Phân tích khổ 2 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 16 Tháng tám 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Đề bài: Phân tích khổ thơ sau trong bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử:

    Gió theo lối gió, mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay?

    Hàn Mặc Tử là hồn thơ tài hoa độc đáo có sức sáng tạo mãnh liệt của phong trào thơ mới. Hàn Mặc Tử đã có một quan niệm rất thú vị về sứ mệnh của thi nhân: "Nhà thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo". Làm thơ, theo ông là "nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng". Với quan niệm ấy, Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ của mình tất cả những gì trong sáng nhất, huyền diệu nhất của đời sống tự nhiên và thế giới tinh thần. "Đây thôn Vĩ Dạ" là một trong những bài thơ hay và đẹp của Hàn Mặc Tử, thể hiện khá rõ quan niệm trên. Với tác phẩm này nói chung và khổ thơ thứ hai nói riêng, Hàn Mặc Tử đã tái hiện một bức tranh nên thơ về xứ Huế, đồng thời gửi vào đó tiếng lòng thiết tha của nhà thơ với thiên nhiên, con người và cuộc sống.

    Kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử có liên quan đến một địa danh nổi tiếng của xứ Huế: thôn Vĩ Dạ. Vĩ Dạ là một thôn nhỏ nằm bên bờ sông Hương. Vĩ Dạ mang những nét đặc trưng của xứ Huế với kiến trúc nhà vườn độc đáo. Ở đây có những khu vườn cây trái xanh tươi, được chăm chút, cắt tỉa đẹp như những công trình nghệ thuật. Đến thăm Vĩ Dạ có lần Xuân Diệu đã so sánh mỗi kiến trúc nhà vườn với một bài thơ Tiếng Việt.

    Ngay từ thời còn là học sinh trung học ở Huế, Hàn Mặc Tử đã có nhiều kỉ niệm về Vĩ Dạ, về những khu vườn nơi đây. Đặc biệt, trong thời gian làm ở sở đạc điền Quy Nhơn, Hàn Mặc Tử thầm yêu Hoàng Cúc, con gái ông chủ sở, người gốc Huế. Sau này, vì những biến động cuộc sống, ông đã không gặp lại người con gái ấy, cùng lúc biết mình mang bệnh.Một ngày kia, nhà thơ nhận được tấm bưu ảnh của Hoàng Cúc trên có in khung cảnh Vĩ Dạ... có lẽ đây là những nguyên cớ trực tiếp khơi gợi niềm cảm hứng sáng tạo để thi nhân viết lên kiệt tác "Đây thôn Vĩ Dạ".

    Xứ Huế mộng mơ cứ dần dần hiển hiện trong tâm tưởng của Hàn Mặc Tử như một cuốn phim hồi ức. Vì thế, sau những hoài niệm về vườn xưa Vĩ Dạ trong nắng mai hồng (khổ thơ đầu) là cảnh sông nước Hương giang vào buổi chiều hôm và đêm trăng tĩnh lặng:

    Gió theo lối gió, mây đường mây
    Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
    Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay?


    Cảnh sắc thiên nhiên mở ra trong những câu thơ này thấm đượm một vẻ buồn vắng, hiu hắt, nhất là hai câu thơ vẽ cảnh chiều tàn. Bức tranh thơ có gió mây, sông nước nhưng mây gió lại chia lìa đôi ngả, dòng sông trôi lững lờ buồn bã. Có một cái gì đó như là nghịch lí, trái với lẽ tự nhiên trong hình ảnh: Gió theo lối gió, mây đường mây. Mây – gió vốn song hành, gió thổi, mây trôi. Vậy mà những đám mây ở đây như trôi ngược chiều gió thổi. Mây và gió được sắp xếp ở hai vế tiểu đối, lại thêm dấu phẩy giữa dòng đã gợi ra cảm giác về sự tan tác, chia phôi.

    Cảnh vật chia phôi, hay lòng người buồn vì sự chia phôi của chính mình? Có phải Hàn Mặc Tử đang chạnh lòng nghĩ đến sự xa cách với người con gái thôn Vĩ, hay cảm giác lìa xa dần sự sống thế gian? Không ai biết, ai hiểu hơn chính nhân vật trữ tình. Chỉ biết, câu thơ đã để lại âm hưởng mênh mang, buồn hiu hắt. Âm hưởng buồn vắng mơ hồ này cũng là âm hưởng đặc trưng của thơ ca lãng mạn. Xuân Diệu chẳng từng than thở: "Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn". Hay Huy Cận cũng từng trải lòng buồn theo từng con sóng: "Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp" đó sao?

    Sự chia lìa của gió mây cũng khiến cho dòng nước "buồn thiu". Thực ra sông nước đâu có biết buồn. Chỉ người buồn mà gán cho thiên nhiên những nỗi buồn tâm trạng của chính mình mà thôi. Nguyễn Du từng nói:

    "Cảnh nao cảnh chẳng đeo sầu
    Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ"


    Khi gán cho dòng sông tâm trạng "buồn thiu", Hàn Mặc Tử vừa gợi tả trạng thái êm trôi, lững lờ của dòng sông xứ Huế, trạng thái mà có nhà văn từng so sánh "như điệu slow dành riêng cho Huế", vừa tạo hồn cho con sông, biến nó thành một sinh thể sống có linh hồn, có cảm xúc. Nghệ thuật nhân hóa được dùng một cách hữu hiệu góp phần biểu đạt những rung động tinh tế của một hồn thơ đa cảm trước khung cảnh thiên nhiên gợi tình. Nước buồn thiu, hoa bắp lay nhè nhẹ và lòng người bâng khuâng. Cảnh hoa bắp khẽ lay đã tạo nên một nét buồn phụ họa với gió mây khiến cho cảnh thơ càng hiu hắt hơn, buồn vắng hơn.

    Câu thơ của Hàn Mặc Tử gợi nhớ đén tứ thơ buồn của Trúc Thông:

    "Lá ngô lay ở bờ sông
    Bờ sông vẫn gió người không thấy về"

    (Bờ sông vẫn gió)

    Đối diện với thế giới hiu hắt, lạc điệu và trống vắng ấy trái tim nhà thơ lắng xuống trong một cảm giác cô đơn, u sầu.
    Không tìm thấy sự hài hòa trong cảnh chiều tàn, nhà thơ đi tìm sự đồng điệu trong thế giới huyền ảo của ánh trăng:
    "Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
    Có chở trăng về kịp tối nay?"


    Trong thơ Hàn Mặc Tử, ta đã từng gặp rất nhiều những đêm trăng, nhưng chưa ở đâu cảnh trăng đêm lại huyền ảo, thơ mộng như đêm trăng xứ Huế trong những câu thơ này, cho dẫu ta vẫn gặp ở đó những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của miền sông nước: một dòng sông, một bến nước, một con thuyền...Những cảnh vật bình thường ấy đã được tắm trong vùng ánh sáng của cảm hứng lãng mạn nên trở thành kì diệu khác thường. Dưới ánh trăng, không gian bỗng trở thành hư ảo như trong thế giớ cổ tích xa xưa. Ở đó, có người, có thuyền nhưng không xác định (thuyền ai). Còn bến thì cũng thật hư vô, kì ảo (bến sông trăng). Nào ai biết bến sông trăng định vị nơi nào trên dòng Hương giang diễm ảo của Hàn Mặc Tử? Ngay cả dòng sông thơ ấy cũng biến thành dòng sông trăng. Trăng từ vô hình thành hữu hình, từ xa xôi đến gần gũi: trăng trên trời, trăng dưới nước, trăng trên con thuyền đậu bến... thật diễm ảo biết bao!

    Trong cảm xúc thẩm mĩ của Hàn Mặc Tử, trăng đã trở thành biểu tượng cho cái đẹp của cuộc đời và thiên nhiên, trăng cũng tượng trưng cho ước mơ hạnh phúc, tình yêu:

    "Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu
    Đợi gió đông về để lả lơi"
    "Trăng lạnh quá, ánh trăng không sáng mấy
    Cho nên chăn chiếu vẫn so le"

    [​IMG]
    Trong bài thơ này, khi nhà thơ nói đến hình ảnh con thuyền đậu trên bến sông trăng thì cũng là lúc thi nhân cháy lên niềm khao khát về sự hội ngộ, giao duyên. Nhưng lời thơ lại cất lên như một câu hỏi vô vọng. Hai câu thơ sau của khổ thơ thể hiện tâm trạng khát khao gặp gỡ đồng thời cũng thể hiện nỗi niềm lo âu, phấp phỏng về sự lỡ làng, muộn màng, không kịp. Nhà thơ như ngậm ngùi cay đắng bởi quỹ thời gian sống của mình đang bị vơi cạn đi từng ngày, và cuộc chia lìa vĩnh viễn có thể đến bất cứ lúc nào. Với một người bình thường nếu không trở về tối nay thì còn nhiều những đêm khác, nhưng với Hàn Mặc Tử nếu thuyền không trở về tối nay, không có sự tri âm thì thi sĩ sẽ ra đi vĩnh viễn trong đau buồn. Chỉ một chữ "kịp" câu thơ cuốì cùng đã nói lên nỗi niềm khắc khoải, nhức nhói đó. Và niềm lo âu về sự muộn màng không kịp ấy đã khiến cho cảm xúc thơ trở nên da diết, u buồn.

    Những xúc cảm trĩu nặng trong thế giới tâm hồn thi sĩ ấy đã được biểu đạt đầy ám ảnh bởi giọng thơ buồn da diết, bút pháp gợi tả, hình ảnh tinh tế và những biện pháp nghệ thuật như: phép tiểu đối, phép nhân hóa, sử dụng câu hỏi tu từ...

    So với khổ thơ thứ nhất, cảnh trong khổ thơ thứ hai đã chuyển biến đột ngột: lạc lõng, chia li và bồng bềnh hư ảo như trong cõi mộng. Đằng sau bức tranh phong cảnh ấy là niềm khát khao giao cảm với đời, là tình yêu thiết tha hướng về cuộc đời trần thế của Hàn Mặc Tử. Đồng thời, qua khổ thơ, ta cũng hiểu được tâm trạng lo âu, phấp phỏng của một con người luôn phải đối diện với nỗi ám ảnh bởi bệnh tật và cái chết – nỗi ám ảnh đã làm nên một phần thế giới nghệ thuật của thơ Hàn:

    Một mai kia ở bên khe nước ngọc
    Với sao sương anh nằm chết như trăng
    Chẳng tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
    Đến thương anh và rửa vết thương tâm.
     
    Lagan, LieuDuong, hoa phi hoa23 người khác thích bài này.
    Last edited by a moderator: 16 Tháng mười hai 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...