Truyện thơ Nôm là gì? Một số đề đọc hiểu về truyện thơ Nôm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 26 Tháng mười 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Truyện thơ Nôm là gì? Một số đề ôn tập đọc hiểu truyện thơ Nôm lớp 11

    1. Truyện thơ Nôm là gì?

    Hiểu một cách đơn giản truyện thơ Nôm là truyện thơ được viết bằng chữ Nôm, phần lớn được viết theo thể thơ lục bát, kết hợp giữa hai yếu tố nổi bật là tự sự và trữ tình.

    [​IMG]

    2. Đặc điểm truyện thơ Nôm

    Đặc điểm nội dung

    Truyện thơ Nôm thường hướng đến hai chủ đề chính:

    Truyện thơ Nôm bác học:

    Chủ đề giải phóng tình yêu đôi lứa: Đây là chủ để nổi bật trong các truyện thơ Nôm bác học mà nổi bật và dễ thấy nhất là các tác phẩm như Sơ kính tân trang, Truyện Kiều.. Trong các truyện này, các cặp đôi nhân vật "tài tử – giai nhân" đã đến với nhau bằng tình cảm yêu đương tự nhiên, chân thật, say đắm của tuổi trẻ và đầy tính lãng mạn. Những cặp đôi nhân vật cũng thường phải vượt qua những trở ngại của lễ giáo và của các thế lực xã hội khác (nhờ sự trợ giúp nhất định của các lực lượng thần kì hoặc tiến bộ) để cuối cùng nên duyên chồng vợ, hưởng hạnh phúc lứa đôi tương đối trọn vẹn, lí tưởng nhằm chứng minh cho tình yêu đôi lứa mãnh liệt của nhân vật trong truyện.

    Truyện thơ Nôm bình dân

    Chủ đề đấu tranh cho công lí xã hội: Đây là chủ đề nổi bật trong các truyện thơ Nôm bình dân như là nổi bật các tác phẩm khuyết danh như Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn.. (ở một số truyện thơ Nôm bác học, chủ đề đấu tranh cho công lí xã hội cũng được đề cập như Truyện Kiều, Truyện Lục Vân Tiên.. nhưng chỉ là chủ đề phụ, cái chính vẫn là tình yêu đôi lứa trong xã hội phong kiến cũ). Các truyện này thường kết thúc có hậu (nhờ sự trợ giúp của các yếu tố thần kì, kì bí hay các nhân vật mang tính nghĩa hiệp), thỏa mãn mơ ước về một xã hội công bằng, về sự thay đổi số phận của các tầng lớp dưới thấp hèn trong xã hội. Các mối tình cao đẹp, trong sáng cũng được nâng niu, ca ngợi. Đồng thời chủ đề trong những tác phẩm thơ Nôm khuyết danh cũng là những cuộc đấu tranh của những người bị áp bức chống cường quyền bạo chúa bảo vệ tình yêu thủy chung, bảo vệ hạnh phúc gia đình, bảo vệ nhân phẩm. Qua cuộc đấu tranh nhiều khi không cân sức ấy, tác giả truyện Nôm bình dân có ý thức làm nổi bật được những đề mà loại tác phẩm này luôn hướng đến

    Đặc điểm nghệ thuật.

    Kết cấu: Truyện thơ Nôm thường kết cấu theo mô hình: Gặp gỡ (Hội ngộ)Tai biến (Lưu lạc) – Đoàn tụ (Đoàn viên, kết hợp với kết thúc có hậu và phần ngoại truyện – xem bảng dưới). Tuỳ vào chủ đề của tác phẩm mà phần nào sẽ được nhấn mạnh. Đối với các truyện thơ Nôm mang chủ đề giải phóng tình yêu đôi lứa, thì "gặp gỡ" thường được nhấn mạnh, tác giả dành nhiều trang viết để đi sâu vào miêu tả và tán dương tình yêu tự do, say đắm của đôi lứa nhằm thể hiện tình yêu mãnh liệt của cặp đôi đó. Đối với các truyện thơ Nôm mang chủ đề đấu tranh cho công lí xã hội thì "tai biến" (và sự đấu tranh vượt qua những "tai biến" trong cuộc sống) là phần quan trọng. Tuy nhiên, cả hai loại truyện này đều cơ bản có kết thúc giống nhau với một kết thúc có hậu, kết thúc có tính chất lí tưởng. (Tất nhiên, cũng có những tác phẩm có hậu chỉ là bề ngoài, thực chất là kết thúc bi kịch, chẳng hạn như Truyện Kiều, phản ánh khát vọng (đồng thời cũng là sự bế tắc, bất lực) của tác giả trước thực tại bất công, nghiệt ngã của xã hội xưa). So với văn học dân gian, truyện Nôm bình dân cũng có một số nét khác biệt thể hiện của một thể loại có khả năng phản ánh hơn truyện cổ như tác giả đã chú ý mô tả một số cảnh sinh hoạt xã hội và con người, yếu tố trữ tình ít nhiều đã có vị trí đáng kể, thỉnh thoảng có tác giả đã chú ý miêu tả tâm trạng của nhân vật. Ngoài ra truyện Nôm bình dân cũng không còn những lời bình luận, triết lý về cuộc đời của tác giả ở đầu hay cuối truyện như ở truyện cổ.

    3. Một số tác phẩm truyện thơ Nôm

    Nổi tiếng nhất phải kể đến các truyện thơ Nôm: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Lưu Bình Dương Lễ, Hoa Tiên, Nhị Độ Mai, Quan Âm Thị Kính, Ngư tiều vấn đáp y thuật, Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh), Bích Câu kì ngộ, Tống Trân Cúc Hoa. Thạch Sanh, Trê Cóc..

    Đặc biệt trong số những tác phẩm kể trên phải kể đến hai kiệt tác văn học Việt Nam nổi bật là "Kim Vân Kiều" và "Lục Vân Tiên" với số lượng xuất bản và nghiên cứu kèm theo đáng kể.

    4. Một số đề ôn tập đọc hiểu truyện thơ Nôm lớp 11

    Đề số 1: Đọc hiểu truyện thơ Bích câu kì ngộ

    Đọc đoạn trích sau:

    Hoa còn phong nhụy, trăng vừa tròn gương

    Rành rành xuyến ngọc thoa vàng

    Quần Nghê tha thướt, sóng Tương rườm rà

    Mỉa chiều nét ngọc làn hoa

    Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời

    Gần xem vẻ mặt thêm tươi

    Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều

    Làn thu lóng lánh đưa theo

    Não người nhăn chút lông nheo cũng tình

    Vốn mang cái bệnh Trương sinh

    Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?

    Đưa tình một nét sóng đào

    Dẫu lòng sắt đá cũng xiêu, lọ người

    Nhân duyên ví chẳng tự trời

    Từ lang chưa dễ lạc vời non tiên.

    (Trích Bích Câu kì ngộ, Thi Nham Đinh Gia Thuyết đính chính

    Và chú thích, Cổ văn Việt Nam, 1952)​

    (1) Trương sinh : Trương Quân Thụy dan díu với nàng Thôi Oanh Oanh (Tây sương ký), ý nói kẻ si tình.

    (2) Từ lang: Từ Thức, người Tống Sơn, Thanh Hóa, đời nhà Trần làm tri huyện Tiên Du, đi xem hội mẫu đơn chùa Phật Tích (Bắc Ninh), gặp một nữ lang lỡ tay bẻ gẫy cành hoa, bị nhà chùa giữ lại bắt đền, Từ thương tình cởi áo ra chuộc cho về. Sau Từ thôi quan về quê, qua Nga Sơn gặp lại nữ lang, tức tiên nữ Giáng Hương. Nay ở Nga Sơn còn một cửa hang gọi là động Từ Thức, tương truyền là nơi Từ Thức gặp tiên.

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản trên?

    Câu 2. Chỉ ra các từ láy được sử dụng trong văn bản?

    Câu 3 . Tìm những chi tiết miêu tả chân dung của nàng Giáng Kiều trong văn bản trên?

    Câu 4 . Câu thơ Hoa còn phong nhụy, trăng vừa tròn gương có ý nghĩa gì?

    Câu 5. Tác giả sử dụng bút pháp nghệ thuật nào khi miêu tả vẻ đẹp của nàng Giáng Kiều? Nêu tác dụng của bút pháp nghệ thuật đó?

    Câu 6. Chàng Tú Uyên trong lần đầu gặp gỡ người đẹp có tâm trạng như thế nào?

    Câu 7. Nhận xét về sự kết hợp giữa hai yếu tố tự sự và trữ tình trong đoạn trích?

    Câu 8. Từ nội dung của đoạn trích trên, anh/chị hãy cho biết thế nào là "người đẹp trong tranh" hay "người đẹp như tranh"? Hãy chia sẻ tưởng tượng của mình về hình ảnh người đẹp bước ra từ bức tranh?

    Đề số 02: Đọc hiểu truyện thơ Lục Vân Tiên

    Đọc đoạn trích sau:

    Mười ngày đã tới ải Đồng,

    Minh mông (1) biển rộng đùng đùng sóng xao.

    Đêm nay chẳng biết đêm nào,

    Bóng trăng vằng vặc bóng sao mờ mờ.

    Trên trời lặng lẽ như tờ,

    Nguyệt Nga nhớ nỗi tóc tơ chẳng tròn.

    Than rằng: "Nọ nước kìa non,

    Cảnh thời thấy đó, người còn về đâu?"

    Quân hầu đều đã ngủ lâu,

    Lén ra mở bức rèm châu một mình:

    "Vắng người có bóng trăng thanh,

    Trăm năm xin gửi chút tình lại đây.

    Vân Tiên anh hỡi có hay?

    Thiếp nguyền một tấm lòng ngay với chàng".

    Than rồi lấy tượng vai mang,

    Nhắm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay.

    (Trích Truyện Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu, trong Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập I, NXB Đại học và THCN, Hà Nội, 1980)​

    Chú thích:

    ( 1) Minh mông: Mênh mông (phát âm theo tiếng miền Nam)

    Bối cảnh đoạn trích: Kiều Nguyệt Nga được Lục Vân Tiên cứu khỏi đám cướp đã đem lòng yêu mến, tự nguyện gắn bó suốt đời với Vân Tiên.. Nghe tin Vân Tiên đã chết, Kiều Nguyệt Nga thề sẽ thủ tiết suốt đời. Thái sư đương triều hỏi nàng cho con trai không được, đem lòng oán thù, tâu vua bắt Kiều Nguyệt Nga đi cống giặc Ô Qua.

    Đoạn trích trên ghi lại tâm trạng của Kiều Nguyệt Nga trên đường đi cống giặc Ô Qua.

    Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt nàokhông được sử dụng trong đoạn trích trên?

    A. Miêu tả.

    B. Tự sự.

    C. Nghị luận.

    D. Biểu cảm.

    Câu 2 . Thời gian được miêu tả trong đoạn trích trên là:

    A. Chập tối.

    B. Chiều tối.

    C. Đêm khuya.

    D. Ban ngày.

    Câu 3 . Các từ láy trong đoạn trích là:

    A. Vằng vặc, mờ mờ, lặng lẽ, minh mông, đùng đùng, vội vàng

    B. mờ mờ, lặng lẽ, minh mông, trăng thanh, đùng đùng, vội vàng

    C. đùng đùng, vằng vặc, mờ mờ, lặng lẽ, minh mông, sóng xao

    D. Mờ mờ, lặng lẽ, minh mông, đùng đùng, bóng sao

    Câu 4. Cụm từ "nỗi tóc tơ" được hiểu là gì?

    A. Tình cảm bạn bè.

    B. Tình mẫu tử.

    C. Tình cảm chị em.

    D. Tình nghĩa vợ chồng.

    Câu 5. Hai câu thơ Than rằng: "Nọ nước kìa non/ Cảnh thời thấy đó, người còn về đâu?" cho thấy tâm sự gì của Kiều Nguyệt Nga?

    A. Niềm tự thương thân, không biết tương lai sẽ về đâu.

    B. Lo nhớ người yêu không biết nơi đâu.

    C. Nhớ thương người thân.

    D. Oán trách số phận nghiệt ngã.

    Câu 6. Kiều Nguyệt Nga nhảy xuống nước nhằm mục đích gì?

    A. Để phản ứng trước việc đi cống giặc.

    B. Tìm đường chạy trốn.

    C. Tìm đến cái chết giữ trinh tiết, tấm lòng thuỷ chung với Vân Tiên.

    D. Cả ba đáp án trên đều sai.

    Câu 7. Bút pháp nghệ thuật được sử dụng chủ yếu trong đoạn trích là gì?

    A. Bút pháp chấm phá.

    B. Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

    C. Bút pháp lấy động tả tình.

    D. Bút pháp phóng đại.

    Trả lời câu hỏi/ thực hiện yêu cầu:

    Câu 8. Tìm những từ ngữ, hình ảnh miêu tả không gian nơi mà Kiều Nguyệt Nga đang ở và ý nghĩa, tác dụng của những từ ngữ ấy?

    Câu 9. Nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn của Kiều Nguyệt Nga qua đoạn trích?

    Câu 10 . Qua nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích, em có suy nghĩ gì về thân phân của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến? Viết câu trả lời trong khoảng 6 – 8 dòng?

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1: C. Nghị luận.

    Câu 2: C. Đêm khuya.

    Câu 3: A. Vằng vặc, mờ mờ, lặng lẽ, minh mông, đùng đùng, vội vàng

    Câu 4: D. Tình nghĩa vợ chồng.

    Câu5: A. Niềm tự thương thân, không biết tương lai sẽ về đâu.

    Câu 6: C. Tìm đến cái chết giữ trinh tiết, tấm lòng thuỷ chung với Vân Tiên.

    Câu 7: B. Bút pháp tả cảnh ngụ tình.

    Câu 8: "Ải đồng", "Minh mông biển rộng", "đùng đùng sóng xao", "bóng trăng vằng vặc", "sao mờ mờ", "trời lặng lẽ"..

    Câu 9:

    Kiều Nguyệt Nga là cô gái có tâm hồn cao đẹp, trọng nghĩa trọng tình, nguyện hi sinh tính mạng để thể liện lòng chung thủy, son sắt với người mình yêu là chàng Lục Vân Tiên.

    Câu 10:

    +Định hướng:

    - Thân phận người phụ nữ tài sắc vẹn toàn nhưng bị chà đạp lên quyền sống và hạnh phúc.

    - Xã hội trọng nam khinh nữ không coi trọng giá trị của người phụ nữ..
     
    Admin, Ôn An Na, LieuDuong8 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng mười 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...