Phân tích câu ca dao Cô kia đứng ở bên sông/ Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi magic.vacation, 21 Tháng mười 2021.

  1. magic.vacation

    Bài viết:
    12
    "Cô kia đứng ở bên sông,

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang."

    Bài làm:

    Làn điệu du dương, nhẹ nhàng của những câu ca dao dân ca Việt Nam luôn khiến tâm hồn ta lay động mỗi khi nghe thấy. Bên cạnh những cung điệu tha thiết, ca dao dân ca còn mang đến những giá trị nội dung và nghệ thuật phong phú, giàu cảm xúc, qua những hình ảnh gắn liền với khung cảnh làng quê ngày xưa như con sông, cây cầu, bến nước, gốc đa.. Từ câu ca dao sau đây, ta sẽ thấy rõ hơn những điều đó:

    "Cô kia đứng ở bên sông,

    Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang."

    Câu ca dao là lời bày tỏ nỗi lòng của một chàng trai dành cho cô gái. Đó là một chủ đề khá quen thuộc trong các câu ca dao nước ta, thế nhưng, ở đây, ta có thể tìm ra được nét đặc sắc, nét riêng mà chỉ có câu ca dao này mới có thể mang lại. Đại từ nhân xưng "cô" và chỉ từ "kia" đã mở đầu cho lời ca này, bằng cách gọi "cô kia" cho ta thấy được mối quan hệ giữa hai người họ còn xa lạ, chưa quen biết, thân thiết. Giữa hai người họ là một dòng sông ngăn cách, em ở bên này, anh ở bên nọ, điều đó đã khiến cả hai người càng thêm xa cách, tách biệt. Nhưng sang câu thơ thứ hai, ta thấy được chuyển biến câu chuyện được thay đổi rõ rệt. Bằng cách xưng "anh" đã cho thấy được tâm trạng của chàng trai này. Anh muốn gần gũi hơn, thân thiện hơn với cô gái. Chính vì điều đó, đã làm cho anh nảy ra một suy nghĩ rất trữ tình, lãng mạn và giàu tính biểu tượng: "Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang." Thông thường, khi muốn sang sông, chúng ta cần phải đi qua cầu, khoảng cách giữa chàng trai và cô gái là khoảng cách giữa một con sông, một cây cầu. Thế mà chàng trai không muốn bắc cầu cho cô gái sang mà lại ngả một cành hồng cho cô. "Cành hồng", một hình ảnh rất đẹp và lãng mạn, màu hồng từ ngày xưa luôn là màu đại diện cho tình yêu đôi lứa, chính vì như thế mà câu ca dao này, dù không có bất cứ từ ngữ nào nêu rõ ra tình cảm, cảm xúc của chàng trai nhưng người đọc vẫn biết rõ được tấm lòng mà anh chàng này dành cho cô nàng bên kia sông. Đó là một tấm lòng chân chất, mộc mạc nhưng vẫn đong đầy chất thơ. Hình ảnh "cành hồng" không chỉ đóng vai trò là cây cầu bắt ngang sông đưa em đến bên anh mà còn là một cây cầu kết nối trái tim đôi lứa, là cây cầu gửi gắm khát vọng được gặp gỡ, làm quen với người mình yêu thương. Đó là lời bày tỏ đầy tinh tế, duyên dáng mà chàng trai dành cho cô gái, anh sẵn sàng chờ đợi lời hồi đáp từ cô.

    Trong ca dao tình yêu, hình ảnh cái cầu là một chi tiết nghệ thuật khá phổ biến. Nó trở thành một biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa đang yêu, là phương tiện, là cái cớ để bộc bạch điều khó nói đầu tiên. Trong câu ca dao này, hình ảnh cái cầu được thay thế bằng một cành hồng, đó là một sự vật tưởng tượng, không có cành hồng nào có thể bắc qua dòng sông để thay cho cây cầu được. Bằng sức tưởng tượng phong phú, bay bổng, hình ảnh cành hồng bắc sang sông đưa tình yêu đến bên đôi lứa đã trở nên vô cùng độc đáo, đặc sắc và lãng mạn nên thơ. Đó là một nét đẹp mà chỉ ca dao, dân ca mới có được và chỉ ca dao, dân ca mới đem lại được. Nhìn chung, mỗi câu ca dao đều mang một nét nghệ thuật riêng biệt, điều đó vừa tạo nên nét đặc sắc, phong phú của ca dao Việt Nam, vừa tô đậm cho bản sắc văn hóa văn học dân gian Việt.

    Yêu thương, tình nghĩa là truyền thống tình cảm tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã trở thành chủ đề lớn trong ca dao, dân ca và được thể hiện trong vô vàn câu hát. Qua một số câu ca dao tiêu biểu nêu trên, ta có thể thấy được đời sống tâm hồn phong phú, sâu sắc và tài năng thể hiện đời sống tâm hồn ấy qua những nghệ thuật dân gian tuyệt vời của người xưa.
     
    T2KThu, Dương2301Thùy Minh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng mười 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...