LLVH: Bình Luận Về Ý Kiến của GS. Huỳnh Như Phương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thích Vị, 24 Tháng bảy 2021.

  1. Thích Vị Tác giả tự do

    Bài viết:
    23
    [​IMG]

    (Nguồn: Internet)

    Bàn về tác phẩm văn học, Huỳnh Như Phương cho rằng:

    "Tác phẩm văn học đi vào cuộc sống giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời. Bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hóa học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời. Nhưng vẻ đẹp đó còn phụ thuộc vào chính không gian bầu trời: Trong sáng hay u ám, có ánh trăng hay không có ánh trăng, có sương mù hay không có sương mù.."

    (Dẫn theo Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ, Tái bản lần thứ 2, NXB Giáo dục, 1999, tr. 153)

    Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.

    -xXx-

    Tố Hữu từng nhận xét: "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học". Thật thế, văn học và cuộc đời luôn có một mối quan hệ song phương vô cùng mật thiết. Nếu không có văn học, cuộc đời thật nhàm chán và trôi mãi theo thời gian một cách vô hồn. Còn nếu không có cuộc đời, văn học sẽ chỉ là những bài ca sáo rỗng mà chẳng biết tìm đến ai. Đồng tình với quan điểm này, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương từng phát biểu: "Tác phẩm văn học đi vào cuộc sống giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời. Bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hóa học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời. Nhưng vẻ đẹp đó còn phụ thuộc vào chính không gian bầu trời: Trong sáng hay u ám, có ánh trăng hay không có ánh trăng, có sương mù hay không có sương mù.." (Trích "Lí luận văn học – vấn đề và suy nghĩ").

    Lời phát biểu của giáo sư Huỳnh Như Phương quả thật là một nhận định đúng đắng về mối quan hệ giữa tác phẩm và bạn đọc. Trước hết, tác phẩm phải giống như một quả pháo bông bắn lên bầu trời, "bản thân nó phải có thuốc pháo và các hợp chất hóa học khác mới tạo nên ánh sáng và màu sắc trên nền trời". Có thể nói, quá trình sáng tạo văn học cũng giống như quá trình làm ra một quả pháo bông. Trong đó, người viết phải tìm tòi cái ngòi thuốc từ cuộc đời, tô điểm cho con chữ bởi những "hợp chất hóa học" đa màu sắc và quan trọng là khả năng giúp nó có thể bùng nổ rực rỡ trên nền trời. Mỗi tác phẩm văn học ra đời là sự kết hợp của nhiều yếu tố như kết cấu ngôn từ, hình ảnh, nội dung tư tưởng, thể loại.. Nó phải được trang bị đầy đủ về mặt hình thức lẫn nội dung, vừa mang ý nghĩa vừa đem lại sự khơi gợi đối với người đọc. Điển hình như bài thơ "Cây chuối" mang nhiều tầng nghĩa trong mỗi ngôn từ lẫn thể thơ được cách tân từ thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật của nhà thơ Nguyễn Trãi. Ngoài ra, mỗi tác phẩm sẽ có một quá trình hình thành khác nhau bởi người nghệ sĩ khi sáng tác những tác phẩm ấy cũng đều trong một tâm thế khác. Tương tự như thế, quá trình mà tác phẩm tiếp cận đến người đọc cũng đều không hề giống nhau. Như nhà phê bình Huỳnh Như Phương nhận xét: "Vẻ đẹp đó còn phụ thuộc vào chính không gian bầu trời: Trong sáng hay u ám, có ánh trăng hay không có ánh trăng, có sương mù hay không có sương mù..". Đúng vậy, dẫu các câu chuyện, vần thơ đều mang trong mình một ý nghĩa nội tại nhất định mà người viết muốn truyền tải đến bạn đọc nhưng "người sáng tác là nhà văn và người tạo nên số phận cho các tác phẩm là độc giả" (M. Gorki). Giống như giáo sư đã nói, độ sáng và bùng nổ của trang viết còn phụ thuộc vào bầu trời đêm thì sự tiếp nhận cũng phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài như người đọc, thời gian, không gian, bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội.. Trong đó, mỗi yếu tố đều góp phần quan trọng trong quá trình hình thành nên tâm thái, quan điểm và giá trị mà độc giả nhận được khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Nó giống như sự khác biệt giữa một người sống ở thời phong kiến và một người sống ở thế kỉ XXI nhìn nhận về một tác phẩm mang tính chất nữ quyền, tương tự như hai thế hệ mẹ và con cùng đọc về truyện tranh hay một nhà lý luận văn học và một học sinh cấp I cảm nhận thơ của Chế Lan Viên. Tóm lại, số phận, vẻ đẹp, ý nghĩa của tác phẩm văn học không phải vĩnh hằng, phi thời gian mà được hình thành trong tiến trình lịch sử. Khi điều kiện lịch sử và xã hội của sự tiếp nhận biến đổi thì ý nghĩa của tác phẩm văn học cũng thay đổi theo. Từ đó hình thành nên mối tương quan mật thiết giữa tác phẩm và bạn đọc.

    Muốn đến được tay bạn đọc, mỗi tác phẩm trước hết phải được chính "cha đẻ" của mình trang bị đầy đủ mọi vốn ngôn từ, hình thức và tư tưởng. Và từ đó, bản thân mỗi tác phẩm sẽ tự tỏa hương hoa ngào ngạt của nó để thu hút người đọc tìm hiểu, khám phá giá trị bên trong. Hơn thế, tác phẩm còn phải có đủ độ lắng, không gian để độc giả phát huy tư tưởng và suy nghĩ của mình. Điều này, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã làm rất tốt trong tác phẩm "Mùa xuân chín" :


    "Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan,

    Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.

    Sột soạt gió trêu tà áo biếc,

    Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang."

    Có lẽ đây là một trong số ít những tác phẩm của ông mang màu sắc tươi sáng hiền hòa. Bài thơ thuộc thể thơ bảy chữ tự do, bên trong mỗi câu thơ được tác giả khéo léo lồng ghép những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của ngày mới qua các tính từ như "ửng", từ láy "lấm tấm", "sột soạt" và động từ nhân hóa như "trêu".. Đặc biệt, trong câu thơ cuối thi sĩ họ Hàn đã sử dụng dấu chấm giữa câu như một sự tách bạch rõ ràng giữa "giàn thiên lý" và "bóng xuân sang". Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy bốn câu thơ của ông mang một vẻ bề ngoài đặc biệt thế nào. Đến với nội dung, trước hết, ở câu đầu tiên, "trong làn nắng ửng: Khói mơ tan", Hàn Mặc Tử gợi ra một bầu trời đầy ánh nắng. Ông dùng từ "ửng" để mô tả sắc thái nắng như đôi má hồng hào của người con gái xuân sắc. Và trong khung cảnh ấy, "khói mơ tan". Dấu hai chấm trong câu thơ nhằm tạo độ mở cho làn khói mơ ấy. Và từ đó, phái sau lớp nắng ửng hồng đang dần tan ra là khung cảnh tươi đẹp của một buổi sáng ban mai. Từ góc nhìn bao quát đến chi tiết, từ cao đến thấp, nhà thơ Hàn Mặc Tử đưa chúng ta đến gần với "đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng". Có lẽ, ánh nắng ban đầu đã e ấp núp phía sau những tán lá, tạo nên hình ảnh lấm tấm vàng trên mái nhà, như một cô thiếu nữ thẹn thùng xinh đẹp. Và rồi, gió thổi qua mang theo tiếng "sột soạt" của những chiếc lá khô, luồn qua "tà áo biếc" của nàng thiếu nữ. Ở cuối đoạn thơ, ông gom hết tất cả vẻ đẹp ấy trên giàn hoa thiên lý màu vàng và kết thúc bằng câu "bóng xuân sang". Thực chất, từ "xuân" ở đây được hiểu theo hai hàm nghĩa một là mùa xuân và một là tình yêu, người con gái đẹp. Toàn thể đoạn thơ gọi cho người đọc cảm giác bồi hồi xao xuyến trước một vẻ đẹp tinh khôi của mùa xuân. Dường như, Hàn Mặc Tử đã đứng ở trên cao nhìn xuống qua giàn thiên lý để thấy được tất cả vẻ đẹp rạng ngời ấy. Ta có thể thấy chỉ một đoạn thơ bốn dòng ngắn ngủi mà bao hàm biết bao điều thú vị, khiến người đọc không khỏi ngẫm nghĩ suy tư về nó. Và đó cũng là sức gợi mà mỗi tác phẩm phải có khi ra đời.

    Aimatop từng phát biểu: "Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca cửa sự thật". Lời phát biểu đã góp phần khẳng định về vai trò tạo nên sự sống cho mỗi tác phẩm của bạn đọc. Đồng thời, nhờ có bạn đọc mà tác phẩm văn học trở nên đa nghĩa và tạo nhiều phiên bản văn học về sau. Hay như Thạch Lam từng nói: "Mỗi tác phẩm có ít nhiều nhà văn". Một tác phẩm chân chính là một tác phẩm được người viết và bạn đọc đồng sáng tạo. Từ đó, tác phẩm sống mãi với thời gian, nhằm tự khẳng định giá trị bản thân và tài năng của người nghệ sĩ.

    -Thích Vị-​


    Góc bàn luận: [Thảo luận - Góp ý] - Góc Bình Luận: Tác Giả Thích Vị
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...