Đọc văn bản sau: ĐƯỜNG ĐI HỌC Khúc khuỷu ruột dê ổ gà ổ chó Đường dẫn con đi suốt tuổi thơ mình Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ Vui rập rờn theo những cánh bướm xinh.. Mười cây số bốn mùa chân xuôi ngược Manh áo nghèo mưa nắng bạc tóc hoe Không ngăn nổi hồn nhiên chim sáo hót Chiều vô tư ngõ đom đóm lập lòe Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ Lén nhìn con cạo rá mẹ thở dài Bữa cháo bữa rau qua ngày giáp hạt Túc tắc rồi con cũng lớn như ai. Thêm một tuổi là con thêm một lớp Bước dài hơn, đi đứng chững chạc hơn Con đường cũ mở ra nhiều lối mới Cánh bướm xưa vẫn bay lượn chập chờn. Mê lộ đời lắm ngả ngang ngả dọc Chợt xênh xang chợt heo hút dặm mòn Đường đi học vẫn là đường đẹp nhất Sớm muộn về vẫn có mẹ chờ con! Thực hiện các yêu cầu sau: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn vản trên là gì? A. Biểu cảm B. Miêu tả C. Tự sự D. Nghị luận Câu 2. Bài thơ trên do tác giả nào sáng tác? A. Nguyễn Đình Thi B. Xuân Diệu C. Tố Hữu D. Nguyễn Ngọc Hưng Câu 3. Những hình ảnh nào gợi lên sự khúc khuỷu của con đường đi học? A. Ruột dê ổ gà ổ chó B. Con đường đầy hoa C. Đầy hoa cỏ, cánh bướm xinh D. Cánh bướm xinh, ổ gà ổ chó Câu 4. Nghĩa của từ "khúc khuỷu" trong bài thơ trên là gì? A. Bằng phẳng, dễ dàng B. Không bằng phẳng, nhấp nhô, gập ghềnh C. Thuận tiện, dễ đi D. Vắng vẻ và hiu quạnh Câu 5. Bài thơ thuộc thể thơ gì? A. Thất ngôn B. Tự do C. Tám chữ D. Đường luật Câu 6. Câu thơ "Nhiều gai góc nhưng cũng đầy hoa cỏ" tác giả sử dụng biện pháp tu từ nào? A. So sánh B. Đối lập C. Nhân hóa D. Hoán dụ Câu 7. Nội dung chính của bài thơ là gì? A. Con đường đi học đầy gian khó và người mẹ tảo tần B. Kỉ niệm đẹp một thời học sinh C. Cuộc sống đầy khó khăn, vất vả, nhọc nhằn bên mẹ D. Ý chí, nghị lực, kiên cường giúp con người vượt qua mọi chông gai Câu 8. Anh/chị hãy nêu hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa trong câu thơ "Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ" Câu 9. Hãy nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với con đường đi học thể hiện trong bài thơ trên Câu 10. Trình bày ngắn gọn suy nghĩ của anh/chị về con đường đi học của mình Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: A Biểu cảm Câu 2 :D Nguyễn Ngọc Hưng Câu 3: A Ruột dê ổ gà ổ chó Câu 4: B Không bằng phẳng, nhấp nhô, gập ghềnh Câu 5: C Tám chữ Câu 6: B Đối lập Câu 7: A Con đường đi học đầy gian khó và người mẹ tảo tần Câu 8: Hiệu quả của biện pháp tu từ nhân hóa được sử dụng trong câu thơ "Ôi! Thương quá cái thời cơm cõng củ" nhằm tăng sức biểu cảm cho câu thơ, giúp người đọc cảm nhận được thời kì đầy vất vả, cơ cực, nhọc nhằn, đầy gian khó để từ đó cái nhìn thấu đáo, đầy cảm thông, mở rộng tấm lòng chứa chan tình yêu thương đối với những người nghèo khó, thiếu thốn trăm bề. Câu 9: Nhận xét về tình cảm, thái độ của tác giả đối với con đường đi học thể hiện trong bài thơ: - Tấm lòng trân quý, yêu thương đối với con đường đi học gần gũi, mộc mạc và thân thương. - Vẻ đẹp trên con đường đầy khó khăn, gập ghềnh được tác giả thể hiện bằng cái nhìn hết sức thấu đáo và chân thành. - Con đường đi học được tác giả miêu tả hết sức chân thực và tinh tế bằng tất cả tình cảm của mình. Câu 10: Con đường đi học của em đầy gập gềnh, quanh co. Mỗi ngày đi học em đều đạp xe trên con đường tới trường, có những hôm trưa nắng em đạp xe đổ cả mồ hôi, nhưng với ý chí, quyết tâm đến trường học tập em đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, gian nan và thử thách. Hàng ngày đi học em tự tìm thấy niềm vui trên con đường đến trường bằng việc ngắm nhìn những bông hoa dại nở ven đường, cảm nhận luồng gió mát lành, thả nỗi buồn vào trong gió em thấy lòng nhẹ tênh. Con đường đi học trở nên gần gũi, thân quen, có vai trò, ý nghĩa quan trọng, bởi vì đó là con đường giúp em đi đến gần với tri thức hơn để đạt được thành công.