Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương: Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Lam Lạc, 24 Tháng sáu 2023.

  1. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích sau: "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết.. trong cái nhìn thắm thiết của tác giả từ ấy". Từ đó, hãy nhận xét về tình cảm của HPNT đối với sông Hương và Xứ Huế được thể hiện ở bài kí.

    [​IMG]

    Bài Làm

    "Qua nửa đời phiêu dạt

    Con lại về úp mặt vào sông quê

    Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ

    Chở che con qua chớp bể mưa nguồn."

    Chẳng biết tự bao giờ mà những con sông thơ mộng lại đi vào trong những khúc hát quê giờ đây lại bắt gặp trong những áng văn chương đẹp đến nao lòng. Nếu như ai đã từng biết đến cái hung bạo của con sông Đà dưới ngòi bút tài hoa uyên bác của Nguyễn Tuân, thì đến với Hoàng Phủ Ngọc Tường ta tìm thấy cái trữ tình trong "Ai đã đặt tên cho dòng sông?". Ông chuyến viết về bút kí và tản văn. Nét đặc sắc trong tác phẩm của ông đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với tư duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thực tế phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý.. Với đoạn trích: "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết.. trong cái nhìn thắm thiết của tác giả từ ấy" ta thấy được vẻ đẹp của dòng sông Hương qua các góc nhìn về văn hóa, lịch sử, thi ca và lăng kính đời thường. Qua đó, đoạn văn đã cho ta thấy được cái thứ tình cảm, tình yêu tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc tường dành cho dòng sông này.

    Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại Huế. Quê gốc ở Quảng Trị, ông sống và học tập, hoạt động cách mạng tại Huế, cuộc đời gắn liền với Huế nên rất tình cảm, tâm hồn đã thấm đẫm nền văn hóa mảnh đất này. Hoàng Phủ Ngọc Tường là cây bút tài hoa ở thể bút kí, ông có lối viết rất riêng. Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là ở sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén và tuy duy đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực. Bút kí của ông là ánh thơ văn xuôi thấn đẫm chất thơ mang vẻ đẹp, nỗi buồn của hoài niệm, những suy ngẫm triết học về lẽ sống. Nhà văn đã từng có nhiều lúc đứng lặng hàng giờ trên bờ đê sông Hồng mà so sánh rằng "Sông Hồng như một mạch máu lớn nuôi sống Thủ Đô. Nước sông theo kênh mương tỏa đi khắp nơi như mạch máu chảy dọc cơ thể người".

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" là bút kí xuất sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết tại Huế ngày 4/1/1981, in trong tập sách cùng tên. Bài bút kí có ba phần, và tác phẩm được nằm trong phần thứ nhất. Đây là bài bút kí rất đậm chất tùy bút, người đọc tìm thấy ở đó một phong cách tài hoa, tự do, phóng khoáng với lối văn hóa sâu rộng, một tâm hồn nhạy cảm, rất mực say mê với cái đẹp của cảnh vật và con người xứ Huế thân yêu. Trong tình yêu có một câu danh ngôn rất nổi tiếng: "Trong tình yêu đích thực, người ta vừa được dâng tặng, vừa được khám phá và hoàn thiện chính mình", thì sống Hương cũng được xem như một mối tình. "Ai đã đặt tên cho dòng sông" câu hỏi bâng khuâng. Khơi gợi biết bao sự tìm tòi và thích thú, sự tìm kiếm cái đẹp tiềm ẩn trong sông Hương và thiên nhiên xứ Huế. Thể hiện một cái tôi mê đắm, nồng cháy, suy tư trước vẻ đẹp đầy quyến rũ của Hương Giang. Cách đặt tên độc và lạ của tác giả đã thu hút sự tò mò, cho người đọc những suy lắng và cảm nhận về một con sông thiên phú, của một "nhan sắc" làm mê đắm lòng người.

    Mỗi dòng sông đều có một dòng kí ức, hoài niệm, trầm mình và ngân vang trong bao vinh quang của dân tộc. Nhà thơ Hoàng Cát tâm sự: "Hoàng Phủ Ngọc Tường có một phong cách viết bút kí văn học của riêng mình. Thế mạnh của ông là tri thức văn học, triết học, lịch sử, địa lý sâu và rộng, gần như đụng đến vấn đề gì, ở thời điểm nào và ở đâu thì ông vẫn có thể tung hoành thoải mái ngòi bút được". Và sông Hương, hiển nhiên nó đã "sông những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử nhiệm vụ của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng" . Dòng sông Hương được hiện lên trong nét đẹp, trong sự gắn bó cùng lịch sử, như chứng nhân từ quá khứ cho đến tận bây giờ. Từ dòng sông biên thùy trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi; nhẹ nhàng soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ, hòa mình với lịch sử bi tráng của các cuộc khởi nghĩa thế kỉ XIX, hay là chứng nhân cho bão táp Cách mạng tháng Tám "bằng những chiến công rung chuyển", cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Tất cả đã thể hiện sự gắn bó sâu đậm của dòng sông này với lịch sử của dân tộc, với mảnh đất hình chữ S thân thương đã nâng đỡ, chở che người Việt tự bao đời. "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước". Đọc những dòng này, bỗng dưng tôi lại liên tưởng đến người lái đò sông Đà lão luyện cũng từng góp mình vào những "chiến công" khi vượt qua dòng thác hung tợn, rồi khi gác tay chèo, ông lại trở về với cuộc sống bình dị, đời thường giản đơn. Phải chăng những điều gì quá đỗi đặc biệt điều đến từ sự chuyển hóa mình để luôn phù hợp với hoàn cảnh? Để luôn khiêm nhường với mọi điều xung quanh? Nhà văn đã quan sát, nhìn ngắm, yêu và hiểu sông Hương bằng tất cả trái tim mình, để rồi chắc chắn "Sông Hương là vậy" một cách đầy trân trọng. Trong góc nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nàng Hương vừa là một người con gái kiến cường với bao chiến công hiển hách, nàng Hương càng giản đơn và dịu dàng như cách một cô gái Huế e lệ duyên dáng trong tà áo dài mộng mơ trên đường phố cố đô. Hình ảnh dòng sông và văn hóa Huế cứ quyện vào nhau mãnh liệt và đầy ắp, khiến người đọc như đắm chìm trong vẻ đẹp tuyệt mĩ đó của Hương giang.

    Màu xanh biếc của sông Hương hơn một lần được các nhạc sĩ nhắc về, tựa hồ như nó đã được thầm công nhận qua bao mưa nắng thời gian:

    "Ơi con sông xanh biếc ánh mắt mẹ ngày xưa

    Ơi con sông ôm bóng những hàng dừa

    Chào đất nước đang ngày ghi thêm trang sử

    Một đường rộng giờ đây ta đi tới

    Một ngày vui sẽ về chẳng còn xa

    Như quê mẹ giữa mùa thu tháng tám

    Huế reo mừng chờ đón rợp sông Hương"

    (Bài hát Tiếng hát gửi sông Hương)

    Một lần nữa nhà văn lại nhắc về "Huế ngày xưa", một Huế đã ghi dấu trong quãng đời đặc biệt của ông, ông nhớ về một sắc áo cưới với màu áo điều lục bằng loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ chín bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người. Đó cũng chính là "màu sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên". Bằng cách đưa người đọc khứ hồi về một miền xưa cũ với nhiều khía cạnh lịch sử, nhà văn đã thổi vào Huế, vào dòng sông Hương một linh hồn với tầng tầng lớp lớp những sự kiện đan chéo vào nhau, tạo nên một vẻ lẳng lặng u hoài của cố đo cho đến ngày nay. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết về Hương giang như gửi cả một niềm mê say đầy thăng hoa thế này:

    "Con sông đám cưới Huyền Trân

    Bỏ quên dải lạu phù vân trên nguồn

    Hèn chi thơm thảo nỗi buồn

    Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ

    Con sông nửa thực nửa mơ

    Nửa mong Lí Bạch, nửa chờ Khuất Nguyên"

    Sông Hương gắn bó trong cái nôi của nền âm nhạc, thi ca dân gian, cổ điền Huế; gắn bó với những tên tuổi danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Tác giả tưởng tượng hai trăm năm trước, Nguyễn Du đã từng lênh đênh trên dòng Hương giang dưới ánh trăng sáng tỏ, những khúc đàn Kiều được gẩy lên, phủ nhuốm vẻ u hoài ngân vang tâm trạng trong những bản đàn của Truyện Kiều. Vẻ đẹp sông Hương ẩn trong chiều sâu linh hồn của sông Hương, nó chứa đựng bản sắc rất đặc trưng và thật phong phú của một nền văn hóa cố đô, mà dòng chảy của nó khảm bao tinh hoa văn hóa dân tộc suốt tự ngàn đời. Đó là một vẻ đẹp đắm say của lịch sử và văn hóa hòa trộn tinh tế.

    Sông Hương còn gắn mình với văn học, với những nhà thơ luôn nhìn ngắm dòng sông với nhiều khía cạnh đặc biệt, chính Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã gợi khen: "dòng sông ấy không bao giờ tự lặp đi lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ". Nó thay màu xanh biếc thành "Dòng sông trắng – lá cây xanh" trong cái tình tinh tế của Tản Đà, "như kiếm dựng trời xanh" trong khí phách của Cao Ba Quát; nó đi vào thơ Bà Huyện Thanh Quan, rồi thấm đẫm trong thơ Tố Hữu một sức mạnh phục sinh của tâm hồn. Hay Hàn Mặc Tử từng cảm thán trong "Đây Thôn Vĩ Dạ" :

    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay?"

    Ta như hiểu được vì sao nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường lại chọn nhan đề hiện tại, bởi "có một nhà thơ từ Hà Nội đã đến đây, tóc bạc trắng, lặng ngắm dòng sông.. Hỏi với trời, hỏi với đất, một câu thật bâng khuâng:

    -" Ai đã đặt tên cho dòng sông? "

    Câu hỏi ấy đã đi vào trang bút kí với những dư vị để lại trong lòng người không thể nào quên, ta đã cùng nhà văn đi tìm câu hỏi, đi tìm sự lí giải bằng chính tình yêu sống Hương xứ Huế. Sau những biến cố lịch sử thăng trầm nhưng hết sức oai hùng của dân tộc, sông Hương trở về với cuộc sống bình thường, giản đơn và dung dị. Nhìn ở lăng kính này, sông Hương nhẹ nhàng như vẻ đẹp người con gái xứ Huế hay e lệ, dịu dàng, nên thơ, đúng với tình cách của người con gái dành trọn lòng mình cho quê hương xứ sở. Như vậy, nhà văn đã khám phá sông Hương trên cả ba Phương diện: Dòng sông tự nhiên, dòng sông văn hóa, dòng sông lịch sử. Ở Phương diện nào, tác giả cũng nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó khăng khít giữa sông Hương với xứ Huế để từ đó khẳng định một cách chắc chắn:" Sông Hương là dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất "– đó là thành phố Huế thương yêu.

    Hoàng Phủ từng bước khắc họa bức chân dung đa chiều của sông Hương một cách sinh động, hấp dẫn, từ những góc độ khác nhau, sông Hương mang những vẻ đẹp riêng có, độc đáo của mình, thể hiện từng vẻ đẹp ấy trên trang bút kí đặc sắc của nhà văn. Bằng vốn hiểu biết vô cùng phong phú trong các lĩnh vực địa lí, triết học, lịch sử.. cùng sự kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ, hành văn ngọn ngữ nhẹ nhàng, giàu sức biểu đạt, tác giả đã tô vẽ một sông Hương khắc cốt ghi tâm trong lòng độc giả, khiến cho ai chưa đến thăm nơi này cũng phải thốt lên trước vẻ đẹp của nó. Và ẩn đằng sau hình tượng sông Hương ấy, nhà văn cũng bày tỏ cái tôi tác giả của mình: Đó là một cái tôi mê đắm tài hoa cảnh sắc quê hương đất nước, cái tôi uyên bác, giàu tri thức về lịch sử, văn hóa, địa lí, cái tôi yêu quê hương, gắn bó một lòng sâu nặng với xứ sở đã sinh ra và nuôi dưỡng mình – xứ Huế mộng mơ.

    Nếu chỉ là cảm xúc rung động nhất thời trước vẻ đẹp của con sông, của xứ Huế, Hoàng Phủ Ngọc tường sẽ không thể nào có thể viết lên được những trang văn mê đắm rất đỗi tài hoa như thế. Yêu Huế, yêu Hương giang, nhà văn mới có thể viết được những trang văn đầy rung cảm mãnh liệt như thế. Tình cảm đặc biệt ấy hóa thành những dòng chảy trong tâm hồn nhà văn để rồi tạo nên cái tôi mê đắm, tài hoa và uyên bác. Phải chăng tình yêu Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho Hương giang thực ra chính là tình yêu tha thiết và mãnh liệt dành cho đất nước to lớn đến nhường nào.

    Nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường yêu Huế và hiểu Huế, thì đó là một lẽ đương nhiên. Tôi muốn đi xa hơn, tìm một căn nguyên thầm kín để cắt nghĩa cho sự thành công mỹ mãn của những trang viết ấy: Phải chăng ở đây đã có một sự hòa hợp, tương giao, linh ứng giữa cảnh sắc Huế, lịch sử Huế, văn hóa Huế với một tâm hồn nhà văn dễ rung động, nhạy cảm, tinh tế. Phải là sự tưởng giao, đến mức hòa quyện chặt chẽ mới sinh ra được những áng văn tài hoa không dễ một lần thứ hai viết được như thế. Ngỡ như không khác được: Viết về sông Hương là phải vậy, viết về" văn hóa vườn "ở Huế là phải vậy. Đó là những áng văn, câu chữ được chọn lựa cân nhắc kĩ càng, vì hình ảnh được sáng tạo đẹp đẽ, vì cảm xúc phong phú bất ngờ, mới mẻ (Phạm Xuân Nguyên).

    Có thể nói" Ai đã đặt tên cho dòng sông? "Đã mang đến những phát hiện mới lạ và độc đáo của sông Hương cho độc gải cả nước. Nó là một dòng sông man dại, hoang tàn ở khúc thượng nguồn, sông Hương đi vào trong trang văn của Hoàng Phủ Ngọc Tường không vô tri vô giác mà nó còn cảm xúc, có tình yêu. Tác phẩm đã thể hiện được tình yêu quê hương, xứ sở nồng nàn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, một kí giả nặng lòng với Huế:

    " Dòng sông ai đã đặt lên

    Để người đi nhớ Huế mãi không quên

    Xa con sông mang bao nhiêu nỗi nhớ

    Người ở lại tháng năm đợi chờ".
     
    Sói, Hạ Quỳnh LamLieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
  3. Diệp Lam Lạc

    Bài viết:
    111
    Đề bài:

    Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc. Khi nghe lời gọi, nó biết cách tự hiến đời mình làm một chiến công, để rồi nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một người con gái dịu dàng của đất nước. Thỉnh thoảng, tôi vẫn còn gặp trong những ngày nắng đem ra phơi, một sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: Màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện, thấp thoáng theo bóng người, thuở ấy các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của thiên nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông..


    Có một dòng thi ca về sông Hương, và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ tự lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ. Mỗi nhà thơ đều có một khám phá riêng về nó: Từ xanh biếc thường ngày, nó bỗng thay màu thực bất ngờ, "Dòng sông trắng - lá cây xanh" trong cái nhìn tinh tế của Tản Đà, từ tha thướt mơ màng nó chợt nhiên hùng tráng lên "như kiếm dựng trời xanh" trong khí phách của Cao Bá Quát; từ nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng trong hồn thơ Bà Huyện Thanh Quan, nó đột khởi thành sức mạnh phục sinh của tâm hồn, trong thơ Tố Hữu. Và ở đây, một lần nữa, sông Hương quả thực là Kiều, rất Kiều, trong cái nhìn thắm thiết tình người của tác giả Từ ấy.

    Có một nhà thơ từ Hà Nội đã đến đây, tóc bạc trắng, lặng ngắm dòng sông, ném mẩu thuốc lá xuống chân cầu hỏi với trời, với đất, một câu thật bâng khuâng:

    - Ai đã đặt tên cho dòng sông?

    Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong đoạn trích trên. Từ đó, bình luận về phong cách bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    Dàn ý chi tiết:

    I. MỞ BÀI

    - Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tk mở bài chung

    - Dẫn vào đoạn văn và yêu cầu của đề bài: Đoạn trích "Sông Hương là vậy.. - Ai đã đặt tên cho dòng sông?" đã làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương, từ đó bộc lộ rõ phong cách bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

    II. THÂN BÀI

    1. Khái quát

    Các dòng sông là cái nôi của những vùng, các nền văn hóa đa sắc màu nên viết về nó các nhà thơ, nhà văn thường viết bằng cả sự am tường, bằng một tình yêu tha thiết, sâu lắng. Từ lâu, con sông Hương của xứ Huế cũng đã rất nhiều lần đi vào các tác phẩm văn hóa, thơ ca. Dòng sông ấy đã từng được nhà thơ Hàn Mặc Tử miêu tả:

    "Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng bắp buồn thiu hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay"

    Hay một nhà thơ nào đó cũng ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, xứ Huế:

    "Thiếu nữ thẫn thờ vê áo mỏng

    Nghiêng nghiêng vành nón đứng chờ ai

    Ven dòng sông phẳng con đò mộng

    Lả lướt đi về trong nắng mai"

    Bởi vậy, viết về dòng sông Hương là một thử thách. May thay, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vượt qua thử thách ấy để tặng cho đời bút kí "Ai đã đặt tên cho dòng sông". Trong tác phẩm này nhà văn đã cảm nhận về đẹp của sông Hương từ nhiều góc độ, phương diện. Nhà văn đã tìm hiểu thủy trình, khám phá vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên sông Hương và nhìn dòng sông trong sự gắn bó với nền văn hóa của xứ Huế, trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cảm nhận về nó một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất với một tâm hồn nghệ sĩ đầy rung cảm. Theo đó, đoạn văn này là những cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương ở góc độ lịch sử, văn hóa và thi ca.

    2. Vẻ đẹp sông Hương trong đoạn trích

    2.1. Sông Hương hùng tráng và trữ tình

    Mở đầu đoạn văn, nhà văn khẳng định: "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu xanh cỏ lá xanh biếc". Câu văn này đã thể hiện rõ cái tôi nội cảm và bộc lộ cảm nhận của tác giả về vẻ đẹp của sông Hương có sự hòa quyện giữa chất hùng tráng và trữ tình.

    Có thể nói rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn hóa Huế, ông không chỉ nhìn sông Hương ở cảnh sắc thiên nhiên, thấy nó ngày ngày mang phù sa và nguồn nước ngọt trao tặng vô tư cho những cánh đồng Châu Hóa, cho cuộc sống người dân xứ Huế; mà ông còn nhìn sông Hương như là khởi nguồn cho những giá trị tinh thần lịch sử. Dòng sông Hương là "dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi.." anh hùng bởi từ góc nhìn lịch sử, sông Hương đã trở thành chứng nhân của lịch sử. Nó chứng kiến bao nhiêu biến thiên mà xứ Huế trải qua như ở đoạn văn trước đó nhà văn đã ngược về quá khứ để khẳng định vai trò của dòng sông Hương trong lịch sử dân tộc. Nó là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng. Trong những thế kỷ trung đại nó mang tên là linh Giang, đã chiến đấu oanh liệt để bảo vệ biên giới phía nam của Tổ quốc Đại Việt. Thế kỉ 18, nó soi bóng kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ. Thế kỷ 19, nó sống hết lịch sử bi tráng với máu của những cuộc khởi nghĩa. Nó đóng góp cho cách mạng tháng tám bằng những chiến công rung chuyển. Nó bị tàn phá nặng nề trong mùa xuân năm Mậu Thân.. Từ đó mà đồng chí Võ Nguyên Giáp đã nói về dòng sông Hương và xứ Huế "Lịch sử đảng đã ghi bằng nét son tên của thành phố Huế, thành phố tuy nhỏ nhưng đã cống hiến rất xứng đáng cho tổ quốc". Từ góc nhìn lịch sử, ngòi bút nhà văn lấp lánh niềm tự hào về lịch sử một dòng sông có cái tên mềm mại, dịu dàng nhưng kiên cường, kiêu hãnh qua thăng trầm lịch sử. Dòng chảy của của sông Hương đã đi trọn vẹn chiều dài của lịch sử dân tộc. Diện mạo và chiều sâu của lịch sử dân tộc đã đem đến cho Sông Hương một tầm vóc kỳ vĩ lớn lao. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ở đây đã phát hiện ra một vẻ đẹp của dòng sông mà không phải ai cũng nhận thấy. Đó là một vẻ đẹp của một bản anh hùng ca với sức mạnh quật khởi của dân tộc từ thuở lập quốc.

    Nhà văn sau đó còn bình luận về cách dòng sông Hương cống hiến cho lịch sử dân tộc. Khi nghe lời gọi của Tổ quốc, sông Hương biết cách "tự hiến đời mình làm một chiến công". Cũng như những dòng sông khác trên đất nước Việt Nam, cũng như con người Việt Nam, nó mang trong mình vẻ đẹp truyền thống đã làm thành bản sắc văn hóa Việt, như Huy Cận từng khái quát:

    Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững

    Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa

    Trong và thực sáng hai bờ suy tưởng

    Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa.

    Sông Hương là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi được "viết giữa màu cỏ lá xanh biếc" . Với lối sử dụng hình ảnh ấy, nhà văn đã nhấn mạnh dòng sông Hương vừa là một bản hùng ca, vừa là một bản tình ca dịu dàng, tươi đẹp. Giữa đời thường, cảnh sắc thiên nhiên sông Hương chính là vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương đất nước. Hơn nữa, sông Hương còn là một bản tình ca "Còn non, còn nước, còn dài – Còn về, còn nhớ.." . Đó không chỉ là nét riêng trong vẻ đẹp của dòng sông Hương mà còn là vẻ đẹp của Huế. Cách đặt vế câu"viết giữa màu có lá xanh biếc" của cuối câu cho thấy dù thế nào nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn cảm nhận dòng sông Hương ở vẻ đẹp dịu dàng, trữ tình và thơ mộng.

    2.2. Sông Hương gắn liền với nền văn hóa phi vật thể của xứ Huế

    Trong cảm nhận tinh tế của nhà văn, sông Hương còn hàm chứa trong nó cả nền văn hóa phi vật thể của Huế. Từ góc nhìn văn hóa ấy mà nhà văn nhận ra Hương giang khi "trở về với cuộc sống bình thường là người con gái dịu dàng của đất nước". Nhà văn hoài niệm đến khắc khoải khi bắt gặp một sắc màu của chiếc áo cưới ở Huế xưa cũ "màu áo điều lục với loại vải vân thưa màu xanh chàm lồng lên một màu đỏ ở bên trong, tạo thành một màu tím ẩn hiện" mà các cô dâu Huế mặc sau tiết sương giáng, phát hiện màu áo cưới ấy rất giống với "màu của sương khói trên sông Hương". Để rồi từ cái sắc màu văn hóa đặc trưng của Huế ấy mà tác giả liên tưởng một cách đầy ngẫu hứng mà rất có lí rằng sắc áo điều lục mà người Huế ưa thích vốn là màu của sương khói trên sông Hương "giống như một tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông" . Có lẽ, thông qua sự liên tưởng này nhà văn muốn ngợi ca sông Hương vì nó góp phần làm cho Huế trở thành một bức tranh thiên nhiên sơn thuỷ hữu tình, muốn khẳng định sông Hương trong đời thường mang vẻ đẹp dịu dàng của một cô gái Huế, tô đậm vẻ đẹp của dòng sông trong sự gắn bó với văn hóa Huế. Như vậy, sông Hương đã là một phần trong đời sống tâm hồn của người Huế trầm mặc, lắng sâu.

    2.3. Sông Hương là nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca, nghệ thuật

    Mặt khác, Hoàng Phủ Ngọc Tường còn cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương ở góc độ thi ca, nghệ thuật, khẳng định sông Hương cũng là cội nguồn của thi ca nghệ thuật. Có biết bao văn nhân, thi sĩ đã từng rung động với dòng sông Hương như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Tản Đà, Tố Hữu.. Nhà văn đã tin rằng "có một dòng sông thi ca về sông Hương và tôi hi vọng đã nhận xét một cách công bằng về nó khi nói rằng dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ". Cao Bá Quát đã từng nhìn sông Hương mà thốt lên rằng: "Trường giang như kiếm lập thanh thiên". Tản Đà thấy "dòng sông trắng, lá cây xanh". Trong thơ Bà Huyện Thanh Quan sông Hương là "nỗi quan hoài vạn cổ với bóng chiều bảng lảng". Sông Hương còn quả thực rất Kiều và mang sức mạnh phục sinh tâm hồn trong thơ Tố Hữu.. Không chỉ có thế, sông Hương còn đi vào thơ của bao nhiêu văn nhân nghệ sĩ yêu xứ Huế khác như: Thu Bồn nhìn dòng nước lững lờ của sông Hương mà bâng khuâng "Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu" . Và với Nguyễn Trọng Tạo, Hương giang lãng đãng một bầu khí quyển huyền thoại thi ca giúp nhà thơ thăng hoa những vần mê đắm:

    "Con sông đám cưới Huyền Trân

    Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn

    Hèn chi thơm thảo nỗi buồn

    Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ

    Con sông nửa thực nửa mơ

    Nửa mong Lí Bạch, nửa chờ Khuất Nguyên"

    Như vậy, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem tình yêu đằm thắm lắng sâu và những cảm xúc sôi nổi, say sưa vào những trang viết để mỗi dòng văn thành lời ca, khúc nhạc tâm hồn tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Như I. Ê-ren-bua đã từng viết: "Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Von-ga , con sông Von-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu gia đình, yêu miền quê trở thành tình yêu tổ quốc", tình cảm đối với sông Hương của Hoàng Phủ Ngọc Tường, xét đến cùng, là tình cảm đối với đất nước, là tấm lòng yêu mến quê hương xứ sở nồng cháy của nhà văn.

    2.4. Truy tìm câu trả lời cho câu hỏi đầy khắc khoải: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?"

    Không chỉ trong đoạn văn này mà cả bài bút kí dường như là cuộc hành trình tìm kiếm cho câu hỏi đầy khắc khoải "Ai đã đặt tên cho dòng sông?". Và cuộc tìm kiếm, lý giải cái tên của dòng sông đã trở thành cuộc tìm kiếm đầy hào hứng và say mê không chỉ vẻ đẹp của diện mạo hình hài mà còn là độ lắng sâu của tâm hồn và rung động.

    "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vốn là câu hỏi của một nhà thơ Hà Nội khi ngắm nhìn vẻ đẹp của dòng sông Hương. Câu hỏi này còn được lặp lại nhiều lần trong tác phẩm nhằm mục đích lưu ý người đọc về cái tên đẹp của dòng sông: Sông Hương (sông thơm). Chính câu hỏi ấy đã khơi lên mạch viết dạt dào cảm xúc về vẻ đẹp thiên phú và đánh động bao nhiêu vốn liếng văn hóa về dòng sông Hương chảy qua cố đô Huế.

    Tác giả sau đó đã dẫn dắt người đọc đến với cội nguồn tên gọi của dòng sông ấy, nhắc đến một giai thoại đẹp mà nhà văn đã phải kỳ công lục tìm"Người làng Thành Chung có nghề trồng rau thơm. Ở đây có một huyền thoại kể rằng vì quá yêu quý con sông xinh đẹp, nhân dân hai bờ sông đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi". Huyền thoại ấy đã khẳng định cái tên thân thương "sông Hương" hóa ra được bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước của những người dân xứ Huế. Chính họ là những người đã khai sơn phá thạch, chứng kiến những thăng trầm của xứ Huế, trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử và góp phần kiến tạo nên bản sắc văn hóa, muốn mang cái đẹp, tiếng thơm để gây dựng, vun đắp cho văn hóa, lịch sử của xứ sở. Và cũng chính họ đã là người đã đặt cho dòng sông cái tên đẹp ấy.

    Câu hỏi "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" gợi ra bao nhiêu vẻ đẹp của dòng sông nên không thể trả lời vắn tắt trong một vài câu mà phải trả lời bằng cả bài kí dài.

    3. Đánh giá về phong cách bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường

    Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chuyên về bút kí, từng được nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá là "một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay". Ông là cây bút tài hoa, uyên bác, kí Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa giàu chất trí tuệ, vừa giàu chất thơ và thường gắn liền với xứ Huế. Bài kí thể hiện rõ phong cách bút kí của ông ở các đặc điểm:

    3.1. Đậm chất Huế: Chất Huế trong bài kí thể hiện ở tình yêu và sự gắn bó sâu sắc của nhà văn với dòng sông quê hương. Vì yêu Huế, yêu sông Hương nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn sông Hương làm đối tượng chính cho bài kí của mình. "Phải lòng" dòng sông, nhà văn viết về nó với tất cả sự gắn bó, đắm say của một người con với dòng sông quê hương, với vẻ đẹp của quê hương, xứ sở.

    3.2. Sự hòa quyện giữa chất trí tuệ và chất thơ

    Chất trí tuệ thể hiện qua sự nghiêm túc, cẩn trọng trong tìm kiếm, phát hiện; sự kết hợp giữa nghị luận và suy tư đa chiều và vốn hiểu biết phong phú trên nhiều lĩnh vực.. Những kiến thức liên ngành đã giúp nhà văn khám phá vẻ đẹp đa dạng của sông Hương trên nhiều phương diện: Địa lí, lịch sử, văn hóa..

    Chất thơ trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường trước hết thể hiện ở phương diện nghệ thuật: Hình tượng sông Hương được miêu tả bằng ngôn ngữ tinh tế, giàu chất thơ; nghệ thuật so sánh, nhân hóa sáng tạo, những liên tưởng độc đáo.. sử dụng rộng rãi đặc sắc những phép tu từ gợi cảm vốn là quen thuộc trong thơ như so sánh kết hợp với nhân hóa, ẩn dụ. Vẻ đẹp nên thơ của Hương giang được bộc lộ khi Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ tái hiện lại một cách chân thực dòng chảy địa lí tự nhiên của con sông mà quan trọng hơn biến cái thủy trình ấy thành "hành trình đi tìm người yêu" của một người con gái đẹp, duyên dáng và tình tứ. Đây cũng chính là cảm nhận riêng, độc đáo và rất đặc sắc của nhà văn về sông Hương trước khi nó chảy vào lòng thành phố thân yêu. Chất thơ của đoạn kí còn thể hiện rõ qua cái tôi đầy xúc cảm của tác giả. Cảm hứng xuyên suốt trong đoạn trích cũng như trong tác phẩm là niềm say sưa tìm kiếm và khẳng định vẻ đẹp riêng, sức cuốn hút, quyến rũ riêng của con sông xứ Huế. Rõ ràng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem tình yêu đằm thắm lắng sâu và những cảm xúc sôi nổi say sưa phổ vào trang viết để rồi mỗi dòng văn như một bài ca tôn vinh vẻ đẹp của sông Hương. Vì thế cái dễ nhận thấy từ những trang văn là chất thơ, chất trữ tình đậm đà, đằm thắm.

    3.3. Lối hành văn hướng nội, xúc tích, lãng mạn và mê đắm

    Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã thể hiện vẻ đẹp của dòng sông ở các lớp trầm tích, văn hóa. Không chỉ cảm nhận vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng mà còn viết về sông Hương từ góc nhìn lịch sử, khai thác vẻ đẹp anh hùng của con sông từ những sự kiện còn vang bóng trong tâm hồn mỗi con người Huế và nhìn sông Hương như một dòng sông khơi nguồn cảm hứng dạt dào cho thi ca. Lối văn hướng nội xúc tích, lãng mạn và mê đắm đã làm nên nét riêng rất độc đáo cho kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.
     
    Sói, PhonghauLieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...