Tự Truyện Câu Chuyện Làng Quê - Trương Hà

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Trương Hà, 4 Tháng tám 2021.

  1. Trương Hà

    Bài viết:
    1
    Tên: Câu chuyện làng quê

    Tác giả: Trương Hà

    Thể loại: Tản văn


    Link góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Trương Hà

    1.

    Tôi băn khoăn khá lâu trước quyết định đi Genf thăm gia đình Friedemann hay đến Langenthal thăm bạn. Nói chung, nỗ lực đi Genf sẽ mang lại cho tôi nhiều hơn, xét trên bình diện các mối quan hệ như anh tôi vẫn thường nhận định.

    Đến Genf, có thể cùng Friedemann và Sebastian theo cha Friedemann đến Marllorca và tham dự vào một dự án của ông. Chỉ cần hé một câu với mẹ nhất định mẹ sẽ bảo rằng đó là một cơ hội quá tốt, không nên bỏ lỡ. Nhưng tôi là một đứa kém cỏi, không khéo trong giao tiếp và hay chạy trốn những mối quan hệ thân, nhất là mối quan hệ với người quyền lực. Điều này anh trai tôi khá hơn tôi nhiều lần. Mối quan hệ với những người Đức có chút chức phận, luôn mang lại cho anh tôi nhiều thứ: Công việc trong mơ vào kỳ nghỉ, chỗ thực tập tốt, những nhận xét vừa vặn để đi đến thành công hay quan hệ lớn hơn.

    Tôi biện minh rằng ở Genf giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Pháp, mà tôi thì mù tịt tiếng Pháp, tôi là đứa con gái duy nhất có mặt ở đó, rồi kỳ thi đang đến gần. Một lí do nữa mà tôi không nói với Friedemann, đó gia đình cậu. Nói chung cái kiểu trí thức nông thôn rởm rít của tôi không hợp với mẹ cậu, một phụ nữ tư sản Đức đúng nghĩa, lạnh lùng và kiêu kỳ. Tôi gặp bà 3 lần, hai lần ở trường khi bà ghé thăm Friedemann và một lần ở nhà khi cậu nấu ăn mời bạn bè nhân dịp cuối năm. Bà quan sát tôi rất kỹ, chắc lúc đó bà nghĩ tôi và con trai bà có tình ý với nhau, một sự quan sát rất ác cảm. Tôi luống cuống và vụng về như tôi vẫn thế, và khi nói lại nói bằng thứ tiếng Đức rất loằng ngoằng của tôi. Tất nhiên là bà không thích. Vì chính tôi, cũng nhìn lại bà bằng đôi mắt ác cảm y như vậy.

    Chuyện này, ngồi với bạn bên bờ Neckar tôi đã từng kể lại. Vì sao lại có quyết định đến Langenthal mà không phải Genf. Tôi kể về Friedemann, Sebastian, những cậu bạn thân không Đức lắm, giống như bạn. Thói loè loẹt chích choè của Sebastian và sự bẽn lẽn dịu dàng của Friedemann. Nỗi cô đơn trong giảng đường hơn 200 đứa mà chỉ vỏn vẹn 4-5 đứa con gái ngồi rải rác.

    Tôi đã nói với bạn rằng, biết đâu, đó là một trong những lý do tôi sẽ tảo hôn.

    2.

    Langenthal là một làng nhỏ nằm trong thung lũng, bốn bề núi và rừng. Nhà bạn cũng nằm bên bìa rừng, cô độc, già cỗi y như Langenthal.

    Một làng nhỏ chỉ vài trăm dân, nửa trong số đó là người già. Với rất nhiều nhà trống. Thi thoảng lại có một người già sống một mình và chết đi trong đó, vài hôm sau, mới có người biết tin. Mẹ bạn - ở tuổi 70, vẫn phải ghé thăm hai người hàng xóm. Một ở tuổi 65, huyết áp cao, chăm sóc người cha già đã 95 tuổi trong ngôi nhà làm từ thế kỷ 18. Một nữa, ốm yếu, gần như mất trí nhớ, lặng lẽ tàn lụi dần sau cái chết của chồng cách đây đã 1 năm.

    Langenthal rất yên tĩnh, yên tĩnh đến độ tiếng chó sủa cũng lạc lõng trong đêm, lặng lẽ rơi vào hố đen bí ẩn. Yên tĩnh đến độ, trăng rằm tháng tám rải những vệt kiêu hãnh xuống đỉnh đồi. Thung lũng sáng lên trong đêm. Một nỗi yên lặng tuyệt tích, diệu kỳ, mà không một phương tiện truyền thông nào có thể xâm phạm từ lúc 9h đêm.

    Langenthal có một cửa hiệu nhỏ bán báo và bánh mỳ nóng, một nghĩa trang nằm chếch bên lưng đồi, hai nhà nghỉ, và khoảng 8-9 chiếc cầu bắc ngang sông. Cách thị trấn Hirschhorn 5 phút lái ô tô và cách trung tâm mua sắm gần nhất 14 phút xe chạy, một ngày hai chuyến bus, một lúc 6h sáng và hai nữa vào lúc 2h chiều.

    Langenthal có rất nhiều mèo hoang. Khi đi dạo dọc quanh bìa rừng có thể nhìn thấy vài chú, mắt ướt dịu dàng. Bạn nói đó là do một phụ nữ làm ở viện chăm sóc vật nuôi lén mang chúng về đây. Những người già mủi lòng, cho chúng ăn, và chúng liền ở lại. Nhà bạn đã có hai lứa như thế, Franzi và Baggira. Franzi đi lạc vào một ngày tuyết, ướt sũng rồi lập cập xỉu xuống bên cánh cửa. Baggira đến khi Franzi mới mất được 1 tháng, ăn lại đồ thừa của Franzi, và cũng sũng ướt trong một ngày tháng 9.

    Tôi và bạn, cũng sũng ướt vào một ngày tháng 9 khi đến Langenthal bằng chuyến tàu muộn lúc 8h đêm.

    Khi mẹ bạn mang khăn và bật lò sưởi, khe khẽ hát rồi ho trong bếp. Chúng tôi nấu cà phê rồi chơi Monopoly trong phòng khách.

    Ở Langenthal, cuộc sống trôi đi rất chậm chạp, như nghe tiếng tích tắc đồng hồ đơn điệu đập trong đêm, hay chậm rãi nhổ từng vạt cỏ khô bên mộ.

    Nơi đây cũng như rất nhiều làng quê nước Đức, người ta chôn người chết mà không thiêu. Sống ở một nơi, và cũng sẽ chết ở nơi ấy.

    Như nước ở những dòng suối nhỏ, chảy đi mọi ngả, rồi sẽ lại đổ về dòng Neckar.

    3.

    Có một thói quen được chúng tôi thực hiện trong suốt kỳ nghỉ, ấy là mỗi buổi chiều, sẽ làm một cuộc cuốc bộ băng qua đường cái, sang phía bên kia ngôi làng. Tháng 9, táo đã dần chín đỏ, mận nặng trĩu trên cành, màu tím sẫm ẩn sâu trong vòm lá. Vươn tay hái là có thể nhặt được vài bạn, mềm nhũn và mọng nước, chỉ chờ rụng xuống nền đất. Giống táo và lê, các bạn mọc hoang trên khắp nẻo đường, không người thu lượm. Trụi lá vào cuối thu rồi lại đâm chồi khi tan mùa tuyết. Sự sống cứ thế tuần hoàn, an bình phẳng lặng, tựa như thế giới cổ tích của Pautopxki.

    Khi tôi lớn lên, Pautopxki không còn sống nữa, thế giới cổ tích cũng đã vỡ tan tành. Nhưng mỗi khi đi trên những con đường quê khắp Bắc-Nam nước Đức, tôi luôn có cảm giác, mình bước ngược trở về thế giới của Pautopxki. Những cánh đồng trù phú, mươn mướt màu xanh, cảnh quê êm đềm, tình người giản dị.. Thật khó tin nơi đây đã từng là khởi nguồn của cuộc chiến tranh lớn nhất thế kỷ, nơi người ta giết nhau, tàn phá nhau đến gốc rễ con người. Phía bên kia, chếch bên lưng đồi, vẫn còn ngôi nhà của một cựu sĩ quan SS. Ngôi nhà màu trắng, ngự trị kiêu hãnh trên lưng đồi, như một dấu tích rõ ràng, không thể chối cãi của lịch sử - những người phục vụ cho bộ máy giết người ấy, là những người thông tuệ, ưu tú nhất nước Đức ngày xưa.

    Đi bộ dọc qua cánh đồng táo, chúng tôi lên sát bìa rừng, rồi vòng trở lại bên bờ suối, ngồi ở dãy ghế đá là chỗ giao cắt hai dòng chảy. Bạn chỉ cho tôi vị trí nơi bạn và Thomas nhảy xuống nước chơi đùa. Và tảng đá, chỗ bọn họ chôn di vật của chú chó săn đi lạc. Khi ấy bạn 6 tuổi, học được bài học đầu tiên trong cuộc đời, về mất mát và chia xa. Có lẽ đám trẻ ở đâu cũng vậy, sớm hay muộn, rồi cũng sẽ học được bài học ấy cho mình. Nuôi một vật nhỏ trong nhà, chăm sóc chúng, rồi lại bật khóc khi chúng rời khỏi ta. Bài học của tuổi trẻ, rồi sẽ thành sự chấp nhận khi ta đã trưởng thành. Những thứ, những người ta yêu mến, rồi cũng sẽ có ngày, họ mãi rời bỏ ta. Nhưng cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn. Tựa như dòng chảy kia, luôn lặng lẽ chảy dưới chân cầu. Năm tháng cách xa, thời gian tàn lụi, những thứ nắm được trên tay, rồi cũng chỉ còn là hoài niệm.

    Tôi kể với bạn về tuổi thơ tôi, về những cánh đồng ngô gần trường Thủ Lệ. Đường ống nước bắc ngang qua hồ, vô tình chung, đã trở thành đường đến trường cho biết bao đứa trẻ. Đi qua những ống cống, như đi qua một hệ thống hầm ngầm. Và đứa bé 8 tuổi khi ấy là tôi, đã vừa đi vừa mơ mộng: Phá một chuyên án bí mật, trốn chạy như những đặc vụ tài tình. Cuối con đường đó, trong cơn nguy ngập, hoàng tử bóng tối bỗng xuất hiện, chàng nắm lấy tay tôi, đột phá khỏi vòng vây. Phụ nữ vẫn ngốc nghếch như vậy. Mơ mình chống được đủ thứ điệp viên rồi lại rơi vào tay một người không quen biết. Ai đã nói nhỉ, không đúng sao, đầu phụ nữ có gì đâu, đầu phụ nữ chỉ có tình yêu.

    Bạn cười phá lên sảng khoái khi tôi kể về hoa "Cứt lợn„ – loài hoa thân thuộc nhất trong tuổi thơ tôi. Cả hai chúng tôi đều công nhận," Cứt lợn„ – đúng là cái tên đáng yêu nhất mà người ta nên đặt cho một loài hoa. Và nếu một người đàn ông yêu một người đàn bà, thay vì câu nói „Bông hồng bé nhỏ của lòng anh ", nếu anh ấy nói „Bông Cứt lợn yêu dấu của lòng anh", liệu có gì khác không? Không, chẳng có gì khác cả. Nhưng rồi cô gái sẽ chỉ yêu người nói ra câu đầu tiên. Dẫu hoa Cứt Lợn là loài hoa thân thuộc với tuổi thơ cô, gắn với cô nhiều nhất. Chúng ta, mãi mãi vẫn sẽ bị ngôn ngữ và vẻ bề ngoài lừa dối. Ai cũng nói ghét giả tạo, nhưng rồi sâu trong lòng, chúng ta vẫn chấp nhận nó, một sự chấp nhận đầy cam tâm.

    Langenthal không có rạp chiếu phim. Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi ngồi trong phòng khách, xem lại những bộ phim chưa cũ. Memento của Christopher Nolan. Cube của Vincenzo Natali. Sleeping Hollow của Tim Burton. Và những kỹ xảo. Nếu không có bạn, thị hiếu phim của tôi chắc chắn sẽ nằm lại ở những bộ phim Oscar, một thị hiếu học đòi, yêu thích theo người khác. Ngồi xem với bạn, tôi mới biết mình thực sự thích gì. Hóa ra cũng chẳng vĩ đại như tôi tưởng tượng. Một thị hiếu lung tung, vô tội vạ, mà niềm vui duy nhất, lại là những thứ rất rẻ tiền.

    Một thị dân tỉnh lẻ và một người đến từ đất nước thứ ba – lạc hậu, thiếu hiểu biết. Tôi nói, chắc mãi tôi chỉ là người đứng ngoài lề trong xã hội này. Bạn xoa đầu tôi, nói rằng nó chỉ là cảm giác. Một cảm giác mà bạn đã trải qua trong những năm tháng đầu tiên khi mới đi làm, khi bạn chỉ là một người nhà quê, phải hòa mình vào cuộc sống của những đồng nghiệp nơi thành thị, thấy mình non nớt, bị tách khỏi khối trung tâm, không thể hòa nhập. Nhưng rồi thời gian sẽ làm được điều kỳ diệu ấy, khi chúng ta lớn lên.

    Rất lâu sau này, tôi mới biết, thời gian, thật ra cũng không làm được điều kỳ diệu ấy. Cảm giác lệch tâm, rồi sẽ mãi là một cái kết trong lòng tôi và bạn. Nhưng thời gian, lại chữa lành cho ta ở những điểm khác. Nỗi tự ti tuổi trẻ, rồi sẽ mãi nằm lại trong tim, như một kỷ niệm êm đềm để nhớ về. Những chấp nhất, những tự ái cuồng si, những cực đoan lỡ dở.. đều bắt nguồn từ nỗi tự ti ấy. Và khi tháng năm đi qua, sẽ có lúc, ta bình tĩnh nhìn về quá khứ, để thấy mình đúng như những gì mình có, không chấp nhất, không gồng mình, không tự hào, lại càng không xấu hổ. Đó chính là thời điểm, ta đã vượt qua.

    Những cây cầu bắc ngang sông. Tôi rời Langenthal vào mùa thu hoạch táo. Khi áo rét đã thành hành trang chính trên đường. Những chú mèo mắt ướt không còn đi lạc. Cây cối đã úa tàn. Ngày trở về, táo nặng trĩu trên vai, bánh táo xếp đầy hành lý. Người và táo đã đi, chỉ còn làng quê là mãi còn ở lại.

    Giống như kỷ niệm êm đềm của tuổi xuân năm ấy, đã nằm lại mãi, bên dòng Neckar.

    ==> Vui lòng sửa truyện cho chỉn chu lại. Trong truyện chỉ toàn viết tắt bằng số.
     
    MỘNG ĐIỆP HOÀNGMèo Cacao thích bài này.
    Last edited by a moderator: 9 Tháng tám 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...