SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HÀ TĨNH ĐỀ CHÍNH THỨC KÌ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH CẤP THPT NĂM HỌC 2011- 2012 Môn: NGỮ VĂN LỚP 11 Thời gian làm bài : 180 phút (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu) Câu 1 "Học từ ngày hôm qua, sống cho ngày hôm nay, hi vọng vào ngày mai. Điều quan trọng nhất là không ngừng đặt câu hỏi". (Albert Einstein ) Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. Câu 2 Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: "Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ; và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ ấy phải in dấu vào đó càng sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay." (Xuân Diệu, Toàn tập, Tập 5, Nxb Văn học, Hà Nội, 2001, tr 36) Anh (chị) hiểu nhận định trên như thế nào? Bằng việc phân tích một số tác phẩm đã học trong chương trình Ngữ văn 11, hãy làm sáng tỏ vấn đề. .. HẾT.. ĐÁP ÁN THAM KHẢO: Câu 1 Bài làm Cuộc sống của chúng ta đa sắc, muôn màu, muôn vẻ, và có nhiều điều bí ẩn ta chưa khám phá hết. Vì thế chúng ta phải nỗ lực học tập, bền bỉ, phấn đấu không ngừng, nếu ngừng lại sẽ bị lạc hậu. Nhà Bác học nổi tiếng Albert Einstein đã từng nói rằng: "Học từ hôm qua, sống cho hôm nay, hi vọng cho tương lại. Điều quan trọng nhất là không ngừng học hỏi" Câu nói tưởng chừng đơn giản đó đã thay đổi, đánh thức năng lực và khát vọng của bao nhiêu con người. Vậy hàm ý sâu xa trong câu nói đó là gì? Là chữ "học" . Albert Einstein đã nhấn mạnh học là học cho ngày hôm qua để hôm nay ta có thể khám phá những thứ mới, và từ đó ta có thể hi vọng cho tương lai của mình. Học là quá trình tìm hiểu, khám phá, lĩnh hội tri thức từ sách vở nhà trường và cuộc sống xung quanh mình. Việc học phải được tiến hành không ngừng, không giới hạn trong suốt cuộc đời của mỗi người. Học như vậy ta mới không bị lạc hậu, mới có thể bắt kịp được dòng chảy tri thức của nhân loại, của thế giới. Vậy vì sao việc học hỏi phải được tiếp tục suốt đời? Vì kiến thức của nhân loại là mênh mông, vô tận, con người dù tài giỏi đến đâu cũng chỉ là một giọt nước nhỏ nhoi trong biển kiến thức mênh mông, vô hạn. Dù ta có học cho hết đời cũng không thể nào nắm bắt được hết những tri thức của nhân loại. Cuộc sống phong phú, thiên nhiên vô tận, con người phải làm chủ cuộc sống, sức mạnh của bản thân mới có thể làm chủ thiên nhiên, những khó khăn trong cuộc sống. Như thế, ta mới có thể vững vàng, không bị gục ngã trước những điều khắc nghiệt, đau khổ trong đời. Kiến thức là một trong những hành trang quan trọng để ta bước vào đời. Càng nhiều kiến thức ta tích lũy được trong hôm nay, càng nhiều kinh nghiệm để ta bước vào con đường đời. Vậy ta phải học như thế nào? Ta phải học từ căn bản, phải thật thuần thục căn bản rồi mới học đến nâng cao, bồi trước đắp sau. Rồi học để áp dụng vào trong thực tiễn, học đi đôi với hành, chứ đừng chỉ học lý thuyết nói suông rồi không thể áp dụng vào cuộc sống. Cái đó chỉ làm ta phí thời gian, công sức ta bỏ ra chứ chẳng được lợi ích gì. Hơn nữa, ta không nên học tủ, học vẹt, vì như thế ta không hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của việc học, mà ta chỉ đối phó với thầy cô, cha mẹ. Học là phải học có phương pháp, phải biết sắp xếp thời gian hợp lý, đi kèm theo đó là sự giải trí, vận động chứ ta không nên lạm dụng trò chơi điện tử. Nếu ta có thể áp dụng việc học vào đời sống, ta sẽ thành công trên con đường đời của chính bản thân mình. Chính tổ tiên ta cũng đã coi trọng việc học. Ta có thể thấy rõ những cuộc thi trạng nguyên do nhà vua tổ chức để kiếm nhân tài. Ta có những trạng nguyên nổi tiếng như: Nguyễn Hiền – người đã bắt đom đóm vào vỏ trứng để làm đèn học, rồi ông đã đỗ trạng nguyên khi 12 tuổi. Hay ông Mạc Đĩnh Chi từ cậu bé bán củi ham học thành lưỡng quốc trạng nguyên thơm danh cho đến tận bây giờ. Gần đây nhất là Lê Thái Hoàng là cậu học sinh nghèo hiếu học đã đạt được huy chương vàng toán quốc tế, trở thành nguồn cảm hứng làm bao người ngưỡng mộ, khâm phục. Mặt trái trong xã hội ngày nay, có nhiều người càng ngày càng lười biếng và lười học, điều này đang dần dần giết chết chúng ta. Hiện nay có nhiều học sinh chỉ biết học đối phó, học vẹt, hay chỉ học lý thuyết nhưng không thể áp dụng vào thực tế. Đó là những cách học nguy hiểm mà ta phải tránh xa, vì nó sẽ làm cho ta không hiểu rõ bản chất của việc học, không thể áp dụng vào đời sống giống như quăng tiền ra ngoài cửa sổ, phí công sức mà chẳng được ích gì. Đó là những mặt xấu, tiêu cực ta phải tránh, không nên làm theo. Học hỏi là một việc ta phải làm suốt đời không ngừng nghỉ, là việc ta cần làm và cũng là việc ta phải làm. Ý nghĩa trọn vẹn sâu xa của câu nói đó không chỉ dừng lại ở việc khuyên nhủ ta rằng học cho chính mình, mà còn là học để gánh vác tương lai của đất nước. Để trở thành công dân có ích cho đời sống, có ích cho Tổ quốc. Hãy học tập mỗi ngày, từ ngày này sang ngày khác ta sẽ tích lũy được càng nhiều kiến thức. Sống cho ngày hôm nay để ngày mai không hối tiếc, đừng nên lãng phí bất kì một giây nào trong cuộc đời. Và hãy luôn có niềm tin, hi vọng vào trong tương lai, đừng đánh mất niềm tin của bạn, vì khi mọi thức đã mất thì tương lai bạn vẫn còn. Hãy để cho kiến thức soi sáng bạn trên con đường đời. Điều quan trọng nhất là "Hôm nay bạn đã hỏi ai đó một câu hỏi gì chưa?", cách nhanh nhất đạt được tri thức là luôn luôn đặt câu hỏi cho chính mình. Nếu ta làm được thì xin chúc mừng bạn đã nắm bắt được giá trị sống, đã tìm được chìa khóa của thành công. Không ngừng học hỏi, không ngừng vươn lên sẽ đưa con người đến những đỉnh cao mơ ước. Câu nói của nhà bác học Einstein thật sự là lời khuyên đúng đắn cho chúng ta. Việc học là bổn phận mà không ai có thể phủ nhận được. Là học sinh, chúng ta cần phải không ngừng học hỏi, tiếp nhận tri thức để ứng dụng vào đời sống, góp phần xây dựng đất nước. Câu 2 Bài làm Bàn về nhiệm vụ của nhà văn, Vũ Trọng Phụng đã từng nói: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời". Xá định vị trí của nhà thơ, Xuân Diệu cho rằng: "Người đọc thơ muốn rằng thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống, nhưng phải đi qua một tâm hồn, một trí tuệ và khi đi qua như vậy, tâm hồn, trí tuệ phải in dấu vào đó thật sâu sắc, càng cá thể, càng độc đáo, càng hay". Văn học mang vẻ đẹp thay đổi qua từng thời đại bởi đây không chỉ là nghệ thuật đơn thuần như hội họa hay âm nhạc. Văn học hơn hết là sự phản ánh về đời sống của người dân, xuất phát từ hiện thực đã định sẵn, từ đó mà chiếm lĩnh tâm hồn của độc giả. Không như các cuốn tiểu thuyết ngôn tình hay bất cứ quyển truyện khoa học viễn tưởng, văn học đích thực mang trong mình vẻ đẹp riêng biệt, chẳng phải một"ánh trăng lừa dối" (Nam Cao) hay một lớp màn hư ảo che đậy sự thật nào. Chế Lan Viên từng nhận đinh: "Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim" . Nếu văn phong và cốt truyện của tác giả có hay cỡ nào mà nội dung toàn là những điều vô thực, dối trá, tránh né sự thực ở đời thì không thể nào chạm sâu vào đáy trái tim người đọc. Thay vào đó, văn học có thể chỉ đơn giản là những tác phẩm lên án về cuộc sống hay nghịch cảnh quá rõ ràng để ai xem vào cũng đều cảm thấu nỗi đau của con người lúc bấy giờ. Quang Dũng từng viết: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc, Quân xanh màu lá dữ oai hùm. (Tây Tiến) Tuy phải đối mặt với căn bệnh sốt rét rừng, va chạm với trùng trùng hiểm nguy, bao nhiêu gian khó, hình ảnh người lính Tây Tiến thể hiện qua giọng văn hóm hỉnh của ông, kể cả khi rụng hết cả tóc, tái xanh cả người vẫn không hề chùn bước. Họ khoác trên mình một tâm thế vững vàng, dữ tợn mà mạnh mẽ tựa "oai hùm". Nhưng cuối cùng, biết bao chiến binh một lòng vì nước đã ngã xuống: "Rải rác biên cương mồ viễn xứ", "Áo bào thay chiếu, anh về đất". Nỗi nhớ về đoàn quân này dâng trào lên trong lòng người thi sĩ. Ông không vì cái đau sót ở hiện thực mà vùi lấp đi sự mất mát để lại sau chiến tranh, vốn là những người anh em đã đồng hành với nhau suốt tuyến đường hành quân. Tất cả đều bắt nguồn từ nỗi nhớ, khởi sinh từ cốt lõi của lịch sử. Suy cho cùng, bụi thời gian khó có thể làm dịu đi những tàn tích đau thương của chiến tranh, chúng hiện lên thành chữ, thành dòng trên tác phẩm bi hùng của ông. Thay đổi theo thời đại, chiến tranh kết thúc. Các tác phẩm văn học nay lại xoáy sâu hơn vào cuộc sống và tình thương giữa người với người, sự thực phũ phàng một lần nữa được phơi bày khi nấm mộ người bà của Nguyễn Duy đã xanh màu cỏ dại: khi tôi biết thương bà thì đã muộn bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi! (Đò lèn – Nguyễn Duy) Đứng trước ngôi mộ của bà, Nguyễn Duy không thể kiềm nén nỗi chua xót cho số phận để rồi bằng tấm lòng, tâm hồn một thi sĩ, ông như thốt lên thật lớn rằng: "Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!". Ông tiếc nuối cho quá khứ, trách móc thời gian, trách móc chính mình vì đã quá vô tâm, mải rong chơi suốt thời non trẻ để khi trưởng thành lại nhận ra rằng lúc bấy giờ cháu đã khôn lớn, đến thời điểm bà phải ra đi, không thể kề cạnh, chăm nom cho cháu nữa. Tất cả những dòng thơ"Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế / bà mò cua xúc tép ở đồng Quan", "bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn" hay"khi tôi biết thương bà thì đã muộn / bà chỉ còn là một nấm có thôi!" như rút hết tâm can, buông hết nỗi niềm của tác giả một cách chân thực nhất, gần gũi nhất, lay động nhất. Chúng chạm đến trái tim những con người "đa sầu đa cảm" bằng một giọng điệu thơ chân thành, thân thuộc mà bất ngờ như cái vỗ tay để cho ta giật mình bừng tỉnh khỏi các cuộc vui nhất thời, để hiểu và tin rằng ai trong chúng ta cũng đều có thể tránh phạm phải sai lầm của ông trước những giây phút muộn màng. Bài thơ "Đò Lèn" của Nguyễn Duy tuy chủ đề chẳng gì là lạ lẫm cũng như không mang theo một màu hồng như bao người vẫn lầm tưởng về thơ ca. Đấy đơn giản là sự tái hiện về chuỗi ngày khó khăn của bà được tác giả ghi lại qua ngòi bút với cái nhìn sâu sắc để bày tỏ nỗi lòng, tâm tư; đồng thời cũng là để cảnh tỉnh cho bạn đọc về lối sống vô tâm một cách thật chân tình. Bởi lẽ đó mà Nguyễn Duy hiện tại là một trong những nhà thơ xuất chúng được rất nhiều độc giả, thi nhân nhắc đến khi bàn về văn học Việt Nam. Thế nhưng, cái đẹp trong văn học không chỉ thể hiện qua cốt lõi của hiện thực trong đời sống mà kèm theo đó là nét độc đáo, đặc trưng vốn có của lĩnh vực đầy tính nghệ thuật này. Nghệ thuật, một trong những thứ phục vụ cho đời sống tinh thần của con người Việt Nam từ rất lâu, vốn dĩ là sự sáng tạo, sự đổi mới cho phù hợp với thời đại mà song hành với nó là "tâm hồn" và "trí tuệ" của con người sáng tạo nên. "Thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống" nhưng nó phải được thanh lọc qua lăng kính tâm hồn của ngừi nghệ sĩ một cách kĩ lưỡng trước khi nó hiện hình trên ngôn ngữ. "Tâm hồn" trong tác phẩm của thi nhân chính là cảm xúc và tâm sự xuất phát từ tận đáy con tim như nỗi nhớ Tây Tiến trong bài thơ cùng tên được viết bởi Quang Dũng hay nỗi đau của Nguyễn Duy trước ngôi mộ người bà thân thương. Cái ta càng cần phải chú ý hơn là hai chữ "trí tuệ" trong câu nói của Xuân Diệu. "Trí tuệ" có thể hiểu ở đây là cách vận dụng ngôn từ, gợi tả hình ảnh, diễn đạt xúc cảm qua ngữ điệu trong thi ca cũng như các thủ pháp nghệ thuật với hiệu quả mà chung mang lại. Đấy chính là cái đặc thù của văn học mà các lĩnh vực về nghệ thuật khác chưa bao giờ có, là lý do mà các nhà văn, nhà thơ cũng như rất nhiều nhà phê bình văn học hướng tới để tìm kiếm sự mới mẻ trong cách vận dụng sự đặc sắc về ngôn ngữ của người Việt. Các tác gia lỗi lạc cũng chính là những người cao nhân đã bước chân vào thế giới "muôn màu muôn vẻ" này và in một dấu chân không thể phai nhòa. Được mệnh danh là cánh chim đầu đàn trong Cách Mạng thơ ca Việt Nam, Tố Hữu sử dụng từ ngữ và văn học như một thứ vũ khí trên sàn đấu nghệ thuật. Với giọng thơ trữ tình chính trị; viết về kháng chiến, đề tài người lính với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như những lời nói ngọt ngào khiến ta liên tưởng đến một bài thơ tình yêu thật lãng mạn; ông tỏ bày tình cảm giữa các anh cán bộ với người dân Việt Bắc như sau: Nhớ gì như nhớ người yêu Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương Nhớ từng bản khói cùng sương Sớm khuya bếp lửa người thương đi về. (Việt Bắc – Tố Hữu) Nỗi nhớ của các anh chiến sĩ giành cho người dân Việt Bắc lúc ra đi thật dạt dào lại tha thiết như tình yêu đôi lứa giữa các chàng trai trẻ với những cô thôn nữ miền quê. Mượn ý ca dao, người con nơi xứ Huế mộng mơ này đã mang vẻ đẹp từ văn học dân gian đến tác phẩm của mình để gợi lên nét đẹp trong lòng những người lính Việt Bắc về tình cảm giữa chiến sĩ với nhân dân: "Nhớ ai bổi hổi bồi hồi / Như đứng đống lửa, như ngồi đống than" . Với ngòi bút tinh tế của mình, ông sử dụng 3 lần điệp từ "nhớ", so sánh tình yêu ấy như nỗi niềm bao cặp tình nhân, nỗi sót cho "người thương", nỗi luyến tiếc vì phải xa cách"người yêu" . Buổi chia tay để lại trong lòng các anh bộ đội niềm xao xuyến lặp đi lặp lại thâu ngày, thâu đêm kể cả vào thời điểm ra quân. Cái tình cảm cao đẹp giữa những con người đã gắn bó với nhau suốt mười mấy năm trời đang lan tỏa trong chiều rộng của không gian, trải dài từ"đầu núi" đến "lưng nương". Không dừng lại ở đó, nó ngự trị cả thời gian, nồng thắm ngay cả khi "nắng chiều" buông xuống cho tới lúc "trăng lên" tận đỉnh bầu trời mây mờ giữa đêm, vượt xuyên cả buổi sáng sớm, thời điểm mà "từng bản khói cùng sương" vẫn còn màu xám xịt, hư ảo. Nhưng dầu "sớm", dầu "khuya", tình yêu các anh bộ đội vẫn luôn một lòng hướng về nhân dân, tổ quốc thân yêu, hướng về Việt Bắc – một nơi tuy không giàu về điều kiện vật chất nhưng đầy ắp tình người. Nỗi nhớ bao trùm lên các anh chiến sĩ, vây quanh hình tượng "bếp lửa", vốn là nỗi ám ảnh của những người con xa nhà. Dường như vẻ đẹp ấy ta đã từng bắt gặp đâu đó trong bài thơ"Bếp lửa" được viết bởi Bằng Việt. Nay lại được tái hiện qua tác phẩm của người thi sĩ Cách Mạng kia. Ta thấy rằng, thơ ca là sự bắt gặp ngẫu nhiên của những con người có tâm hồn đồng điệu, "bếp lửa" giờ đây thêm lần xuất hiện trong "Việt Bắc" của Tố Hữu, gợi lên biết bao cái đẹp trong cảm xúc và tư tưởng của nhà thơ về cuộc sống con người. Ta nhận thấy rằng, lối viết thơ của Tố Hữu không thiên về vốn từ đa dạng, phong phú; hỉnh ảnh thơ không quá xa lạ mà thay vào đó ông mang đến cho bạn đọc của mình nét đẹp ở những con người đứng lên vì kháng chiến. "Việt Bắc" thực chất hoàn toàn có thể viết dưới phong cách ngôn ngữ báo chí bởi đây chẳng khác nào việc đưa tin về một cuộc chia tay lịch sử. Thay vào đó, ông sử dụng phong cách ngôn ngữ nghệ thuật để từng vần thơ, từng khoảnh khắc mà ông ghi lại sẽ bất tử với dòng chảy thời gian. Như vậy, ta có thể khẳng định rằng Xuân Diệu hoàn toàn đúng khi nói "thơ phải xuất phát từ thực tại, từ đời sống" và được "in dấu" khi đi qua một ngòi bút có "tâm hồn" sâu sắc và "trí tuệ" thâm sâu. Nếu các nhà thơ cho ra đời những thi phẩm đầy tính nghệ thuật mà chẳng có giá trị nhân văn về đời sống con người thì sớm muộn cũng sẽ bị đào thải. Ngược lại, một sáng tác văn chương với bao nhiêu chân lý sống và triết lý nhân sinh đi chăng nữa, chỉ cần không có tính nghệ thuật, vốn là cái không thể thiếu trong văn học, thì kết quả ấy cũng không thể gọi là tác phẩm, nội dung có thể hay nhưng người đọc sẽ dễ dàng bỏ qua khi nó không phục vụ được cho họ về đời sống tinh thần vì chỉ có "linh hồn" mới là "ấn tượng của một tác phẩm" mà thôi (Puskin). Vậy nên trong sáng tác, sự sánh bước của nghệ thuật và nội dung dường như là không thể tách rời trên chặng đường đến với đỉnh cao của lĩnh vực về nghệ thuật ngôn từ.