Một số đề luyện tập kỹ năng đọc - Hiểu văn bản (có giải)

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi An Nam, 10 Tháng chín 2021.

  1. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đề 1:

    Đọc văn bản trên và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

    "Sự thật là từ mùa thu 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

    Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp."

    (Tuyên ngôn độc lập - Hồ Chí Minh)

    1. Nêu những ý chính của văn bản.

    2. Xác định biện pháp tu từ và ý nghĩa biện pháp tu từ đó trong văn bản trên.

    3. Các từ ngữ: "Nổi dậy giành chính quyền lập nên nước, lấy lại nước" có hiệu quả nghệ thuật như thế nào?

    Trả lời:

    1. Ý chính của văn bản: Hồ Chí Minh đưa ra hai "sự thật" lịch sử để khẳng định nước ta là thuộc địa của Nhật từ năm 1940, đồng thời dân ta đã lấy lại nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp.

    2. Biện pháp tu từ trong văn bản là phép điệp cú pháp "Sự thật là.." hai lần. Ý nghĩa: Nhấn mạnh hai sự thật lịch sử nhằm bác bỏ luận điệu xảo quyệt của bọn thực dân. Vào thời gian nước ta tuyên bố độc lập, nhà cầm quyền Pháp đã tuyên bố: Đông Dương là thuộc địa của Pháp, bị quân Nhật chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền "bảo hộ" của người Pháp.

    3. Các từ ngữ: "Nổi dậy giành chính quyền lập nên nước, lấy lại nước" có hiệu quả nghệ thuật: Ca ngợi nhân dân ta anh hùng. Hàng loạt động từ mạnh, liên tiếp diễn ta sức mạnh như vũ bão của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu để giành lại độc lập, tự do.
     
    Ánh Trăng SángAishaphuong thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng chín 2021
  2. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đề 2:

    Đọc văn bản dưới đây và trả lời các câu hỏi:

    "Hỡi đồng bào cả nước!

    " Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc ".

    Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

    Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:" Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi ".

    Đó là những lẽ phải mà không ai chối cãi được."

    1. Nêu những ý chính của văn bản.

    2. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản. Việc dùng từ "Suy rộng ra" có ý nghĩa như thế nào?

    3. Nêu ý nghĩa của đoạn trích văn bản trên.

    Trả lời:

    1. Nội dung chính phần mở đầu của bản "Tuyên ngôn Độc lập" : Trích dẫn bản "Tuyên ngôn Độc lập" của người Mỹ (1776), nói về quyền tự do, bình đẳng của "mọi người". Suy rộng ra từ quyền tự do, bình đẳng của "mọi người" thành quyền tự do, bình đẳng của "tất cả các dân tộc trên thế giới". Trích dẫn bản "Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền" của Cách mạng Pháp (1791), nói về quyền tự do, bình đẳng của con người. Khẳng định "đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

    2. Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ chính luận. Việc dùng từ "Suy rộng ra" có ý nghĩa: Từ quyền bình đẳng, tự do của con người, Hồ Chí Minh suy rộng ra về quyền bình đẳng, tự do của các dân tộc. Đây là một đóng góp riêng của Người vào lịch sử tư tưởng của nhân loại.

    3. Ý nghĩa: Trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Mỹ, Pháp nhằm đề cao giá trị tư tưởng nhân đạo và văn minh nhân loại, tạo tiền đề cho những lập luận tiếp theo.
     
  3. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đề 3:

    Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

    "Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa

    Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa..

    Chiều nay con chạt về thăm Bác

    Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!

    Con lại lần theo lối sỏi quen

    Đến bên thang gác, đứng nhìn lên

    Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa?

    Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!"

    (Trích "Bác ơi!" - Tố Hữu)

    1. Nêu phương thức biểu đạt của đoạn thơ?

    2. Nội dung chính của đoạn thơ là gì?

    3. Xác định nhịp thơ và nêu hiệu quả nghệ thuật cách sử dụng nhịp thơ ở hai câu cuối ở đoạn thơ thứ hai?

    Trả lời:

    1. Phương thức biểu đạt của đoạn thơ là tự sự, miêu tat và biểu cảm.

    2. Nội dung chính của đoạn thơ: Nhà thơ thể hiện tâm trạng xót xa, đau đớn, thẫn thờ, bàng hoàng, tê dại trong lòng khi nghe tin Bác Hồ từ trần.

    3. Nhịp thơ 2/2/3. Hiệu quả nghệ thuật: Nhịp thơ chậm, buồn, sâu lắng diễn tả tâm trạng đau đớn đến bất ngờ của nhà thơ. Cả không gian cũng đang ngưng lại mọi hoạt động để nghiêng mình vĩnh biệt vị Cha già kính yêu của dân tộc.
     
  4. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đề 4:

    Đọc đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

    "Bác để tình thương cho chúng con

    Một đời thanh bạch, chẳng vàng son

    Mong manh hơn áo vải hồn muôn trượng

    Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

    Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

    Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu?

    Ra đi, Bác dặn:" Còn non nước.. "

    Nghĩa nặng, lòng không dám khóc nhiều."

    (Trính "Bác ơi!" - Tố Hữu)

    1. Nêu ý chính của đoạn thơ.

    2. Vẻ đẹp chân dung Hồ Chí Minh thể hiện qua những từ ngữ nào của đoạn thơ? Nêu hiệu quả nghệ thuật những từ ngữ đó.

    3. Tại sao khi Bác mất, tác giả "không dám khóc nhiều"?

    Trả lời:

    1. Ý chính của đoạn thơ:

    - Ca ngợi vẻ đẹp chân dung của lãnh tụ Hồ Chí Minh.

    - Khẳng định quyết tâm đi theo con đường của Bác.

    2. Vẻ đẹp chân dung Hồ Chí Minh thể hiện qua những từ ngữ: "Tình thương, thanh bạch, Mong manh áo vải, Hơn tượng đồng phơi..". Hiệu quả nghệ thuật những từ ngữ đó: Ca ngợi cuộc đời thanh bạch, giản dị dành trọn tình yêu thương cho cuộc đời, cho chúng con. Đó là một trong những phẩm chất cao quý nhất của Hồ Chí Minh.

    3. Khi Bác mất, tác giả "không dám khóc nhiều" "bởi vì: Lời Di chúc của Bác để lại:" Còn non nước.."là lời căn dặn của non nước, của vị lãnh tụ anh minh suốt đời đấu tranh cho sự sống còn của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Chúng con hứa sẽ nén đau thương để biến thành hành động Cách mạng, thực hiện Di chúc thiêng liêng mà người đã để lại.
     
  5. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đề 5:

    Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi ở dưới:

    "Người đứng trên đài, lặng phút giây

    Trông đàn con đó, vẫy hai tay

    Cao cao vầng trán.. ngời đôi mắt

    Độc lập bây giờ mới thấy đây!"

    (Trích "Theo chân Bác" - Tố Hữu)

    1. Xác định phương thức biểu đạt của đoạn thơ?

    2. Nội dung chính của đoạn thơ là gì?

    3. Khi đọc "Tuyên ngôn độc lập", Hồ Chí Minh đã "lặng phút giây". Anh/ chị hãy viết một đoạn văn ngắn lý giải vì sao Bác có cảm xúc đó.

    Trả lời:

    1. Phương thức biểu đạt của doạn thơ là miêu tả và biểu cảm.

    2. Nội dung chính của đoạn thơ: Nhà thơ Tố Hữu đã viết về giây phút xúc động thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn Đọc lập".

    3. Gợi ý:

    - "Tuyên ngôn Độc lập" ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động Cách mạng của Hồ Chí Minh. Phía sau những lập luận chặt chẽ, sắc sảo, đanh thép, đầy tính đối thoại, xác định giá trị pháp lí của chủ quyền dân tộc là dòng cảm xúc, tình cảm của người viết Tuyên ngôn.

    - Những lời tuyên bố trong bản Tuyên ngôn là kết quả bao nhiêu máu đã đổ của các chiến sĩ, đồng bào trong cả nước. Mỗi dòng chữ là chan chứa niềm tự hào dân tộc. Mỗi dòng chữ là một niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước đã được độc lập, tự do. Mỗi dòng chữ cũng là những đau đớn, nhức nhối khi nhìn lại bao rên xiết lầm than của nhân dân ta khi bị kẻ thù áp bức, bóc lột.

    - Vì vậy, sức thuyết phục của "Tuyên ngôn Độc lập" không chỉ ở hệ thống lập luận sắc sảo mà còn ở tình cảm chan chứa, sâu sắc của tác giả.
     
  6. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

    "Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

    Khi lòng ta đã hóa những con tàu

    Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

    Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu.

    (Trích Tiếng hát con tàu - Chế Lan Viên)

    1. Nêu ý chính của đoạn thơ?

    2. Xác định các biện pháp tu từ trong đoạn thơ và nêu tác dụng của nó trong việc thể hiện nội dung?

    3. Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu và Tây Bắc?

    Trả lời:

    1. Ý chính của đoạn thơ: Thể hiện khát vọng sống cống hiến, hòa nhập của nhà thơ với Tổ quốc, quê hương. Đó là khát vọng lên đường, đi đến tận cùng Tổ quốc để xây dựng và tìm nguồn cảm hứng cho thơ ca, nghệ thuật.

    2. Các biện pháp tu từ trong đoạn thơ: Câu hỏi tu từ: Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc. Phép điệp từ Khi, phép nhân hóa Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát.

    Ý nghĩa: Giọng thơ trữ tình chính luận, nhịp thơ dồn dập có tác dụng mang đến cho bốn câu thơ đề từ đầy nhiệt huyết, háo hức và mê say về khúc hát lên đường của thi sĩ cách mạng để tìm về với nhân dân - cội nguồn của sáng tạo nghệ thuật.

    3. Ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con tàu và Tây Bắc:

    - Con tàu: Năm 1960, nước ta chưa có con tàu lên Tây Bắc. Như vậy, con tàu ở đây là biểu tượng khát vọng lên đường tới những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, khát vọng tìm đến những ước mơ, những ngọn nguồn của cảm hứng nghệ thuật của nhà thơ.

    - Tây Bắc: Là vùng đất có thực, biểu tượng cho nơi xa xôi của Tổ quốc, là nơi đau thương mà anh dũng trong cuộc kháng chiến, đồng thời còn là Mẹ của hồn thơ.
     
  7. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đọc bài thơ của Nguyễn Trung Kiên và trả lời các yêu cầu ở dưới:

    Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em

    Là bài thơ anh kể về đôi dép

    Khi nỗi nhớ trong lòng da diết

    Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

    Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ

    Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước

    Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược

    Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau

    Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao

    Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp

    Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác

    Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

    Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi

    Mọi thay đổi đều trở thành khập khiễng

    Giống nhau lắm nhưng đời sẽ biết

    Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

    Cũng như mình trong những lúc vắng nhau

    Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía

    Dẫu bên cạnh đã có người thay thế

    Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

    Đôi dép vô tri khăng khít song hành

    Chẳng thề nguyện mà cũng không hề giả dối

    Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội

    Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

    Không thể thiếu nhau trên bước đường đời

    Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái

    Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại

    Gắn bó nhau vì một lối đi chung

    Hai mảnh đời thầm lặng bước song song

    Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc

    Chỉ còn một là không còn gì hết

    Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia..

    1. Bài thơ thể hiện tâm tư, tình cảm gì của tác giả?

    2. Tại sao tác giả lại mượn hình tượng đôi dép để thể hiện tình cảm yêu đương của mình.

    3. Nêu chủ đề của bài thơ.

    4. Ý nghĩa của hai từ láy "khăng khít", "song song" trong việc diễn ta nội dung bài thơ.

    Trả lời:

    1. Qua bài thơ, tác giả mượn hình tượng đôi dép để thể hiện tâm sự của mình về tình yêu sâu nặng trong cuộc đời. Một tình yêu thủy chung, không toán tính thiệt hơn, không phản bội, không giả dối mà gắn bó đời nhau bằng một lối đi chung.

    2. Hình tượng đôi dép có nhiều đặc điểm tương đồng với tình yêu: Có đôi có cặp; cùng bước song song; khăng khít song hành.. cũng như anh và em có nhau trong đời cùng gắn bó nhau vì một lối đi chung, nếu mai một chiếc mất đi thì mọi thay thế đều trở nên khập khiễng. Hình tượng đôi dép sánh bước trong đời, cũng chịu vinh, chịu nhục không chịu đi cùng chiếc khác chính là biểu tượng cho một tình yêu đẹp và trong sáng.

    3. Chủ đề của bài thơ: Tình yêu và sự thủy chung.

    4. Từ láy "khăng khít", "song song" thể hiện sự gắn bó bền chặt giữa hai chiếc dép. Đi đâu cũng có nhau, dẫu vinh hay nhục, dẫu bị người đời chà đạp, dẫu thăng trầm, bể dâu, lúc thảm nhung, lúc cát bụi, số phận phụ thuộc vào nhau: "Dẫu vinh nhục không đi cùng chiếc khác". Từ sự khăng khít của đôi dép, nhà thơ cũng truyền đến người đọc thông điệp về tình yêu thủy chung, vững bền vốn là đạo lí của người Việt Nam. Bài thơ còn là bài học quý giá cho những ai chưa yêu, đã yêu và sẽ yêu.
     
  8. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi ở dưới:

    "Ngày 2 tháng 10 năm 1971

    Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (.). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình.. Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài" Quốc ca "của ta, của ta!.. Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, đôi mắt ấy, giọng nói ấy.. Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy."

    (Trích Mãi mãi tuổi hai mươi - Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh Niên, 2005)

    1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trích?

    2. Nội dung cơ bản của đoạn trích trên là gì?

    3. Chỉ ra các câu cảm thán trong đoạn trích trên? Phân tích cảm xúc của người viết ở câu: "Nhưng hôm nay ta mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài" Quốc ca "của ta, của ta!"

    4. Anh/chị hiểu như thế nào về nỗi lòng của tác giả cuốn nhật kí qua thủ pháp so sánh "Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy"?

    Trả lời:

    1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản trích là phương thức biểu cảm.

    2. Nội dung cơ bản của đoạn trích: Là một đoạn nhật kí, trong đó liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc đã bộc bạch chân thành cảm nghĩ, cảm xúc của mình trong những ngày đầu tiên tạm biệt giảng đường Đại học bước vào quân ngũ.

    3. Cảm xúc của người viết ở câu cảm thán thứ hai: Ở thời điểm bước ngoặt của cuộc đời, người lính trẻ bỗng có những cảm nhận sâu sắc thấn thía hồn thiêng của đất nước trong bài Quốc ca mà mình đã nghe, đã hát nhiều lần. Hai lần khẳng định "của ta" càng chứng tỏ niềm tự hào và lòng xúc động sâu sắc. "Ta" ở đây là đất nước, là dân tộc nhưng cũng là cá nhân mình. Ý thức nghĩa vụ và lòng yêu nước hòa quyện máu thịt trong tâm hồn người lính trẻ.

    4. Phép so sánh đã làm rõ được tâm trạng rạo rực, hồi hộp, náo nức ở thời điểm đặc biệt của cuộc đời người lính trẻ. Đặc biệt qua thủ pháp so sánh cũng bộc lộ được lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người lính.
     
  9. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi ở dưới:

    TỔ QUỐC NHÌN TỪ BIỂN

    Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển

    Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa

    Ngàn năm trước con theo cha xuống biển

    Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

    Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

    Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

    Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

    Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn

    Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

    Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

    Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

    Trong hồn người có ngọn sóng nào không.

    (Nguyễn Việt Chiến)

    1. Ý nghĩa của từ "bão giông"?

    2. Truyền thuyết nào được gợi lại trong đoạn thơ này? Ý nghĩa của việc gợi lại truyền thuyết?

    3. Chỉ ra và phân tích biện pháp tu từ phép điệp trong đoạn thơ?

    4. Ý nghĩa của mỗi từ "sóng" trong hai câu thơ cuối?

    Trả lời:

    1. Ý nghĩa của từ "bão giông" : Ám chỉ sự xâm phạm chủ quyền đất nước từ biển.

    2. Khẳng đinh chủ quyền đất nước, anh gợi nhắc về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia con lên rừng, xuống biển mà làm nên hình hài đất nước. Theo tác giả: "Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây nước non này. Và, biển - đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta dã từ ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền lại cho cháu con hôm nay." Việc gợi lại truyền thuyết là sự gợi nhắc về cội nguồn dân tộc, nhắc nhở về sự toàn vẹn và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, hơn nữa nhằm khơi dậy trong mỗi chúng ta niềm tự hào dân tộc ý thức đấu tranh..

    3. - Điệp từ: "Nếu, Tổ quốc, biển"

    - Điệp cấu trúc: "Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển", "Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển".

    - Tác dụng: Làm cho nhịp thơ sôi trào, thể hiện nỗi trăn trở niềm đau đáu khi nhớ về Tổ quốc.

    4.

    - Sóng (1) : Những hiểm họa đe dọa nền an ninh, chủ quyền, hòa bình của đất nước.

    - Sóng (2) : Lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền của đất nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc.
     
  10. An Nam

    Bài viết:
    185
    Đề 10

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đọc đoạn thơ trong bài "Tự do" và trả lời các câu hỏi:

    Trên những trang vở học sinh

    Trên bàn học trên cây xanh

    Trên đất cát và trên tuyết

    Tôi viết tên em

    .. Trên sức khỏe được phục hồi

    Trên hiểm nguy đã tan biến

    Trên hi vọng chẳng vấn vương

    Tôi viết tên em

    Và bằng phép màu một tiếng

    Tôi bắt đầu lại cuộc đời

    Tôi sinh ra để biết em

    Để gọi tên em.

    TỰ DO

    (Tự do - Pôn Ê-luy-a)

    1. Cho biết đoạn thơ trên thuộc thể thơ nào?

    2. Xác định 2 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.

    3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên.

    4. Anh/chị hãy giải thích ngắn gọn mục đích của tác giả khi viết từ TỰ DO ở cuối bài thơ bằng chữ in hoa.

    Trả lời:

    1. Đoạn thơ trên thuộc thể thơ tự do.

    2. Hai biện pháp tu từ: Điệp từ (trên, tôi, em ) ; lặp cấu trúc (ở hai dòng thơ Tôi viết tên em.. ) hoặc nhân hóa (gọi tự do là em )..

    3. Đoạn thơ bộc lộ tính yêu Tự do tha thiết, mãnh liệt của tác giả.

    4. Tác giả viết hoa từ TỰ DO ở cuối bài nhằm mục đích:

    - Thể hiện sự thiêng liêng, cao cả của hai tiếng TỰ DO.

    - Nhấn mạnh đề tài của bài thơ, giải thích tình cảm gắn bó, khao khát, tôn thờ.. của tác giả dành trọn cho TỰ DO. TỰ DO là tất cả những gì ông mong mỏi, mơ ước mọi lúc, mọi nơi.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...