LLVH: Bình Luận Về Nhận Định Chi Tiết Nhỏ Làm Nên Nhà Văn Lớn Của Maksim Gorky

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thích Vị, 16 Tháng bảy 2021.

  1. Thích Vị Tác giả tự do

    Bài viết:
    23
    Câu 2: Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện , có ý kiến cho rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn" (M. Gorki). Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên?

    Hãy chọn chi tiết đặc sắc trong hai tác phẩm của Nguyễn TuânNam Cao để làm sáng tỏ nhận định trên.

    .. xXx..

    Nhà viết kịch người Nga Anton Pavlovich Chekhov từng khẳng định: "Nếu tác giả không có lối đi riêng của mình thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh ta không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ". "Giọng riêng" là một trong những điều kiện tất yếu để một người nghệ sĩ có thể khẳng định giá trị của mình. Và một trong những điều quan trọng hình thành nên chất giọng riêng của người viết chính là những chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm mà anh đã sáng tác. Như nhà văn Maksim Gorky từng nói: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Và qua chi tiết "cái chết" trong tác phẩm "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao và chi tiết "chém cây chuối" trong tác phẩm "Chém treo ngành" của nhà văn Nguyễn Tuân, ta có thể thấy rõ điều ấy.

    Ta có thể thấy, chi tiết là một yếu tố không thể thiếu trong bất kì tác phẩm nghệ thuật nào. Trước hết, chi tiết là một yếu tố nhỏ để cấu thành tác phẩm. Mỗi câu chuyện, bài thơ sẽ bao hàm trong đó vô vàn chi tiết. Trong thơ ca, nó có thể là hình tượng, ngôn từ.. mà nhà thơ miêu tả hay bày tỏ. Trong các tác phẩm văn xuôi, chi tiết có thể là một sự vật, sự việc hay hành động nào đó của nhân vật. Tuy nhiên, chi tiết thường xuất hiện trong các tác phẩm văn xuôi nhiều hơn bởi nó là thành phần quan trọng để cấu tạo và phát triển tình huống truyện hình thành nên sự hoàn chỉnh của một tác phẩm. Mỗi chi tiết được xem như một mảnh ghép của các tác phẩm, nó sẽ bộc lộ cho người đọc về số phận, hoàn cảnh, tính cách, tâm trạng.. của nhân vật một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Hơn thế, ta có thể thấy mỗi tác phẩm nghệ thuật sẽ có rất nhiều chi tiết khác nhau và trong số đó sẽ có một vài chi tiết đặc biệt được gọi là chi tiết nghệ thuật. Không như những chi tiết thông thường khác chỉ dùng để thúc đẩy sự tiếp diễn của câu chuyện, chi tiết nghệ thuật còn mang đậm dấu ấn của người viết. Nó mang trong mình sức chứa lớn về mặt cảm xúc và tư tưởng, thể hiện những ước mơ và khát vọng mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm vào ngòi bút của mình. Đó cũng là nguyên do mà Maksim Gorky đã khẳng định: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Một chi tiết nghệ thuật hay có thể tạo nên tiếng vang lớn cho tác phẩm, khiến độc giả phải chăm chú theo dõi từng bước đi của nhân vật cũng như câu chuyện mà người viết muốn kể đến. Trong câu nói của ông, ta có thể nhận thấy sự đối lập giữa "nhỏ" và "lớn". Như ông cha ta từng nói: "Quý hồ tinh, bất quý hồ đa", nhiều chi tiết chưa chắc hay nhưng chỉ cần một chi tiết đắt giá thì có thể làm nên thành công của toàn bộ tác phẩm. Và qua hai chi tiết trong truyện ngắn "Một bữa no" của nhà văn Nam Cao cũng như truyện ngắn "Chém treo ngành" của nhà văn Nguyễn Tuân, ta càng có thể hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của chi tiết nghệ thuật.

    Truyện ngắn "Một bữa no" kể về một bà lão không còn khả năng lao động, vì quá đói nên phải đi đến nhà chủ của đứa cháu để ăn chực với lý do thăm cháu. Hôm đó, bà ăn ngấu nghiến đến hột cơm cuối cùng dưới con mắt khinh bỉ của bà chủ nhà, để rồi, bà chết vì "quá no". Cái chết của bà lão như một tiếng kêu oán than của đói nghèo bấy giờ. Vì nghèo, vì đói, bà lão phải dẹp bỏ lòng tự trọng của bản thân và mặt mũi đứa cháu gái sang một bên. Trong truyện, nhà văn Nam Cao viết: "Vào khoảng nửa đêm, bà thấy hơi đau bụng. Cơn đau cứ rõ thêm, cứ tăng dần. Chỉ một lúc sau, bà đã thấy đau quắn quéo, đau cuống cuồng. Rồi bà thổ. Rồi bà tả. Ôi chao! Ăn thật thì không bõ mửa. Bà tối tăm mặt mũi. Đến khi bệnh tả dứt thì bà lại sinh chứng đi lị. Ruột bà đau quằn quặn. Ăn một tí gì cũng đau không chịu được. Luôn nửa tháng trời như vậy. Rồi bà chết." Một cái chết đầy đau đớn! Để rồi, bà chủ nhà vịn vào điều ấy mà dạy dỗ lũ con gái trong nhà: "Chúng mày xem đấy. Người ta đói đến đâu cũng không thể chết nhưng no một bữa là đủ chết. Chúng mày cứ liệu mà ăn tộ vào!" Câu nói của bà chủ nghe có vẻ rất hợp lý, một câu nói đầy lý lẽ nhưng cũng đáng khinh miệt. Con người sinh ra trên đời ai lại muốn chết? Cái chết của bà lão vốn là vì lối ăn quá nhiều và quá no. Nhưng lối ăn đấy cũng hình thành từng những cơn đói quằn quại đã hành hạ bà từ ngày này qua ngày khác. Thế nên, suy cho cùng thì bà lão chết vì nghèo vì khổ chứ chẳng phải vì no. Thế nhưng bà chủ lại dùng điều này để che lấp cho thói keo kiệt bủn xỉn của mình. Nam Cao đưa lời thoại của bà chủ nhà vào đoạn kết của câu chuyện như một sự châm biếm, tố cáo và lên án những kẻ giàu sang mắt ở trên cao chẳng bao giờ nghĩ đến cảnh lầm than nghèo đói của con người ở tầng lớp thấp. Hơn thế, cái chết của bà lão cũng như sự bất bình của ông đối với xã hội bấy giờ. Một xã hội mà chỉ có kẻ giàu và quyền thế mới được phép tồn tại. Chi tiết "cái chết" dường như đã trở thành một phong cách đặt biệt cho lối viết "nghệ thuật vị nhân sinh" của nhà văn. Ta có thể thấy, trong tác phẩm "Chí Phèo", Chí Phèo chết để tìm lấy sự lương thiện; trong tác phẩm "Lão Hạc", Lão Hạc chết để giữ lòng tự trọng và của cải cho con; còn trong tác phẩm "Một bữa no", bà lão chết vì muốn thoát đói. Mỗi cái chết mà Nam Cao đem lại cho bạn đọc nhiều suy ngẫm về cuộc đời và thời cuộc. Nhưng trên hết, chi tiết "cái chết" vẫn là nỗi xót thương, đau đớn cho những phận đời nghèo hèn bị vứt bỏ. Trong cái chết ấy, ta tìm thấy cuộc đời của những con người ở gần trăm năm trước, tìm thấy nỗi đau đớn dằn xé thể xác lẫn tinh thần và tìm thấy một Nam Cao đầy trăn trở với cuộc đời.

    Nếu nói nhà văn Nam Cao là ngòi bút đi theo lối viết "nghệ thuật vị nhân sinh" thì Nguyễn Tuân là nhà văn của "nghệ thuật vị nghệ thuật". Ngòi bút của ông đơn thuần viết ra vì cái đẹp và ông cũng dành cả đời của mình để theo đuổi cái đẹp trên thế gian. Chính vì thế, nhà văn đã viết nên tập "Vang bóng một thời" nhằm tri ân, lưu trữ và thưởng thức những nét đẹp cổ truyền. Trong đó, "Chém treo ngành" là tác phẩm mở đầu cho tập truyện ngắn này. Bát Lê là nhân vật chính trong câu chuyện, ông là một đao phủ nổi tiếng với món nghề chém treo, là cách chém còn chừa lại một miếng da gắn liền phần thân và cổ đồng thời người chém không bị dính một giọt máu nào. Trong truyện, Bát Lê vốn là một đao phủ đã về hưu nhưng được quan trên (quan Tổng lý Quân vụ) mời ra chém mười hai tử tù nhằm khoe tay nghề của Bát Lê với quan Công sứ mới đến. Điều đặt biệt trong câu chuyện này là việc Bát Lê luyện nghề ở vườn chuối. Nguyễn Tuân miêu tả: "Bát Lê lại tiến thêm ba bước đến ngang tầm cây chuối hàng đầu dẫy bên trái, Bát Lê thuận đà thanh quất, lại chém xuống đấy một nhát thứ hai. Một thân cây thứ hai gục xuống nữa như một thân hình người quỳ, chịu tội. Thế rồi vừa hát vừa chém bên trái, vừa chém bên phải, Bát Lê đã hát hết mười bốn câu, và đánh gục mười bốn cây chuối" Để tăng phầnhồi hộp và rùng rợn nhà văn đã tả cảnh rất trịnh trọng, cảnh tĩnh cũng như hoạt cảnh: "Trước nhà rạp người ta đã chôn sẵn mười hai cái cọc tre bị vồ gỗ đập mạnh xuống toét cả đầu.. Trời chiều có một vẻ dữ dội. Mặt đất thì sáng hơn nền trời. Nền trời vẩn những đám mây tím đỏ vẽ đủ mọi hình quái lạ. Những bức tranh mây chó mầu thẫm hạ thấp thêm và đè nặng xuống pháp trường oi bức và sáng gắt. Mọi người chờ đợi một cái gì." Trong đấy, Nguyễn Tuân đã đem những yếu tố âm thanh, ánh sáng, hình ảnh đầy ma mị và rừng rợn để làm tăng sự sợ hãi trong rung cảnh chám cây chuối rất đỗi bình thường. Điều này nói lên sự tôn trọng của nhà văn đối với nghề đao phủ bởi mỗi nhát chém của Bát Lê đều là mỗi lần ông làm việc hết sức nghiêm túc và tận tâm. Ngoài ra, việc Bát Lê luyện tập chém cây chuối mỗi ngày là cách mà ông tôn trọng mỗi tử tù, muốn người chết được ra đi một cách thoải mái nhất và tạo nên nghệ thuật độc đáo cho nghề đao phủ. Có thể nói, "Chém treo ngành" là một truyện ngắn rất đặt biệt của Nguyễn Tuân. Bởi đây là câu chuyện với đề tài hết sức rung rợn, tàn nhẫn nhưng vẫn chứa đựng tình yêu với nghệ thuật truyền thống của nhà văn. Từ đó ta có thể thấy rõ hơn về ước muốn được truyền tải cái đẹp cuộc sống của nhà văn đến với độc giả dẫu ở bất kì lĩnh vực nào đồng thời cũng thể hiện vốn hiểu biết thâm sâu của chính ông.

    Hai tác phẩm văn học thuộc hai trường phái và hai quan điểm nghệ thuật khác nhau (Chủ nghĩa hiện thực – "Một bữa no" và chủ nghĩa lãng mạn – "Chém treo ngành") nhưng vẫn chứa đụng các chi tiết nghệ thuật vô cùng đắt giá làm nên thành công riêng cho mỗi tác phẩm. Đồng thời, các chi tiết ấy đem lại cho người đọc cái nhìn đa chiều và đặc sắc hơn về bản sắc văn hóa, thời đại cũng như phong cách của người viết. Tuy nhiên, muốn viết nên được những chi tiết nghệ thuật như thế, ta đòi hỏi ở người nghệ sĩ một quá trình lao động nghệ thuật thật sự tâm huyết.


    "Tôi đóng cửa phòng thơ hì hục viết

    Nắng trôi qua oan uổng biết bao ngày."

    (Chế Lan Viên)

    Bởi mỗi chi tiết nghệ thuật đều thể hiện trong đó những tâm tư tình cảm và tư tưởng mà người nghệ sĩ muốn đem vào.

    "Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ

    Mới thu về một chữ mà thôi

    Những chữ ấy làm cho rung động

    Triệu trái tim trong triệu năm dài"

    (Mayakovsky)

    Sáng tạo nghệ thuật là một công việc đầy khó khăn. Và trong đó, con đường tìm kiến những chi tiết đắt giá cho "đứa con tinh thần" của người nghệ sĩ cũng chẳng hề dễ dàng. Họ phải thức thâu đêm, nghĩ ra rất nhiều ý tưởng rồi lại lần lượt loại bỏ nó để rồi tìm ra cho mình một chi tiết bản thân ưng ý nhất. Ngoài ra, có đôi lúc những chi tiết đáng chú ý trong mỗi tác phẩm cũng chỉ là sự tình cờ mà người viết không hề hay biết. Tuy nhiên, dẫu những chi tiết ấy được hình thành thế nào thì ta cũng không thể phủ nhận độ quan trọng của nó trong mỗi tác phẩm. Nó là linh hồn, là nhụy hoa của câu chuyện và là tư tưởng mà nhà văn muốn truyền tải. Đồng thời từ những chi tiết ấy, người đọc có thể hiểu rõ hơn về tác giả, tạo nên mối liên kết vô hình giữa người viết – bạn đọc, giúp đời sống văn chương ngày càng phong phú và đa dạng hơn.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem




    Góc bàn luận: [Thảo luận - Góp ý] - Góc Bình Luận: Tác Giả Thích Vị
     
    Last edited by a moderator: 3 Tháng mười 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...