Đọc hiểu: Nói với con - Nguyễn Huy Hoàng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 4 Tháng sáu 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu văn bản là một trong số những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện thường xuyên của người học sinh. Để đọc hiểu được văn bản, không chỉ là văn bản được hướng dẫn dưới sự định hướng của giáo viên mà còn là văn bản ngoài sách giáo khoa, người học phải vận dụng tất cả các kiến thức của ba phân môn: văn học, tiếng Việt, làm văn trên nhiều phương diện như: Thể loại văn học, thể thơ, các yếu tố thuộc về hình thức, nội dung văn bản; phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, phép liên kết, biện pháp tu từ...

    Sau đây là một số bài đọc hiểu về văn bản Nói với con của nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhằm luyện tập kĩ năng đọc hiểu cho các bạn học sinh:

    Đọc hiểu văn bản: Nói với con - Nguyễn Huy Hoàng

    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 1

    Đọc văn bản sau:

    Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều

    Vẫn còn có bao điều tốt đẹp

    Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt

    Hãy vì người, nếu mong họ vì con.

    Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch

    Tình thương yêu không mua được bằng tiền

    Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt

    Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên.

    Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

    Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng

    Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự

    Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong.

    (Nói với con, Nguyễn Huy Hoàng, Nguồn: báo Phụ nữ Thủ đô)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

    Câu 2. Trong bài thơ, người cha đã khuyên con những điều gì? Nhận xét về những lời khuyên đó.

    Câu 3. Anh/chị hiểu nội dung câu thơ sau như thế nào: Hãy vì người, nếu mong họ vì con?

    Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự không? Vì sao?

    Câu 5. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải giữ gìn danh dự của bản thân.

    [​IMG]

    Định hướng làm bài

    Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của văn bản: nghệ thuật.

    Câu 2.

    Trong bài thơ, người cha đã khuyên con: tránh xa danh lợi, chấp nhận thua thiệt, sống vì người khác, giữ gìn nhân cách (đói cho sạch, rách cho thơm, tốt gỗ), quên thù oán, khắc sâu ân nghĩa, tự đứng dậy sau vấp ngã, dũng cảm trải nghiệm (nhảy giữa dòng), giữ gìn danh dự, sống thẳng thắn.

    Đây là những lời khuyên chân thành, đúng đắn, thể hiện mong muốn của người cha về sự hoàn thiện nhân cách, lẽ sống tốt đẹp cho con; thể hiện tình yêu thương của cha đối với con. Những lời khuyên này có giá trị bền vững qua thời gian và có giá trị với tất cả mọi người.

    Câu 3. Câu thơ: Hãy vì người, nếu mong họ vì con là lời cha khuyên con sống phải vị tha, sống vì người khác, nghĩ cho người khác, biết sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ... Khi mình sống vì người khác thì người khác thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp họ dành cho mình. Câu thơ thể hiện mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc đời.

    Câu 4. Em đồng tình với quan niệm của tác giả: Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự. Vì:

    - Danh dự là một trong những phẩm chất quý giá làm nên giá trị con người. Bảo vệ, giữ gìn danh dự thì chúng ta mới trở thành người có nhân cách, được mọi người tin tưởng, yêu quý, kết giao được những mối quan hệ bền vững, tốt đẹp.

    - Không giữ gìn danh dự thì chúng ta sẽ thành người vô sỉ, trở nên xấu xí trong mắt người khác, không được tôn trọng.

    Câu 5. Đoạn văn 200 chữ: sự cần thiết phải giữ gìn danh dự của bản thân

    Ai đó từng nói: "Danh dự là sự tự trọng mình và tôn trọng sự đẹp đẽ của cuộc đời. Danh dự là thi vị của cuộc sống". Danh dự là sự coi trọng, đánh giá cao của dư luận xã hội đối với một người dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó. Khi con người tạo ra được cho mình những giá trị tinh thần, đạo đức và những giá trị đó được xã hội đánh giá, công nhận thì người đó có danh dự. Danh dự được coi trọng như vậy nên cần thiết phải giữ gìn danh dự của bản thân. Vì danh dự làm nên phẩm chất, danh giá của con người. Giữ gìn danh dự, phẩm chất, tư cách của chúng ta không bị hoen ố. Giữ gìn danh dự, chúng ta sẽ biết sống đẹp và làm việc đúng đắn để bản thân ngày càng trở nên tốt hơn trong mắt mọi người. Giữ gìn danh dự, ta sẽ không bị cái xấu làm cho vấy bẩn, bản thân luôn vững vàng, hướng thiện dẫu sống giữa bùn lầy nhơ nhớp. Người biết giữ gìn, coi trọng danh dự sẽ được mọi người tin tưởng, yêu mến; kết giao được những mối quan hệ tốt đẹp và bền vững. Mặt khác, giũ gìn danh dự cho bản thân cúng chính là giữ gìn danh dự cho gia đình, dòng tộc, cho quê hương, đất nước. Danh dự con người nằm trong chính bản thân chúng ta. Giữ gìn, bảo vệ nó không phải giáo khiên hay vỏ bọc, mà là bản lĩnh sống trung thực, không làm điều gì trái với lương tâm. Cuộc "chiến đấu" với chính mình để bảo vệ danh dự dù cam go, nhưng cần thiết.

    Xem thêm bên dưới: Đề ôn tập số 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng sáu 2022
  2. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Đọc hiểu văn bản: Nói với con - Nguyễn Huy Hoàng

    ĐỀ ÔN TẬP SỐ 2


    Đọc văn bản sau:

    Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều

    Vẫn còn có bao điều tốt đẹp

    Xa danh lợi hãy chịu nhiều thua thiệt

    Hãy vì người, nếu mong họ vì con.

    Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch

    Tình thương yêu không mua được bằng tiền

    Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt

    Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên.

    Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

    Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng

    Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự

    Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong.

    (Nói với con, Nguyễn Huy Hoàng, Nguồn: báo Phụ nữ Thủ đô)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

    Câu 2. Hai câu thơ sau có vận dụng những câu tục ngữ dân gian nào?

    "Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch"

    "Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt"

    Việc sử dụng những thành ngữ dân gian đó có tác dụng biểu đạt như thế nào?

    Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về lời khuyên sau của người cha:

    "Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

    Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng."

    Câu 4. Bài học mà anh/chị rút ra từ câu thơ "Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong." là gì?

    Câu 5. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết phải "sống thẳng mình".

    Định hướng làm bài

    Câu 1. Thể thơ: tự do (các câu có số tiếng dài ngắn không giống nhau).

    Câu 2. Hai câu thơ:

    "Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch"

    "Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt"

    có vận dụng những câu tục ngữ dân gian: "Đói cho sạch, rách cho thơm" và "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn".

    Tác dụng biểu đạt: Vận dụng tục ngữ dân gian, lời khuyên của cha đối với con mang ý nghĩa lời nhắc nhủ của cha ông về bài học đạo lí làm người đúng đắn. Lời khuyên vì thế sâu sắc hơn, hàm súc hơn và tác động mạnh mẽ, thấm thía đến con hơn, vì lời khuyên ấy không chỉ là lời khuyên cha dành riêng cho con mà trở thành bài học làm người cho muôn thế hệ đã được đúc rút qua tục ngữ.

    Câu 3. Lời khuyên sau của người cha:

    "Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy

    Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng."

    qua hai câu thơ trên là:

    Thứ nhất, cha khuyên con phải biết mạnh mẽ tự mình đứng dậy sau vấp ngã, thất bại;

    Thứ hai, cha khuyên con hãy dũng cảm trải nghiệm, can đảm thực hiện ước mơ dù có phải đối mặt với khó khăn, nguy hiểm...

    Đó đều là những lời khuyên chân thành, đúng đắn, thể hiện mong muốn của cha về sự trưởng thành của con cũng như tình yêu cha dành cho con.

    Câu 4. Bài học mà em rút ra từ câu thơ "Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong" là: Dù cuộc đời có như thế nào, dù có nhiều người quanh mình sống giả dối, uốn mình ra sao, thì bản thân vẫn phải sống là mình: ngay thẳng, trung thực. Vì ngay thẳng, trung thực làm nên phẩm chất tốt đẹp của con người; giúp ta có được sự tin tưởng, tôn trọng của người khác; giúp ta làm nên giá trị cuộc sống...

    Câu 5. Đoạn văn 200 chữ: sự cần thiết phải "sống thẳng mình".

    "Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong." – Câu thơ của Nguyễn Huy Hoàng để lại trong mỗi chúng ta nhiều suy ngẫm về sự cần thiết phải "sống thẳng mình". "Sống thẳng mình" là sống trung thực, ngay thẳng, tôn trọng sự thật, không gian dối, uốn mình. Cần "sống thẳng mình" vì cuộc sống con người chỉ thực sự ý nghĩa khi được sống thật với chính mình, không phải giả dối, lừa lọc. Sống thẳng mình giúp tâm hồn chúng ta luôn bình an, thanh thản, không hổ không thẹn với chính mình vì phải uốn cong theo thiên hạ. Sống thẳng mình còn giúp chúng ta được mọi người tin tưởng, tôn trọng; kết giao được những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững. Có ai muốn kết giao với kẻ quen luồn cúi, dối lừa? Sống thẳng mình không chỉ giúp bản thân trở nên vững vàng, bản lĩnh mà còn giúp cho tập thể thêm trong sạch. Trong tập thể, không có những người trung thực, thẳng thắn, dám đấu tranh với cái xấu, cái ác thì thử hỏi tập thể đó có tồn tại được không? Như vậy, người có đức tính ngay thẳng sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển, lành mạnh, đem lại công bằng bình đẳng giữa người với người. Tôi vừa đọc được một bài báo về người công nhân bị sa thải vì dám thẳng thắn tố giác những gian lận trong quá trình làm đường giao thông của mọt đơn vị thầu. Sau này, nhờ chứng cứ của người công nhân đó mà công lí được bảo vệ, kẻ làm sai phải chịu trách nhiệm, còn người ngay thẳng được vinh danh. Từ đó, cho ta hiểu rằng, dù trùng trùng gian dối bủa vây, ta hãy cứ sống thẳng là mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng sáu 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...