà
    Mâm cỗ sang vô kể
    Nào vây cá, gân hươu
    Lợn dê mâm đầy ngút
    Quan lớn không chọc đũa
    Tuỳ tùng chỉ nếm chút.
    Thức ăn thừa đổ đi
    Chó no ngấy món ngon
    Biết đâu bên đường quan
    Có mẹ con cực khổ!
    Ai vẽ bức tranh này
    Dâng lên nhà vua rõ!


    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

    Câu 2. Chỉ ra sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình trong bài thơ.

    Câu 3. Bài thơ có thể chia thành mấy phần, nội dung từng phần?

    Câu 4. Tình cảnh của bốn mẹ con được miêu tả như thế nào?

    Câu 5. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả mâm cỗ quan, hình ảnh đó nói lên điều gì về cuộc sống của tầng lớp quý tộc?

    Câu 6. Phân tích tác dụng của nghệ thuật đối trong đoạn trích trên.

    Câu 7. Thái độ của nhà thơ thể hiện trong hai câu cuối là thái độ gì?

    Ai vẽ bức tranh này

    Dâng lên nhà vua rõ!


    Câu 8. Khái quát giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của đoạn trích.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 2.

    - Yếu tố tự sự: Kể lại câu chuyện về bốn mẹ con người hành khất mà nhà thơ chứng kiến trên đường đi sứ Trung Quốc với những miêu tả tỉ mỉ về ngoại hình, dáng vẻ, tình cảnh đói khổ đáng thương..

    - Yếu tố trữ tình trong bài thơ:

    + Bộc lộ cảm xúc đau khổ, xót xa của người mẹ khi chứng kiến cảnh các con phải chịu đói.

    + Bộc lộ cảm xúc xót xa, thương cảm cho bốn mẹ con hành khất cũng như thái độ bất bình của nhà thơ trước bất công xã hội.

    + Âm điệu, giọng điệu bài thơ: Bi thương, sầu buồn.

    Câu 3.

    Bài thơ có thể chia thành 3 phần:

    - Phần 1: Từ đầu đến Khách qua đường thương xót: Tình cảnh đáng thương của bốn mẹ con ăn xin.

    - Phần 2: Tiếp theo đến Chó no ngấy món ngon: Cảnh giàu sang chốn nhà quan.

    - Phần 3: 4 câu cuối: Cảm xúc, thái độ của nhà thơ.

    Câu 4.

    Tình cảnh của bốn mẹ con:

    - Đói khổ, rách rưới: Nửa ngày bụng vẫn không/ Áo quần vẻ co dúm;

    - Phải tha phương nơi đất khách quê người, ăn xin sống qua ngày: Đói kém phải phiêu bạt.. Lần phố xin miếng ăn..

    - Tương lai mịt mờ, cái chết chờ chực: Chết lăn rãnh đến nơi/ Thịt da béo cầy sói

    => Đó là tình cảnh cơ cực, đói khổ, đáng thương.

    Câu 5.

    - Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả mâm cỗ quan: Sang vô kể, vây cá, gân hươu, lợn dê, mâm đầy ngút..

    - Hình ảnh đó nói cuộc sống giàu sang, xa hoa của tầng lớp quý tộc.

    Câu 6.

    - Nghệ thuật đối trong đoạn trích: Tình cảnh đói khổ của bốn mẹ con ăn xin >< cảnh giàu sang của nhà quan.

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh sự bất công của xã hội: Nhân dân lầm than, đói khổ; tầng lớp quan lại thì xa hoa, lãng phí.

    + Thể hiện thái độ bất bình, lên án của Nguyễn Du trước hiện thực bất công ấy.

    + Tăng giá trị gợi hình, biểu cảm, sự sâu sắc cho bài thơ.

    Câu 7.

    Ai vẽ bức tranh này

    Dâng lên nhà vua rõ!


    Thái độ của nhà thơ: Chứng kiến hiện thực bất công của xã hội, Nguyễn Du lên tiếng đả kích, phê phán những kẻ làm quan, làm vua mà không quan tâm đến nỗi cực khổ của nhân dân: Quan thì ăn chơi trụy lạc, vua thì bù nhìn, vô dụng.

    Câu 8.

    - Giá trị hiện thực: Bài thơ phản ánh hiện thực bất công trong xã hội Trung Quốc: Nhân dân đói khổ, lầm than; tầng lớp phong kiến quý tộc thì giàu sang, trụy lạc.

    - Giá trị nhân đạo:

    + Đoạn trích thể hiện lòng cảm thông, thương xót của nhà thơ đối với bốn mẹ con ăn xin nói riêng, với những kiếp người nghèo khổ nói chung.

    + Gián tiếp tố cáo xã hội bất công tước đi quyền sống của con người;

    + Lên tiếng đòi quyền sống cho họ..
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...