Đọc hiểu: Hội Tây - Nguyễn Khuyến

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 5 Tháng sáu 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Hội Tây - Nguyễn Khuyến

    Trắc nghiệm kết hợp tự luận

    Đọc văn bản sau:

    Kìa hội thăng bình (1) tiếng pháo reo

    Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo.


    Bà quan tênh nghếch xem bơi trải,

    Thằng bé lom khom nghé hát chèo.

    Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,

    Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.

    Khen ai khéo vẽ trò vui thế,

    Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

    (Hội Tây, Nguyễn Khuyến, www. Thivien)


    [Chú thích: (1) Hội mừng được thái bình, vui vẻ, ở đây ý nói hội mừng cách mạng tư sản Pháp thành công 14-7-1789. Hồi Pháp thống trị, hằng năm cứ ngày này lại tổ chức hội hè khắp các tỉnh lị, nhất là Hà Nội. Chúng thường bày các trò chơi đê tiện như liếm chảo, chọc thùng, leo cột mỡ.. để làm trò mua vui. Có ý kiến lại cho rằng Thăng Bình ở đây là địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nguyễn Khuyến làm bài thơ này trong thời gian làm Bố chánh Quảng Nam] .


    [​IMG]

    Chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Bài thơ Hội Tây được viết theo thể thơ nào?

    A. Thất ngôn

    B. Thất ngôn xem lục ngôn

    C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    D. Thể thơ tự do

    Câu 2. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào?

    A. Hai câu thực

    B. Hai câu luận

    C. Hai câu thực và hai câu luận

    D. Hai câu thực và hai câu kết

    Câu 3. Đặc điểm gieo vần của bài thơ là:

    A. Bài thơ gieo vần "eo" (và vần tương đương "iêu") ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    B. Bài thơ gieo vần "o" (và vần tương đương "u") ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    C. Bài thơ gieo vần lưng

    D. Bài thơ gieo vần liền.

    Câu 4. Tác dụng của việc sử dụng hai từ tênh nghếch, lom khom trong hai câu thực là:

    A. Làm nổi bật tư thế của bà quan và thằng bé khi xem hội

    B. Làm nổi bật tư thế nực cười của bà quan (Tây) đối lập với dáng vẻ đáng thương của đứa bé; vừa tỏ thái độ giễu cợt bọn Tây vừa thể hiện nỗi nhục mất nước.

    C. Nhấn mạnh sự ngạc nhiên, thích thú của bà Tây và thằng bé khi xem hội

    D. Nhấn mạnh sự vui vẻ, phán khích của bà Tây và thằng bé khi xem hội.

    Câu 5. Theo em, "ai" trong câu thơ Khen ai khéo vẽ trò vui thế là ai?

    A. Là thực dân Pháp và chính quyền tay sai

    B. Là người dân

    C. Là "bà quan"

    D. Là "anh", "chị"

    Câu 6. Nỗi nhục trong câu thơ cuối mà tác giả muốn nói đến là nỗi nhục gì? Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

    A. Nhục vì thua trận trong cuộc chơi

    B. Nhục vì không được ngồi ở vị trí sang trọng như bà quan

    C. Nhục vì bị bọn Tây coi thường

    D. Nhục vì mất nước, còn hăng hái tham gia, hưởng ứng những trò lố lăng của bọn cướp nước.

    Câu 7. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là:

    A. Giọng điệu vui vẻ, hào hứng

    B. Giọng điệu buồn bã, chua xót

    C. Giọng điệu hào hùng, sảng khoái

    D. Giọng điệu vừa giễu cợt vừa xót xa.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Nêu tác dụng của phép đối sử dụng trong hai câu:

    Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,

    Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.


    Câu 9. Khái quát nội dung của bài thơ Hội Tây.

    Câu 10. Thái độ của tác giả trong bài thơ Hội Tây là gì?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1.
    C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    Câu 2. C. Hai câu thực và hai câu luận

    Câu 3. A. Bài thơ gieo vần "eo" (và vần tương đương "iêu") ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    Câu 4. B. Làm nổi bật tư thế nực cười của bà quan (Tây) đối lập với dáng vẻ đáng thương của đứa bé; vừa tỏ thái độ giễu cợt bọn Tây vừa thể hiện nỗi nhục mất nước.

    Câu 5. A. Là thực dân Pháp và chính quyền tay sai

    Câu 6. D. Nhục vì mất nước, còn hăng hái tham gia, hưởng ứng những trò lố lăng của bọn cướp nước.

    Câu 7. D. Giọng điệu vừa giễu cợt vừa xót xa.

    Câu 8. Trong hai câu:

    Cậy sức cây đu nhiều chị nhún,

    Tham tiền cột mỡ lắm anh leo.


    - Phép đối: Cậy sức >< tham tiền; cây đu >< cột mỡ; nhiều >< lắm; chị >< anh; nhún >< leo

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh hành động, tư thế của những người chơi trò chơi (anh, chị) cùng tâm trạng hào hứng, vui vẻ của họ; thể hiện thái độ giễu cợt của nhà thơ.

    + Làm cho lời thơ thêm đăng đối, nhịp nhàng.

    Câu 9. Khái quát nội dung của bài thơ Hội Tây:

    Bài thơ Hội Tây miêu tả không khí vui vẻ, sự hào hứng của những người tham gia hội Tây, qua đó khơi dậy nỗi nhục mất nước. Bài thơ còn thể hiện lòng yêu nước, sự lo lắng trước vận mệnh đất nước của Nguyễn Khuyến.

    Câu 10. Thái độ của tác giả trong bài thơ Hội Tây là:

    - Giễu cợt, cười nhạo những người hào hứng tham gia lễ hội do bọn Tây tổ chức với mục đích mị dân;

    - Vạch trần bản chất giả dối, lừa gạt của kẻ thù;

    - Thẳng thắn nói cho dân ta biết nỗi nhục mất nước còn hùa theo trò nhố nhăng của bọn cướp nước.
     
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...