Bộ 2 đề đọc hiểu và nghị luận xã hội môn Ngữ Văn - Câu hỏi, Đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi quynhquynh.12, 25 Tháng một 2022.

  1. quynhquynh.12

    Bài viết:
    30
    ĐỀ 1:

    Phần 1: Đọc hiểu

    Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:


    "Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa.

    Không có ai luôn thành công hay thất bại, tuyệt đối thông minh hay dại khờ, tất cả đều phụ thuộc vào nhận thức, tư duy tích cực hay tiêu cực của mỗi người. Như chính trị gia người Anh, Sir Winston Churchill, từng nói:" Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn ". Sẽ có những người bị ám ảnh bởi thất bại, bị chúng bủa vây, che lấp những cơ hội dẫn tới thành công. Tuy nhiên, đừng sa vào vũng lầy bi quan đó, thất bại là một lẽ tự nhiên và là một phần tất yếu của cuộc sống. Đó là một điều bạn không thể tránh khỏi, nếu không muốn nói thực sự là trải nghiệm mà bạn nên có trong đời. Vì vậy, hãy thất bại một cách tích cực".

    (Trích từ cuốn Học vấp ngã để từng bước thành công - John C. Maxwell)

    Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

    Câu 2: Theo tác giả, bài học chúng ta rút ra được đằng sau mỗi thất bại là gì

    Câu 3: Khi đối mặt với thất bại, chúng ta cần có thái độ như thế nào

    Câu 4: Thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?

    Gợi ý

    Câu 1. Phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn trích là phương thức nghị luận.

    Câu 2. Theo tác giả, bài học chúng ta rút ra được đằng sau mỗi thất bại là: "Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa."

    Câu 3. Khi đối mặt với thất bại, chúng ta cần có thái độ: Không chán nản và lùi bước trước thất bại, biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, biết rút ra bài học từ những thất bại đã qua để tiếp tục thực hiện công việc và ước mơ của mình

    Câu 4. Thông điệp có ý nghĩa nhất: "Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa.". Thật vậy, thất bại giúp ta nhìn ra sai sót, nhìn ra khuyết điểm của bản thân rồi từ đó sửa đổi, hoàn thiện, cho ta sức mạnh ngày càng nỗ lực hơn nữa. Thất bại nhiều lần, ta sẽ rút ra nhiều kinh nghiệm được nhiều lần để đi đến chiến thắng và khiến những thành công có ý nghĩa hơn, bởi đó là những nỗ lực, cố gắng ngày đêm của chính bản thân mình. Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, nếu biết nhìn nhận, sửa đổi, học hỏi, bổ sung hoàn thiện vốn hiểu biết của mình thì chắc chắn thành công sẽ đến.

    Phần 2: Làm văn

    Từ nội dung đoạn trích trên, viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lòng kiên trì

    Gợi ý

    - Giới thiệu về lòng kiên trì: Lòng kiên trì, nhẫn nại đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định thành công của mỗi người.

    - Nêu cách hiểu về lòng kiên trì: Kiên trì là một thái độ sống tích cực, là sự nỗ lực và cố gắng hết mình, luôn kiên định theo đuổi những mục đích, con đường mà mình đã chọn, không ngừng học hỏi, có ý chí vững vàng, không bỏ cuộc giữa chừng cho dù có gặp phải bất kỳ những khó khăn.

    - Biểu hiện, giá trị của lòng kiên trì:

    + Người có tính kiên trì là người không thay đổi ý định, luôn giữ vững ý chí, quyết tâm vượt qua khó khăn, chịu đựng những thách thức để làm việc đến cùng, đạt tới mục tiêu cuối cùng.

    + Lòng kiên trì, nhẫn nại giúp ta rèn luyện cho mình một tinh thần vững vàng trước những thất bại.

    + Lòng kiên trì, nhẫn nại chính là chìa khóa hữu ích trong cuộc sống.

    - Người không có lòng kiên trì thường chán nản, bỏ dở mọi việc giữa chừng, khó thành công trong mọi việc.

    - Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

    ĐỀ 2:

    Phần 1: Đọc hiểu

    Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:


    [..] Cứ đến chủ đề về ơn nghĩa sinh thành thì ngập tràn hộp thư "Thay lời muốn nói" sẽ là những câu xin lỗi ba mẹ từ các bạn trẻ. Là những lời xin lỗi được gửi đến những bậc ba mẹ còn sống. Mà, nội dung của những lời xin lỗi cũng.. na ná nhau, kiểu như: "Con biết ba mẹ rất cực khổ vì con.. Con biết con đã làm cho ba mẹ buồn rất nhiều. Con xin lỗi ba mẹ". Xin lỗi, nhưng mình hay gọi đây là "những lời xin lỗi mang tính phong trào", và những áy náy ray rứt này là "những áy náy ray rứt theo làn sóng", mỗi khi có ai hay có chương trình nào gợi nhắc, thì các bạn mới sực nhớ ra. Mà khổ cái, bản thân những lời xin lỗi ấy sợ rằng khó làm người được xin lỗi vui hơn, bởi vì đâu đợi tới chính họ, ngay cả chúng mình là những người làm chương trình đây cũng đều hiểu rằng, có lẽ chỉ vài ngày sau chương trình, cùng với nhịp sống ngày càng nhanh ngày càng vội, cùng với lịch đi học, đi làm, đi giải trí sau giờ học, giờ làm, những lời xin lỗi ấy sợ rằng sẽ sớm được vứt ra sau đầu; và những cảm giác áy náy, ăn năn ấy sẽ sớm chìm sâu, chẳng còn mảy may gợn sóng. Cho đến khi.. lại được nhắc mà sực nhớ ra ở lần kể tiếp.

    Điều đó, đáng buồn là một sự thật ở một bộ phận không nhỏ những người trẻ, bây giờ.

    (Thương còn không hết, ghét nhau chi, Lê Đỗ Quỳnh Hương, Nxb Trẻ, tr. 31-32)

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích

    Câu 2. Tác giả thể hiện tâm trạng như thế nào trước thực trạng những lời xin lỗi phong trào tràn ngập mỗi dịp làm về chủ đề ơn nghĩa sinh thành?

    Câu 3. Theo em điều gì quan trọng nhất trong một lời xin lỗi? Vì sao?

    Gợi ý

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận

    Câu 2. Tâm trạng của tác giả trước thực trạng những lời xin lỗi phong trào tràn ngập mỗi dịp làm về chủ đề ơn nghĩa sinh thành: Buồn, băn khoăn

    Câu 3. Điều quan trọng nhất trong một lời xin lỗi là thái độ chân thành. Vì một lời xin lỗi chân thành cho ta thấy được sự hối lỗi thực sự, tỏ rõ người xin lỗi muốn được cảm thông, tha thứ và muốn khắc phục, sửa chữa lỗi lầm.

    Phần 2: Làm văn

    Từ nội dung đoạn văn trên, hãy viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của em về lời cảm ơn và xin lỗi trong cuộc sống

    Gợi ý

    - Giới thiệu về lời cảm ơn và xin lỗi thể hiện văn hóa ứng xử trong đời sống

    - Cách hiểu về lời cảm ơn, xin lỗi:

    + Cảm ơn là bày tỏ thái độ biết ơn, cảm kích trước lời nói, hành động hay sự giúp đỡ của một ai đó đối với những người giúp mình.

    + Xin lỗi là lời bày tỏ thái độ ân hận, hối lỗi trước những sai lầm mà mình đã gây ra cho người khác. Tùy theo hậu quả xảy ra mà lời xin lỗi được tha thứ hay không

    - Vì sao phải biết cảm ơn và xin lỗi: Người Việt Nam ta trọng tình trọng nghĩa, ngay thẳng, biết nói cảm ơn khi nhận ơn, biết xin lỗi khi mắc lỗi. Đó là một nguyên tắc đạo đức, là nét đẹp trong văn hóa ứng xử.

    - Giá trị của lời cảm ơn và xin lỗi trong cuộc sống. Cảm ơn, xin lỗi làm cho xã hội trở nên gắn kết, con người gần gũi và hiểu nhau hơn

    - Bài học nhận thức của bản thân.
     
    Last edited by a moderator: 13 Tháng mười 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Tâm Đoannnn

    Bài viết:
    1
    Uầy ước gì thấy bài này sớm hơn :V Hôm thi cô mình cũng ra đề gần giống như này
     
  4. Dương2301

    Bài viết:
    307
    Hôm nay kiểm 15' ngay đề 1 này luôn
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...