Ôn tập đọc hiểu Thơ văn Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mẩu Tũn, 17 Tháng mười 2023.

  1. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    ÔN TẬP ĐỌC HIỂU THƠ VĂN NGUYỄN DU

    1. Giới thiệu ngắn gọn về tác giả Nguyễn Du.

    -
    Nguyễn Du tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, sinh ngày 3 /1 /1766 tại phường Bích Câu - Thăng Long. Ra đi thanh thản năm 1820 tại Huế. Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Đó là một gia đình có truyền thống yêu văn chương nghệ thuật. Ông có một cuộc đầy rẫy bi kịch và đau thương.

    - Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa thế giới, là đại thi hào lỗi lạc của thơ ca trung đại Việt Nam. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm tiêu biểu được cả thế giới biết đến như thi phẩm Truyện Kiều- đỉnh cao của văn học dân tộc, là tinh hoa văn hóa vang vọng ngàn đời.

    2. Phong cách sáng tác của Nguyễn Du:

    Có thể nói phong cách sáng tác của Nguyễn Du được gói gọn trong một từ "thương (Thương người, thương đời và thương mình) không phải ngẫu nhiên mà Tố Hữu viết:

    " Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

    Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày "

    Sống giữa thời cuộc đất nước gặp những biến động dữ dội," kinh thiên động địa", thơ văn Nguyễn Du nhìn chung đã phản ánh được sự tàn bạo của xã hội phong kiến bấy giờ. Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, ông đã khắc họa những bất công, sự chà đạp lên người lao động, đòi quyền tự do, quyền sống của con người.

    Nguyễn Du là người tài hoa, thông thạo nhiều thể thơ chữ Hán từ thơ lục bát, năm chữ, bảy chữ.. nên đã vẽ nên một bức tranh truyền cảm bằng ngôn từ đề cao quyền sống, sự tự do và khát vọng hạnh phúc của con người, đặc biệt là người phụ nữ tài hoa bạc mệnh trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ.

    Thơ, truyện của Đại thi hào Nguyễn Du luôn rực rỡ sắc màu, tràn đầy sức sống, giàu đường nét chủ yếu đề cập đến đời sống, thế sự. Tác phẩm chữ Hán của ông nhiều nhưng mãi đến năm 1959 mới được các nhà Nho Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh sưu tầm và dịch.

    [​IMG]

    3. Một số đề ôn tập đọc hiểu Thơ văn Nguyễn Du

    Đề tham khảo 1:

    Đọc đoạn trích sau:

    Lược dẫn:
    Trong tiết Thanh Minh, Thúy Kiều cùng với Thúy Vân và Vương Quan đi chơi xuân, khi trở về, gặp một nấm mộ vô danh ven đường, không người hương khói. Kiều hỏi thì được Vương Quan cho biết đó là mộ Đạm Tiên, một ca nhi nổi danh tài sắc nhưng bạc mệnh.

    Lòng đâu sẵn mối thương tâm,

    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.

    Đau đớn thay phận đàn bà!

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

    Phũ phàng chi bấy hóa công,

    Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.

    Sống làm vợ khắp người ta,

    Hại thay thác xuống làm ma không chồng.

    Nào người phượng chạ loan chung,

    Nào người tích lục tham hồng là ai?

    Đã không kẻ đoái người hoài,

    Sẵn đây ta thắp một vài nén nhang.

    Gọi là gặp gỡ giữa đàng,

    Họa là người dưới suối vàng biết cho.

    Lầm rầm khấn vái nhỏ to,

    Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.

    Một vùng cỏ áy bóng tà,

    Gió hiu hiu thổi một và bông lau.

    Rút trâm giắt sẵn mái đầu,

    Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.

    Lại càng mê mẩn tâm thần

    Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.

    Lại càng ủ dột nét hoa,

    Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.


    (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2013)​

    Thực hiện các yêu cầu sau?

    Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích?

    Câu 2. Đoạn trích trên có sử dụng kết hợp các phương thức biểu đạt nào?

    Câu 3. Đoạn trích sử dụng điểm nhìn của nhân vật nào?

    Câu 4: Nêu nội dung khái quát của đoạn trích?

    Câu 5. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn câu thơ cuối?

    Câu 6: Em hãy nêu chủ đề của đoạn trích?

    Câu 7: Theo em, quan niệm Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung có còn đúng với xã hội hiện nay không? Lí giải?

    Câu 8: Em có suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn trích? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1:


    Thể thơ: Lục bát

    Câu 2:

    Phương thức kết hợp: Tự sự và biểu cảm

    Câu 3:

    Điểm nhìn của nhân vật Thúy Kiều

    Câu 4:

    -
    Nội dung khái quát của đoạn trích:

    + Nỗi thương cảm của Thúy Kiều đối với Đạm Tiên

    + Nỗi thương cảm của Thúy Kiều đối với những người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh

    Câu 5:

    - Biện pháp tu từ: Điệp từ

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh làm nổi bật tâm trạng đau đớn, xót xa của Thúy Kiều khi thăm mộ Đạm Tiên.

    + Thể hiện sự đồng cảm, niềm xót thương sâu sắc của nàng Kiều dành cho Đạm Tiên.

    Câu 6:

    Chủ đề của đoạn trích: Thông qua tâm trạng xót xa, thương cảm của Thúy Kiều dành cho Đạm Tiên, đoạn trích thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du: Đồng cảm, xót thương đối với những người phụ nữ hồng nhan, bạc mệnh nói riêng và thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến nói chung.

    Câu 7

    - Quan niệm Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung không còn đúng với xã hội hiện đại.

    - Lí giải: Vì trong xã hội hiện đại, nam nữ đã bình đẳng, bình quyền, người phụ nữ không còn bị ràng buộc hay phụ thuộc vào nam giới, họ đã có quyền tự chủ, tự quyết định cuộc đời và số phận của mình.

    Câu 8: Suy nghĩ gì về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến sau khi đọc đoạn trích:

    - Với quan điểm trọng nam khinh nữ, người phụ nữ trong xã hội phong kiến thường không có tiếng nói, không tự quyết định được cuộc đời của mình

    - Là phái đẹp, họ vừa được nâng niu, nhưng cũng dễ trở thành món đồ chơi trong tay nam giới

    - Khi còn hương sắc, họ được yêu mến, nhưng khi hương sắc tàn phai, họ lại bị chà đạp, hắt hủi, ruồng rẫy, bỏ rơi..

    Xem tiếp bên dưới.. (Đề 2)
     
    chiqudoll, Admin, Annie Dinh4 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng mười một 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Đề tham khảo số 2: Đọc hiểu tạp thi 1

    Đọc bài thơ sau:

    TẠP THI 1

    Trai tài đầu bạc ngóng trời than,

    Dựng nghiệp, mưu sinh luống lỡ làng.

    Thu cúc xuân lan thành chuyện hão,

    Hạ nồng đông rét giục ngày tàn.

    Chó vàng thủ mãi quanh Hồng Lĩnh,

    Mây trắng đau nằm cạnh Quế Giang

    Vẫn thích ở quê luôn có rượu

    Ba mươi đồng sẵn túi còn mang.


    (Tạp thi 1 – Nguyễn Du, Nguyễn Thạch Giang dịch, in trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1978)​

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào?

    Câu 2: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong bài thơ?

    Câu 3: Cảm xúc chủ đạo của bài thơ trên là gì?

    Câu 4: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơ sau: "Trai tài đầu bạc ngóng trời than" ?

    Câu 5: Nêu khái quát nội dung của bài thơ?

    Câu 6: Bạn hiểu như thế nào về hình ảnh "trai tài đầu bạc ngóng trời than" ở câu đầu của bài thơ?

    Câu 7: Bạn có nhận xét gì về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ? (1, 0 điểm)

    Câu 8: Từ nội dung bài thơ, bạn có suy nghĩ gì về trách nhiệm của con người đối với xã hội? (Viết khoảng 5 – 7 dòng)

    Đáp án tham khảo:

    Câu 1:

    - Thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật.

    Câu 2.

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 3:

    - Cảm xúc chủ đạo: Chán nản, buồn bã

    Câu 4.

    - Biện pháp tu từ: Hoán dụ

    - Tác dụng: Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ.

    - Diễn tả rõ nét sự trôi chảy của thời gian mà tuổi già đã tới, công danh sự nghiệp còn dang dở.

    Câu 5

    - Bài thơ thể hiện nỗi lòng của tác giả trước sự trôi chảy của thời gian mà con đường công danh, sự nghiệp vẫn còn dang dở đồng thời thể hiện sự buồn bã khi những người có tài mà không gặp thời vận, lận đận không được trọng dụng.

    Câu 6:

    - Hình ảnh "trai tài đầu bạc" ở câu đầu của bài thơ nói lên tâm trạng phẫn uất của tác giả: Là người có tài nhưng không gặp thời, tuổi già đã đến mà đường công danh vẫn còn dang dở.

    Câu 7:

    - Nhận xét về tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Đó là một con người chất chứa trong lòng nhiều nỗi ưu tư, phiền muộn: Có tài mà không gặp thời, chưa lập được công danh, trong khi đó cứ phải sống mãi cuộc sống quẩn quanh tù túng ở chốn quê nhà, với những thú vui thường ngày, nhìn thời gian cứ vùn vụt trôi qua mà bất lực.

    Câu 8:

    - Suy nghĩ gì về trách nhiệm của con người đối với xã hội:

    + Con người là một "phần tử" của xã hội, cho nên, mỗi người cần phải có trách nhiệm đối với xã hội

    +Con người cần phải ra sức học tập, lao động, cống hiến để xã hội phát triển

    + Con người cần biết sống yêu thương người khác, cần biết lên tiếng đấu tranh đối với những cái xấu, cái ác trong xã hội, để xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

    Xem tiếp đề 3: ĐỌC HIỂU LỖI DƯƠNG ĐỖ THIẾU LĂNG (1) MỘ
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng hai 2024
  4. Mẩu Tũn

    Bài viết:
    316
    Đề tham khảo số 3

    ĐỌC HIỂU LỖI DƯƠNG ĐỖ THIẾU LĂNG (1) MỘ

    Phiên âm

    Thiên cổ văn chương thiên cổ si (sư),

    Bình sinh bội phục vị thường li.

    Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ,

    Thu phố ngư long hữu sở ti (tư).

    Dị đại tương liên không sái lệ,

    Nhất cùng chí thử khởi công thi?

    Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị?

    Địa hạ vô linh quỷ bối xi.

    Dịch nghĩa

    MỘ ĐỖ THIẾU LĂNG Ở LỖI DƯƠNG

    Văn chương ông lưu truyền muôn đời, ông cũng là bậc thầy muôn đời,

    Bình sinh khâm phục ông, không lúc nào ngớt.

    Cây tùng cây bách ở Lỗi Dương không thấy đâu nữa,

    Trong lúc cá rồng nằm bến thu, chạnh lòng tưởng nhớ.

    Ở hai thời đại khác nhau, thương nhau luống rơi nước mắt,

    Ông cùng khổ như thế há phải vì thơ hay?

    Cái bệnh lắc đầu cũ, bây giờ đã khỏi chưa?

    Dưới suối vàng đừng để bọn quỷ cười.

    Dịch thơ

    Nghìn thuở văn chương đúng bậc thầy,

    Trọn đời khâm phục dám đơn sai.

    Bách tùng đất Lỗi tìm đâu thấy,

    Rồng cá sông thu nhớ chửa khuây.

    Rơi lệ luống thương người thuở trước,

    Hay thơ há bởi cực nhường này?

    Lắc đầu bệnh cũ khỏi hay chửa?

    Đừng để bầy ma nhạo báng rầy.

    (Thơ chữ Hán Nguyễn Du, NXB Văn học, Hà Nội, 1978, trang 322 – 324

    * * *

    (1) Đỗ Thiếu Lăng: Tức Đỗ Phủ (712 – 770), nhà thơ vĩ đại đời Đường.

    2 Lỗi Dương.. xứ: Ở phía đông nam huyện Hành Dương, tỉnh Hồ Nam (đời Thanh thuộc Hàng Châu (Trung Quốc)) . Theo tiểu sử của Đỗ Phủ thì Đỗ Phủ mất trên một con thuyền ở phía thượng du sông Tương. Sau khi chết, gia đình nghèo không có sức đem về quê an táng, bèn táng ở Nhạc Châu. Bốn mươi ba năm sau (813), cháu là Đỗ Tự Nghiệp mới dời thi hài từ Nhạc Châu về táng ở chân núi Thú Dương (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc). Tuy vây, ở Lỗi Dương cũng có một ngôi mộ giả để tưởng nhớ nhà thơ. Ngôi mộ này do huyện lệnh Lỗi Dương họ Nhiếp cho xây. Nguyên lúc còn sống, Đỗ Phủ đến Hàng Châu định xuống Bân Châu ở phía nam tìm ông cậu là Thôi Vũ làm lục sự tham quân ở đó. Ông huyện lệnh Lỗi Dương được tin, gửi thư hỏi thăm và đưa rượu thịt tặng nhà thơ. Đỗ Phủ có làm một bài thơ cảm ơn, nhưng gặp lụt, nước sông lên to, không đem bài thơ đó cho họ Nhiếp được, mà lại trở về Hàng Châu. Đến khi nước xuống, họ Nhiếp sai người tìm Đỗ Phủ, tìm không ra, tưởng nhà thơ bị nước cuốn đi rồi nên mới xây một ngôi mộ để tưởng nhớ.

    (3) Thu phố.. ti (tư) : Trong bài thơ Thu hứng IV, Đỗ Phủ có viết: "Ngư long tịch mịch thu giang lãnh, / Cố quốc bình cư hữu sở tư." (Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh, / Nước cũ ngày nào cứ tưởng mơ). Câu thơ của Nguyễn Du ý nói Đỗ Phủ xa quê hương, đến mùa thu lại nhớ nhà.

    (4) Trạo đầu.. thuyên vị: Tiểu sử nói Đỗ Phủ mắc nhiều bệnh, lúc về già thì điếc, nói chuyện với ai phải viết ra giấy, cánh tay phải tê liệt, lúc viết thư thì con viết thay. Còn như bệnh lắc đầu, không thấy nói đến.

    Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5 (trả lời ngắn gọn)

    Câu 1 (0, 5 điểm). Nêu cách gieo vần của bài thơ?

    Câu 2 (0, 5 điểm). Nguyên tắc đối cố định của thơ thất ngôn bát cú Đường luật thể hiện như thế nào?

    Câu 3 (1, 0 điểm). Hai câu đề, có nhiệm vụ gợi ra sự việc trong bài thơ. Vậy, trong bài thơ Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương của Nguyễn Du gợi ra sự việc gì?

    Câu 4 (1.0 điểm). Hai câu luận, được dùng để nói lên cảm xúc/ý kiến của tác giả. Anh/chị hãy phân tích ngắn gọn cách thể hiện của tác giả trong hai câu luận đó.

    Câu 5 (1 điểm). Từ chủ đề bài thơ, theo anh/ chị, đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi gắm khát vọng/ thông điệp gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu
    1

    - Tiếng thứ 2 của câu 1 là vần trắc (cổ) nên luật trắc

    - Tiếng thứ bảy của câu 1, 2, 4, 6, 8 là vần bằng (si, li, ti, thi, xi) nên bài thơ làm theo vần bằng

    Câu 2

    Đối cặp 3, 4 và 5, 6

    Câu 3

    Hai từ thiên cổ (nghìn năm) được đặt trong cùng một câu thơ vẻn vẹn 7 chữ vừa giới thiệu, vừa khẳng định giá trị bất hủ của thơ văn và con người Thi thánh Đỗ Phủ: Văn chương ông (Đỗ Phủ) lưu truyền cả ngàn năm và là bậc thầy ngàn đời. Suốt đời vẫn khâm phục và không rời xa thơ của ông.. Câu nói ấy của Tố Như đã là sự kính trọng sâu xa với một hiền tài có số phận vất vả, long đong như Đỗ Phủ.

    Câu 4

    - Hai câu hỏi tu từ phác họa rõ nét giọt nước mắt "sái lệ' đau đớn, xót xa cho cuộc đời khốn cùng của thi nhân Đỗ Phủ; nỗi ai oán, day dứt, bất lực trước" : Cái án" "tài mệnh tương đố" – thơ tuyệt bút – người cùng khổ - mà Đỗ Phủ và bao kiếp tài hoa khác phải nếm trải.. Nguyễn Du đã hóa thân, đồng điệu cùng nỗi đau chung của những con người tài đức vẹn toàn

    Câu 5

    - Chủ đề: Sự khẳng định giá trị văn chương muôn đời của nhà thơ Đỗ Phủ và tiếng nói tố cáo xã hội phong kiến đầy đọa, vùi dập phẩm giá của con người

    - Thông điệp:

    + Mỗi lúc gặp lại hình ảnh người xưa – những văn nhân tài tử, ông luôn liên hệ đến mình, soi rọi lại chính mình để gọi về một chút niềm kiêu hãnh.

    + Khát vọng về sự đồng cảm của hậu thế.
     
    chiqudollAquafina thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...