Đọc hiểu: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối Lưng đưa nôi và tim hát thành lời: – Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi Mẹ thương a - kay, mẹ thương bộ đội Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần Mai sau con lớn vung chày lún sân.. (Nguyễn Khoa Điềm, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014, tr. 152 – 153) Trả lời các câu hỏi: Câu 1. Những hình ảnh nào cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội? Câu 2. Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh nào? Câu 3. Em hiểu như thế nào về ý nghĩa của hai dòng thơ: Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần / Mai sau con lớn vung chày lún sân? Câu 4. Qua đoạn thơ, em cảm nhận được phẩm chất gì của người mẹ Tà-ôi? Câu 5. Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi / Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ gì? Chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ đó. Gợi Ý Câu Trả Lời Câu 1: Những hình ảnh: Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối Cho thấy người mẹ đã không quản ngại khó khăn, vất vả để chăm lo cho các anh bộ đội. Người mẹ địu con trên lưng thực hiện công việc giã gạo để nuôi bộ đội. Hình ảnh đó hiện lên trong bài thơ thật đẹp, cao cả và thiêng liêng thể hiện được tình yêu thương con vô bờ bến, tinh thần yêu nước nhiệt huyết của người mẹ luôn giúp đỡ các anh bộ đội. Câu 2: Tình yêu thương của người mẹ đối với con được thể hiện qua những hình ảnh: Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối Lưng đưa nôi và tim hát thành lời Hình ảnh: Mồ hôi mẹ rơi, Vai mẹ gầy, lưng đưa nôi thể hiện tấm lòng, sự hy sinh to lớn, thiêng liêng của mẹ dành cho con. Trong lúc làm việc mẹ địu con trên lưng, lấy vai làm gối, lưng làm nôi, ru con bằng lời hát ru yêu thương, không quản bao khó khăn, nhọc nhằn, vất vả, gian nan chỉ mong sao con được no ấm, đủ đầy, yên giấc ngủ ngon. Câu 3: Ý nghĩa của hai dòng thơ: Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần Mai sau con lớn vung chày lún sân - Người mẹ mong muốn sau này con lớn khôn sẽ lao động tạo ra những hạt gạo, tiếp tục công việc giã gạo để nuôi bộ đội như mẹ đã từng làm. - Thể hiện tấm lòng người mẹ mong con khỏe mạnh, lớn khôn để trở thành người có ích cho quê hương, đất nước - Người mẹ mơ ước con mình trở thành người chiến sĩ, nuôi dưỡng tình yêu, bảo vệ sự bình yên cho quê hương, đất nước. - Không chỉ yêu thương con, người mẹ còn dành tình yêu vô hạn đối với cội nguồn, quê hương, đất nước. - Thể hiện ước mơ, niềm tin, khát vọng mãnh liệt vào các thế hệ mai sau trong công cuộc giữ gìn, bảo vệ hòa bình cho đất nước. Câu 4: Qua đoạn thơ, tôi cảm nhận người mẹ Tà-ôi có phẩm chất tốt đẹp không chỉ nuôi con mà còn lo việc nước. Từ đó ta thấy tấm lòng, phẩm chất cao quý của người mẹ đối với quê hương, đất nước, con người. Chính tinh thần, tình yêu thương đã trở thành nguồn động lực, sức mạnh giúp người mẹ vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, vất vả trong cuộc đời. Người mẹ trong bài thơ được tác giả thể hiện thông qua những câu thơ thật đẹp, giàu sức sống, phẩm chất hiền lành, chịu thương chịu khó luôn sẵn lòng giúp đỡ bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lời hát ru từ lúc con còn trong nôi sẽ theo con đến lúc lớn khôn, trưởng thành, vì trong lời hát ru chứa đựng tấm lòng, tình yêu thương tha thiết của mẹ dành cho con. Câu 5: Trong hai dòng thơ Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi / Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội, nhà thơ sử dụng biện pháp tu từ điệp ngữ. Tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ nhằm nhấn mạnh, thể hiện, bày tỏ tình yêu thương của người mẹ dành cho người con, những chú bộ đội. Người mẹ ru con ngủ bằng khúc hát ru đầy khát vọng, mong muốn con có tình yêu thương, biết ơn bộ đội ngay từ trong nôi. Biện pháp điệp ngữ giúp câu thơ trở nên nhịp nhàng, giọng thơ ngọt ngào, trìu mến, thân thương.