Điểm sáng tạo cho bài văn nghị luận với đoạn nghị luận xã hội là 0.25 điểm và bài nghị luận văn học là 0.5 điểm. Việc bài làm văn có thêm phần mở rộng, liên hệ sáng tạo không chỉ giúp đạt được số điểm quy định mà còn gây thiện cảm với người chấm thi, từ đó bài viết sẽ được đánh giá cao hơn, cải thiện điểm số. Hy vọng phần liên hệ, mở rộng dưới đây có thể giúp ích các bạn trong quá trình làm bài phân tích tác phẩm Đất nước- Nguyễn Khoa Điềm. Dẫn chứng liên hệ bài thơ Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm 1. Khái quát: Thơ về đất nước Trong thời gian diễn ra cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, có không ít những người chiến sĩ không hề lãng quên nghiệp bút nghiên, ngược lại họ đã kế thừa, tiếp nối và đón nhận ánh hào quang từ cha anh đời trước, biến tình cảm chân thành, sâu nặng thành sức mạnh diệu kỳ viết nên bao trang huyền thoại dân tộc: "Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua" Bên cạnh đó họ cũng tỏa ra nét đẹp tính cách riêng, thể hiện cái tôi và dấu ấn cá nhân rõ nét. Nguyễn Khoa Điềm chính là một trong số những cây bút tài hoa ấy. Trường ca "Mặt đường khát vọng" của Nguyễn Khoa Điềm nằm trong số những tác phẩm tiêu biểu của thơ phong trào thơ chống Mĩ. Được trích từ trường ca Mặt đường khát vọng, thi phẩm Đất nước đã ghi dấu và khẳng định tên tuổi của Nguyễn Khoa Điềm trên thi đàn thơ ca dân tộc. Tình yêu quê hương, đất nước là chủ đề đã có biết bao nhà thơ vun đắp, cày xới. Nhưng có lẽ, phải đến "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm người ta mới được bắt gặp một ý thơ không chỉ thiêng liêng, sâu sắc mà còn đầy mới mẻ; một cách nhìn, cách cảm phá vỡ những tư duy truyền thống nhưng cũng đong đầy trân trọng. 2. Dẫn chứng liên hệ - Đất Nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể "Ngày xửa, ngày xưa" gợi cho ta nhớ về những câu chuyện cổ tích từ ấu thơ đã đọng lại trong tiềm thức. Thế giới cổ tích với cô Tấm ngoan hiền, với sự tích bánh chưng bánh dày, bà tiên nhân hậu hay mụ dì ghẻ độc ác.. tất cả trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ ta. Hình ảnh mảnh đất thấm nhuần bản sắc văn hóa dân tộc đã hiện lên vừa giản dị gần gũi, vừa thiêng liêng sâu lắng bởi nó thường xuất hiện trong những câu truyện cổ, trong những lời kể của bà, của mẹ: Mang theo truyện cổ tôi đi Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa Cổ tích là những câu chuyện đã ra đời từ rất xa xưa mà chẳng bao giờ cũ, vẫn để lại trong lòng người những tình cảm khôn nguôi. Đất nước có trong truyện cổ có nghĩa là đất nước thực sự đã có từ xa xưa lịch sử nên mới có thể xuất hiện trong lời mẹ kể: Đời cha ông với đời tôi Như con sông với chân trời đã xa Chỉ còn truyện cổ thiết tha Cho tôi nhận mặt ông cha của mình - Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Hình ảnh "miếng trầu" rất dân dã mà thân thuộc. Ông bà ta có câu "miếng trầu là đầu câu chuyện", bởi lẽ, trong các dịp lễ tết, ma chay, cưới hỏi, trầu cau là thứ không thể thiếu: "Tuổi em mười tám đang tròn Rắp mua trầu lộc cau non đến nhà Đề mà thết khách đàng xa Bây giờ thấy khách lòng đà mừng thay Gió hương đưa khách tới đây Trầu têm cánh phượng hai tay nàng mời" Hay: Trầu têm một lá Trình má biết cho Một hai trót đã hẹn hò Trẻ thơ trót dại đã theo đò quá giang May ra chung quán chung làng Thì câu tình nghĩa đá vàng cũng chung Hẳn nhà thơ đã lặn vào bể sâu phong tục cổ truyền dân tộc, góp nhặt từng giá trị truyền thống xa xưa, bởi hình ảnh trầu cau đã góp mình trong không ít dòng ca dao, tục ngữ: Xa xôi ăn một miếng trầu Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng Đồng thời, hình ảnh "miếng trầu" còn khéo léo đề cập đến câu truyện cổ về sự tích trầu cau, cũng là biểu hiện của lối sống thủy chung, tình nghĩa tự bao đời. - Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Hình ảnh làng quê Việt Nam với những rặng tre cao vút từ lâu đã in sâu vào tiềm thức mỗi người con đất Việt: Làng tôi có lũy tre xanh Có sông Tô Lịch chảy quanh xóm làng Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi lần lướt lại trang viết của nhà văn Anh Đức, những hình ảnh trong tiểu thuyết Hòn Đất lại thêm lần lay động cõi hồn ta: Thấp thoáng những cây tre đằng ngà cao vút, vàng óng, những cây tre lâu nay vẫn đứng đấy, bình yên và thanh thản, mặc cho bao nhiêu năm tháng đã qua đi, mặc cho bao nhiêu gió mưa đã thổi tới. Tre không chỉ là hình ảnh cuộc sống, hình bóng quê hương, tre còn là biểu tượng cho dáng đứng con người Việt Nam. Tre đã đồng hành cùng cha ống chiến đấu với giặc ngoại xâm trong suốt trường kỳ lịch sử: Thù này ắt hẳn còn lâu Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què.