Cảm nhận tác phẩm đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi DNhi4330, 13 Tháng tám 2022.

  1. DNhi4330

    Bài viết:
    9
    [​IMG]

    Xứ Huế mộng mơ từ khi nào đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi nhân. Có lẽ vì Huế đẹp quá thơ quá, lại điểm thêm chút buồn từ ngàn xưa nên thi nhân mới thổn thức đến vậy. Ta bắt gặp nàng thơ Huế trong những vần thơ của Tản Đà, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan nhưng có lẽ thứ gây ấn tượng với tôi nhất là thi phẩm "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử. Bằng ngôn ngữ đầy bí ẩn, phức tạp, một tình yêu đến đau đớn hướng về trần thế. Hàn Mặc Tử như vẽ lên Huế với những nét chấm phá đầy riêng biệt, như là bản tình ca của một tấm chân tình tuyệt vọng. Như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói: "Thi ca là nơi duy nhất để giải phóng cái tôi và để cho cái tôi trú ẩn". "Đây thôn Vĩ Dạ là cái tôi như thế, thi nhân thả tiếng lòng vào thơ. Đây là một bức tranh đẹp về miền quê đất nước, là tiếng nói thổn thức yêu cuộc sống. Có thể nói đây là thi phẩm đã đạt đến độ toàn bích cảu ngôn từ.

    " Đây thôn Vĩ Dạ "sáng tác năm 1938 được in trong tập" thơ điên ". Bài thơ được lấy cảm hứng từ mối tình Hàn Mặc Tử với Hoàng Cúc- một cô gái quê ở Vĩ Dạ. Chìa khóa để mở ra cánh cổng bước vào thế giới thi ca của tác phẩm chính là tấm bưu thiếp có bức ảnh của Hoàng Cúc gửi Hàn Mặc Tử. Bức ảnh là một cảnh Huế nên thơ với dòng sông con đò bến vắng hay một buổi bình minh. Khi đó Hàn Mặc Tử đang điều trị bệnh phong ở quy Nhơn. Nhận được bức ảnh cùng lời hỏi thăm của cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ đã dấy lên những cảm xúc mạnh mẽ. Ông đã gói tất cả cảm xúc ấy gửi vào trong tác phẩm" đây thôn Vĩ Dạ ".

    Giữa bối cảnh nước mất nhà tan chế độ nửa thực dân nửa phong kiến thối rữa, mục nát cái tôi cử những nhà thơ mới như Hàn Mặc Tử lạc lõng giữa xoáy cuộc đời. Thơ ca được coi như liều thuốc phiện tinh thần của thi nhân và trong thi nhân. Nó giúp giải phóng bản thân quên đi thực tại xã hội làm xoa dịu nỗi đau thời thế. Thơ như là nơi ẩn náu cuối cùng của họ khi xã hội kia đầy nghiệt ngã, cái tôi không thể đứng vững. Trong" đây thôn Vĩ Dạ "Hàn Mặc Tử sáng tác khi ông mắc căn bệnh phong, làm thơ khi đứng trên bờ vực của cái chết, thơ giúp ông giải phóng bản thân, đem tâm tư gửi gắm qua thư như đang xoa dịu vết thương," Đây thôn Vĩ Dạ "như một lời tỏ tình với người cô gái mình thầm thương và cũng là lời tỏ tình với cuộc sống của một tấm chân tình tuyệt vọng.

    " Sao anh không về chơi thôn Vĩ

    Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

    Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

    Lá trúc che ngang mặt chữ điền "

    Thôn Vĩ vốn là cách đồng nằm ở ngoại vi thành phố Huế với khung cảnh nên thơ đầy trữ tình mơ mộng. Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi gợi lên nhiều sắc thái. Ở trong đó vừa có sự nhắc nhở khéo léo muốn thấy bóng anh ở thôn Vĩ lại vừa trách móc mời mọc của cô gái đến với nhân vật" anh ". Nhân vật trữ tình ở đây cũng có thể vừa là nhà thơ nhưng cũng có thể là ao ước của người đi xa về thăm quê cũ, hay cũng có thể là của Hàn Mặc Tử thắc mắc chính mình dấy lên dự cảm không lành cuộc đời của bản thân. Sau lời mời gọi đầy thân thương đã mở ra một vùng đất đầy đẹp đẽ, nên thơ của xứ Huế để như mời mọc về đây. Bức tranh thôn Vĩ hiện lên với một vẻ đẹp đầy lung linh với hình ảnh tươi mới đầy sức sống." Nắng mới lên "là những tia nắng ban mai bùng cháy rực rỡ, tia nắng dẹp đẽ ấy rơi xuống phủ đầy khoảng trống in trên tàu lá vẫn còn ướt sương đêm và xanh vời vợi." Nắng mới lên "làm ta liên tưởng đến cảnh bình minh mới mọc, mọi thứ đầy tươi mới, rực rỡ, tràn đầy sức sống. Xanh như ngọc là màu xanh mơn mởn trong sáng mai tràn đầy nhựa sống, những chiếc lá nuốt trọn hạt sương đêm nên tất cả mọi thứ trở lên mỡ màng, rười rượi tràn đầy sinh khí. Có biết bao sắc xanh để miêu tả: Xanh lơ, xanh lục, xanh nõn.. nhưng thi nhân lại dùng từ xanh ngọc cho thấy vẻ đẹp lung linh sắc màu của thiên nhiên. Thôn Vĩ hiện lên vừa mang dáng dấp cảu vùng quê Việt Nam với hàng cau, vườn cây vừa mang vẻ đẹp sống động, nhôn nhịp bằng cách điểm xuyết thêm người con gái thôn Vĩ:

    " Lá trúc che ngang mặt chữ điền "

    Có thể nói đây là chi tiết nhỏ nhưng làm lên hạt bụi vàng của tác phẩm. Những mảnh lá trúc thon dài, lả lướt che ngang khuôn mặt chữ điền. Khuôn mặt ấy e lệ, thấp thoáng qua cành trúc bay bay, mơ mơ màng màng, hư hư ảo ảo. Lá trúc mảnh mai che lấp khuôn mặt người con gái xứ Huế khơi lên nét duyên dáng lại đầy e lệ, dịu dàng, họ mang nét đẹp cổ điển pha lẫn âm thanh trầm buồn. Huế, con gái Huế mỗi thời đại một đổi thay nhưng họ vẫn mang theo nỗi trầm mặc đẹp đến nao lòng:

    " Anh tìm Huế nơi nắng chiều lịm tắt

    Nắng chiều tà hiu hắt cố đô xưa

    Dòng Hương xanh màu mắt em kỉ niệm

    Anh tìm Huế của những buổi chiều mưa "

    Con gái Huế e lệ, thẹn thùng thấp thoáng qua lá trúc thon dài. Nhưng thơ Hàn Mặc Tử như người ta nói rằng càng đi sâu càng ớn lạnh. Đặt ngữ cảnh câu thơ ở thực tại khi thi nhân đang đứng trước cõi tử sắp phải chia lìa cuộc sống hình ảnh lá trúc che ngang mặt chữ điền lại mang nghĩa đau đớn tâm can." Mặt chữ điền "có thể là khuôn mặt của người phụ nữ nhưng cũng có thể là khuôn mặt của người con trai hay cụ thẻ hơn là tác giả. Vì thấy mặc cảm trước căn bệnh phong quái ác chỉ nép mình trên cành trúc ẩn nấp ở đâu đó. Nhưng khi đặt ý thơ ở toàn khổ ta lại thấy dáng dấp phụ nữ thế mới nói thơ Hàn Mặc Tử đưa ta vào cõi thực thực, hư hư. Hàn Mặc Tử đã đưa ta vào bức tranh xứ Huế khi tất cả đều căng tròn tràn đầy sức sống, rực rỡ tươi đẹp, ở đó con người và thiên nhiên đan xen, hòa quyện vào nhau trong vẻ đẹp dịu dàng, kín đáo. Qua đó đã bộc lộ cảm xúc thầm kín của thi nhân đó là thức cảm xúc nặng nghĩa tình với Huế, một niềm khát khao muốn về thôn Vĩ ngắm tron sắc đẹp mĩ miều ấy.

    Nét đẹp mộng mơ của xứ Huế được thể hiện lung linh đầy chất thơ ở khổ thứ nhất, mạnh cảm xúc đột nhiên thay đổi vẫn là Huế với nét đẹp đằm thắm đó nhưng ngập tràn nỗi buồn, cảnh vật không rộn ràng, căng tràn nhựa sống nữa mà tất cả nhuốm màu tâm trạng.

    " Gió theo lối gió mây đường mây

    Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

    Có chở trăng về kịp tối nay "

    Bức tranh Vĩ dạ lại hiện lên và được tô điểm bằng dòng sông êm đềm, mộng mơ. Cảnh vật hiện lên đều nhẹ nhàng, nhịp điệu khoan thai của xứ Huế với cơn gió nhè nhẹ chỉ làm lay được những bông hoa bắp. Dòng nước lững thững trôi với cảm xúc buồn thiu, cây cỏ cũng chỉ khẽ đung đưa, động đậy. Mọi vật dường như đều chững lại không gian mở rộng. Nếu Xuân Diệu mang nỗi buồn về thời gian, Huy Cận mang nỗi sầu về không gian thì theo tôi Hàn Mặc Tử ẩn chứa cả hai. Không gian buồn vì thời gian cảu thi nhân có hạn. Cảnh vật hiện lên qua con mắt buồn của thi nhân đều nhuốm màu đen đẫm cảu tâm trạng. Cảnh khuya với gió, mây chia hai đường, hai lối tách biệt nhau mỗi thứ một ngả không chung dòng. Đây là dư cảm chẳng lành của tác giả trước sự chia li, cách biệt sinh tử. Dòng sông lặng lờ trôi êm đềm như nỗi buồn hiu hắt không có chút bóng hình sự sống.. Từ" lay "mang sức gợi hình khó tả, có rất nhiều nhà thơ sau này có mang từ lay để biến tấu như:" Lá ngô lay ở bờ sông "nhưng chỉ riêng Hàn Mặc Tử mang một nét đẹp như ông đã gắn chủ quyền với nó. Cảnh sắc sông Hương gắn lên với nét đẹp thơ văn từ ngàn xưa. Có biết bao thi nhân nhìn nó với con mắt riêng. Như Tố Hữu là dòng sông đã nuôi dưỡng tâm hồn tác giả, hay đây chứa đựng nỗi sầu vạn cổ trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan còn với Hàn Mặc Tử đây là dòng sông của đêm trăng. Dưới ánh sáng mơ mộng, nhạt nhạt của trăng tất cả mọi vật đều ám màu đêm trăng, sông trăng, thuyền trăng.. Dòng sông con thuyền là hình ảnh thực nhưng nhìn qua con mắt của thi nhân lại đầy ảo mộng, lãng mạn, nhẹ nhàng hư hư ảo ảo, thật lạ khi Hàn Mặc Tử lại miêu tả trăng đẹp đến thế vì ông là người ghét ánh trăng. Không như những thi nhân khác coi trăng là" vú mộng nuôi thi sĩ ", trăng với họ là hình ảnh biểu tượng của cái đẹp:

    " Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ "

    Với thi nhân khác là hế nhưng với Hàn Mặc Tử trăng gắn với căn bệnh phong của ông, vào mỗi đêm trăng tròn ông lại phát bệnh đâm ra ông ghét trăng, hiếm có bài thơ nào ông lại tả về trăng đẹp đẽ như" đây thon Vĩ Dạ ", nếu tả trăng cũng chỉ:

    " Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa

    Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô

    Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy

    Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra "

    Hình ảnh trăng trong" đây thôn Vĩ Dạ "đẹp đến lộng lẫy, lì ảo, kiêu sa nhưng khi bừng tỉnh khỏi mộng trăng ấy sự thật bẽ bàng mới hiện lên.

    " Có chở trăng về kịp tối nay "

    Một câu hỏi tu từ chứa đựng cảm xúc buồn man mác của tác giả. Trăng là người bạn tâm sự để lòng người vơi bớt cô đơn nhưng cũng là thứ giúp họ bừng tỉnh lại thoát ra khỏi cõi mộng và nhìn lại thực tế. Hàn Mặc Tử là cuộc đời mắc khỏi căn bệnh vô phương cứu chữa bị cách li, ghẻ lạnh, sống cuộc đời khép kín, oan nghiệt. Khiến nhà thơ vô vọng đành gửi mọi thứ vào trăng nhưng cũng chẳng biết có kịp hay không. Cảnh đẹp thơ mộng hiện lên trong cảm xúc chia lìa trong không gian mờ ảo. Chết là cuộc chia lìa đáng sợ tất yếu, sống cũng là đang chia lìa. Con người có thể quên đi để sống tiếp nhưng Hàn Mặc Tử không thể, ông càng ám ảnh nó hơn. Khi đứng bên vực thẳm, không ai yêu sống, yêu đời hơn một kẻ sắp chia lìa cuộc sống. Qua cái lăng kính lạ lùng ấy cảnh vật hiện lên với với nét độc đáo đến lạ lùng càng đẹp thì càng tuyệt vọng:

    " Mơ khách đường xa khách đường xa

    Áo em trắng quá nhìn không ra

    Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà "

    Vừa với tỉnh dậy trong đêm trăng Hàn Mặc Tử lại rơi vào cơn mê, khách đường xa nghĩa là sự xa vời, không chạm tới. Khách đường xa còn thể hiện ý trong mơ, cách nhau hai cõi thế giới. Thi nhân đã nhận thức rõ nỗi cô đơn trống trải của bản thân trong trần gian khi tình yêu đang dần vụt tắt, đó là một tầm nhìn tuyệt vọng:

    " Anh đứng xa nghìn thế giới "

    Lặng nhìn trong mộng em cười"

    Nỗi đau tầm trạng bâng khuâng bất lực khi nhìn người xưa đất cũ dần dần xa lìa. Sự xuất hiện "em" với màu sắc áo trắng nhạt nhòa trong sương khói mờ ảo cảu xứ Huế càng làm nên sự xa cách. Khi một vật gì đó quá sáng thì có thể lấn át lu mờ những cái xung quanh làm ta bị nhòe đi nhìn không được, đó như sự lóa mắt mà ta thường hay gặp. Nhưng khi đặt trong bài thơ ta không lấy góc nhìn vật lý mà phải đặt ở nội tâm nhân vật. Vì qua khao khát, mong chờ bất ngờ hình ảnh em xuất hiện nên dễ có cảm giác trong mơ, không tin vào mắt mình. Nhìn thấy em như thấy mặt trời mọc mà mặt trời thì sáng quá. Thứ đã đào sâu một cách cực đoan vào tâm hồn riêng tư, một nội tâm mang quá nhiều nét riêng biệt. Những nét khác biệt xuất phát hoàn cảnh của tác giả, càng đào sâu ta càng tìm thấy một nội tâm bên bờ vực thẳm, đang dần xa cõi người:

    "Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

    Ai biết tình ai có đậm đà"

    "Ở đây" chính là nơi Hàn Mặc Tử dưỡng bệnh, là nơi mà Hàn Mặc Tử coi là lãnh cung, luôn thèm khát giao lưu bên ngoài:

    "Ngoài kia xuân đã thắm hay chưa

    Thời ở trong đây chẳng có mùa"

    Chính trong cái nơi tối tăm đó sương khói mờ cả nhân dạng. Cái bóng mờ đi đó chỉ là mối tình mỏng manh, xa vỡ, hoen ố, không toàn vẹn. Xứ Huế mộng mơ hoàn tất bức tranh của nó với hình ảnh mơ mơ ảo ảo của khói và sương đến nỗi màu áo của em chói mờ tất cả. Tổng thể như một mà sương mơ ảo xa tầm với. Qua đó thể hiện tâm trạng cảu tác giả nhưng cũng đan xen sự bất lực trong cảm xúc chia lìa giữa cảnh cũ, người xưa. Nỗi cô độc trống vắng của một tầm hồn tha thiết yêu cuộc sống, yêu đời.

    Trước nay chưa có ai mang hồn thơ lạ lùng như Hàn Mặc Tử, ông đã thổi hồn thơ đầy bí ẩn vào tác phẩm "đây thôn Vĩ Dạ". Bài thơ như lời tỏ tình với cuộc đời qua lăng kính của tấm chân tình tuyệt vọng và nỗi khát khao yêu cuộc sống, hòa nhập với đời. "Đây thôn Vĩ dạ" là nơi mà Hàn Mặc Tử có thể trú ẩn, mang nỗi buồn thả vào thơ để giải phóng thực tại. Đây là tác phẩm đạt đến sự toàn bích, là nét chấm phá thú vị trong làng văn Việt. Khó ai có thể mang đến thi phẩm độc lạ hư hư ảo ảo, mọi giác quan bị đảo lộn như của Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử đã đi một lối đi riêng, những tác phẩm của ông qua bao năm sẽ vẫn mãi còn nguyên giá trị và lay động trái tim độc giả.

    - DUNGNHI_
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...