Đề kiểm tra đọc hiểu truyện ngắn Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Nhận diện đề tài, chủ đề chính, chủ đề phụ, tư tưởng, giá trị văn hóa, triết lí nhân sinh, sự kiện, nhân vật, chi tiết quan trọng, không gian, thời gian, người kể chuyện toàn tri, hạn tri, sự thay đổi điểm nhìn.. của các văn bản truyện; so sánh được hai văn bản văn học viết cùng đề tài. Đọc hiểu: Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư Đọc văn bản sau: Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: - Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho mà coi. Nó nghĩ và nó muốn chia sẻ với con Bích, bạn nó. Con Bích ở trong hẻm, nhà nó nghèo, má nó đi bán bắp nướng ngoài đầu hẻm, con bé Em thích con Bích vì nó hiền, với lại ngồi kế nhau từ lớp một tới lớp năm, làm sao mà không thân cho được. Hôm hai mươi sáu, học buổi cuối năm, hai đứa nôn Tết quá trời nên tính trước, nếu mùng một con bé Em đi về ngoại thì mùng hai hai đứa đi tới nhà cô giáo. Bây giờ con bé Em tính trong đầu, tới bữa đó chắc nhiều bạn nữa, cho nên nó sẽ mặc cái áo đầm mới thắt nơ, bâu viền kim tuyến cho tụi bạn lé con mắt luôn. Con Bích đang ngồi nướng bắp thế cho má nó đi xách cặn cho heo. Bé Em muốn khoe liền nhưng bày đặt nói gièm: - Còn mấy ngày nữa Tết rồi hen, mầy có đồ mới chưa? - Có, má tao đưa vải cho cô Ba thợ cắt rồi, má tao nói gần Tết đồ nhiều, dồn đống, chắc tới hai mươi tám mới lấy được. - Vậy mầy được mấy bộ? - Có một bộ hà. Con bé Em trợn mắt: - Ít quá vậy? - Con Út Mót với Con Út Hết được hai bộ. Tao lớn rồi, nhường cho tụi nó. - Vậy à? Bé Em mất hứng hẳn, nó lựng khựng nửa muốn khoe, nửa muốn không. Nhưng rõ ràng là con Bích không quên nó: - Còn mầy? - Bốn bộ. Má tao mua cho đủ mặc từ mùng một tới mùng bốn, bữa nào cũng mặc đồ mới hết trơn. Trong đó có bộ đầm hồng nổi lắm, hết sẩy luôn. - Mầy sướng rồi. Con Bích nói xong vẫn cười nhưng mắt nó xịu xuống, buồn hẳn. Nhà nó nghèo, sao bì được với nhà con bé Em. Hồi nhỏ nó chuyên mặc áo con trai của anh hai nó để lại. Áo nó thì chuyền cho mấy đứa em, tới con Út Hết là đồ đã cũ mèm, mỏng tang, kéo nhẹ cũng rách. Được cái mấy chị em nó biết thân, lo học chớ không so đo chuyện cũ mới. Má nó nói hoài: "Nhà mình nghèo quá hà, ráng vài năm nữa, khá giả rồi má sắm cho". Con bé Em nhìn con Bích lom lom rồi cúi xuống, trở trở trái bắp nướng: - Bộ đồ mầy may chắc đẹp lắm, bữa mùng hai mầy mặc bộ đó đi nhà cô hen? Rồi tới mùng một, mùng hai, bé Em lại rủ con Bích đi chơi. Hai đứa mặc đồ hơi giống nhau, chỉ khác là con Bích mặc áo trắng bâu sen, con bé Em thì mặc áo thun có in hình mèo bự. Cô giáo tụi nó khen: - Coi hai đứa lớn hết trơn rồi, cao nhòng. Hai đứa cười. Lúc đó con bé Em nghĩ thầm, mình mà mặc bộ đầm hồng, thế nào cũng mất vui. Bạn bè phải vậy chớ. Đứa mặc áo đẹp, đứa mặc áo xấu coi gì được, vậy sao coi là bạn thân. Nhưng Bích lại nghĩ khác, bé Em thương bạn như vậy, tốt như vậy, có mặc áo gì Bích vẫn quý bé em. Thiệt đó. (Áo Tết, Nguyễn Ngọc Tư) Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 tại Đầm Dơi, Cà Mau, là nữ nhà văn trẻ của Hội nhà văn Việt Nam. Chị thường viết về những mảnh đời éo le, bất hạnh trong cuộc sống thường nhật với giọng văn giản dị, giàu cảm xúc, đậm chất Nam bộ. Tập truyện ngắn Cánh đồng bất tận của chị gây được tiếng vang lớn, nhận được nhiều giải thưởng cũng như chuyển thể thành kịch, phim điện ảnh. Truyện ngắn "Áo Tết" là một trong những tác phẩm độc đáo như vậy của tác giả. Trả lời câu hỏi: Câu 1: Xác định thể loại, ngôi kể, nhân vật chính trong truyện "Áo Tết". Câu 2: Xác định đề tài của truyện. Câu 3: Xác định điểm nhìn trong truyện. Truyện được kể chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật nào? Câu 4: Tóm tắt cốt truyện ngắn gọn trong 2 - 3 câu văn. Câu 5: Chỉ ra tác dụng của các yếu tố không gian, thời gian được miêu tả trong truyện. Câu 6: Nhân vật bé Em cuối cùng đã mặc trang phục như thế nào khi đến nhà cô giáo, lựa chọn đó thể hiện bé Em là người như thế nào? Câu 7: Nhận xét về tình bạn giữa bé Em và Bích. Câu 8: Xác định chủ đề chính, chủ đề phụ của truyện ngắn trên. Câu 9: Liên hệ với truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" và chỉ ra điểm tương đồng trong cách xây dựng chi tiết và khắc họa nhân vật. Câu 10: Theo em, sự đồng cảm, thấu hiểu có vai trò như thế nào trong việc xây dựng một tình bạn đẹp? Câu 11: Ghi lại (khoảng 5 - 7 dòng) về một chi tiết mà em ấn tượng trong truyện ngắn trên. Câu 12: Bài học sâu sắc em rút ra từ truyện ngắn trên là gì? Gợi ý trả lời câu hỏi: Câu 1: - Thể loại: Truyện ngắn. - Ngôi kể: Thứ ba (người kể chuyện giấu mình, điểm nhìn toàn tri) - Nhân vật chính trong truyện "Áo Tết" : Bé Em. Câu 2: Đề tài của truyện: Tình bạn. Câu 3: - Điểm nhìn trong truyện: Có điểm nhìn toàn tri của người kể chuyện, có điểm nhìn của nhân vật bé Em. - Truyện được kể chủ yếu theo điểm nhìn của nhân vật bé Em. Câu 4: Tóm tắt cốt truyện ngắn gọn trong 2 - 3 câu văn: Bé Em được mẹ mua cho chiếc váy hồng mới để diện Tết. Bé Em dự định sẽ mặc chiếc váy lộng lẫy ấy để cùng bạn Bích đến thăm nhà cô giáo. Khi biết bạn Bích chỉ được sắm bộ quần áo bình thường, bé Em đã không mặc váy mà chọn mặc một bộ bình thường giống bạn. Câu 5: Các yếu tố không gian, thời gian được miêu tả trong truyện: - Không gian: Hẹp (nhà Bích, cô giáo) ; - Thời gian: Giáp Tết, mùng hai Tết (khi đôi bạn đến thăm nhà cô giáo). - Tác dụng của yếu tố không gian, thời gian: Làm nổi bật bối cảnh của câu chuyện, diễn ra vào dịp Tết, khi các em bé được cha mẹ may cho áo mới. Câu 6: - Nhân vật bé Em cuối cùng đã không mặc chiếc váy mày hồng lộng lẫy mà mặc mặc "áo thun có in hình mèo bự" khi đến nhà cô giáo. - Lựa chọn đó thể hiện bé Em là người nhạy cảm, tinh tế, quan tâm đến xúc cảm của bạn, thấu hiểu cho hoàn cảnh của bạn, tự hạ mình để bạn khỏi buồn. Câu 7: Nhận xét về tình bạn giữa bé Em và Bích: Đó là tình bạn đẹp, chân thành, có sự thấu hiểu, đồng cảm, cả hai đều hiểu nhau, yêu quý nhau vì tính tốt của nhau chứ không vì điều gì khác. Tình bạn ấy vượt lên trên khoảng cách giàu - nghèo, rất đáng trân quý. Câu 8: - Chủ đề chính: Ca ngợi tình bạn đẹp và sự tinh tế, nhân văn trong cách ứng xử với bạn bè. - Chủ đề phụ: Đồng cảm với hoàn cảnh nghèo khó của con người. Câu 9: Liên hệ với truyện ngắn "Gió lạnh đầu mùa" : - Điểm tương đồng trong cách xây dựng chi tiết: Đều có chi tiết "áo" : Trong truyện "Gió lạnh đầu mùa" là chiếc áo hai chị em Sơn cho Hiên vì thương bạn rét; trong truyện "Áo Tết" là chiếc váy bé Em rất thích nhưng quyết định không mặc để hòa đồng với bạn. - Điểm tương đồng trong cách khắc họa nhân vật: Nhân vật bé Em và chị em Sơn đều là những đứa trẻ con nhà khá giả nhưng có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương, biết đồng cảm, chia sẻ với bạn nghèo. Câu 10: Trong việc xây dựng một tình bạn đẹp, sự đồng cảm, thấu hiểu có vai trò quan trọng: Nhờ có sự đồng cảm, thấu hiểu, tình bạn mới vững bền. Bởi tình cảm bạn bè được xây dựng trên cơ sở sự hòa hợp về tâm hồn. Sự đồng cảm, thấu hiểu trong tình bạn sẽ giúp chúng ta hiểu được sở thích, nguyện vọng, tâm tư, suy nghĩ cũng như hoàn cảnh của nhau để chia sẻ. Tình bạn gắn kết bằng sự chân thành sẽ lâu bền, đẹp đẽ. Câu 11: Về một chi tiết mà em ấn tượng trong truyện ngắn trên: Chi tiết bé Em không mặc váy hồng mà chọn một bộ bình thường giống bạn. Chi tiết này nằm ở cuối truyện, sau hàng loạt chi tiết kể về sự sung sướng, háo hức của bé Em, cho thấy bé em sẵn sàng từ bỏ niềm vui của mình khi nghĩ niềm vui đó có thể khiến bạn buồn. Chi tiết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn, bộc lộ tâm hồn tinh tế, nhân văn của bé Em trong cách cư xử với bạn bè - điều mà có khi người lớn cũng không nghĩ đến. Chi tiết cho ta hiểu, muốn có một tình bạn đẹp, mỗi chúng ta cần phải tinh tế trong tình bạn, biết nghĩ, biết hạ cái tôi vì bạn.. Câu 12: Bài học sâu sắc em rút ra từ truyện ngắn trên là: Trong tình bạn, chúng ta cần phải đối với nhau bằng sự chân thành. Bởi chỉ có tình cảm chân thành mới gắn kết lâu bền tình bạn ấy và mang đến cho chúng ta những xúc cảm đẹp của tình bạn.
Câu 10. Từ truyện ngắn trên, bạn suy nghĩ gì về ý nghĩa của sự đồng cảm đối với người khác trong hoàn cảnh khó khăn? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)
Sự đồng cảm giữa người với người có sức mạnh vô cùng lớn lao - sức mạnh khiến nó trở nên đẹp nhất trong thế giới tâm hồn, cảm xúc của nhân loại. Trong hoàn cảnh khó khăn, thử thách, tình cảm tốt đẹp ấy càng thể hiện sức mạnh vô song, trường tồn của nó. Đối mặt với hoàn cảnh khốc liệt, con người dễ rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Liều thuốc xoa dịu tâm hồn kì diệu nhất dành cho họ chính là sự đồng cảm, chia sẻ từ những người quanh ta. Sự đồng cảm ấy sẽ giúp họ lấy lại niềm tin, động lực trong cuộc sống, có sức mạnh tiếp sức cho những người mệt mỏi, mở lối cho người đang phân vân và rọi đèn cho ai đang lần mò trong bóng tối. Biết bao người vực dậy tinh thần, đứng lên vượt khó khăn nhờ sự đồng cảm, giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.