Đề thi HSG Văn - NLVH: Tác phẩm tồn tại mãi với thời gian

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thủy Tô, 11 Tháng sáu 2024.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Đề: Khi được hỏi làm thế nào để có một tác phẩm sống mãi với thời gian, nhà văn Nguyễn Quang Thiều trả lời: "Để có tác phẩm lớn, mỗi một người phải suy nghĩ một cách thấu đáo nhất, trách nhiệm cao nhất, trung thực với thời đại mình đang sống và những vấn đề con người đang phải đối mặt và phải viết nó bằng tình yêu thương, cảm xúc, bằng sự sợ hãi rằng, nếu không viết ra thì cái đẹp sẽ bị trấn áp, bị đe dọa, bị xâm phạm."

    Hãy bình luận ý kiến trên.

    Bài làm tham khảo:

    Lời than của Tố Như cách đây hàng thế kỉ vẫn được nhà văn hôm nay đồng cảm bằng cả trái tim: "Văn chương tàn tức nhược như ty." Nhà văn biết cái nợ "phong vận kỳ oan" đó nhưng vẫn dám dấn thân vào hiện thực, dám bước lên "pháp trường trắng" để sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm văn học là kinh nghiệm của linh hồn nhà văn, là máu và nước mắt của nhà văn, đó là những tác phẩm của muôn đời. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cũng bày tỏ quan niệm đúc kết từ một đời văn: "Để có tác phẩm lớn, mỗi một người phải suy nghĩ một cách thấu đáo nhất, trách nhiệm cao nhất, trung thực với thời đại mình đang sống và những vấn đề con người đang phải đối mặt và phải viết nó bằng tình yêu thương, cảm xúc, bằng sự sợ hãi rằng, nếu không viết ra thì cái đẹp sẽ bị trấn áp, bị đe dọa, bị xâm phạm."

    Tác phẩm văn học là một sinh thể cũng có phần xác và phần hồn, bề mặt vật chất là ngôn ngữ, hình vóc của đời sống và linh hồn là mạch tình cảm mãnh liệt, nồng ấm của nhà văn đằng sau mỗi con chữ. Tác phẩm lớn là tác phẩm không bị sóng bể thời gian xóa nhòa. Nó được ghi tạc vào lòng người bởi nó thuyết phục trái tim người đọc bằng sự rung cảm sâu xa. Điều đó dẫn đến việc nhà văn phải viết bằng tất cả yêu thương, thậm chí sợ hãi trong sự tranh đấu với cái ác để bảo vệ cái đẹp. Cầu nối của trái tim với trái tim là tình cảm, văn học không phải là tạo phẩm khô khan, nó là cầu nối giữa người với người. Nhà văn viết ra để tranh đấu cho cái đẹp bởi cái đẹp bao giờ cũng mong manh, vừa thực vừa hư nên người ta không tin vào nó. Nhà văn cần đảm bảo phẩm chất là "người thư kí trung thành" của thời đại mình đang sống đồng thời là "người cho máu", vừa phải diễn tả trung thực, sống động về cuộc sống vừa vượt lên chính hiện thực đó, nối kết nhân loại trong một hiện thực tốt đẹp hơn. Đó là nhiệm vụ sáng tạo của nhà văn.

    Trách nhiệm cao nhất của nhà văn là trung thực với thời đại. Trước khi là một trách nhiệm, đó là kết quả tất yếu. Hít thở trong bầu khí quyển thời đại, nhà văn có thể viết được điều gì khác hơn chính hiện thực ấy? Vật chất tác động vào ý thức, tác phẩm chắt ra từ ý thức nung nấu của nhà văn nên không thể tách rời thời đại. Nhưng không những vậy, nó còn là trách nhiệm bởi nếu chỉ hời hợt sống, nhà văn sẽ không thể nắm bắt được bản chất sâu xa của hiện thực- những quy luật vận động của đời sống và tâm hồn. Nếu chỉ "nhìn" mà không "thấy" cái sâu xa, tác phẩm sinh ra sẽ nặng nề sự chủ quan ích kỷ, phiến diện. Tác phẩm lớn phải trung thực với thời đại, sau đó mới vươn lên thành tác phẩm của mọi thời. Trí tưởng tượng của nhà văn phải nương tựa vào hiện thực thời đại, dẫu có hư cấu đến mấy, tác phẩm cũng xoay quanh cái lõi sự thật. Tái hiện sự sống một cách sống động, chân thực, tác phẩm mới đánh thức sự rung cảm trong mỗi độc giả, giá trị chân thiện mĩ mới được bóc tách và phát lộ. Nhà văn trước hết phải là người thấu thị, yêu thương và trung thành với cuộc sống, trung thực với chính mình, không phải "sống trên ngọn hải đăng" cao vợi mà phải "sống trong đất đã làm nên anh ta".

    Sống trong thời đại phong kiến- tư bản, thành quả của cuộc cách mạng tư sản Pháp dần tiêu tán, nhân quyền và nhân tính bị chà đạp bởi đồng tiền, nhà văn Balzac đã phản ánh trung thực không trốn tránh nỗi đau của con người và cả những điều xấu xa đê tiện của những kẻ phi nhân chỉ sống vì tiền. Lão Grăng-đê là kẻ hà tiện trên mọi kẻ hà tiện. Có người nói nếu như Molie chỉ mô tả con người hà tiện thì Balzac đã xây dựng một nhân vật điển hình- vừa là con người hà tiện, vừa là tính cách hà tiện. Lão thèm tiền vàng đến mức thấy vàng là đôi mắt long lanh, lòng toan tính dấy lên làm sao lấy được số vàng đó về tay mình. Lão chỉ coi gia đình là công cụ để thâu vét của cải, coi con gái Ơ-giê-ni Grăng-đê là kẻ kế thừa đáng ghét chỉ lấy đi tiền vàng của ông. Tính cách của Grăng-đê, những thủ đoạn của lão chính là biểu hiện sống động nhất của thời đại trái tim con người bị đặt lên bàn cân với vật chất.

    Bên cạnh việc trung thành với hiện thực thời đại, nhà văn còn phải rung cảm trước hiện thực, ôm vào mình những nỗi đau thế kỉ. Tình cảm là chất sống của văn. Máu và nước mắt của nhà văn là sự đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác để bảo vệ cái thiện, cái đẹp. Nhà văn phê phán cái xấu cái ác không chỉ để phê phán mà còn phải khơi lên lòng trắc ẩn, sự thấu hiểu. Khi viết về "con quỷ dữ của làng Vũ Đại", Nam Cao trách hắn đã làm nô lệ cho Bá Kiến, trách hắn đã làm đổ máu và nước mắt của bao người lương thiện, trách hắn sống không ra con người. Nhưng đằng sau đó là tấm lòng đau đáu suy tư và đầy thương yêu của nhà văn. Nam Cao đã cho người đọc thấy những hạt vàng lóng lánh của khát vọng lương thiện bên trong Chí Phèo. Nam Cao đã nghe thấu mơ ước bình dị của anh nông dân về một gia đình nhỏ, dù nó bị chôn vùi trong đáy tâm hồn. Chí Phèo chênh vênh trên lằn ranh thánh thần và quỷ dữ, đầy chất người, chứng tỏ việc quan sát cuộc sống bằng cả tấm lòng của nhà văn. Tài sản của nhà văn, có gì hơn ngoài một trái tim tha thiết yêu thương cuộc đời.. Nhà thơ Đỗ Phủ trong cảnh nhà tranh bị gió thu phá vẫn ước mơ: "Ước có được căn nhà ngàn gian" để chở che cho những số phận lạc lõng, nghèo khổ, bi ai hơn mình. Nhà thơ đến cuối đời còn nặng những suy tư vì thương đời, thương người: "Vạn lý bi thu thường tác khách/ Bách niên đa bệnh độc đăng đài." Nhà văn trao cả trái tim thương yêu cho đời nhưng vẫn cô độc. Cô độc nhưng vẫn tha thiết yêu thương. Đó là phẩm chất của một nhà văn lớn.

    Nhà văn viết ra với nỗi sợ nếu không viết thì cái đẹp sẽ bị trấn áp, đe dọa. Nhà văn lớn không đau khổ, ưu tư ít hơn người khác, nhất là trong tư cách một người phụng sự cho cái đẹp. Hạnh phúc bao giờ chẳng song hành với nỗi đau, cái đẹp bao giờ chẳng bị đe dọa trong vòng cương tỏa của cái ác, sự quên lãng. Nhà văn tái hiện sự sống để bất tử hóa vẻ đẹp mong manh bằng ngôn từ nghệ thuật. Nhà thơ Thanh Thảo đã viết như để nói lên đồng cảm với nghệ sĩ Lorca và bày tỏ niềm bi phẫn trước cái đẹp và sự sống bị cái ác đày đọa: "Tiếng ghi-ta nâu/ Bầu trời cô gái ấy/ Tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy/ Tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan/ Tiếng ghi-ta/ ròng ròng/ máu chảy."

    Nhà văn không chỉ là người nặng nợ với đời mà còn là người không ngừng tìm kiếm, tìm kiếm câu trả lời cho những trở trăn của cuộc sống, tìm kiếm mạch nguồn tư tưởng, tìm kiếm chân lí, tìm kiếm hình thức phù hợp để biểu đạt điều muốn nói với cuộc đời. Nhà văn viết về hiện thực thời đại không phải là sao chép mà là tái tạo để từ đó cải tạo đời sống. Người đọc trong quá trình tiếp nhận tác phẩm phải dùng cả trái tim để đáp lại trái tim, dùng cả trí tuệ để trăn trở, có như vậy, tác phẩm mới mở ra trong nó những điều kì diệu, trở thành một sinh thể sống mãi với thời gian.

    Đời người cầm bút ai chẳng khao khát có được một tác phẩm lớn. Nhưng để có được tác phẩm lớn, nhà văn phải trả giá cắt cổ của lao động nghệ thuật trong lao động nghệ thuật âm thầm, bền bỉ. Đến với thế giới của một bài thơ, một câu chuyện, ta thấy ở đó hiện thực thời đại và cả hiện thực của mọi thời, thấy ở đó trái tim nhà văn đang ẩn mình sau những hình tượng, những con chữ. Tác phẩm văn học là tạo vật nhà văn để lại cho cuộc đời để vượt ra khỏi giới hạn tồn tại của mình.
     
    Kimie SuzukiLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...