Dám Mơ Ước Để Trưởng Thành - Sandra Mcleod Humphrey

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Crystal, 26 Tháng sáu 2018.

  1. Crystal

    Bài viết:
    42
    ARTHUR ASHE
    “Từng bị đuổi khỏi sân quần vợt”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Arthur Ashe sinh năm 1943, ở vùng phân biệt chủng tộc Richmond bang Virginia, nên không ai tin rằng có ngày cậu bé da đen Arthur sẽ trở thành vận động viên tầm cỡ thế giới.

    Arthur "ốm tong teo như cây que" và cả ngày chỉ biết đọc sách, nghe nhạc với mẹ Mattie của mình.

    Khi ông lên 4 tuổi, cả gia đình chuyển vào ở trong một căn nhà có 5 phòng, ngay giữa khu Brook Field, một khuôn viên rộng trải dài hơn 7 hecta chỉ dành cho người da đen sinh sống.

    Sân quần vợt luôn là một thứ gì đó thu hút ông mãnh liệt, và dù vóc dáng nhỏ bé, ông vẫn học cách đánh bóng thật nhanh và thật mạnh.

    Ông thừa hưởng niềm đam mê sách từ mẹ. Còn từ cha, người làm nhiều công việc một lúc để nuôi sống gia đình, ông học được tầm quan trọng của kỷ luật bản thân và tính cần cù chịu khó. Cha dạy ông "phải luôn cư xử như một quý ông" và "cách thi đấu quan trọng hơn kết quả thắng thua".

    Lớn hơn một chút, ông mon men ra 16 sân quần vợt ở Byrd Park, một khu phức hợp thể thao chỉ dành cho dân da trắng. Ông được đứng xem nhưng không được phép chơi. Ông đứng lấp ló sau hàng rào cho đến khi có người phát hiện và đuổi ông về "khu riêng".

    Đó là lúc ông nhận ra da đen nghĩa là: không được phép chơi trong khu của người da trắng, phải ngồi sau đuôi xe buýt dù vẫn còn ghế trống phía trước, phải sống trong "khu riêng" và phải đi học ở "trường khác".

    Trong khi ở Brook Field, mọi thứ khác hẳn. Đó là lãnh địa của ông, và không bao lâu sau ông có dịp làm quen với Ronald Charity, một sinh viên dạy môn quần vợt tại Brook Field vào mỗi kỳ nghỉ hè. Charity là vận động viên quần vợt da đen giỏi nhất ở Richmond. Khi Arthur lên 7 tuổi, Charity đề nghị giúp ông luyện tập môn này một cách bài bản, và đó là bài học đầu tiên của Arthur.

    Khi Arthur lên 10 tuổi, ông nhận được thêm nhiều sự trợ giúp khác. Charity nhờ Tiến sĩ Robert w. Johnson giúp Arthur, và sau 8 mùa hè liên tiếp, Arthur khăn gói đến trại hè đào tạo môn quần vợt của Tiến sĩ Johnson. Tại đây, ông không những được chỉ bảo, luyện tập mà còn được dạy về tầm quan trọng của thái độ thi đấu và phong thái điềm tĩnh trên sân banh. Ông được dạy rằng "không có gì biện minh cho thái độ thi đấu tồi tệ".

    Khi cao hơn một chút, trình độ của ông cũng khá hơn nhiều. Giờ ông có thể chạy từ chỗ này sang chỗ kia trên sàn và vươn vợt ra xa để chặn những cú đánh mà đối thủ tưởng chừng đã nắm chắc phần thắng.

    Năm 1955, ông đoạt chức vô địch giải đơn do Liên đoàn Quần vợt Mỹ tổ chức dành cho vận động viên dưới 12 tuổi, nhưng ông vẫn không được phép tham dự giải Richmond do Hiệp hội Middle Atlantic thuộc Hội Quần sân cỏ Hoa Kỳ tổ chức, vì ông là người da đen.

    Quả là một đòn cay nghiệt! Nhưng dù bị cấm tham gia một số giải liên đoàn và địa phương chỉ vì màu da, ông vẫn không đánh mất tinh thần thi đấu. Trong những khắc nhục nhã ê chề, ông học được cách bước đi bằng lòng tự trọng thay vì đánh mất tất cả chỉ vì cả giận mất khôn.

    Trưởng thành:

    Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Arthur được học bổng dành cho vận động viên quần vợt do Đại học California tại Los Angeles (UCLA) cấp, và ông là sinh viên da đen đầu tiên nhận được học bổng này. Tại UCLA, mỗi năm ông dành 250 giờ luyện tập, và chẳng bao lâu sau, tài năng trong môn quần vợt của ông được công nhận trên toàn nước Mỹ

    Năm 1963, ông trở thành vận động viên nam người Mỹ gốc Phi đầu tiên chơi trên sân của giải Wimbledon và cũng là người Mỹ gốc Phi đầu tiên đứng trong hàng ngũ đội tuyển tham dự giải Davis Cup Mỹ.

    Năm 1964, ông được trao giải Johnston, một trong những giải thưởng danh giá thường niên của bộ môn quần vợt, dành tặng các vận động viên Mỹ có đóng góp cho sự phát triển của môn thể thao này, đồng thời thể hiện tinh thần thể thao và để lại dấu ấn cá nhân.

    Năm 1965, ông trở thành hạt giống số 3 của Mỹ và số 6 của thế giới trong làng quần vợt không chuyên.

    Năm 1968, ông đoạt cả hai ngôi vị vô địch đơn nam toàn nước Mỹ và giải Mỹ mở rộng, vươn lên vị trí vận động viên quần vợt không chuyên số một của Mỹ.

    Năm 1974, mọi người nghĩ ông dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động xã hội nên không còn tập trung thi đấu như xưa, vì ông không đoạt bất kỳ giải đơn nào kể từ năm 1970 khi ông giành vô địch giải úc mở rộng. Nhưng đến năm 1975, một lần nữa ông quay lại sân đấu, và đó là mùa giải lẫy lừng nhất cuộc đời ông - vô địch giải Wimbledon và trở thành cây vợt hạt giống số một thế giới.

    Ông từ giã sự nghiệp thi đấu năm 1980 sau cuộc phẫu thuật tim, và được chọn làm đội trưởng đội tuyển thi đấu giải David Cup Mỹ vào năm 1981.

    Tên ông được vinh danh trong danh sách những nhân vật xuất chúng của bộ môn quần vợt (Tennis Hall of Fame) vào năm 1985, và đến năm 1992, ông được trao danh hiệu "Tinh thần thể thao tiêu biểu của năm".

    Trong năm 1991, ông thông báo cho công chúng biết mình mang căn bệnh AIDS, hậu quả của lần truyền máu khi phẫu thuật tim. Chính thông báo này của ông đã giúp nước Mỹ bắt đầu nhìn các bệnh nhân AIDS bằng đôi mắt cảm thương hơn và bớt sợ hãi hơn.

    Ông còn được xem là ngọn cờ đầu mở ra con đường thi đấu cho các vận động viên nam quần vợt người Mỹ gốc Phi, cũng giống như Althea Gibson dẫn đầu phụ nữ Mỹ gốc Phi khoảng 10 năm về trước.

    Thành quả ông gặt hái được trong làng quần vợt càng íáng chú ý hơn, bởi trước đó người ta quan niệm quần vợt là môn thể thao quý tộc dành cho đàn ông da trắnq giàu có chứ không phải dân da đen nghèo khổ.

    Đối với Arthur, quần vợt không đơn giản đến cùng tiếng tăm và giải thưởng. Chỗ đứng trong giới vận động viên đẳng cấp quốc tế cho phép ông cất tiếng nói đấu tranh chống lại bất công, cả trong môn quần vợt lẫn trong đời sống xã hội nói chung, ông luôn tận dụng cơ hội đề cập đến những thay đổi nhân đạo mỗi khi có thể. Chính vì thế, di sản mà ông để lại hết sức độc đáo và quan trọng.

    Ông được sinh ra trong bệnh viện của người da đen lớn lên trong cộng đồng người da đen, và đi học trường của học sinh da đen, thế nhưng ông lại thống trị và chiến thắng vẻ vang trong môn thể thao tưởng chừng chỉ dành riêng cho dân da trắng, bởi ông không để cho rào cản màu da bó buộc ước mơ của mình.

    "Tôi không chấp nhận bất kỳ khiếm khuyết nào trong tính cách cá nhân, và không để thanh danh của mình bị nhơ nhuốc."
    Arthur Ashe (1943-1993)
    [Còn nữa]
     
  2. Crystal

    Bài viết:
    42
    BEN CARSON
    “Cậu bé và con dao”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Ben Carson sinh tại Detroit, Michigan năm 1951. Hai anh em Ben do một tay mẹ nuôi nấng, và bà lúc nào cũng phải làm hai ba việc một lúc mới mong cáng đáng nổi gia đình.

    Từ khi còn là một cậu bé, ông đã không thích đọc sách, kết quả học tập thì luôn đội sổ. Còn nhớ hồi lớp 5, ông thi rớt gần hết các môn nhưng đặc biệt có một chuyện xảy ra khiến ông nhớ mãi.

    Lớp của ông được cô giáo cho làm kiểm tra toán, rồi học sinh tự chấm bài chéo cho nhau. Quy định đặt ra là học sinh phải đọc to số điểm của mình cho giáo viên ghi vào sổ.

    Khi ông nhận lại bài làm của mình từ tay cô bạn học ngồi sau lưng, người chấm bài cho ông, ông làm sai hết 30 câu

    Ông làu bàu trong miệng "không" (none) với hy vọng cô giáo nghe nhầm, và cô nghe nhầm thật. Cô nghĩ ông nói "chín" (nine) và bắt đầu ngợi khen kết quả đáng kinh ngạc đó, cho đến khi cô bạn đằng sau ông chịu hết nói phải đứng lên đính chính lại với cô.

    Cả lớp cười rộ lên, còn Ben thì xấu hổ đến mức chỉ mong mình biến mất vào không khí.

    Cũng trong thời gian này, ông có nghe người ta nói về các bác sĩ tình nguyện đến chữa trị cho các bệnh nhân vùng sâu, vùng xa nhưng mẹ ông nhắc nhở ông đừng mơ đến chuyện làm bác sĩ nếu ông không chịu đọc sách mà cứ dán mắt vào ti-vi như thế.

    Từ đó, hễ ông thò tay định mở ti-vi, mẹ lại nhắc ông đi lấy sách ra đọc. Bà còn bắt hai anh em ông viết một bài nhận xét về quyển sách đã đọc. Lúc đó, hai anh em ông không hề biết mẹ mình không thể hiểu những gì họ viết, vì bà chỉ mới học tới lớp ba. Nhưng càng đọc, tình yêu ông dành cho sách càng lớn dần theo thời gian, và không lâu sau, cả ngày ông chỉ biết ngấu nghiến chúng. Hai năm sau, từ chỗ đội sổ, ông trở thành học sinh giỏi nhất lớp.

    Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, ông mắc một chứng bệnh tâm lý khiến cả nhà phát hoảng. Ông nhớ có lần ông định vác búa đập lên đầu mẹ mình vì không thích bộ quần áo mẹ yêu cầu ông khoác lên người.

    Ông còn để lại trên trán cậu bạn cùng lớp một vết thương dài cả tấc bằng cái ổ khóa, vì cậu này định đóng cửa tủ đồ cá nhân của ông.

    Đến năm 14 tuổi, ông cầm con dao găm cắm trại lớn lụi vào bụng bạn mình khi cậu này tìm cách chuyển đài phát thanh mà cả nhóm đang nghe. May thay, con dao đâm trúng khóa thắt lưng của cậu bạn nên không xảy ra án mạng. Nhưng hành động đó khiến Ben sốc đến mức ông tự nhốt mình trong phòng tắm và trầm tư suy nghĩ.

    Ông nhận ra dù điểm số của mình có cao đến đâu thì trước sau gì ông cũng đi tù, vào trại cải tạo hay xuống lỗ vì tính khí điên khùng này, và ước mơ làm bác sĩ là chuyện không tưởng.

    Ông ngồi suốt 3 tiếng liền trong phòng tắm, cầu nguyện cho mình thay đổi được tính khí, và đọc Kinh Thánh Cựu Ước. Khi ông bước ra ngoài, tính khí đó cũng biến mất. Trong lúc một mình suy ngẫm, ông rút ra kết luận là nếu người khác khiến bạn nổi giận tức là họ đã kiểm soát được bạn, và ông không cho phép bất kỳ ai làm điều đó với mình.

    Trưởng thành:

    Trong những năm cuối cấp ba, ông phải chọn cho mình một trường đại học để đi tiếp nhưng mỗi hồ sơ xin nhập học tốn 10 đô-la. Ông có duy nhất một tờ 10 đô nên ông chỉ có thể nộp đơn vào một trường, và ông chọn Đại học Yale, sau khi thấy đội Yale thắng đội Harvard trong trò chơi truyền hình ông yêu thích, College Bowl.

    May mắn là hồ sơ của ông được trường Yale chấp thuận và trao cho ông suất học bổng đủ để trang trải phần lớn học phí tại đây.

    Vào Yale, ông học hành chăm chỉ và luôn đọc nhiều hơn những gì giảng viên yêu cầu. Sau khi tốt nghiệp Yale, ông vào trường Y khoa Michigan. Tại đây, ông nhận ra mình có khả năng phẫu thuật rất tốt. Một lần nữa, ông lại cầm con dao lên, nhưng lần này là để giành lại mạng sống cho người khác, chứ không phải tước nó đi.

    Trong quá trình đào tạo, ông nhận ra mình đam mê bộ môn phẫu thuật thần kinh, và nhờ khả năng thiên bẩm, ông nhanh chóng vươn lên vị trí đầu ngành.

    Khi thấy mình đã sẵn sàng, ông nộp đơn vào Bệnh viện Johns Hopkins xin làm bác sĩ thực tập. Bệnh viện này có hơn 125 hồ sơ xin vào khoa giải phẫu thần kinh mỗi năm, nhưng họ chỉ chọn 2 người. Con số này không khiến ông hoảng sợ bởi ông nhớ lời mẹ dặn là ông có thể đạt được bất cứ điều gì ông muốn.

    Ông được Bệnh viện Johns Hopkins nhận, và ông luôn cư xử lễ độ với mọi người, dù người đó là hộ lý hay bác sĩ. Ông còn học cách đối đầu với tình trạng phân biệt chủng tộc khi một số y tá đinh ninh ông là hộ lý vì màu da đen, hay một số bệnh nhân không cho phép ông chạm vào người họ chỉ vì ông là bác sĩ da đen.

    Ông hoàn thành quá trình thực tập dài 2 năm chỉ trong vòng một năm và sau đó hoàn tất chương trình 4 năm làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện.

    Năm 33 tuổi, ông trở thành Trưởng khoa Giải phẫu thần kinh nhi của Bệnh viện Johns Hopkins, trưởng khoa trẻ nhất trong lịch sử phẫu thuật thần kinh nhi nước Mỹ. Từ đó, ông bắt đầu đối mặt với nhiều ca bệnh nghiêm trọng.

    Một trong số những ca bệnh đó là trường hợp bé gái 4 tuổi mắc chứng động kinh nặng. Căn bệnh này khiến cô bé có khi co giật hàng trăm lần trong ngày. Ben và đội ngũ y bác sĩ của ông tiến hành một cuộc phẫu thuật sinh tử, cắt bỏ một phần thùy não trái của cô bé (hemispherectomy). Nếu phẫu thuật thành công, cô bé sẽ không còn bị co giật nữa. Nhưng nếu thất bại, cô bé sẽ chết. Ca mổ thành công, và bao nhiêu cặp mắt trên toàn thế giới đổ dồn về ông, dõi theo những ca tiếp theo do bàn tay ông chữa trị.

    Ông còn là bác sĩ phẫu thuật chính trong ca mổ kéo dài tiếng kéo dài 22 giờ đồng hồ vào năm 1987 nhằm tách cặp song sinh người Xiêm vùng Tây Đức bị dính nhau ở phía sau đầu.

    Ông không chỉ thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ mà còn phá vỡ rào cản màu da trong công việc, vượt qua những trở ngại do kỳ thị chủng tộc gây ra và tự chế ngự tính khí nóng nảy, thất thường bên trong mình.

    Trẻ em đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ông, và ông dành nhiều thời gian đi đến các trường, các trung tâm cộng đồng để nói chuyện - khuyến khích các bạn trẻ làm việc chăm chỉ và tin vào chính mình, đừng để người khác giới hạn tài năng bản thân.

    "Khi NGHĨ-LỚN, chúng ta có thể thay đổi cả thế giới."
    Bác sĩ Ben Carson (1951 )

    [Còn nữa]
     
  3. Crystal

    Bài viết:
    42
    GLORIA ESTEFAN
    “Người cực kì nhút nhát và sợ sân khấu”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Tên thật của Gloria Estefan là Gloria Maria Fajardo, sinh ngày 1 tháng 9 năm 1958 tại Havana Cuba, nơi cha bà là cảnh sát hộ tống Tổng thống Fulgencio Batista cùng gia quyến.

    Khi Fidel Castro lật đổ chính quyền Batista năm 1959, Cuba không còn an toàn cho Gloria và gia đình nữa, nên họ sang Mỹ tị nạn.

    Sau khi ổn định cuộc sống cho gia đình cùng những người tị nạn Cuba khác tại Miami: bà quay lại Cuba để chống lại Fidel Castro.

    Cuộc sống tha hương của những người Cuba tại Mianm thật sự khổ sở, không chỉ bởi vấn đề xã hội mà cả tiền bạc. Nhiều người Mỹ không muốn dân Cuba tị nạn trên nước mình, nên đối xử với các đối tượng này cực kỳ tồi tệ

    Nhưng Gloria quyết tâm phải thành công và nỗ lực phấn đấu, bà luôn là học sinh đứng đầu lớp. Khi đối mặt với tình cảnh khó khăn, bà và mẹ hướng Gloria tìm niềm vui trong âm nhạc.

    Sau thời gian phục vụ tại Cuba chấm dứt, cha Gloria quay về Miami, ông gia nhập quân đội Mỹ và tham chiến tại Việt Nam trong 2 năm. Khi Gloria lên 10, ông trở về nhà trong tình cảnh bệnh tật. Ồng bị chẩn đoán mắc chứng đa xơ cứng và chỉ vài tháng sau, ông không còn đi lại được nữa.

    Trong lúc mẹ bà vừa đi làm buổi sáng, vừa đi học buối tối để trở thành giáo viên, thì trong 6 năm tiếp theo, Gloria thay mẹ làm nội trợ trong gia đình. Một tay bà chăm sóc cho em gái Rebecca và người cha bệnh tật.

    Đó là quãng thời gian gian khó cho bà, và khi gánh nặng gia đình tưởng chừng như quá sức trên đôi vai nhỏ bé, bà nhốt mình trong phòng chơi đàn ghi-ta để thư giãn. Bà nhận ra mình tạm quên đi những khó khăn cuộc sống khi cất tiếng hát những bản ballad và nhạc pop yêu thích. Thay vì ngồi khóc, bà giải tỏa nỗi đau bằng âm nhạc.

    Thời niên thiếu, bà là người ít nói, nhút nhát và "khá tròn trĩnh". Âm nhạc càng trở nên quan trọng đối với bà khi tình trạng sức khỏe của cha ngày một sa sút, và năm bà 16 tuổi, cha bà phải chuyển vào bệnh viện dành cho cựu chiến binh.

    Khi còn học phổ thông trung học, bà và một số bạn nữ thành lập ban nhạc, và cha của một cô gái trong ban mời Emilio Estefan, thủ lĩnh của một ban nhạc nổi tiếng tại Miami đến nghe các cô gái hát và chỉ dạy cho họ.

    Vài tháng sau, bà có dịp gặp lại Emilio khi đi dự một đám cưới. Tại đây, Emilio và ban nhạc Miami Latin Boys của ông đang biểu diễn. Ông mời bà lên hát một bài, và vài tuần sau, ông mời bà chính thức trở thành thành viên ban nhạc.

    Ông đồng ý cho Gloria chỉ hát vào dịp cuối tuần và kỳ nghỉ để bà tiếp tục hoàn tất chương trình học của mình tại Đại học Miami.

    Sau khi Gloria gia nhập ban nhạc của Emilio, họ phát triển một cách hòa âm phối khí mới lạ, đặc biệt và Emilio đổi tên ban nhạc từ Miami Latin Boys thành Miami Sound Machine.

    Bởi tính tình vô cùng nhút nhát nên điều khó khăn nhất trong việc gia nhập ban nhạc của bà chính là chế ngự nỗi sợ hãi mỗi lần bước lên sân khấu.

    Trưởng thành:

    Gloria và Emilio trở nên thân thiết và thành vợ thành chồng vào năm 1978, 3 tháng sau khi bà tốt nghiệp đại học. Cũng trong năm đó, Miami Sound Machine ra mắt album đầu tiên của nhóm, Renacer Again) và trong 2 năm tiếp theo, họ phát hành thêm nhiều album bán chạy khác tại Miami nhưng tiếng tăm chưa thể lan tỏa đến những vùng khác.

    Năm 1980, tin vui và tin buồn đến cùng một lúc: cha của Gloria qua đời, con trai Nayib của Gloria và Emilio chào đời.

    Những năm tiếp theo, ban nhạc Miami Sound Machine phát hành 4 album tiếng Tây Ban Nha, nhiều bài trong số đó trở thành những bài hát được yêu thích nhất thế giới.

    Những năm cuối thập niên 1980, Gloria và ban nhạc không chỉ tiếp tục thu âm các bản nhạc tiếng Tây Ban Nha mà họ còn cho ra đời thêm những bài hát tiếng Anh. Đến năm 1984, "Dr. Beat" của họ trở thành ca khúc tiếng Anh được yêu thích nhất.

    Hai album tiếp theo Eyes of Innocence (1984) và Primitive Love (1985) giúp Gloria và ban nhạc Miami Sound Machine nổi tiếng trong giới ca sĩ hát tiếng Anh.

    Ngày 19 tháng 3 năm 1990, Tổng thống George H. w. Bush tuyên dương Gloria vì nỗ lực kêu gọi thanh thiếu niên phòng chống ma túy Nhưng chỉ ngày hôm sau, bi kịch xảy đến cuộc đời bà khi chiếc xe chở ban nhạc đi lưu diễn tại New York gặp nạn trong trận bão tuyết.

    Bà bị gãy lưng trong tai nạn đó, và tưởng chừng sự nghiệp đã chấm dứt. Bà phải đối diện với cuộc giải phẫu đầy mạo hiểm, và nếu bất thành, bà sẽ bị liệt đến hết đời. Cuộc giải phẫu thành công, và sau nhiều tháng quyết tâm tập vật lý trị liệu, bà lại đứng trên sân khấu.

    Gloria không chỉ đam mê âm nhạc, bà còn quan tâm và nỗ lực không mệt mỏi để giúp đỡ những ai có hoàn cảnh khó khăn. Người dân Miami gọi bà là "ngôi sao với trái tim nhân hậu".

    Khi cơn bão Andrew quét qua Miami năm 1992, bà và chồng Emilio tổ chức một buổi biểu diễn từ thiện và quyên góp được hàng triệu đô-la cho các nạn nhân của cơn bão.

    Bà còn dành nhiều năm trời để giúp đỡ các trẻ em bị hành hạ ngược đãi tại Miami.

    Sau lần phẫu thuật lưng, bà không chắc mình có còn khả năng làm mẹ nữa hay không, nhưng năm 1994, Gloria và Emilio một lần nữa vui sướng đón chào cô con gái Emily mở mắt chào đời.

    Dù được mọi người công nhận là ngôi sao sáng trên bầu trời âm nhạc thế giới, nhưng danh hiệu khiến bà tự hào nhất chính là Anh dũng Bội tinh hạng Nhất Ellis Island mà bà nhận được vào năm 1993 (giải thưởng danh giá nhất do Hoa Kỳ trao tặng cho các công dân Mỹ sinh trưởng tại nước ngoài) vì là tấm gương sáng tiêu biểu cho những người Cuba tị nạn ở Hoa Kỳ đồng thời là đại sứ thế giới của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

    Bằng âm nhạc, bà đã dẹp bỏ rào cản về giới tính và văn hóa trên toàn cầu, và luôn làm tròn bổn phận của một người vợ, người mẹ, ca sĩ, nhạc sĩ, nhà ngoại giao, ngôi sao điện ảnh và một nhà hoạt động nhân đạo.

    "Trong âm nhạc, tôi thường tập trung vào những điều mang con người xích lại gần nhau hơn, chứ không phải những thứ chia rẽ người với người."
    Gloria Estefan (1957 )

    [Còn nữa]
     
  4. Crystal

    Bài viết:
    42
    ELLEN OCHOA
    “Con gái đừng chọn mấy môn toán quá khó”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Ellen Ochoa sinh năm 1958 tại Los Angeles, California và lớn lên tại thành phố La Mesa, vùng ngoại ô San Diego. Mang trong người một nửa dòng máu Mexico, bà tự hào về văn hóa châu Mỹ La-tinh của mình.

    Ông bà của bà là người Mexico nhưng đã đưa cả gia đình đến Mỹ sinh sống với hy vọng con cháu mình được học hành tốt hơn và có nhiều cơ hội phát triển hơn.

    Mẹ Ellen hết mực tin vào giá trị của tri thức nên bà khuyên bảo 5 đứa con của mình phải học tập chăm chỉ, nghiêm túc nếu mai muốn trở thành người hữu ích.

    Người mẹ còn là tấm gương sáng cho các con về ý chí học tập không ngừng. Bà mất 23 năm mới hoàn tất bậc đại vì vừa phải chăm lo cho gia đình vừa lấy từng tín chỉ Bà luôn kể chuyện ở trường và truyền cho các con niềm ham học.

    Ellen yêu trường lớp và không ngại chuyện học hành cực khổ. Môn học yêu thích nhất của bà là Toán và Âm nhạc nhưng các môn khác bà cũng học rất tốt.

    Bà còn thích đọc sách, và một trong những quyển sách bà yêu thích là A Wrinkle in Time bởi nội dung quyển sách nói về một cô gái trẻ có khả năng đi xuyên thời gian.

    Khi Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng lần đầu tiên Ellen khoảng 11 tuổi, và bà không hề nghĩ đến một ngày, mình cũng trở thành một phi hành gia.

    Bà yêu trường lớp và thích những thử thách trong quá trình học tập. Năm 13 tuổi, bà đoạt giải trong cuộc thi chính tả tại San Diego, và bà còn được tuyên dương là "học sinh lớp 7 và lớp 8 xuất sắc nhất".

    Khi bà học trung học cơ sở, cha bà bỏ đi. Dù thế, mẹ bà vẫn khuyến khích các con tiếp tục học hành chăm chỉ, và đặt ra những mục tiêu cao cho bản thân.

    Ellen học thổi sáo, và âm nhạc là mối dây liên kết các chị em trong gia đình bà. Bà và các anh chị em đều là thành viên trong ban nhạc diễu hành, dàn nhạc giao hưởng hoặc ca đoàn của các trường cấp hai, cấp ba.

    Bà từng nổi tiếng là một cây sáo xuất sắc khi chơi cho dàn nhạc giao hưởng Civic Youth tại San Diego khi vẫn còn là học sinh cấp ba. Thời điểm đó bà nghĩ mình sẽ trở thành một nghệ sĩ thổi sáo cổ điển.

    Những năm học phổ thông trung học, bà luôn là học sinh xuất sắc và là người đại diện đọc bài diễn văn từ biệt trong lễ tốt nghiệp năm 1975.

    Thời đó, nữ sinh không được khích lệ "chọn mấy môn Toán và Khoa học tự nhiên khó nuốt". Dù bà vẫn luôn dẫn đầu toàn trường trong môn Toán, chẳng ai cho bà biết làm cách nào để xin việc trong ngành Toán, đặc biệt là phụ nữ.

    Dẫu người ta không khuyến khích nữ sinh theo chuyên ngành Toán và Khoa học tự nhiên, nhưng bài giảng của giáo viên Toán ở trường cấp ba hay đến nỗi bà quyết định sẽ tiếp tục học Toán khi lên đại học.

    Trưởng thành:

    Tại Đại học công lập San Diego, bà đổi chuyên ngành tổng cộng 5 lần, cho đến khi quyết tâm theo đuổi Vật lý (trước đó là Âm nhạc, Quản trị kinh doanh, Báo chí và Khoa học máy tính).

    Quả là một lựa chọn sáng suốt. Một lần nữa, bà được chọn là đại diện đọc diễn văn chia tay trong lễ tốt nghiệp, rồi bà tiếp tục học lên thạc sĩ khoa học tự nhiên và tiến sĩ kỹ sư điện tử tại Đại học Stanford.

    Trong thời gian học cao học, một số bạn bè của Ellen nộp đơn xin làm phi hành gia vào Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), lúc ấy đã mở rộng cho cả nam lẫn nữ. Khi biết rằng mình có đủ điều kiện nộp hồ sơ sau khi hoàn tất bằng tiến sĩ, bà quyết định nộp đơn trở thành phi hành gia.

    Sau khi ra trường, dấu ấn đầu tiên bà để lại là nghiên cứu phát triển và cấp bằng sáng chế kỹ thuật ứng dụng quan; học vào ngành khoa học vũ trụ. Tiếp đến, bà nắm giữ chức vụ Trưởng bộ phận kỹ thuật hệ thống thông minh tại Trung tâm Nghiên cứu Ames trực thuộc NASA.

    Năm 1990, bà tiến thêm một bước đến tham vọng phi hành gia của mình bằng cách vượt qua kỳ thi tuyển chọn khắc nghiệt với hàng ngàn ứng cử viên khác. Tiếp theo, bà hoàn tất một năm đào tạo nghiêm ngặt trước khi được công nhận đủ tiêu chuẩn vào năm 1991, và trở thành nữ phi hành gia người Mỹ La-tinh đầu tiên.

    Tháng 4 năm 1993, bà là người nữ duy nhất của phi hành đoàn gồm 5 phi hành gia trên tàu con thoi Discovery khi nó được phóng vào không gian. Bà đã ghi dấu lịch sử trong vai trò nữ phi hành gia người Mỹ La-tinh đầu tiên bay vào không gian.

    Bà bay vòng quanh trái đất trong vòng 9 ngày trên tàu con thoi Discovery, giám sát quá trình nghiên cứu kết cấu hóa học của tầng khí quyển cao, lỗ thủng tầng ô-zôn và những thay đổi trong mức độ bức xạ mặt trời.

    Tháng 11 năm 1994, bà tham gia chuyến du hành lần thứ hai vào không gian trên tàu con thoi Atlantis. Trong chuyến bay kéo dài 11 ngày này, bà thực hiện thêm nhiều nghiên cứu về hệ mặt trời, trong đó tập trung chủ yếu vào nguồn năng lượng do mặt trời phát ra và ảnh hưởng của nó lên bề mặt khí quyển trái đất.

    Phi hành gia được phép mang lên phi thuyền 2 vật dụng cá nhân, và bà chọn mang theo cây sáo cùng tấm hình của chồng mình.

    Sau tàu con thoi Atlantis,bà còn bay thêm chuyến thứ ba và thứ tư vào không gian nữa, và tiếp tục phục vụ trong NASA về nghiên cứu phát triển hệ thống robot và trạm không gian. Một ngày nào đó, bà sẽ lại bay vào không gian lần nữa, rất có thể sẽ sống trên một trạm không gian, hoặc thậm chí bay đến sao Hỏa.

    Giờ đây, bà hay đùa rằng giới tính còn gây rắc rối cho bà nhiều hơn nguồn gốc châu Mỹ La-tinh trong sự học, vì các giảng viên cứ thi nhau khuyên bà tránh xa mấy môn "khó khăn" như Toán và Kỹ thuật công nghệ.

    Bà thích trò chuyện cùng học sinh, đặc biệt là những học sinh gốc Mỹ La-tinh, về tầm quan trọng của việc học và thể lực phấn đấu trong quá trình vươn tới mục tiêu trong cuộc sống.

    "Đừng sợ vươn tới những vì sao."
    Ellen Ochoa (1958)
    [Còn nữa]
     
  5. Crystal

    Bài viết:
    42
    MICHAEL JORDAN
    “Bị trường cấp ba đình chỉ học một thời gian”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Michael Jordan sinh tại Brooklyn, thành phố New York vào năm 1963. Sau khi ông ra đời, gia đình chuyển về North Carolina.

    Tại đây ông lớn lên cùng tình yêu dành cho thể thao và những thử thách. Cha ông là giám sát viên ở tập đoàn General Electric, mẹ ông là trưởng phòng quan hệ khách hàng ở một ngân hàng, và họ là tấm gương cho các con về giá trị của sự cần cù lao động.

    Bóng chày là tình yêu đầu đời của Michael. Vào mùa giải Little League, ông có 2 trận thi đấu xuất sắc đến nỗi đội bạn không có cơ hội phát bóng. Sau mùa giải Babe Ruth League, ông được trao danh hiệu Cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Giải (MVP) khi đội của ông đạt chức vô địch toàn bang.

    Trước khi vào cấp hai, ông đã chơi thành thạo các môn bóng bầu dục, bóng rổ, bóng chày, và là một vận động viên giỏi toàn diện.

    Ngoài khả năng thể thao thiên bẩm, có hai yếu tố khác giúp ông trở thành một vận động viên vĩ đại. ông ghét thất bại và yêu thử thách, vậy nên ông luôn nỗ lực hết mình. Tình hình càng khó khăn bao nhiêu, ông càng phấn đấu bấy nhiêu.

    Ông còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cha mẹ mình những người luôn đến xem ông thi đấu và khen ngợi những gì ông thể hiện trên sân, dù đội nào thắng chăng nữa.

    Khi vào cấp ba, ông vẫn tiếp tục theo đuổi 3 môn thể thao nói trên và làm hậu vệ cho đội bóng rổ của trường, ông hy vọng sẽ được chọn vào đội của trường đại học vào cuối mùa giải. Nhưng huấn luyện viên lại chọn một vận động viên khác cao lớn hơn ông. Vậy nên cách duy nhất để ông có mặt trong mùa giải vô địch toàn bang năm đó là chấp nhận ngồi ở hàng ghế dự bị, thế là ông vừa ngồi ngoài theo dõi trận đấu vừa lo chuyện khăn nước. Khi mùa giải kết thúc, ông thề sẽ gia nhập đội tuyển của trường đại học vào năm sau, bất kể phải nỗ lực đến mức nào.

    Ông bắt đầu rèn luyện kỹ năng chơi bóng rổ cật lực hơn bao giờ hết, thậm chí trốn học để dành thời gian tập thể lực nhiều hơn. Giáo viên cảnh cáo vài lần nhưng ông chẳng thèm bận tâm, và cuối cùng ông bị nhà trường đình chỉ việc học vì cúp học quá nhiều.

    Sau khi biết chuyện, cha ông bảo ông đừng có mơ bước chân vào giảng đường đại học nếu cứ học hành bê bối như vậy, và ông không bao giờ tái phạm nữa.

    Ông vẫn không quên luyện tập bóng rổ. Mùa hè trước năm cuối cấp ba, ông cao vọt lên gần 13 cm. Giờ ông cao 1,9 mét và sau này cha ông nhận xét, "Cứ như thể Michael ra lệnh cho cơ thể mình cao hơn vậy."

    Ông dẹp môn bóng bầu dục sang một bên để tập trung toàn bộ thời gian cho bóng rổ, và sau khi học xong cấp ba, ông cũng bỏ luôn bóng chày. Giờ chỉ có bóng rổ và bóng rổ mà thôi!

    Mỗi ngày, ông tăng chế độ luyện tập lên gấp đôi. Ông tập cùng với đội của trường cấp ba từ 5 giờ rưỡi chiều đến 7 giờ tối rồi ở lại tập với đội của trường đại học từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối.

    Năm cuối cấp ba, ông đã cao hơn 1,95 mét và càng luyện tập hăng say hơn nữa. Bình quân mỗi trận ông ghi được 27,8 điểm và 12 lần đón bóng bật bảng. Tính ra trung bình một phút ông ghi được 1 điểm, và người hâm mộ chen chúc nhau đến xem ông thi đấu.

    Không còn cúp học để tập bóng rổ nữa, ông trở thành mội học sinh ngoan và tốt nghiệp cấp ba vào năm 1981.

    Trưởng thành:

    Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Michael nộp đơn vào Đại học North Carolina khu Chapel Hill. Tại đây, ông không chỉ được chọn vào đội tuyển bóng rổ của trường (đội Tar Heels) mà còn là thành viên thi đấu chính thức.

    Những bức ảnh chụp cú đánh vào giây cuối cùng của ông đưa Tar Heels lên chức vô địch quốc gia xuất hiện trên nhiều tờ báo và tạp chí toàn nước Mỹ.

    Ông ghi được 16 điểm trong trận cuối cùng, và trong mùa giải năm đầu tiên ở trường đại học, bình quân ông ghi được 13,5 điểm một trận, giúp đội nhà thắng áp đảo với tỉsố 32 - 2.

    Ông tiếp tục nỗ lực luyện tập trên sân bóng rổ nhiều hơn nữa để chơi ngày càng giỏi hơn. Và thời khắc ông chơi máu lửa nhất luôn là những phút cuối cùng trước khi trận đấu khép lại.

    Trong 2 mùa thi đấu tiếp theo, ông được vinh danh là cầu Thủ Xuất Sắc Nhất Năm, danh hiệu cao quý nhất.

    Vào cuối năm thứ ba đại học, ông đối mặt với một lựa chọn khó khăn: tiếp tục hoàn tất năm cuối đại học hoặc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Cuối cùng, ông quyết định nắm lấy cơ hội phát triển lên cao. Thế là vào ngày 5 tháng 5 năm 1984, ông tuyên bố chính thức gia nhập làng bóng rổ nhà nghề nước Mỹ.

    Tháng 6 năm 1984, ông đầu quân cho đội Chicago Bulls ở Chicago, nhưng trước khi gia nhập đội Bulls, ước mơ tham dự Olympic của ông thành hiện thực khi ông được mời làm đồng đội trưởng cho đội bóng rổ Olympic Mỹ năm 1984. Trong quá khứ, bóng rổ Mỹ luôn thống trị sân chơi Olympic, và năm ấy, họ tiếp tục giành huy chương vàng.

    Trở về từ Thế vận hội, đội Chicago Bulls chào đón ông gia nhập, với hy vọng sự có mặt của ông sẽ cải thiện kết quả thi đấu của đội. Trong 2 năm trước khi có Michael, thành tích cao nhất của đội là 28-54 và 27-55, và không được tham dự bất kỳ vòng loại giải vô địch nào. Nhưng trong mắt Michael, đây là một thử thách thú vị.

    Ngay từ những ngày đầu vào đội, ông đã chứng tỏ khả năng của mình với tốc độ đáng nể và tài nhảy cao vượt mặt các cầu thủ kỳ cựu. Ông ghi điểm từ bất cứ vị trí nào trên sân và có những lúc ông ở trên không lâu đến mức trọng lực như không tồn tại.

    Ông nhận thấy thi đấu chuyên nghiệp khắc nghiệt hơn rất nhiều so với thời còn thi đấu cho trường đại học. Các đối thủ cao to hơn, mạnh mẽ hơn, nhanh nhẹn hơn, chơi giỏi hơn, nhưng chính thử thách này buộc ông phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

    Năm 1985, vào cuối mùa giải thi đấu chuyên nghiệp đầu tiên của ông, cả tờ Sporting News và Liên đoàn Bóng rổ Mỹ (NBA) đồng loạt trao tặng ông danh hiệu "Tân Binh Của Năm".

    Khi ấy, tuy đã trở thành vận động viên nổi tiếng toàn nước Mỹ, nhưng ông vẫn dành thời gian đi thăm trẻ em đau ốm trong bệnh viện và hợp tác với Thế vận hội Đặc biệt và chương trình “Just Say No To Drus (Nói Không Ma Túy) cùng các hoạt động từ thiện khác tại Chicago.

    Ông được vinh danh là cầu Thủ Xuất sắc Nhất NBA (MVP) 5 lần. Ông dẫn dắt đưa đội Chicago Bulls lên ngôi vô địch NBA 6 lần và đoạt huy chương vàng Olympic lần thứ hai vào năm 1992 trong tư cách là thành viên đội bóng rổ Olympic Mỹ "Dream Team".

    Là một trong những người hùng thể thao được yêu mến nhất nước Mỹ, chưa một vận động viên nào được như ông, và chắc sẽ không bao giờ có ai như vậy.

    "Tôi học được giá trị của sự lao động miệt mài và ý chí sắt đá từ chính gia đình mình."
    Michael Jordan (1963 )

    [Còn nữa]
     
  6. Crystal

    Bài viết:
    42
    SAMMY SOSA
    “Bỏ học ra đời kiếm tiền phụ giúp gia đình”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Cậu bé mà ngày nay được mệnh danh là "viên đạn Sammy" được sinh ra tại nước Cộng hòa Dominica vào năm 1968, là con thứ năm trong gia đình có 7 người con.

    Gia đình Sammy Sosa sống trong một căn nhà chỉ có vỏn vẹn một phòng ngủ, sàn bằng đất và không có hệ thống ống nước, nhưng cả gia đình rất gắn bó và tràn đầy tình thương. Ông học được từ cha đạo 'đức nghề nghiệp và từ mẹ lòng trung thực.

    Khi Sammy lên 6 tuổi, cha ông qua đời, và giờ cả gia đình phải vật lộn tìm kế sinh nhai. Mẹ ông nấu ăn và giặt đồ thuê trong khi Sammy và các anh chị em đứa thì đi rửa xe, đứa thì bán trái cây dạo, đứa thì đánh giày.

    Nhưng dù cả nhà phải làm việc quần quật, đời sống vẫn rất chật vật, nhiều lúc chỉ đủ cho một bữa ăn trong ngày. Bóng chày là môn thể thao thịnh hành nhất Dominica thời bấy giờ và Sammy cùng mấy đứa trẻ hàng xóm tự tạo đồ chơi bóng chày từ bìa cứng và túi vải. Chiếc găng tay đầu tiên do ông tự chế bằng cách lộn ngược hộp giấy đựng sữa.

    Gậy đánh bóng chày là những cành cây, còn quả bóng vốn là những trái banh gôn cũ được bọc trong đống vớ ni-lông rách mà mấy bà mẹ vứt đi. Bên ngoài lớp vớ còn dán thêm một lớp băng keo đen.

    Sự khác biệt giữa có ăn và không có ăn phụ thuộc vào việc đứa đánh giày nào nhanh chân tiếp cận được vị khách trước tiên, và rất nhiều lần bọn trẻ phải đánh nhau giành giật khách hàng.

    Một ngày nọ, Sammy khi ấy 12 tuổi, là đứa trẻ đánh giày đầu tiên chạy lại chỗ một du khách tên là Bill Chase. Vị khách này là người Mỹ, chủ của một xưởng giày. Quá ấn tượng trước đạo đức làm việc và lòng quyết tâm cao độ của cậu bé, Bill quyết định thuê Sammy và các anh em của ông vào quét dọn, lau chùi máy móc trong xưởng.

    Khi Sammy lên 13 tuổi, Bill mua cho ông chiếc găng tay bóng chày thực thụ đầu tiên. Sammy và gia đình được Bill đối xử như những người ruột thịt.

    Dù Sammy rất yêu trường lớp, nhưng ông vẫn quyết định nghỉ ngang khi đang học lớp 8 để có thể đi làm toàn thời gian kiếm tiền nuôi gia đình. Với khoản thu nhập thêm từ những giờ làm việc tại nhà máy, ông có thể dành nhiều thời gian hơn để chơi bóng chày.

    Mấy năm sau, mọi người bắt đầu nhận ra tài năng của ông, một cầu thủ ở khu vực ngoài có thân hình dong dỏng nhưng sở hữu cú đánh sấm sét. Năm ông 15 tuổi, đội Philadelphia Phillies mời ông ký hợp đồng đến Mỹ thi đấu cho một trong những đội nhỏ của họ. Sammy đồng ý ngay lập tức, không chỉ vì tình yêu bóng chày, mà bởi ông biết nếu có thể thành danh, ông sẽ giúp gia đình mình thoát cảnh nghèo túng.

    Nhưng hợp đồng đó bị hủy bởi cơ quan quản lý bóng chày tại Mỹ cho rằng Sammy còn quá nhỏ. Tuy nhiên một năm sau, đội Texas Rangers mời ông ký hợp đồng làm cầu thủ chuyên nghiệp.

    Một lần nữa, ông có cơ hội thực hiện ước mơ theo nghiệp bóng chày của mình.

    Trưởng thành:

    Khi cầu thủ 17 tuổi Sammy đặt chân lên đất Hoa Kỳ năm 1986, ông bắt đầu chuỗi ngày nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 10 năm, làm đủ mọi cách kiếm tiền nuôi sống gia đình. Nhưng giờ đây ông lại phải đối mặt với những thử thách mới: nạn kỳ thị chủng tộc và sức cám dỗ của thuốc kích thích.

    Ông tìm cách tránh xa cả hai thứ đó nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống trên đất Mỹ thật khó khăn vì ông nhớ gia đình mình và cũng vì ông chỉ biết chút ít tiếng Anh.

    Trong vài năm đầu gia nhập làng bóng chày chuyên nghiệp, ông phải nỗ lực tập chạy sân và phát bóng rất nhiều. Do đã quen với khó khăn, ông không bao giờ bỏ cuộc hoặc ngừng phấn đấu.

    Năm 1989, ông bị chuyển sang Chicago White Sox. Tháng 8 năm 1989, ông chơi trận đầu tiên cho đội White Sox trong trận đấu với đối thủ Minnesota Twins. Trong trận này, tỉ lệ đánh trúng bóng của ông là 3/3 cùng một cú đánh bóng chạy nguyên một vòng sân (home run) cộng với 2 lần đập bóng cho đồng đội ghi điểm (RBI).

    Nhưng Sammy vẫn chơi chưa tốt tại vị trí phát bóng, và vào năm 1992, ông lại bị chuyển nhượng lần nữa. Lần này, ông sang Chicago Cubs, nơi ông được làm việc với huấn luyện viên chuyên dạy phát bóng, Billy Williams.

    Từ đó, trình độ phát bóng của ông lên hẳn.

    Tự tin hơn về khả năng phát bóng của mình, ông khởi động mùa giải năm 1993 đầy hào hứng và càng chơi càng hay. ông có những cú home run nhiều hơn, đánh trúng bóng nhiều hơn và tỉ lệ đánh bóng thành công của ông trong năm 1993 cao nhất từ trước đến nay.

    Một trong những sự kiện đáng chú ý trong mùa giải 1993 là ông gia nhập "Câu lạc bộ 30 - 30" - biệt danh dành cho một số ít cầu thủ xuất sắc cướp được tối thiểu 30 gôn và có chí ít 30 cú home run trong một mùa thi đấu.

    Chấn thương cổ tay khiến ông phải bỏ dở mùa giải năm 1996, nhưng sang năm 1997, ông quay trở lại và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. ông chào đón cú đánh bóng thành công thứ 1.000 và cú home run thứ 200 trong sự nghiệp của mình.

    Sammy dẫn dắt đội Cubs vào vòng loại chức vô địch năm 1998 và được bình chọn là cầu Thủ Bóng Chày Xuất Sắc Nhất Mùa Giải Quốc Gia (MVP). Năm 1999, ông trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử bóng chày có 60 cú home run trong các mùa giải liên tiếp. Năm 2001, ông là cầu thủ đầu tiên trong lịch sử vượt cột mốc 60 cú home run đến 3 lần.

    Dù sự nghiệp bóng chày vô cùng rạng rỡ, nhưng ông vẫn không bao giờ quên cộng đồng Dominica của mình.

    Ông tặng cho các trường học ở Dominica mấy trăm máy vi tính. Ông còn xây dựng trung tâm đào tạo bóng chày tại đây với khu nhà ở và sân thi đấu. ông muốn trẻ em ở quê nhà có đầy đủ cơ sở vật chất và huấn luyện viên để học bóng chày một cách bài bản, không như ông ngày trước.

    Năm 1998, ông lập ra Tổ chức Sammy Sosa chuyên gây quỹ cho trẻ em khó khăn ở Chicago lẫn ở nước Cộng hòa Dominica, ông còn là một trong những người vinh dự nhận Huân chương Anh dũng Gene Autry - giải thưởng dành cho những người hùng trong giới thể thao thể hiện tinh thần sắt đá khi đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh hoặc khắc phục trở ngại trong cuộc sống để truyền cảm hứng cho người khác.

    Ông vươn lên từ nghèo khó để trở thành một trong những người hùng của thể thao nói chung và là ngôi sao sáng của bóng chày nói riêng.

    Sammy đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, "Bóng chày đã rất ưu ái tôi." Nhưng thật ra Sammy mới là người làm cho môn bóng chày trở nên tốt đẹp hơn nhiều.

    "Cuộc đời tôi là lời ngợi ca niềm tin sắt đá."
    Sammy Sosa (1968)

    [Còn nữa]
     
  7. Crystal

    Bài viết:
    42
    HEATHER WHITESTONE
    “Bà bị cho là chẳng nhảy được cũng chẳng nói được”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Sinh ra tại Alabama năm 1973, Heather Whitestone là một bé gái hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng được khoảng một tuổi rưỡi, sau cơn sốt kịch tính, bà bị điếc hoàn toàn.

    Các bác sĩ dự đoán khả năng giao tiếp của bà sẽ khó khăn, chắc chỉ học được đến lớp 3 là cùng, và đề nghị gửi bà vào trường dạy nghề.

    Lần trọng bệnh đó còn khiến cơ thể bà yếu đến mức bà phải tập đi lại từ đầu.

    Ngày bé, bị điếc là nỗi buồn vô hạn của cô gái nhỏ. Trong khi các chị em gái nô đùa ngoài sân thì bà phải trong nhà tập nói. Bà luôn thấy mình lạc lõng ở trường bởi các bạn khác nói cười đủ chuyện mà bà hoàn toàn không hiểu được.

    Bà không thích cảm giác khác biệt với bạn bè đồng trang lứa và nỗ lực để theo kịp mọi người. Chương trình học ở trường là cả một thử thách bởi bà đọc rất chậm và cảm thấy văn phạm tiếng Anh quá khó đối với mình.

    Nơi duy nhất bà không cảm thấy lạc lõng là ở phòng tập nhảy. Ở đây, bà có thể giao tiếp qua ngôn ngữ cơ thể và lời nói không còn cần thiết nữa.

    Bộ môn ba-lê dạy cho bà tính kiên nhẫn và tôn trọng quá trình học hỏi. Chẳng mấy chốc, ba-lê trở thành ước mơ của bà, và bà tưởng tượng một ngày được xoay tròn dưới ánh đèn sân khấu, thoát khỏi mọi khó khăn vất vả trong cuộc sống.

    Bà còn hay đứng trước gương trong phòng tắm, với một dải băng cột trên đầu, mơ mộng trở thành hoa hậu nước Mỹ.

    Cha mẹ không cho phép bà nói chuyện bằng cách ra dấu ở nhà vì họ muốn bà học nói, để mai này lớn lên còn hòa nhập vào cộng đồng.

    Năm 12 tuổi, bà phải đi học ở trường dành cho người điếc, vậy nên bà nộp đơn vào Học viện dành cho người khiếm thính (CID) tại St. Louis, bang Missouri. Trong ngôi trường mới này, tính tự lập và tinh thần học hỏi được đề cao.

    Bà tốt nghiệp CID năm 14 tuổi và tin rằng mái trường ấy đã dạy cho mình những kỹ năng xã hội lẫn kiến thức sách vở cần thiết để hiện thực hóa ước mơ trở thành vũ công ba-lê của bà.

    Tiếp tục học cấp ba ở một trường công lập bình thường, chẳng có mấy người bạn chịu bỏ thời gian trò chuyện với bà, và một lần nữa, phòng tập múa lại là nơi bà tìm thấy sự bình yên.

    Sau một năm học tại trường Nghệ thuật Alabama, bà quay về trường cấp ba để tiếp tục việc học dang dở và gia nhập nhóm biểu diễn ở nhà thờ Briarwood Presbyterian.

    Bà cảm thấy cô độc dưới mái trường cấp ba hơn bao giờ hết. Trong năm cuối cấp, bà quyết định tham gia cuộc thi hoa khôi tuổi thiếu niên của hạt, bởi bà muốn mọi người trong lớp nhớ đến mình với một hình ảnh khác, không chỉ là "con bé bị điếc".

    Trưởng thành:

    Trong suốt cuộc thi, bà dành nhiều thời gian giúp đỡ một số thí sinh khác dàn dựng nội dung bài biểu diễn, và tất cả mọi người đều vui. Bà thích giúp đỡ họ, còn họ thì lấy làm ngạc nhiên khi thấy việc giao tiếp với bà lại dễ dàng đến thế.

    Trong đêm chung kết của cuộc thi, khi được xướng danh nhận giải "Tâm hồn đẹp" - giải thưởng do các thí sinh bình chọn - bà có cảm giác như mình vừa được bầu làm người đẹp nhất các trường trung học.

    Giờ đây, bà nhận ra các cuộc thi là cách tuyệt vời để kết bạn và kiếm tiền trang trải việc học. Đã đến lúc phải học đại học, bà quyết định nộp đơn vào Đại học công lập Jacksonville (JSU) tại Jacksonville, bang Alabama vì 2 lý do: trường này có chương trình đặc biệt hỗ trợ sinh viên khiếm thính học chung với các sinh viên bình thường khác, và điều quan trọng không kém là đã có 4 sinh viên JSU từng đoạt giải hoa khôi bang Alabama.

    Sau khi xem tường thuật cuộc thi Hoa hậu Mỹ năm 1991 tại nhà với mẹ, bà càng tin chắc mình đã chọn đúng con đường đi đến ước mơ được biểu diễn ba-lê trên sân khấu của Thành phố Atlantic.

    Hoa hậu Hawaii là người đẹp Hawaii đầu tiên đoạt vương miện. Chính từ "đầu tiên" làm trí tưởng tượng của Heather bừng sáng. Bà biết mình muốn biểu diễn ba-lê trên chính sân khấu tổ chức cuộc thi sắc đẹp đó, trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả truyền hình.

    Khi đoạt danh hiệu Hoa khôi JSU năm 1992, bà nhận được sự tung hô nhiệt liệt từ phía khán giả. Giờ bà không chỉ chính thức bắt đầu cuộc hành trình chinh phục ước mơ mà còn cảm thấy thoải mái hơn khi ở trường đại học. cảm giác lạc lõng dần tan biến.

    Cuộc thi tiếp theo bà tham dự là Hoa hậu Alabama và đoạt giải nhì trong 2 năm liên tiếp.

    Đến năm 1995 (tham dự lần thứ ba), bà trở thành Hoa hậu Alabama và được cử đi tham dự cuộc thi Hoa hậu Mỹ.

    Bà giành được danh hiệu Hoa hậu Mỹ năm 1995. và hoa hậu khuyết tật đầu tiên trong lịch sử các kỳ thi. Bà trở thành niềm cảm hứng cho cả đất nước.

    Dù bị điếc hoàn toàn, bà vẫn cố sống một cuộc đời bình thường, và không để cho những lời tiêu cực của mọi người xung quanh làm nản lòng.

    Bà cũng bỏ ngoài tai lời dự đoán của bác sĩ rằng bà không thể học hết lớp 3. Bà cũng chẳng nói bà không thể trở thành vũ công ba lê. Và bà lại càng không tin mình sẽ không bao giờ nói được.

    Từ ngày trao lại ngôi vị hoa hậu, bà đi khắp nước Mỹ, truyền cảm hứng cho các khán thính giả để giúp họ vượt qua trở ngại trong cuộc sống thông qua chương trình bà đặt tên là STARS (Success Through Action and Realization of your dreamS - Thành công qua hành động và hiện thực hóa ước mơ). Chương trình này truyền tải thái độ sống tích cực, niềm tin vào ước mơ, sẵn lòng nỗ lực bằng mọi giá, đối diện với thử thách và đi tìm sự ủng hộ chân thành.

    Chính nhờ cá tính mạnh mẽ và lòng quyết tâm bền bỉ, bà đã chứng minh mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực.

    "Hãy lắng nghe chính con tim mình và theo đuổi ước mơ."
    _ Heather Whitestone (1973)
    [Còn nữa]
     
  8. Crystal

    Bài viết:
    42
    ELEANOR ROOSEVELT
    “Con vịt xấu xí”

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuổi thơ:

    Eleanor Roosevelt sinh năm 1884 tại thành phố New York, và dù cha mẹ bà là những người giàu có, nhưng tuổi thơ của bà lại không mấy hạnh phúc. Bà từng là một bé gái nhút nhát và luôn có cảm giác bị mẹ ruột xa lánh, thờ ơ bởi mẹ bà xấu hổ khi thấy con gái mình mặt mũi xấu xí, thô kệch. Mẹ bà thậm chí còn gọi bà là "bà ngoại" trước mặt người lạ khiến bà thấy mình xấu và ngượng vì điều đó.

    Cha bà mới là người bà 'tìm được tình yêu thương và sự an ủi, nhưng ông lại không đáng tin cậy và có nhiều vấn đề. Ông thất hứa với con nhiều lần, định tự tử 3 lần, và cuối cùng phải nhập viện vì chứng nghiện rượu.

    Năm bà lên 8 tuổi, mẹ bà qua đời vì bệnh bạch hầu. Bà và hai cậu em trai được gửi đến sống với bà ngoại, một người nghiêm nghị, khó tính, luôn đòi hỏi sự cầu toàn và giáo dục cháu mình bằng kỷ luật sắt. Bà ngoại cũng là người dạy cho Eleanor cách che giấu tình cảm của mình, và chỉ khóc khi không ai nhìn thấy.

    Những lần thăm nom của cha bà ngày càng thưa dần, thưa dần, cho đến một ngày ông cũng qua đời khi bà tròn 10 tuổi. Mồ côi cả cha lẫn mẹ khiến bà mang nỗi mặc cảm bị bỏ rơi và thiếu vắng tình thương. Cảm giác đó vẫn ám ảnh bà nhiều năm sau đó.

    Vì thiếu vắng tình thương và cảm thấy mình như người khách lạ dưới mái nhà của ngoại, Eleanor tưởng tượng nên một thế giới ước mơ để bù đắp cho nỗi cô đơn và bất hạnh của chính mình.

    Cảm giác cô độc, bất an ấy đeo đẳng mãi cho đến khi bà 15 tuổi và được gửi vào trường nội trú tại nước Anh.

    Tại đây, cuộc đời bà thay đổi đáng kể. Dù hai môn Ngữ pháp và Số học đối với bà thật khó, nhưng sự tự tin trong bà bắt đầu được chắp cánh.

    Về sau bà kể lại, có vẻ như thời đó, lúc nào bà cũng sợ một điều gì đó: bóng tối, những con người khó chịu, quyền lực, thất bại. Nhưng tại mái trường bà theo học, lần đầu tiên trong đời bà, mọi nỗi sợ hãi đều tan biến. Ở đó, họ dạy cho bà biết nghĩ về bản thân nhiều hơn, và nhìn thế giới bằng một con mắt khác. Hình thức bên ngoài chẳng hề quan trọng, thay vào đó, nhà trường chú trọng vào việc giúp đỡ học sinh phát triển tư duy và lòng nhân ái.

    Nhưng khi trở về nhà bà ngoại, Eleanor quay lại con nguời nhút nhát, bất an trước đó vẻ thông minh và thân thiện - những phẩm chất khiến bà nổi bật ở trường - không được xem trọng ở nhà. Thế là bà lại trở nên khép kín, rụt rè.

    Ngay trước sinh nhật thứ 18 đánh dấu tuổi trưởng thành, một người dì đã gọi Eleanor là "con vịt xấu xí" của gia đình và chắc không bao giờ kiếm nổi bạn trai. Điều này càng khiến nỗi hổ thẹn, mặc cảm trước nay của bà thêm chồng chất.

    Sau trải nghiệm tích cực ở trường, bà muốn được quay lại đó và tiếp tục việc học, nhưng bà ngoại nhất quyết không cho. Thay vào đó, bà ngoại muốn Eleanor “làm tròn bổn phận và trách nhiệm xã hội của một người phụ nữ”

    Cảm thấy lạc lõng trong xã hội, bà bắt đầu tự đi tìm những mối quan hệ bằng hữu dựa trên sở thích riêng của mình.

    Trưởng thành:

    Eleanor quyết định bù đắp cho vẻ ngoài thiếu hấp dẫn và cảm giác tự ti của mình bằng việc trở thành một con người hữu ích, thế nên bà chú tâm bồi dưỡng tri thức và gánh vác nhiều trọng trách trong xã hội.

    Nhưng bà cũng biết mình phải chiến thắng nỗi sợ hãi trong thâm tâm trước khi ra tay giúp đỡ người khác, thế nên bà âm thầm khởi đầu chiến dịch trấn áp những nỗi sợ hãi, mặc cảm ấy.

    Về sau bà chia sẻ,"Bạn sẽ được tiếp thêm sức mạnh, lòng dũng cảm và sự tự tin bằng cách đối diện với nỗi sợ hãi trong mỗi việc mình làm. Bạn phải làm điều mình không thể."

    Bà kết hôn với một người bà con xa và trở thành người cố vấn xã hội vô giá cho chồng trong hoạt động chính trị. Khi ông bị bại liệt vào năm 1921, bà dành trọn cuộc đời cho những mục tiêu mà ông theo đuổi, đồng thời trở thành đôi tai, đôi mắt của chồng, tường thuật lại mọi chuyện cho ông nghe.

    Khi ông đắc cử tổng thống Mỹ, bà sát cánh bên ông trong công cuộc cải cách giáo dục và xã hội cấp bách vào những năm 1930 đầy gian khó. Bà còn cách mạng hóa vai trò của đệ nhất phu nhân, đồng thời nâng cao vị trí của phụ nữ Mỹ trong nhận thức xã hội.

    Bà chống lại những luật định mang tính phân biệt chủng tộc vào năm 1939, khi ngồi giữa những người da đen và da trắng trong Hội nghị khu vực phía Nam về đời sống con người tại thành phố Birmingham, Alabama. Vào tháng 7 năm 1940, bà có một bài phát biểu xuất thần trong Hội nghị toàn quốc của Đảng Dân chủ, góp phần vào kết quả đắc cử tổng thống lần thứ ba của chồng, điều chưa từng xảy ra trước đó.

    Sau khi chồng bà qua đời vào năm 1945, Tổng thống Harry Truman cử bà làm đại diện Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trong Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Bà giữ chức Chủ tịch ủy ban Quyền con người của Liên Hiệp Quốc từ năm 1947 đến năm 1952, và Bản tuyên ngôn Toàn cầu về Quyền con người được thông qua vào năm 1948 phần lớn là nhờ công sức đóng góp của bà.

    Năm 1951, một cuộc điều tra dư luận trong nước đã gọi bà là "người phụ nữ đương thời vĩ đại nhất nước Mỹ", không chỉ vì bà viết rất nhiều sách, mà còn bởi vai trò phát ngôn viên cùng mục báo "My Day" (Ngày Của Tôi) nổi tiếng của bà trong suốt nhiều năm.

    Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy một lần nữa cử bà làm đại diện quốc gia trong Liên Hiệp Quốc, đồng thời chỉ định bà giữ chức Chủ tịch đầu tiên của ủy ban về Địa vị xã hội dành cho phụ nữ. Bà còn kiêm nhiệm vai trò cố Vấn cho Tổ chức Hòa bình mới vừa được thành lập của nước Mỹ.

    Bà là cháu gái của một vị tổng thống và là vợ của một vị tổng thống khác, nhưng bà luôn được tưởng nhớ như người phụ nữ đi đầu trong công cuộc tranh đấu vì quyền con người và cải cách xã hội. Một nhân vật nổi tiếng từng ngợi ca bà bằng câu nói: "Chưa người phụ nữ nào có khả năng xoa dịu nỗi đau và đấu tranh ngoan cường như Eleanor Roosevelt."

    Khi bà qua đời vì bệnh lao ở tuổi 78 vào năm 1962, Adlai Stevenson đã phát biểu trong lễ truy điệu bà: "Người phụ nữ này luôn lựa chọn thắp lên ngọn nến chứ không bao giờ chấp nhận than vãn trong bóng tối, và ánh lửa tỏa ra từ bà sưởi ấm cả thế giới này."

    "Người ta thể hiện triết lý sống của mình một cách rõ ràng nhất thông qua những gì họ làm trong cuộc sống thường nhật, chứ không phải bằng lời nói."
    Eleanor Roosevelt (1884-1962)


    [Còn nữa]
     
  9. Crystal

    Bài viết:
    42
    Lời kết
    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bạn đã cùng tôi điểm qua cuộc đời của những con người đáng trân trọng này, và chắc bạn nhận ra một điều, những con người ấy dù ở đâu chăng nữa, cũng có nét tương đồng.

    Dù sống trong thời đại nào hay thuộc đất nước nào trên thế giới, những vấn đề họ đối mặt đều tương tự nhau, những nỗi sợ, những hy vọng và "những ước mơ giống nhau.

    Tất cả chúng ta đều sở hữu những thế mạnh đặc biệt của riêng mình, nhưng tùy mỗi người có phát huy và tận dụng chúng để mang đến kết quả tốt nhất hay không.

    Ai cũng có những khó khăn phải vượt qua. Một số thuộc về khách quan, một số tự trong tâm mà thành, nhưng chính thái độ đối mặt với chúng sẽ tạo nên sự khác biệt giữa kẻ thất bại và người thành công, giữa thua cuộc - chiến thắng.

    Hãy nhớ, thành công của bạn không nhất thiết phải dựa trên thước đo thành công của thế giới mà chính là những tiêu chuẩn bạn đặt ra cho chính mình. Chỉ cần nỗ lực trở thành con người tốt đẹp nhất mà bạn có thể.

    Nếu bạn chưa tìm thấy chính mình sau khi đọc hết những trang sách này, có thể là vì bạn có những ước mơ riêng. Ước mơ ấy của bạn nhỏ bé hay vĩ đại thì cũng không quan trọng. Nhưng hãy nhớ, bạn không thể vươn xa hơn ước mơ của chính mình, vậy hãy đón nhận thử thách và mơ ước, bạn nhé!
    [Hết]
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...