Cấu trúc tâm lý tội phạm

Thảo luận trong 'Khoa Học' bắt đầu bởi Rùa Nhí, 13 Tháng tư 2024.

  1. Rùa Nhí

    Bài viết:
    2
    Cấu trúc tâm lý hành vi phạm tội là một trong những nội dung quan trọng của tâm lý học tội phạm, thông qua đó có thể làm rõ nhiều yếu tố quan trọng liên quan đến hành vi phạm tội như nguồn gốc, động lực thúc đẩy, diễn biến và hậu quả tâm lý của hành vi phạm tội.

    1. Khái niệm hành vi phạm tội

    Hành vi phạm tội là một trong những thuật ngữ được dùng phổ biến trong khoa học pháp lý hình sự và khoa học tâm lý pháp lý. Các khái niệm "Hành vi phạm tội" được đưa ra từ trước đến nay không hoàn toàn giống nhau. Nhưng ta có thể đưa ra khái niệm như sau: "Hành vi phạm tội là hành vi nguy hiểm cho xã hội, trái pháp luật hình sự, có lý trí, có ý chí và được thể hiện ra bên ngoài bằng hình thức hành động hoặc không hành động" [1] .

    2. Cấu trúc tâm lý của hành vi phạm tội

    2.1. Nhu cầu

    Nhu cầu và việc thỏa mãn nhu cầu của con người là động lực thúc đẩy hoạt động, điều chỉnh hành vi của cá nhân và nhóm xã hội. Theo từ điển tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên (năm 2008), thì "Nhu cầu là những đòi hỏi tất yếu để cá nhân tồn tại và phát triển" (ví dụ các bậc nhu cầu trong Tháp nhu cầu của Maslow).

    Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, nhu cầu thực hiện chức năng động lực thúc đẩy hành vi của người phạm tội. Nó quy định xu hướng lựa chọn các ý định, động cơ, mục đích phạm tội. Ngoài những đặc điểm của nhu cầu chung, nhu cầu của người phạm tội được đặc trưng bởi:

    - Tính nhỏ nhen, hẹp hòi, thiên về vật chất, thực dụng;

    - Tính hẹp hòi của những nhu cầu xã hội cần thiết (nhu cầu lao động, nhu cầu đạo đức) ;

    - Tính cao siêu, vượt quá nhu cầu trung bình ngoài khả năng cho phép;

    - Tính đồi bại, suy thoái.

    Nhu cầu con người và nhu cầu xã hội nói chung thường có phần cao hơn khả năng hiện có và đây là cơ sở cho sự phát triển đi lên. Tuy nhiên sự chênh lệch giữa nhu cầu và khả năng thực tế có thể trở thành điều kiện (nhưng không phải nguyên nhân) của hành vi phạm tội (khi mức thỏa mãn nhu cầu quá thấp). Nhu cầu quá lớn, lòng tham lam, tính đố kỵ, ý muốn "hơn người" thường dẫn đến hành vi tham ô, hối lộ, trộm cắp, cướp giật, cưỡng đoạt..

    [​IMG]


    2.2. Động cơ phạm tội

    Động cơ phạm tội là tất cả những gì bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội . Ví dụ: Giết người vì động cơ đê hèn, hoặc để che giấu một tội phạm khác.. Một hành vi phạm tội có thể được thúc đẩy bởi nhiều động cơ.

    Nhu cầu của con người khi đã được nhận thức và có khả năng thực hiện thì nó trở thành động cơ. Động cơ cũng như mục đích hành động là khái niệm tâm lý học, nhưng trong hành vi phạm tội, động cơ thuộc phạm trù pháp luật hình sự. Trong những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý thì bao giờ hành vi của người phạm tội cũng đều do động cơ phạm tội thúc đẩy. Chỉ trong trường hợp phạm tội vô ý vì cẩu thả, vô ý vì quá tự tin thì hành vi mới không có động cơ phạm tội thúc đẩy. Thường những tội phạm này được thực hiện do xung đột tình cảm được tích tụ lại, thiếu sự chi phối của kích thích bên trong. Đôi khi hình ảnh xuất hiện đột ngột, kích động con người hành động mà không phân tích kỹ lưỡng hậu quả tất yếu của nó hoặc họ không biết hành vi của mình là hành vi phạm tội tin hành vi của mình không trở thành hành vi phạm tội. Trong trường hợp con người hành động không theo ý muốn của mình và dẫn đến hành vi phạm tội thì động cơ hành động mang tính bắt buộc. Có nhiều loại động cơ:

    - Động cơ bên trong, động cơ bên ngoài.

    - Động cơ được ý thức, động cơ không ý thức.

    - Động cơ vật chất, động cơ tâm lý, động cơ sinh lý.

    - Động cơ vụ lợi, động cơ đê hèn..

    - Động cơ chủ đạo, động cơ kích thích..


    2.3. Mục đích phạm tội

    Khi xem xét hành vi phạm tội như là một hành vi có lý trí, có nghĩa là chủ thể phải thấy trước kết quả tương lai của hành vi mà mình sẽ thực hiện (tức là mục đích hành vi). Mục đích hành vi xác định tính chất và phương thức hành động, lựa chọn công cụ, phương tiện để đạt kết quả. Mục đích phạm tội là cái mà người phạm tội đặt ra trong trí óc của mình và mong muốn đạt đến hành vi phạm tội .

    Người phạm tội khi thực hiện tội phạm đều nhằm tới những mục đích nhất định, một hành vi phạm tội có thể có nhiều hơn một mục đích. Mục đích phạm tội có thể xuất hiện từ trước, cũng có thể xuất hiện bất ngờ. Nhưng chỉ có thể nói đến mục đích phạm tội của những hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp, vì chỉ trong trường hợp này người phạm tội mới có sự mong muốn gây ra tội phạm để đạt những mục đích nhất định. Còn ở trường hợp phạm tội khác người phạm tội cũng có mục đích, nhưng đó chỉ là mục đích của hành vi, vì người phạm tội hoàn toàn không mong muốn thực hiện một tội phạm, họ hoặc không biết hành vi của mình có thể trở thành một tội phạm hoặc biết nhưng không muốn nó trở thành tội phạm.

    Mục đích của hành vi phạm tội không do điều kiện khách quan mà do chủ thể định ra và được nhận thức như yếu tố cần thiết và có khả năng thực hiện trong điều kiện nhất định. Sự hình thành mục đích là giai đoạn đầu tiên của sự hình thành hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội sau khi xuất hiện cũng có tác dụng thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội bởi lựa chọn mục đích là do động cơ quyết định. Từ động cơ người ta xác định mục đích hành vi, vạch ra kế hoạch cụ thể để đạt được kết quả tối ưu.


    2.4. Kế hoạch phạm tội

    Kế hoạch phạm tội là chương trình hành động được người phạm tội lập ra, vạch ra để đạt mục đích phạm tội.

    Kế hoạch phạm tội có thể bao gồm nhiều yếu tố: Các bước, thời gian, địa điểm, công cụ và phương tiện, cách hành động, xử lý tình huống bất ngờ, che giấu.. Kế hoạch phạm tội có thể được vạch ra từ trước, được cân nhắc kỹ, mạng tính lí trí cao, cũng có thể xuất hiện bất ngờ, liều lĩnh, manh động.


    2.5. Quyết định phạm tội

    Cực điểm dẫn đến hành vi phạm tội là việc hình thành quyết định hành động cụ thể, sự "khẳng định" hoàn toàn phương án đã chọn là thời điểm xuất phát để thực hiện hành động là "điểm nút" của toàn bộ quá trình chuẩn bị phạm tội.

    Quyết định phạm tội là sự lựa chọn phương án thực hiện hành vi phạm tội để đạt mục đích phạm tội, có thể gồm ba bước: Nghiên cứu vấn đề, đưa ra các phương án và lựa chọn. Quyết định phạm tội có thể được đưa ra sau một thời gian cân nhắc, tính toán, cũng có thể được đưa ra bất ngờ, liều lĩnh và manh động. Rất nhiều trường hợp người phạm tội đã không dự tính đầy đủ những khả năng có thể xảy ra nên khi hành động gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Đa số người phạm tội là những người không biết tính toán kỹ lưỡng, không có tầm nhìn xa trông rộng, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến tương lai lâu dài. Ví dụ, một trong những đặc trưng của người chưa thành niên phạm tội là nghĩ là làm, không cân nhắc lợi hại.. Khi cân nhắc đưa ra quyết định phạm tội, tâm lý của con người thường căng thẳng. Sau khi quyết định được đưa ra, sự căng thẳng tâm lý giảm. Ngoài ra, người phạm tội luôn tin vào quyết định của mình dù quyết định đó thế nào, khi nhận thấy quyết định của mình là sai lầm, người phạm tội thường tìm cách bao biện cho quyết định đó.


    2.6. Tình huống (bối cảnh) phạm tội

    Tình huống phạm tội bao gồm nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong, vi mô và vĩ mô: Thời gian, địa điểm, thời tiết, ánh sáng, sự có mặt của người khác, hành vi của người bị hại, bối cảnh xã hội, tình trạng của người phạm tội.. Tình huống phạm tội có ảnh hưởng đến mọi thành phần trong cấu trúc tâm lý của hành vi phạm tội. Nhiều nghiên cứu trong tâm lý học cho thấy ảnh hưởng của tình huống lên hành vi mạnh hơn ảnh hưởng của tính cách, cá tính, đạo đức, lương tâm.

    2.7. Thực hiện hành vi phạm tội

    Thực hiện hành vi phạm tội là quá trình người phạm tội thực hiện các hành động theo kế hoạch, phương án phạm tội đã được lựa chọn để đạt mục đích phạm tội. Thông thường, hành vi phạm tội diễn ra theo kế hoạch đã được lựa chọn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp do sự xuất hiện của những yếu tố không được tính trước, việc thực hiện tội phạm có thể được điều chỉnh. Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, động cơ phạm tội trở nên rất mạnh, ức chế mọi động cơ khác, vì vậy người phạm tội thường hành động rất quyết liệt, quyết đoán, lạnh lùng, không run tay, kể cả trường hợp có yếu tố bất lợi xuất hiện thì yếu tố bất lợi này có thể kích thích người phạm tội, làm cho họ quyết liệt hơn, hung hăng, liều lĩnh hơn.

    Ở một số trường hợp, đặc biệt là với tội phạm mang tính bạo lực, người phạm tội thường sử dụng chất kích thích (như ma túy, bia rượu) để tăng hưng phấn, giảm sợ hãi trong khi phạm tội. Đối với những trường hợp người phạm tội liên kết thành băng nhóm, tác động của người cầm đầu, tác động của thành viên khác làm cho cảm giác sợ hãi giảm, cảm giác an toàn tăng, từ đây người phạm tội cũng thường hành động quyết liệt hơn, hung hăng, liều lĩnh hơn.


    2.8. Kết quả

    Kết quả của hành vi phạm tội là tất cả những gì thu được từ việc thực hiện hành vi phạm tội. Kết quả có thể phù hợp với mục đích phạm tội hoặc không. Người phạm tội đánh giá kết quả phạm tội từ mục đích phạm tội. Sự đánh giá này có thể đem đến cảm giác hài lòng hoặc không, cảm giác sai lầm, ăn năn hối hận hoặc ngược lại, hoặc sự pha trộn giữa nhiều cảm xúc. Trong trường hợp người phạm tội đạt được mục đích phạm tội và không bị trừng trị, sự ăn năn hối hận, nếu có, sẽ nhanh chóng qua đi, khuynh hướng phạm tội được củng cố và người phạm tội dễ lặp lại những hành vi tương tự.

    [1] Đặng Thanh Nga (chủ biên), Giáo trình Tâm lý học tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, 2019, tr. 99-100.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. Yeuemmaimai

    Bài viết:
    315
    Đọc không hiểu gì, ai tóm tắt giúp.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...