Llvh đoạn đêm đông trong vợ chồng a phủ

Thảo luận trong 'Hỏi Đáp' bắt đầu bởi Nguyên Anh 2228, 9 Tháng bảy 2022.

  1. Nguyên Anh 2228

    Bài viết:
    3
    chào các bạn, đây là bài viết đầu tiên của mình trên trang web này.

    Mình là một 2k4-er vừa mới thi xong Đại học, giờ mình đang khá rảnh nên muốn tìm chút gì đó để làm, mình sẽ chăm chỉ đăng bài liên quan đên các TPVH lớp 12 về những kiến thức mình đã tổng hợp và học được nhé.

    Mong các bạn sẽ đón nhận chúng <3 đây đều là những kiến thức rất hay và hữu ích cho các bạn đó ạ.

    VÀ ĐÂY LÀ VỢ CHỒNG A PHỦ

    đoạn đệm LLVH về nhân vật​

    Tô Hoài quan niệm: Nhân vật là trụ cột sáng tác, phải chuẩn bị nhân vật trước tiên. Đây là một quan niệm mới mẻ, tiến bộ và là yêu cầu quan trọng của một tác phẩm. Sự thành công – thất bại của một tác phẩm, tài năng của một tác giả văn học phụ thuộc rất nhiều trong việc xây dựng, khắc họa nhân vật trong tác phẩm. Là một người nghệ sĩ chân chính, trước khi cầm bút và đặt bút viết văn, bao giờ Tô Hoài cũng phải lựa chọn, chuẩn bị nhân vật trước tiên vì nhân vật là trụ cột sáng tác, là linh hồn của đứa con tinh thần của mình. Chính vì sự chuẩn bị chu đáo về nhân vật đã khiến bạn đọc thực sự ấn tượng về sáng tác của Tô Hoài bởi đó không phải là những nhân vật tầm thường mà đó là những nhân vật đặc biệt để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, nhân vật Mị chính là một trong những nhân vật điển hình và thành công của Tô Hoài​

    đoạn tóm tắt trước khi vào phân tích​

    Mị là một cô gái Mông trẻ trung, xinh đẹp, giàu tài năng và khát vọng, và là một người con hiếu thảo. Cuộc đời Mị tưởng cứ thế mà trôi đi trong những tháng ngày bình yên, hạnh phúc thế nhưng sống dưới sự cai trị của bọn thực dân – phong kiến miền núi, cuộc đời của cô gái trẻ ấy lại đầy bi kịch. Vì món nợ truyền kiếp, Mị bị bắt về làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra, và cũng từ đó, cuộc sống của Mị là chuỗi dài của những khổ đau, bất hạnh. Từ một cô gái trẻ trung phơi phới, với tiếng sáo đầy hấp dẫn, Mị trở nên câm lặng, tê dại, quanh năm suốt tháng chỉ biết vùi mình vào công việc. Thế nhưng, với tấm lòng yêu thương và trân trọng con người, nhà văn Tô Hoài đã phát hiện sức sống mãnh liệt của Mị ẩn tàng trong dáng vẻ lùi lũi, lặng lẽ và miêu tả vô cùng thành công trong đoạn đêm tình mùa xuân. Sự trỗi dậy ấy chỉ diễn ra trong khoảnh khắc ngắn ngửi nhưng đủ để thấy sức sống trong Mị chưa khi nào nguội lạnh, ngọn lửa khát khao tình yêu, hạnh phúc chưa khi nào bị dập tắt mà nó chỉ khuất nẻo ở một góc nào đó nơi sâu thẳm trái tim, chỉ cần có cơ hội là nó sẽ bùng cháy mãnh liệt. Cơ hội ấy lại đến với Mị, trong đêm mùa đông.

    LLVH chi tiết Mị dậy lên lòng thương A Phủ​

    Theo quan điểm của nhà văn của Nguyễn Minh Châu, suy cho cùng "Văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm làcon người" và "Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi, đày đọa đến ê chề và nhà văn xuất hiện trên cõi đời này là để bênh vực cho những con người không còn có ai để bênh vực". Xét trên bình diện nhân văn ấy thì đích đến cuối cùng của nghệ thuật là để cứu vớt con người, có lẽ chính vì vậy mà ngay trong lúc tưởng như A Phủ sắp phải chết, chết đau, chết đói, chết rét và tình trạng của Mị tưởng chừng chỉ là sự hiện diện của con người vô tri thì Tô Hoài đã phả vào đấy tấm lòng, sự trân trọng của ông đối với con người bởi không có gì cao quý bằng hai chữ con người. Từ vô cảm, Mị đã đồng cảm với số phận của A Phủ

    LLVH chi tiết ' ĐÁM THAN ĐÃ VẠC HẲN LỬA '​

    Ý nghĩa chi tiết: Đám than đã vạc hẳn lửa là Chi tiết nghệ thuật đầy ẩn ý

    - -> Kiến thức lý luận văn học Bàn về truyện ngắn, có ý kiến cho rằng: Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn đặt lên vai các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ. Theo quy luật điển hình hóa của văn học, thì qua một giọt sương có thể thấy cả bầu trời; qua một hạt cát nhỏ mà thấy được cả sa mạc mênh mông. Nghệ sĩ lớn là người có khả năng chưng cất cả đại dương vào trong một giọt nước, cả vũ trụ vào trong một giọt sương. Chi tiết đôi khi nhỏ bé, tưởng như vặt vãnh thế nhưng nó lại phản chiếu tất cả tác phẩm. Và với Tô Hoài thì sáng tạo các chi tiết nghệ thuật có lẽ là một trong những thế mạnh của ông, nhưng cái tài của ông là không sáng tạo gượng ép mà để nó tự nhiên trong mạch ngầm dạt dào của tác phẩm. Từ chi tiết TIẾNG SÁO TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN đến DÒNG NƯỚC MẮT A PHỦ hiện hữu sống động trong ánh lửa và cả ĐÁM TRO THAN lúc này cũng đều là những hạt bụi vàng của tác phẩm.

    Trong tác phẩm VCAP, lửa xuất hiện 4 lần:

    + ngọn đèn trong đêm tình mùa xuân mà Mị đã thắp sáng cả căn buồng chật hẹp, u tối. Ngọn đèn đã sưởi ấm tâm hồn Mị

    + ngọn lửa trong đêm mùa đông trên núi cao đã soi tỏ sự tê liệt của Mị

    + ánh lửa bập bùng một làm hiện ra dòng nước mắt lấp lánh của A Phủ bò xuống. Ngọn lửa đã soi vào nỗi đau của A Phủ, hiện hữu sống động trong bi kịch của A Phủ

    + lửa xuất hiện trong chi tiết đám than đã vạc hẩn lửa

    - Đám than đã vạc hẳn lửa khiến bóng tối tràn ngập không gian. Ngọn lửa vật lý, ánh sáng tự nhiên vụt tắt, ẩn mình khuất lấp trong những tàn than. Nó nhường bước cho ngọn lửa mới – lửa hồng tâm hồn, lửa hồng nhân văn – ngọn lửa trong tâm hồn Mị.

    - Đám than tàn cũng là lúc ngọn lửa trong Mị bùng cháy lên. Ngọn lửa ấy đã soi rọi quá khứ, hiện tại của đời Mị, khiến Mị nhớ lại đời mình và chợt nhận ra đời Mị chỉ thấy toàn là khổ đau, bất công, ngang trái

    Liên hệ thơ cho chi tiết Mị chạy theo A Phủ​

    Bài thơ: Ta đi tới của Tố Hữu

    Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

    Đã bước dưới mặt trời cách mạng.

    Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao Lạng

    Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

    Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

    Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp!

    Ta đi tới, trên đường ta bước tiếp,​

    Trong hình ảnh những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu – lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp chắc chắn sẽ có những đôi chân như của Mị, của A Phủ, những đôi chân cam trường, những đôi chân dũng cảm, những đôi chân tìm kiếm miền đất hứa, miền đất tự do. Chắc chắn những bàn chân đó sẽ đạp lên đầu của bóng đêm thần quyền – cường quyền để rồi tự giải phóng cho cuộc đời của mình. Đó cũng chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm mà Tô Hoài gửi gắm

    KẾT BÀI THAM KHẢO

    "Những trang sách suốt đời đi vẫn nhớ

    Như đám mây ngũ sắc ngủ trên đầu" (Lưu Quang Vũ)​

    Quả thật, có những tác phẩm ra đời rồi nhanh chóng chìm vào quên lãng nhưng cũng có những trang sách như những đám mây ngũ sắc rực rỡ khiến suốt đời ta say mê. Đã gần bảy mươi năm kể từ khi truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" ra đời, tác phẩm vẫn chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim người đọc. Mỗi khi lần giở lại từng trang sách, ta sẽ không thể quên mảnh đất Tây Bắc với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và nhất là nhân vật Mị - cô gái Mèo xinh đẹp, dù bị đọa đày trong đau khổ vẫn vươn mình lên hướng về ánh sáng như những bông hoa ban đầy sức sống của núi rừng.

    cảm ơn các bạn đã đọc <3
     
    Dungggg Do thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...