Đọc hiểu: Làng - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 17 Tháng năm 2024.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    54
    Đọc và trả lời câu hỏi

    Cho đoạn trích sau:

    "Ông lại nghĩ về cái làng của ông, lại nghĩ đến những ngày cùng làm việc với anh em. Ô, sao mà độ ấy vui thế. Ông thấy mình như trẻ ra. Cũng hát hỏng, bông phèng, cũng đào, cũng cuốc mê man suốt ngày. Trong lòng ông lão lại thấy náo nức hẳn lên. Ông lại muốn về làng, lại muốn được cùng anh em đào đường đắp ụ, xẻ hào, khuôn đá.. Không biết cái chòi ở đầu làng đã dựng xong chưa? Những đường hầm bí mật chắc còn là khướt lắm. Chao ôi! Ông lão nhớ làng, nhớ cái làng quá"

    (Trích Ngữ văn 9 tập 1)​

    Câu 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề truyện ngắn "Làng"

    Câu 2: Chỉ ra một câu đặc biệt và tác dụng của câu văn đó.

    Câu 3: Việc tác giả dùng điệp từ "lại" trong đoạn trích có tác dụng gì?

    Câu 4: Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở cũng nói về nỗi nhớ quê hương. Đó là văn bản nào? Của ai?

    Câu 5: Hãy tóm tắt diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc.

    Câu 6: Trong truyện, vì sao làng bị đốt nhẵn, nhà mình bị cháy mà ông lão lại "múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người"? Tại sao mọi người nghe tin tức đó đều "mừng cho ông lão"?

    Câu 7: Nêu tinh huống truyện cơ bản của tác phẩm trên và tác dụng của tình huống truyện.

    Câu 8: Tâm trạng nhân vật ông Hai (Làng – Kim Lân) trong những ngày nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc được tả như sau:

    "Ông Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Ông hết trở mình bên này lại trở mình bên kia, thở dài. Chợt ông lão lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra, tưởng chừng không thể cất lên được.. có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ.. Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế? Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài.."

    (Trích Ngữ văn 9 tập 1)

    A. Nếu lược bỏ các dấu ba chấm và câu hỏi trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật và giá trị biểu cảm của đoạn văn có gì thay đổi? Vì sao?

    B. Trong một đoạn trích của Truyện Kiều đã học cũng có bốn câu thơ dùng câu hỏi để diễn tả tâm trạng nhân vật. Hãy chép lại những câu thơ đó (ghi rõ tên đoạn trích).

    Gợi ý trả lời​

    Câu 1: Nêu hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa nhan đề truyện ngắn "Làng"

    Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

    Ý nghĩa nhan đề:

    - Mang nhiều ý nghĩa

    - Là đơn vị hành chính của vùng nông thôn Việt Nam

    - Nhan đề mang tính khái quát, thể hiện, ca ngợi tình cảm bao trùm của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng Tám: Tình yêu làng hòa cùng tình yêu nước.

    => Chủ đề: Ca ngợi tình yêu làng, yêu nước của người nông dân Việt Nam sau cách mạng tháng Tám.

    Câu 2: Chỉ ra một câu đặc biệt và tác dụng của câu văn đó.

    Câu đặc biệt: Chao ôi!

    Tác dụng: Thể hiện tình yêu làng, nhớ làng đến da diết của người nông dân ở nơi tản cư. Từ đó làm nổi bật chủ đề tác phẩm

    Câu 3: Việc tác giả dùng điệp từ "lại" trong đoạn trích có tác dụng gì?

    Điệp từ "lại" có tác dụng:

    - Nhấn mạnh ý, tạo nhịp điệu, giúp câu văn sinh động, hấp dẫn, gợi hình, gợi cảm, tăng sức biểu đạt

    - Thể hiện nỗi nhớ làng da diết của ông Hai, gắn liền với biết bao công việc cùng anh em

    - Làm nổi bật chủ đề tác phẩm và ngòi bút miêu tả tâm lí của Kim Lân

    Câu 4: Một văn bản khác trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở cũng nói về nỗi nhớ quê hương. Đó là văn bản nào? Của ai?

    - Quê hương - Tế Hanh

    - Tĩnh dạ tứ - Lý Bạch

    Câu 5: Hãy tóm tắt diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai khi nghe tin làng Dầu theo giặc.

    Choáng váng, sững sờ như sét đánh ngang tai -> đau khổ, tủi hổ -> nghi ngờ -> lo lắng -> đấu tranh nội tâm -> tình yêu nước vượt lên trên tình yêu làng.

    Câu 6: Trong truyện, vì sao làng bị đốt nhẵn, nhà mình bị cháy mà ông lão lại "múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người"? Tại sao mọi người nghe tin tức đó đều "mừng cho ông lão"?

    - Vì "tin dữ" đó là bằng chứng cho sự trong sạch của làng Chợ Dầu; giải tỏa mọi nỗi hoang mang, tủi hổ, đau đớn, day dứt, lo sợ trong lòng ông Hai

    - Vì họ đều là những người dân có tinh thần ủng hộ kháng chiến, yêu nước, do đó đồng tình với ông Hai

    Câu 7: Nêu tinh huống truyện cơ bản của tác phẩm trên và tác dụng của tình huống truyện.

    * Tình huống truyện:

    - Tình huống 1: Ông Hai vui vẻ, hồ hởi vì tin thắng giặc của đất nước, tự hào về làng Dầu thì nghe tin làng mình Việt gian theo giặc.

    - Tình huống 2: Khi ông đang trong đau khổ, hổ thẹn, day dứt vì tin dữ thì nghe tin cải chính

    => Bất ngờ, kịch tính

    * Tác dụng:

    - Tạo sự mâu thuẫn, xung đột trong nội tâm nhân vật để thể hiện diễn biến tâm lí của nhân vật. Từ đó làm nổi bật tình yêu làng, yêu nước của ông Hai

    - Góp phần thể hiện chủ đề tác phẩm: Khẳng định tình yêu làng, yêu nước là tình cảm bao trùm của người nông dân Việt Nam

    Câu 8:

    A. Nếu lược bỏ các dấu ba chấm và câu hỏi trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật và giá trị biểu cảm của đoạn văn có gì thay đổi? Vì sao?

    Nếu lược bỏ các dấu ba chấm và câu hỏi trong đoạn văn trên thì cách miêu tả nhân vật vẫn không thay đổi: Tâm trạng nhân vật vẫn được miêu tả qua cử chỉ, hành động và lời độc thoại nội tâm. Nhưng giá trị biểu cảm của đoạn văn sẽ ảnh hưởng: Tâm trạng lo lắng, sợ hãi và nghe ngóng của ông Hai không còn rõ nữa, tốc độ phát triển nhân vật cũng nhanh hơn.

    B. Đó là những câu thơ:

    "Buồn trông cửa bể chiều hôm

    Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

    Buồn trông ngọn nước mới sa,

    Hoa trôi man mác biết là về đâu?

    Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

    Chân mây mặt đất một màu xanh xanh."​
     
    Annie DinhNguyễn Ngọc Nguyên thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...