Chuyện Làng Văn - Di Li

Discussion in 'Văn Học' started by SVHĐ Lê Văn Thịnh, Feb 2, 2022.

  1. Trong nụ cười lặng lẽ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguyễn Quang Hưng cho đến giờ vẫn trịnh trọng gọi tôi là "cô" xưng "em", chỉ là vì tôi có dạy một khóa học tiếng Anh giao tiếp cho lớp nghệ sĩ được tổ chức bên khoa Lý luận-Sáng tác-Phê bình, trường ĐH Văn hóa Hà Nội, mà nhà thơ Nguyễn Quang Hưng là.. lớp trưởng. Lớp học này do một lần nhà văn Lê Anh Hoài than phiền rằng tiếng Anh kém quá, rất bất tiện trong giao tiếp, cản trở cơ hội và sự nghiệp, mới nhanh chóng hô hào được các anh chị em nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình, nhạc sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia.. tham dự, cũng tới vài chục người. Lê Anh Hoài chủ trì, đưa ý tưởng, đi học được buổi rưỡi. Sau 9 tháng, lớp rơi rụng dần, cuối cùng còn lại mỗi ba người, trong đó có nhà phê bình Văn Giá, trưởng khoa, chịu trách nhiệm cơ sở vật chất hậu cần và lớp trưởng Nguyễn Quang Hưng.

    Lớp toàn văn nghệ sĩ nên các học viên lắm tài, hàng tuần kết thúc buổi học lại tổ chức đàn ca sáo nhị. Các học viên đều già bằng cô giáo, nhưng đàn hát pha trò nhốn nháo vẫn rất học trò. Những lúc ấy, Nguyễn Quang Hưng ngồi lặng lẽ, chỉ tham gia màn văn nghệ bằng chất giọng ấm áp. Nhìn khuôn mặt già dặn, phong cách điềm đạm, nói năng chừng mực, tôi áng chừng Hưng hơn tôi dăm bảy tuổi. Sau biết nhà thơ lớp trưởng sinh năm 1980, tôi cũng tá hỏa. Tôi bình luận câu ấy với nhà văn Cấn Vân Khánh, cô bảo "Trông Hưng trẻ không ấy mà!". Bảo biết bao nhiêu tuổi mà trẻ. Khánh kêu "Sinh năm 75 chứ mấy!". Thuật lại chuyện vô duyên ấy với Nguyễn Quang Hưng, Hưng cũng chỉ cười mủm mỉm, nụ cười mủm mỉm tưởng đâu chừng không ngoại cảnh gì tác động nổi mà tôi đồ rằng nếu có ngày nhận được giải Nobel thì Hưng cũng chỉ mủm mỉm như thế.

    Sự già dặn, trầm tĩnh và sâu sắc so với tuổi của Nguyễn Quang Hưng không phải chỉ áng qua nét mặt, hành vi, mà "ngấm" cả vào sở thích. Thời nay không còn mấy người trẻ thích quan họ và để ý những nét văn hóa hoài cổ, ấy thế mà nhà thơ Nguyễn Quang Hưng mê những giai điệu miền Kinh Bắc như phải bùa, mà lại mê từ thuở đôi mươi. Hưng hát hay, hát cả nhạc Trịnh, cả tiền chiến và quan họ. Công chúng ai yêu cầu thể loại gì sẽ hát nấy. Có bận giao lưu với sinh viên tại trường đại học, khán giả yêu cầu Nguyễn Quang Hưng hát. Chẳng cần nhạc phách phụ họa, Hưng hát bài "Lúng liếng", quan họ Bắc Ninh. Hát mộc, loa kém, míc rè, ấy mà cả sân trường cùng lúng liếng với chất giọng rền và nẩy của nhà thơ. Sinh ra ở Hà Đông, nơi một bước ra phố, nửa bước vào làng, chứ đâu phải lớn lên cùng bãi lúa nương dâu đôi bờ sông Đuống của thi nhân Hoàng Cầm mà không gian Kinh Bắc tưởng tượng vẫn lung linh qua những "tóc mưa mây khói mái làng". "Lúng liếng tháng Giêng, Mười Ba hóa khói/Ngõ làng quay quắt mưa rơi" để rồi day dứt "Quan họ ơi mưa sa lưng đồi..". Không gian miền quê Bắc Bộ với mái đình, ngõ nhỏ đâu đâu cũng thấy. Hưng nói rằng quê ngoại anh – làng Tả Thanh Oai ở Thanh Trì – Hà Nội, nơi anh hay về và những làng quê Kinh Bắc anh đã đến cũng không khác nhau nhiều ở sự lưu giữ bền lâu những trầm tích văn hóa. Mà có lẽ chăng câu dân ca quan họ ngấm vào nhà thơ trẻ tự lẽ nào để hồn thơ bay đi "rải cát Tiên Dung đôi bờ Thương Đuống" để mãi "mơ đêm mua chợ vải làng Nành".

    "Mùa Vu lan" là tập thơ mới nhất của Nguyễn Quang Hưng, vẩn vơ, đắm say, ngơ ngẩn, da diết cùng lễ hội, chợ phiên, quán nước, môi trầu; mơ hồ cõi dương gian quyện hòa kinh kệ. Vậy mà ở đâu cũng thấy chữ tình. "Tình" lãng đãng sương khói trong chốn mê, "Tình" mỏi mòn "treo câu mạn thuyền", "Tình" hiu hắt "nửa giường, nửa chăn, nửa chiếu", và cả "Tình" nghẹn qua vị khế chua của những người chị. Trước khi ra mắt "Mùa Vu lan", Hưng "dọa" sắp phát hành một tập thơ toàn.. chị. Tưởng đùa thế, mà "Mùa Vu lan" có hẳn một phần mở đầu mang tên: Chị tưởng tượng, là những bài thơ tình dành cho "Chị". Người làm thơ biết có tưởng tượng hay không mà da diết thế, từ lúc "Chị lớn.. Tóc xanh đẫm nắng/ Phố chợ bặt vắng/ Nhìn đâu cũng đỏ Giao thừa", cho đến lúc "Chị đi.. thì thụt đường mưa/ Đuôi mắt nghiêng mùa núi đổ/ Lá xoáy thủng trời", để cuối cùng "Chị về.. Đường xưa lạ quen/ Bập bõm lối đầy tiếng trẻ". Chị về mà đâu đã thấy vui. Lối đầy tiếng trẻ mà nghe sao buồn lặng..

    Tôi vừa tuyển chọn một tập 99 bài thơ tình theo đơn đặt hàng, thấy khó khăn quá khi tìm những bài tình của người viết trẻ. Giờ người ta viết tình ít đi rồi, phần nhiều chỉ để ý đến cách tân và thi pháp. Tình gì thì tình vẫn cứ phải cách tân và hậu hiện đại. Thơ Nguyễn Quang Hưng cứ giản dị như thế, thể như nghĩ gì nói nấy, đau đáu, da diết và rưng rưng, tự bản thân xúc cảm đã là thi pháp. So với tập đầu tay "Vườn ánh sáng" in năm 2008, "Mùa Vu lan" giản dị hơn, có lẽ bởi tuyển tập in sau nhưng lại bao gồm những bài thơ viết trước "Vườn ánh sáng" dăm bảy năm. Tôi vẫn cứ cho rằng, khi mới viết, người ta hay làm dáng, hay phô diễn kỹ thuật, hay cố tình triết lý, hay gồng mình lên để dàn xếp cảm xúc. Rồi đến một chừng mực nào đó, người viết sẽ tự khắc đi vào quỹ đạo của sự chân thực và giản dị, bởi suy cho cùng, đỉnh cao nghệ thuật cũng chính là sự chân thành của cảm xúc và sự giản dị của bút pháp, sự giản dị chắt lọc từ những tinh túy nhất của trải nghiệm sống và viết. Nhưng có lẽ đối với "Mùa Vu lan", quan điểm của tôi đã bị lật ngược. Những bài thơ viết từ rất sớm trong "Mùa Vu lan" giản dị và quyến rũ như một làn điệu dân ca xứ Bắc, càng nghe nhiều mới thấy thấm, thấy óng ả. Hình tượng "chị" xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Quang Hưng, và mặc dù tác giả phủ nhận rằng chẳng có "tình chị" thật nào ở đây cả, chỉ là tưởng tượng để lấy cớ làm thơ mà thôi, cái cớ từ cảm xúc hư ảo dành cho những người bạn nữ lớn tuổi hơn. Nhưng tôi đồ rằng, nếu không già dặn trong tư duy, những "hư ảo" đó không thể sâu sắc đến thế. Hưng cũng công nhận rằng từ lúc mới độ đôi mươi, bạn bè của anh phần nhiều là những ông chú, ông bác gấp đôi, ba lần tuổi. Tư duy "vượt cấp" khiến ngay từ khi rất trẻ, người ta cũng có thể đối thoại được với những người có quỹ thời gian trải nghiệm gấp đôi mình.

    Nguyễn Quang Hưng chỉ làm những điều mình thích, có lẽ đó là nguyên tắc tối thượng, chứ không gắn nó với danh và lợi. Yêu những điều hoài cổ, đam mê những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, Nguyễn Quang Hưng ôm luôn cả lĩnh vực sân khấu. Kịch bản cho vở chèo đầu tay "Giấc mộng vàng" đã lên sóng VTV1 năm 2007. Tiếp đó, kịch bản sân khấu hóa "Hơi thở của nước" do anh là đồng tác giả đã được trình diễn và truyền hình trực tiếp trong Festival Huế 2010. Tiếp xúc với Nguyễn Quang Hưng, quan sát sự đằm tính của anh, cứ ngỡ rằng không biết điều gì có thể khiến con người này nổi giận. Rồi tôi cũng định viết chân dung Nguyễn Quang Hưng như thế, một người chỉ mủm mỉm, tốt bụng, chừng mực đến khó tin mà theo lời nhận xét hài hước của một nhà thơ nữ đồng nghiệp, thậm chí nếu giờ có một cô gái xinh đẹp nào đó đến tận nơi ngỏ lời thì "Sau một vài giây xốn xang, choáng váng lúc ban đầu, Nguyễn Quang Hưng sẽ kịp định thần lại, tay vuốt mái tóc húi cua, lùi lại mà bảo – Thôi em ạ, rồi chúng ta cũng chẳng đi đến đâu!". Nhưng sự quan sát của tôi cũng đôi khi nhầm lẫn. Những tưởng con người của thi ca trầm lắng, quen chịu đựng, người từ bé xa lạ với trò chơi đánh trận giả bạo lực của tụi trai nít hàng xóm mà chỉ thích chơi nhà cửa, búp bê, sẽ mặc cho sự đời biến chuyển thế nào cũng đành. Song Nguyễn Quang Hưng là người quyết liệt, đứng trước sự khó chịu và xúc phạm, thay vì phản ứng ầm ĩ, anh chỉ im lặng quay mặt đi, và mối quan hệ đã cắt đứt thì rất khó lòng quay lại. Chứng kiến sự này, tôi hơi lạ. Có những gã ngang tàng ngay từ vẻ bề ngoài, hành tung bất cần thế nào cũng không đáng kinh ngạc, nhưng thi nhân dịu dàng, da diết là thế. Viết nhiều thơ tình, nhưng ngay cả đối với chữ tình, cách ứng xử của một gã trai mê điệu dân ca cũng khác. Thời đại học, có đận Nguyễn Quang Hưng viết vài chục bài thơ tình chỉ để tặng cho một bóng hồng, rồi hàng chục vần thơ tặng cho hàng chục bóng hồng khác, có nhiều bài viết tặng mà lại.. không gửi. Hỏi sao lại thế. Hưng bảo chẳng biết lúc ấy làm sao mà cứ mang tâm trạng kiêu hãnh, bất cần của một gã trai mới lớn khi mà "Chỉ có ta gặm nhấm nỗi đau khổ này một mình mà không cần em phải biết".

    "Mùa Vu lan" ra mắt vào thời điểm không phải Vu lan, cũng chẳng bài nào trong tập mang tên "Mùa Vu lan". Nhưng có lẽ cái không gian ma mị, mơ hồ sương khói, ngập tràn day dứt, da diết, rưng rưng và tiếc nuối của một mùa Vu lan cách trở đã bao trùm cả tập thơ ngay cả ở những bài miêu tả lễ hội. Hồi tháng 9 năm 2011, tôi và Nguyễn Quang Hưng đều có mặt tại Hội nghị Những người viết văn trẻ tôt chức ở Tuyên Quang. Ngày cuối cùng, chúng tôi cùng 20 đại biểu khác lên một chiếc thuyền du ngoạn trên hồ Núi Cốc. Thật không may mắn, mới ra giữa hồ được mươi phút, đất trời bỗng nổi gió mịt mùng, mặt hồ dậy sóng, nước mưa xối xả tạt rát da thịt những hành khách đang lênh đênh trên con thuyền gỗ chòng chành, chao đảo. Người cuống quýt mặc áo phao, người liên tưởng đến những vụ lật thuyền lịch sử từng diễn ra trong lòng hồ sâu hút, người tranh thủ chụp nốt những tấm ảnh để lưu lại khoảnh khắc hiếm có, người pha trò cố át đi sự bực mình trong một chuyến đi lẽ ra đã rất vui vẻ. Cả thuyền nhộn nhịp, nhốn nháo, ồn ào, náo loạn. Nguyễn Quang Hưng vẫn ngồi yên vị chỗ cũ, lặng lẽ, không nhớ rõ có cười mủm mỉm hay không, cứ như thể chuyện trước mắt đang chỉ là một lễ hội mơ hồ trong giấc mộng. Sau khi thuyền dạt vào mé một hòn đảo nhỏ lúp xúp những bụi cây dại để tránh gió chờ trời êm bể lặng cập bến an toàn thì Nguyễn Quang Hưng mới nói hài hước "Tưởng phải được dạt vào một hòn đảo hoang nào đó chứ". Nhưng ngay sau chiều hôm đó, khi về đến nhà, anh đã viết ngay bài "Một tiếng gọi", vẫn với âm hưởng ma mị, lãng đãng khói sương, day dứt, da diết, rưng rưng và tiếc nuối trên từng giai điệu thơ của một người thi sĩ luôn ám ảnh bởi những nỗi niềm hoài niệm.


    Và ngủ lại dưới nước

    Mặt hồ khép như chưa từng

    10 năm người người trên bờ đi mải miết

    Ngồi trên lá gió gió chờ đợi 20 năm không thấy mình lên Chợt thấy quá lâu rồi!

    ..

    Hoa cúc vẫn thay dưới rèm

    Nước như mắt con lớn lên trong suốt Mùa mùa cha theo mưa quanh nhà Gọi tên con rả rích

    Đứng trên vòm cây nhìn con khóc

    Có lần tôi bày tỏ cái sự lo lắng trước nỗi biết đâu sẽ có ngày chẳng còn ai đọc thơ, làm thơ nữa, rồi thi ca sẽ dần dần biến mất. Giờ ngay cả ở những xứ sở của Byron, của Goethe, của Pushkin, công chúng cũng đâu còn muốn mua thơ nữa. Đáp lại nỗi "lo xa" này, tôi nhận được sự lạc quan tràn đầy của chàng thi sĩ, khi anh khẳng định rằng thơ ca có vị trí riêng của nó và sẽ trường tồn. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 9 tại Văn Miếu, tập thơ "Vườn ánh sáng" được trưng bày tại quầy thơ. Thấy kể lại có người muốn mua sách mà tác giả lại chạy đuổi theo để.. trả lại tiền. Nguyễn Quang Hưng giải thích rằng "Lần vừa rồi tôi lại không muốn bán nữa mà muốn tặng cho những ai thích. Một số cô chú cầm xem, trò chuyện mấy câu và ngỏ ý muốn mua, có người tôi hỏi sao muốn mua thì họ bảo họ thích. Nhưng tôi đều tặng. Khi đang chuẩn bị ghi tặng anh Nguyễn Xuân Diện thì" phát hiện "nhà thơ Vân Long xem một cuốn rồi chắc không nhìn thấy ai đứng đó bán, ông cầm cuốn ấy, đặt tiền xuống và đi. Tôi phải chạy theo gửi lại ông bằng được. Tôi nghĩ bán hay tặng đều giản dị thôi, năm nay có thể bán, năm sau tặng rồi năm sau nữa lại bán cũng là điều bình thường." Chuyện hi hữu này chỉ bắt gặp ở người yêu những điều muôn năm cũ.

    Nguồn: Văn nghệ (2012)
     
    Last edited: Mar 5, 2022
  2. Tôi sẽ chọn tình yêu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nhà thơ Vi Thùy Linh nổi tiếng với nhiều tập thơ, trong đó có tập thơ đắt nhất Việt Nam, các cuộc trình diễn thơ có sự tham gia của nhiều giới nghệ thuật, những chuyến lưu diễn ở châu Âu và cả những lời phát biểu hết sức thẳng thắn "không biết sợ". Sau chuyến lưu diễn ở 7 thành phố Paris, Toulouse, Varsava, Prague.. hồi tháng 12 năm ngoái, Vi Thùy Linh đã trở về và bận rộn với một số kế hoạch mới. Trong cuộc trò chuyện này, chị đã chia sẻ câu chuyện về quan niệm nghề và cuộc sống.

    Chúng ta nói chuyện hơi ngược một chút nhé. Vi Thùy Linh là người có nhiều kế hoạch thú vị, chị chia sẻ kế hoạch gần nhất của mình đi.

    Trong lời tựa tập thơ "Phim đôi-Tình tự chậm" và chương trình "Tháng 4 Link" năm ngoái tôi có hẹn sau một năm nữa sẽ ra mắt tập văn xuôi đầu tiên, do tôi kém tháo vát và tổ chức thời gian nên tập sách không kịp ra mắt vào tháng 4 này, chắc sang đầu tháng 6 vì tôi phải nhờ các họa sĩ tên tuổi minh họa và thiết kế cuốn sách thành giai phẩm. Tôi muốn mỗi cuốn sách của tôi đều phải sang trọng. Tôi cũng hy vọng sẽ làm được một đêm ra mắt sách chưa từng có tại Nhà hát Lớn, nơi được coi là thánh đường nghệ thuật ở Việt Nam. Nhiều người nói rằng tôi thích gây sự chú ý, ai chẳng thích nhưng mấy ai làm được. Truyền thông là sức mạnh. Tôi không nói dối hay nói sai về những việc mình làm, tôi là ai thì tôi mới mời được những nghệ sĩ lớn chứ. Trong lễ ra mắt sách của tôi sẽ xuất hiện 15 nghệ sĩ nổi tiếng nhiều loại hình. Nhạc sĩ Nguyễn Cường sẽ chơi cello, nhà sử học Dương Trung Quốc chơi clarinet. Tôi thách ai mời được họ và chờ đợi đồng nghiệp sẽ làm được một đêm như tôi ở Nhà hát Lớn. Tôi luôn muốn hướng tới những gì độc và lạ. Thương mình những lúc long đong đi lấy tài trợ và mong muốn được tưởng thưởng cho mình trong một bữa tiệc nghệ thuật như thế. Chứ mình đâu có tiền mà mời họ. Người ta lại cứ bảo tôi lôi người khác vào để làm sang. Tôi là người rất thích sang. Điều đó thì có gì sai? Sách của tôi chỉ có giá 300.000 trở lên. Tôi không cần những độc giả chê sách của Vi Thùy Linh đắt, khi chưa cầm trên tay.


    Chị mới chỉ nhắc đến hình thức mà chưa nói gì tới nội dung của cuốn sách?

    Tôi sẽ đưa ra một thi pháp mới về tùy bút. Tiếp đến tôi sẽ cho ra một cuốn truyện về tuổi thơ và một tập chân dung.

    Có lần lật lại một tờ báo cũ, tôi thấy chị nhắc đến kế hoạch viết tiểu thuyết, kịch bản phim truyền hình và hôn lễ vào hai năm sau. Tính theo thời điểm tờ báo đó phát hành thì lẽ ra kế hoạch của Vi Thùy Linh đã phải được thực hiện vào năm chị 28 tuổi?

    Những gì tôi vừa trả lời là kế hoạch chính xác, còn những thông tin kia chỉ là dự kiến chứ tôi đâu có nói chính xác về mặt thời gian. Tôi đã đổ công sức 16 năm cho thơ và bây giờ là lúc tạm dừng lại, dành thời gian cho văn xuôi. Tôi tin rằng mình có thể viết được nhiều thể loại. Kịch bản phim và tiểu thuyết sẽ làm sau khi tôi sinh con, năm 2013 hoặc 2014. Đây là kế hoạch không thay đổi. Ít nhất 5 năm nữa, khi mà độc giả thực sự hối thúc thì tôi mới sáng tác thơ trở lại. Nếu độc giả muốn chờ tập thơ tiếp theo thì ít nhất phải sang năm 2017.

    Và còn?

    Chị lại nhắc đến kế hoạch lấy chồng của tôi chứ gì. Không phải tôi không bước qua được các kế hoạch đã đặt ra. Tôi không tin lắm vào số phận, mà cũng cần phải có nhân duyên. Tôi có thể hết mình cho một tình bạn, song chỉ làm tôi tổn thương về nguyên tắc đã thống nhất thì tôi không thể chấp nhận được. Trong tình yêu thì càng như vậy. Một tình yêu đích thực và sâu sắc là phải muốn có nhau, là hôn nhân, cộng sinh và những đứa con. Tôi chưa bao giờ hứa cái gì với công chúng về hôn nhân nên rất có thể có một sự biến động nào đó xảy ra thì sao. Không biết việc tôi lấy chồng hay chưa có làm "ảnh hưởng" ai không mà điều này nghiễm nhiên trở thành một đề tài bàn luận. Tôi có rất nhiều thứ sớm, sự nghiệp sớm, thành danh sớm thì cũng phải có một thứ muộn màng chứ. Có nhiều người bình luận rất móc máy rằng hay là chú rể đã biến mất. Giờ thì tôi lại nghĩ rằng cuộc sống của tôi như thế này thật tuyệt vời. Liệu tôi còn có thể đi nhà hát và đi xem phim nữa không, tôi có thể bỏ hết sáng tạo để hy sinh ba năm cho việc sinh con hay không. Tôi không thể làm nhiều việc một lúc hay làm nhanh được. Như nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức mỗi tháng ra một trường ca thì tôi chịu. Tôi đồng ý với câu cách ngôn, rằng một nghệ sĩ trước 35 tuổi không khẳng định được sự nghiệp thì đừng cố nữa. Một nghệ sĩ mà nhòe nhoẹt trong dàn đồng ca thì đừng tiếp tục nữa.

    Và chị đã thành danh trước 35 tuổi đấy thôi?

    Tôi đã tất cả tuổi trẻ cho văn chương một cách tự nguyện nên tôi có kêu ca gì đâu. Đó chính là thành quả và sự đền đáp. Cuối năm nay tôi sẽ kết hôn. Người chồng của tôi chắc chắn phải thông minh và con nhà dòng dõi. Tôi rất mất cảm tình với những người lấy chồng lấy vợ sớm. Tuổi thanh xuân là phải được đi nhiều, phải được hiểu biết. Chứ chưa trải nghiệm, mở mang đã vội kết hôn rồi cứ loanh quanh với các nghĩa vụ giằng xé sớm quá thì còn làm được việc gì nữa.

    Chị quan niệm điều gì tạo nên sự định danh cho người sáng tạo, là tôi nhắc đến danh thật ấy. Giải thưởng, sự đánh giá của giới phê bình, công chúng, số lượng sách bán chạy, mức độ quan tâm của giới truyền thông hay phải là hội viên Hội Nhà văn VN?

    Điều tôi hạnh phúc nhất là sự trân trọng của các bạn nghề chứ không phải của công chúng nhất thời. Sự tăm tối của đám đông thuộc về những nhân vật gây ồn ngoài chuyên môn trên mạng một cách lá cải, rẻ tiền. Tinh tú luôn thuộc về số ít. Còn các nhà phê bình ư? Chúng ta đâu có nền phê bình văn học. Trong giới nghề, mặc dù đố kỵ nhưng họ không thể không nhắc tới tôi.

    Tại sao chị lại luôn nghĩ người khác đố kỵ mình?

    Không nghĩ, mà là không bận tâm, vẫn bị sự thực hiềm tị dai dẳng. 80% người dân Việt Nam là nông dân, căn tính nông dân và văn hóa làng có cả trong những người sinh ra, sống lâu ở thành thị. 16 năm sáng tác thì 12 năm tôi liên tục gặp sóng gió và bị dựng chuyện. Người Việt Nam rất hiếm khi biết "nâng" người khác. Và giới mà tôi kinh sợ nhất chính là giới văn chương, là nơi mà phản ánh rất rõ tính tiểu nông, hằn học, đố kỵ. Trong Hội Nhà văn thì số lượng nhà văn nam đông hơn nhà văn nữ, mà đến ba phần tư là cấp độ đàn bà.

    Vậy chị có đố kỵ với ai bao giờ không?

    Không. Chỉ có điều nếu tôi chơi với ai thì người đó phải "xếp" tôi ở vị trí riêng, chứ không được đưa tôi vào "hợp tác xã toàn cảnh". Tôi là một trong số rất ít những người trong giới văn nghệ có khả năng liên tài. Đã liên tài thì không thể có chuyện đố kỵ được.

    Trong giới thơ trẻ, chị đánh giá cao ai không?

    Thơ của Đỗ Doãn Phương được về mặt ý tứ chứ chưa dụng công lao động chữ. Thơ Nguyễn Quang Hưng nhiệt thành và có tính thiện cùng sự trong trẻo, điều hiện không có nhiều. Dù thơ Hưng có hơi nệ cổ, nếu đầu tư hơn về mặt kỹ thuật và cấu trúc, sẽ cuốn hút hơn, sẽ có hơi thơ, sẽ đi được nhiều và lâu hơn. Thơ Lê Thiếu Nhơn kéo lại được sự sắc sảo, thiếu đa dạng thể loại, nhiều bài bị lẫn chất báo chí. Tôi chưa thấy sự đa thanh trong thơ Lê Thiếu Nhơn. Một số bài của Nguyễn Phan Quế Mai rất được, nhưng bị thừa chữ. Trong thế hệ nhà thơ nữ lớp trước, về nghề tôi chưa bao giờ nể Xuân Quỳnh. Tôi nể Ý Nhi.

    Chị có cho mình là nhân vật được nhiều người yêu quý không?

    Tôi không biết mức độ thế nào thì được gọi là yêu quý, tôi tự tin mình là người được nhiều người yêu quý. Tôi rất hãnh diện khi tôi xưng tên ra và kêu gọi một sự giúp đỡ thì không có ai từ chối. Chỉ cần nói đến Vi Thùy Linh, người ta biết tôi là nhà thơ và tin tôi.

    Còn cách ứng xử của nam giới đối với chị như thế nào?

    Tôi là người hình như đàn ông yêu mà đàn bà ghét thì phải.

    Tại sao?

    Vì tôi được hơi nhiều thứ nên đàn bà hay ghen tị. Tôi cũng không đụng chạm gì đến họ. Chỉ có điều tôi dám sống, dám làm hơn họ, và đối với một số phụ nữ thì tôi trẻ hơn họ. Đấy chỉ là những người phụ nữ xoàng mới thế. Còn những người phụ nữ sáng giá thì yêu mến tôi. Tôi cũng có không ít fan nữ.

    Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng nói rằng những người bất hạnh trong tình trường lại thường làm thơ tình hay, còn ai được may mắn hạnh phúc trong tình yêu thì có cố làm thơ, thơ cũng sẽ nhạt. Chị có cho rằng mình nằm trong quy luật này không?

    Đúng là tôi từng buồn và thất vọng trong tình cảm. Nỗi buồn trong thơ không phải là nỗi buồn đoạn tuyệt. Giá trị sâu thẳm và bền vững của nghệ thuật là miêu tả, nâng đỡ, giải thoát những bi kịch của con người chứ không phải diễn đạt những hoan lạc.

    Nếu cho chị một sự lựa chọn của định mệnh, danh tiếng như bây giờ và tình yêu, chị chọn điều gì?

    Bắt lựa chọn thế này rất cay nghiệt. Tôi sẽ chọn tình yêu.


    Còn lựa chọn giữa danh tiếng và tiền bạc?

    Danh tiếng sẽ mang lại tiền bạc. Vì những người có tiền bạc đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua danh mà cuối cùng vẫn hiện nguyên hình là một kẻ trọc phú.

    Vậy danh tiếng đã mang lại tiền bạc cho chị chưa?

    Tôi chỉ khao khát sự bình yên nên tôi thấy thế là đủ. Đúng là ngay cả sự lãng mạn cũng phải duy trì bằng tiền bạc. Giờ có muốn dạo chơi một bãi biển nào đó như Nha Trang, Đà Nẵng cũng cần đến tiền. Căn cốt của người nghệ sĩ vẫn phải là sự lãng mạn tinh khiết, không kèm những điều kiện vật chất.

    Tập thơ "Phim đôi – Tình tự chậm" của chị đã vào chung khảo Hội Nhà văn Hà Nội, rút cục lại không được giải thưởng. Hình như chị đã thất vọng?

    Không, tôi đã quên và bây giờ khi chị nhắc đến thì tôi đành nói. Cảm xúc đầu tiên của tôi về sự thất vọng không phải vì không được giải. Vì ở đại hội Hội LHVHNT tháng 7/2011, tôi đã đề xuất và bầu cho NSƯT Trung Hiếu, Nhà hát kịch Hà Nội vào Ban chấp hành với hy vọng sẽ trẻ hóa tư duy. Cũng như tôi tin vào sự thẩm định của người chủ trì như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, vốn được coi là cấp tiến. Nhưng trong suốt quá trình xét giải, ai cũng tin thế nào Vi Thùy Linh cũng được giải. Chỉ riêng việc tin như vậy là coi như tôi đã được trao giải rồi. Giải thưởng thơ hai năm liền đều trao cho những tác giả 60, 70 tuổi. Như vậy thì giới trẻ cũng chẳng nên cố để làm gì.

    Chị nói nhà phê bình phải có con mắt tiên tri. Tôi thấy nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã đánh giá chị rất cao cách đây nhiều năm đấy thôi. Phạm Xuân Nguyên có viết lời tựa cho tập "Đồng tử" của tôi từ năm 2005, nhưng tôi đã là hiện tượng từ năm 2001.

    Nguồn: Người Lao động (2012)
     
    Nor Annasl Cassano likes this.
    Last edited: Mar 9, 2022
  3. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn - Giải nối giải

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hội Nhà văn TP HCM vừa trao tặng thưởng cho tập thơ "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" của tác giả Lê Thiếu Nhơn. Năm 2007, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng nhận được tặng thưởng cho tập thơ "Trong bóng người xưa". Như vậy, trong ba năm anh nhận được hai tặng thưởng cho hai tập thơ in liền kề.

    Hình như trong làng thơ chưa có chuyện giải nối giải thú vị như vậy. Liệu nhà thơ có định lập cú hattrick cho tác phẩm kế tiếp?

    Hơi khó trả lời đây. Thú thật, tôi cũng khao khát cú hattrick mà chị nói, nhưng thi ca không phải là thứ cứ muốn có thể gọi đến hay đuổi đi được. Từ "Trong bóng người xưa" đến "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" phản ánh chuỗi ngày tôi nhận ra sự bất lực của thơ phú trước một đời sống ngổn ngang "sao cứ thấy bàn tay chụp giựt đè lên bàn tay cặm cụi".


    Người ta vẫn bảo: Miền Bắc là đất văn, miền Trung là đất thơ và miền Nam là.. đất làm báo. Có phải vì các cây bút trong Nam làm báo rất giỏi nên đâm thơ nhãng đi và anh có được cơ hội này? Thậm chí có người còn nói đùa rằng, hình như Hội nhà văn TP HCM quên mất rằng ba năm trước anh đã được tặng thưởng, nên vẫn trao tiếp?

    Sự sắp xếp lại kinh tế đất nước, đã tạo ra dòng người di cư và gián tiếp vẽ lại bản đồ văn chương. Bây giờ mường tượng "thơ Trung văn Bắc báo Nam" e rằng không còn phù hợp nữa. Còn về tặng thưởng, thì tôi tin rằng cả Hội nhà văn TP HCM và các đồng nghiệp đều đồng cảm tâm trạng đau đáu "người tốt bóng mờ bóng nhỏ vừa lầm lũi vừa vô tận trong mưa", nên chả tiếc gì thêm một lần bỏ phiếu công nhận sự thao thức của tôi với xã hội hôm nay.


    Và ý tưởng nào từ cái tên rất dài và hơi.. khó hiểu "Bản tường trình những giấc mơ đi vắng"?

    Trong thế kỷ 21 bận bịu này, tâm tư con người phong phú lắm, vì vậy khoảnh khắc lóe sáng của một bài thơ rất mong manh so với chuyển động tình cảm của người đọc. Tôi ý thức được điều ấy, và tổ chức một tập thơ sao cho độc giả khép sách lại có thể hình dung được thái độ thẩm mỹ của tác giả. Tôi tin, nếu ai đọc "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" một cách kỹ lưỡng sẽ nhận ra ánh mắt buồn thương của một tri thức trước "thế kỷ chúng ta đang sống có giấc mơ dài hơn nước mắt".

    Anh viết không quá nhiều nhưng hình như cứ viết ra là được giải thưởng. Anh có thể kể về kỷ niệm giải thưởng đầu tiên của anh? Nếu như tôi nhớ không nhầm thì đã là một thời rất xa..

    Khi còn học phổ thông, tôi đã lọ mọ viết lách, thấy ở đâu tổ chức cuộc thi cũng tham gia. Vừa có giấy báo đậu đại học thì tôi nhận được cùng lúc hai tin vui, giải nhất cuộc thi Thơ 7 Chữ của tập san Áo Trắng và giải nhất truyện ngắn Tác phẩm Tuổi xanh của báo Tiền Phong. Hai giải thưởng cùng lúc này mang lại cho tôi một.. chiếc xe đạp và một ít tiền phòng thân trong những ngày đầu tiên xa nhà lên phố theo đuổi giấc mơ giảng đường.

    Anh đã từng được một giải thưởng văn xuôi, sao từ đó không thấy anh viết truyện ngắn nữa?

    À, mải lo cơm áo nên không còn nhiều thời gian. Tuy nhiên, khoảng 10 năm không viết truyện ngắn giúp tôi suy ngẫm được rất nhiều điều về văn xuôi. Có lẽ sắp tới tôi sẽ viết trở lại, mà thể loại tôi chọn lựa là truyện ngắn hài hước.

    Ngoài những tờ báo chính anh đang đảm nhiệm thì nhiều người còn biết đến trang web lethieunhon.com. Tôi thấy người ta tranh luận về một chủ đề gì đó trong làng văn thường bắt đầu bằng câu "Hôm nay trên lethieunhon có bài..". Trang web của anh có vẻ như nhiều bài "độc", lượt truy cập tương đương một trang báo điện tử. Nhưng đây là một việc làm "cống hiến", không mang lại thu nhập. Anh nghĩ sao mà mở trang web?

    Thì đúng như chị nhìn nhận. Tôi mở trang web để tập cống hiến, tập đứng mũi chịu sào, tập đối mặt thị phi, tập tôn vinh người khác..

    Lập ra một trang web văn và khiến cho nó đông khách, người biên tập phải rất am hiểu văn chương thế sự ở diện vĩ mô và vi mô. Không thể không đọc nhiều mà vẫn có thể biên tập. Thời gian đâu để anh đi "săn tin"?

    Đó chính là lý do vì sao tôi luôn tìm cách né tránh những chỗ tụ bạ bia bọt hay đấu láo. Ngày nào không cập nhật cho trang web, tôi có cảm giác như một người mắc nợ. Khổ, mắc nợ bạn đọc không biết mặt đôi khi còn khó chịu hơn mắc nợ tiền bạc một ai đó.

    Anh đã từng nói năm 18 tuổi anh vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, nhưng hiện tại thì anh đã có cuộc sống vật chất khá đàng hoàng. Cơm áo gạo tiền có chi phối thi ca không?

    Cái nghèo tuy không phải cái tội, nhưng cái nghèo lại đe dọa sự ngay thẳng và chà đạp sự hào hiệp. Vì vậy, tôi rất sợ cái nghèo. Từ nhỏ tôi đã biết cách nuôi cá và nuôi gà để lấy tiền ăn kem. Nhà tôi nghèo, nhưng tôi luôn là cậu học trò giàu nhất trong trường. Tôi còn nhớ rất rõ, bắt đầu năm học lớp 10 thì tôi đã có kế hoạch tài chính cá nhân. Tôi viết bài cộng tác cho báo địa phương, đài phát thanh đủ để tôi ăn sáng và mua sách vở. Thỉnh thoảng đi "buôn" một chuyến thì sắm thêm được một món tài sản..


    Đi buôn ở tuổi 16? Anh buôn gì vậy?

    Buôn.. dế. Ba tháng hè tôi đạp xe về nông thôn mua dế mang lên thị xã bán lại. Tiền lãi tôi bỏ vào con heo đất. Khi đập ra, số tiền dành dụm được từ buôn dế nhiều gấp hai lần lương của ba tôi. Nhờ buôn dế, tôi mới có chi tiết để viết cái truyện ngắn "Giấc mơ không có con dế nhỏ" đoạt giải thưởng đấy chứ.

    Còn từ khi vào Sài Gòn?

    Lúc vác cái thùng gỗ đựng vài bộ quần áo vào đại học, tôi nói với má tôi: "Con sẽ tự lo, gia đình không phải gửi tiền". Ngày thứ ba đặt chân đến Sài Gòn, tôi đã có một cái tin in trên báo Tuổi Trẻ, được 30 ngàn đồng. Rồi tôi lang thang viết báo, viết từ bình luận cho tới chuyện cười, viết từ phỏng vấn nghệ sĩ cho đến phóng sự đường dài. Suốt bốn năm đại học, mỗi ngày mở mắt ra thì tôi biết hôm nay có một bài của mình được đăng trên một tờ báo nào đó. Trời thương, không những có thể nuôi thơ và không lụy người thân, mà khi cầm tấm bằng cử nhân thì tôi cũng mua được một căn hộ chung cư.

    Vậy còn thơ thì sao, chẳng lẽ lại cứ nuôi thơ mãi. Anh có thể tiết lộ về tình hình các ấn bản thơ của anh được tiêu thụ thế nào trong suốt những năm sáng tác vừa qua?

    Cho dù thơ hay cũng khó tặng, chứ đừng nói đến chuyện bán. Thế nhưng, thật sai lầm nếu nghĩ rằng nhu cầu mua thơ đã bị triệt tiêu. Hai tập thơ gần đây của tôi khi rao bán trên mạng đều phát hành được tương đối. Tất nhiên, với một sản phẩm đặc thù như thơ, bán được một phần ba đã đáng hài lòng.

    Nguồn: VnExpress (2011)


    Nhà thơ – nhà báo Lê Thiếu Nhơn hiện là trưởng ban thư ký tòa soạn của tạp chí Kiến thức Gia đình. Anh đã xuất bản 5 tập thơ: Bài ca phía mặt trời (1997), Dốc gió (1999), Phố tình riêng (2004), Trong bóng người xưa (2006), Bản tường trình giấc mơ đi vắng (2009) ; 2 tập tản văn: Những người lãng mạn giữa đô thị (2006), Người Việt biết đùa (2007) ; Thi ca nết đất (phê bình thơ 2011).

    Còn nữa..
     
    Nor Annasl Cassano likes this.
Trả lời qua Facebook
Loading...