Hồi còn làm ở Sở Đạc điền Bình Định, Hàn Mặc Tử có một mối tình đơn phương với Hoàng Thị Kim Cúc- con gái của chủ sở, người Huế. Mối tình chưa được mặn nồng thì Hàn Mặc Tử vào Sài Gòn làm báo nhưng lòng vẫn nuôi hy vọng ở mối tình đơn phương đó. Khi trở lại Qui Nhơn thì Hoàng Cúc đã theo cha về ở hẳn ngoài Huế nên thi sĩ rất đau khổ. Về sau khi biết Hàn mắc bệnh hiểm nghèo phải xa lánh mọi người để chữa bệnh, Hoàng Cúc đã gửi vào cho Hàn một tấm thiếp kèm vài lời động viên. Tấm thiếp là bức phong cảnh in hình dòng sông với hình ảnh cô gái chèo thuyền bên dưới những cành trúc loà xoà, phía xa xa là ráng trời, có thể là rạng đông hay hoàng hôn. Nhận được tấm thiếp ở một xóm vắng Bình Định- nơi cách li để chữa bệnh- xa xứ Huế. Hàn Mặc Tử đã nghẹn ngào. Tấm thiếp như một chất xúc tác tác động mạnh mẽ đến hồn thơ Hàn Mặc Tử. Những ấn tượng về xứ Huế đã thức dậy cùng với niềm yêu đời vô bờ bến. Thi sĩ liền cất bút viết bài thơ này trong một niềm cảm xúc dâng trào. Nội dung tự thân của bài thơ đã vượt ra khuôn khổ của một kỉ niệm riêng tư. Được gợi hứng từ tấm thiếp nhưng bài thơ không đơn thuần là những lời vịnh cảnh, vịnh người từ tấm thiếp mà đó là tiếng lòng đầy uẩn khúc của một tình yêu cháy bỏng nhưng vô vọng; một niềm khao khát sống, thiết tha gắn bó với cuộc đời, nhất là lúc nhà thơ đang mắc phải căn bệnh hiểm nghèo. Đây thôn Vĩ Dạ Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền Gió theo lối gió, mây đường mây Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay Thuyền ai đậu bến sông trăng đó Có chở trăng về kịp tối nay? Mơ khách đường xa, khách đường xa Áo em trắng quá nhìn không ra Ở đây sương khói mờ nhân ảnh Ai biết tình ai có đậm đà? Hàn Mặc Tử