Đọc hiểu: Một mình nàng, ngọn đèn khuya, Áo đầm giọt lệ tóc se mái đầu - Truyện Kiều, Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 21 Tháng mười hai 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đề kiểm tra đọc hiểu đoạn trích Một mình nàng, ngọn đèn khuya, trích Truyện Kiều - Nguyễn Du bao gồm hệ thống các câu hỏi phân bố theo 4 cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao giúp các bạn học sinh củng cố lại phần kiến thức đã học và kỹ năng làm bài đọc hiểu. Các kĩ năng cơ bản đó là: Vận dụng những hiểu biết về đặc trưng của thơ trữ tình (giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố như ngôn từ; hình thức bài thơ thể hiện trong văn bản; ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ) và đặc điểm của truyện thơ dân gian, truyện thơ Nôm (cốt truyện, nhân vật, người kể chuyện, độc thoại nội tâm, bút pháp, ngôn ngữ) để đọc hiểu các bài thơ, đoạn thơ.

    Đọc hiểu đoạn trích: Một mình nàng, ngọn đèn khuya, Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du

    Đề ôn tập Ngữ văn 11 - chương trình mới

    Đọc đoạn trích sau:

    Một mình nàng, ngọn đèn khuya

    Áo đầm giọt lệ, tóc se mái sầu

    Phận dầu, dầu vậy cũng dầu

    Xót lòng đeo đẳng bấy lâu một lời

    Công trình kể biết mấy mươi

    Vì ta khăng khít cho người dở dang

    Thề hoa chưa ráo chén vàng

    Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa!

    Trời Liêu non nước bao xa,

    Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!

    Biết bao duyên nợ thề bồi

    Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?

    Tái sinh chưa dứt hương thề,

    Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai

    Nợ tình chưa trả cho ai

    Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan!

    Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn

    Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

    (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

    [​IMG]

    Trả lời câu hỏi sau:

    Câu 1.
    Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích.

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích trên là ai?

    Câu 3. Đoạn trích trên sử dụng hình thức ngôn ngữ nào?

    Câu 4. Những câu thơ "Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa!" "Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!" cho em hiểu suy nghĩ gì của Kiều?

    Câu 5. Hình ảnh nước mắt của Thúy Kiều được nhắc đến mấy lần trong đoạn thơ? Hình ảnh đó nói lên tâm trạng Thúy Kiều như thế nào?

    Câu 6. Nhận xét về vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều trong đoạn trích trên.

    Câu 7. Liên hệ với đoạn "Trao duyên" và lí giải vì sao Kiều lại trao duyên cho em?

    Câu 8. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du qua đoạn trên.

    Gợi ý trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích: Thúy Kiều

    Câu 3. Đoạn trích trên sử dụng hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp/độc thoại nội tâm.

    Câu 4. Những câu thơ "Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa!" "Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!" cho ta hiểu suy nghĩ của Kiều: Nàng nghĩ rằng mình chính là người phụ tình Kim Trọng, gây nên bi kịch tình yêu. Vì thế Kiều luôn tự trách, dằn vặt bản thân.

    Câu 5. Hình ảnh nước mắt của Thúy Kiều được nhắc đến 2 lần trong đoạn thơ:

    Áo đầm giọt lệ, tóc se mái đầu

    Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn


    Hình ảnh đó nói lên tâm trạng Thúy Kiều: Vô cùng đau đớn, bế tắc, tuyệt vọng. Nàng đau khổ vì tình yêu tan vỡ, day dứt vì bội ước chàng Kim.

    Câu 6:

    - Thúy Kiều là người con hiếu thảo: Hi sinh tình yêu vì gia đình, bán mình chuộc cha.

    - Thúy Kiều là người vị tha, nặng tình nghĩa: Luôn nghĩ cho người khác, tình yêu tan vỡ, Kiều vẫn không thôi nghĩ về Kim Trọng, day dứt đau khổ khi nghĩ mình bội ước với Kim Trọng..

    Câu 7.

    - Liên hệ: Trong đoạn trích "Trao duyên", Thúy Kiều nhắc đến tai biến gia đình: "Sự đâu sóng gió bất kì" và tình huống buộc phải lựa chọn "hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai", Kiều vô cùng đau khổ khi nghĩ mình là người phụ bạc "thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây". Trong đoạn này, Kiều cũng thể hiện niềm day dứt đó: "Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa!" "Nghĩ đâu rẽ cửa, chia nhà tự tôi!"

    - Từ đó, cho ta hiểu Kiều trao duyên cho em vì: Sau khi bán thân chuộc cha, bên "hiếu" đã trọn vẹn, nghĩ đến "tình", đến Kim Trọng, nàng thương cho chàng Kim, day dứt khi mình phụ tình chàng nên nhờ Thúy Vân thay mình trả nghĩa Kim Trọng.

    Câu 8: Nghệ thuật miêu tả nội tâm:

    - Hình thức ngôn ngữ nửa trực tiếp, vừa có lời kể của người kể chuyện, vừa có ngôn ngữ độc thoại nội tâm của nhân vật.

    - Đặt nhân vật vào tình huống éo le: Lựa chọn bên tình bên hiếu - bên nào cũng nặng, bên hiếu đã tròn, bên tình đau đáu

    - Hệ thống từ ngữ biểu cảm, giàu cảm xúc

    - Hình ảnh nước mắt được lặp lại hai lần thể hiện tâm trạng đau khổ tột cùng..

    => Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du sâu sắc, điêu luyện, có khả năng biểu đạt những nỗi đau tận cùng trong tâm hồn nhân vật.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười hai 2023
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...