Việt Nam Giai Thoại - Nguyễn Khắc Thuần

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Mạc Hồng Viên, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 23:

    LÝ LỘC VÀ LÝ TỬ KHẮC ĐUỢC THĂNG TƯỚC NHƯ THẾ NÀO?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lý Lộc và Lý Tử Khắc đều là thân vương của triều Lý, nhưng sau đến triều Trần, do triều đình có lệ bắt những người họ Lý phải đổi thành họ Nguyễn, nên đôi khi, hai người này cũng được sử cũ chép là Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc.

    Thời Lý, cả hai cùng sinh ra trên nhung lụa, cùng làm quan dưới triều Lý Nhân Tông và Lý Thần Tông, cùng có cuộc đời quý tộc rất trưởng giả và cùng có cơ may được thăng tước trong năm Kỉ Dậu (1129), là năm thứ hai trong đời trị vì của vua Lý Thần Tông (1128- 1138). Lý Lộc gặp may vào tháng 2 còn Lý Tử Khắc gặp may vào tháng 3. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3 tờ 33 a - b và tờ 34 a) đã chép về sự may mắn của họ, kèm theo lời bình của sử gia đời Trần là Lê Văn Hưu như sau :

    "Thân vương Lý Lộc tâu rằng, ở núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thái úy Dương Anh Nhĩ đi bắt được, bèn cho Lộc tước Đại liêu ban".

    "Tháng 3, Lý Tử Khắc dâng lời tâu rằng, rừng ở Giang Để (có lẽ là vùng Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày nay) có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đi bắt được, bèn thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, xếp vào hàng tước minh tự, được đội mũ bảy cầu".

    Lê Văn Hưu nói : "Phàm người xưa gọi là điềm lành là nói việc được người hiền và được mùa, ngoài ra không có gì đáng gọi là điềm lành cả. Còn như chim quý thú lạ thì không nên nuôi ở kinh đô, ấy cũng là lời răn của tiên vương để lại. Thần Tông nhân Nguyễn Lộc và Nguyễn Tử Khắc dâng hươu trắng, cho vật ấy là điềm lành, Tặng Lộc tước Đại liêu ban và Tử Khắc tước minh tự, thì cả người tặng thưởng và người nhận thưởng đều là sai cả. Vì sao? Thần Tông vì dâng thú mà cho quan tước thế là lạm thưởng, Lộc và Khắc không có công lao mà dám nhận thưởng, thế là dối vua".

    Lời bàn :

    Ai bảo chuyện hươu chuyện vượn là chuyện tào lao, còn đây, chuyện hươu lại thực là chuyện làm nên danh vọng. Những kẻ vào sống ra chết để giữ gìn xã tắc, những người cúc cung tận tụy để dân giàu nước mạnh.. dễ gì đã được thiên tử đoái hoài cất nhắc. Điềm lành đâu?
     
  2. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 24:

    VÌ SAO TRẦN NGỌC KHÁNH ĐƯỢC ĐỔI GỌI LÀ TRẦN THIỆN GIÁN?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các tác giả sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 25) có dẫn sách Danh tiết lục của Trần Kỳ Đằng để chép một chuyện xảy ra vào năm Kỉ Dậu (1129) như sau :

    "Từ tháng 2 năm ấy đến mãi tháng 3 không mưa. Nhà vua (Lý Thần Tông) thân đi cầu mưa mà không ứng nghiệm, nhân đó nói với các quan hầu cận rằng :

    - Trẫm là người ít đức, can phạm đến trời để làm mất hòa khí. Mùa xuân năm ngoái thì mưa dầm, mùa xuân năm nay lại đại hạn. Trẫm lấy làm lo lắng lắm. Các khanh nên nghĩ xem, nếu thấy trẫm có điều gì lầm lỗi thì bổ cứu lại cho trẫm.

    Viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh tiến lên nói rằng :

    - Ba tháng mùa xuân là dịp sinh nở của muôn vật. Trời không mưa thì sinh sống của các loài sẽ ra sao? Hoặc giả là hình ngục có sự oan uổng, sai trái, làm hại đến hòa khí chăng? Kinh Thi có câu rằng, chính lệnh của Vua mà sai lệch vì quá nghiêm khắc thì điềm dữ sẽ đến, ấy là nắng nhiều. Vậy xin Bệ hạ nghĩ lại.

    Nhà vua cho là phải, bèn xuống chiếu tha các tội nhân trong nước. Tháng 4 trời mưa. Người ta gọi Trần Ngọc Khánh là Trần Thiện Gián (nghĩa là ông người họ Trần giỏi can gián)".

    Lời bàn :

    Vua Lý Thần Tông lên ngôi lúc chỉ mới 12 tuổi. Vua trẻ người non dạ lại rất mê tín dị đoan. Trong triều, bọn gian thần cơ hội và xu nịnh thì nhiều, người liêm chính và trung quân ái quốc lại quá ít. Vua cầu mưa không ứng nghiệm, lòng vì lo sợ mà cho các quan nói lời bổ cứu, chớ thực tình, Nhà vua nào có muốn nghe ý kiến của triều đình về quốc kế dân sinh. Lời của viên ngoại lang Trần Ngọc Khánh chỉ là lời nói cho có, làm sao mà gọi được là lời can gián Nhà vua? Các quan đương thời cùng nương theo sự tin dị đoan của Nhà vua mà nịnh khéo Vua bằng cách gọi Trần Ngọc Khánh là Tràn Thiên Gián đó thôi.
     
  3. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 25:

    NHÂN CÁCH VUA LÝ THẦN TÔNG.

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vua Lý Thần Tông (1128 - 1138) nổi tiếng hơn người ở chỗ rất ưa tin dị đoan. Ở đời, cha nào con nấy, thân phụ của Vua là Sùng Hiền Hầu (em ruột vua Lý Nhân Tông) cũng rất nổi tiếng là người tin dị đoan, từng nói rằng vua Lý Thần Tông chính là do nhà sư Từ Đạo Hạnh thác hóa đầu thai mà có. Vua tin dị đoan thì thiên hạ cũng vì thế mà có thêm lắm kẻ tin dị đoan. Tin thật cùng có mà giả vờ tin cũng có. Điềm lành dở, vật khác thường và chuyện kinh dị.. cứ thế phủ đầy những trang sử của đời vua Lý Thần Tông. Có một mẩu chuyện đã được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 28) ghi lại sau đây :

    "Nhà vua rất thích những vật lạ, phàm ai có hươu trắng hươu đen hay chim sẻ trắng, rùa trắng.. đều đem dâng Vua cả. Lúc ấy, có Đỗ Khánh là lính ở Tả Vũ Tiệp đem dâng con cá xương và con cá công sắc vàng. (Cá xương là một loại cá biển, cũng gọi là cá hầu. Cá công cũng ở biển, còn gọi là cá chiết, trông gần giống như con cua). Nhà vua cho đấy là điềm lành, bèn xuống chiếu cho bề tôi chúc mừng. Cáp môn sứ là Lý Phụng Ân nói rằng :" Cá là loài nhỏ mọn mà Bệ hạ đã lấy làm điềm lành, vậy nhỡ sau này có người đem tới dâng con lân con phượng thì Bệ hạ sẽ làm sao? ". Bởi lời ấy, việc này mới thôi.

    Bấy giờ, Vương Cửu là lính ở Tả Hưng Vũ đem dâng con rùa, trên mai có những vết hợp thành nét chữ. Vua liền xuống chiếu cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ theo hình nét chữ để đoán. Họ tán ra thành tám chữ Thiên thư hạ thị, thánh nhân vạn tuế nghĩa là : Sách trời bảo cho biết rằng thánh nhân (đây chỉ vua Lý Thần Tông) muôn năm".

    Lời bàn :

    Ở đời, có những người nổi danh chẳng qua chỉ vì họ tầm thường, và họ càng tầm thường thì lại càng trở nên nổi danh hơn. Vua Lý Thần Tông có lẽ cũng tạm xếp vào loại này được. Lời cáp môn sứ Lý Phụng Ân kể cũng là lời thẳng thắn, tiếc là Vua vẫn chứng nào tật nấy. Biết sao hơn được, bởi nhân cách Nhà vua đã định hình quá sớm mất rồi.

    Hậu thế cũng khéo khen cho các học sĩ, nhà sư và đạo sĩ, xu nịnh một người làm hư hại phong hóa một thời, mưu chút lợi nhỏ cho riêng thân để muôn người chê bai.
     
  4. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 26:

    TỪ VĂN THÔNG ĂN HỐI LỘ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 41-b và tờ 42-a) có chép một mẩu chuyện xẩy ra vào tháng 9 năm Mậu Ngọ (1138), khi vua Lý Thần Tông đang hấp hối như sau :

    "Trước kia, Vua đã lập Thiên Lộc làm con nối ngôi. Đến đây Vua đau nặng, ba phu nhân là Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập Thái tử khác, mới sai người đem của đút cho tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng có vâng mệnh để thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời. Đến khi Vua đau nặng, sai soạn di chiếu, Văn Thông tuy vâng mệnh Vua nhưng nhớ lời của ba phu nhân nên cứ cầm bút mà không viết. Lát sau, ba phu nhân đến, khóc lóc thảm thiết thà nói rằng :

    - Bọn thiếp nghe rằng, đời xưa lập con nối ngôi thì lập con đích chứ không lập con thứ. Thiên Lộc là con của người thiếp được vua yêu, nếu cho nối ngôi thì người mẹ tất sẽ tiếm lấn, sinh lòng ghen ghét làm hại, như thế thì mẹ con bọn thiếp tránh sao cho khỏi nạn.

    Vua vì thế xuống chiếu rằng :

    - Hoàng tử Thiên Tộ tuy tuổi còn thơ ấu, nhưng là con đích, thiên hạ đều biết, nên cho nối nghiệp của trẫm, còn Thái tử Thiên Lộc thì phong làm Minh Đạo Vương".

    Lời bàn :

    Phàm người quang minh chính đại, hễ thấy điều gì hợp với đạo nghĩa là làm, không quỵ lụy van xin bất cứ ai. Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh đem vàng hối lộ Từ Văn Thông, ắt hẳn là muốn dùng vàng để che khuất chỗ bất chính của họ. Nước mắt của ba phu nhân là nước mắt thương xót người sắp lìa đời chăng? Tất không phải. Chẳng qua, đó chỉ là chút đưa đẩy cuối cùng, cốt lung lạc cho bằng được Nhà vua đang lúc hấp hối mà thôi. Từ Văn Thông sao lại phải chần chờ? Của đút đã làm vỡ nghiên cong bút mất rồi, bảo viết ngay làm sao được. Cả đời Thần Tông hầu như chẳng quyết đoán được việc gì, huống chi là lúc sức tàn lực kiệt.

    Ôi, vua nhu nhược ấy, bề tôi gian tà ấy, hoàng tộc chia bè kết cánh ấy.. gặp nhau là phải lắm. Rốt cuộc là tất cả họ, nào có ai mất gì, chỉ có nước nhà là mất thời thịnh trị mà thôi.
     
  5. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 27:

    LÝ CÔNG BÌNH MẤT CÔNG TRẠNG

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đầu năm Mậu Thân (1128), nghĩa là ngay khi vua Lý Thần Tông vừa mới lên ngôi, nước ta bị Chân Lạp, đem quân đến quấy phá. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 3, tờ 30 a-b) cho biết rằng, ngày Giáp Dần (tức ngày 29 tháng 1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến vào đánh phá ở bến Ba Đầu của châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan Nhập nội Thái phó là Lý Công Bình cầm quân di đánh giặc. Ngày Quý Hợi (tức ngày 3 tháng 2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp ở bến Ba Đầu, bắt được cả chủ tướng của chúng và rất nhiều quân lính. Thắng trận xong, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về triều báo tin. Cũng sách nói trên (tờ 31-a) chép rằng :

    "Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (tức ngày 15 tháng 2 - ND), Vua ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành để làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp cho Công Bình đánh được người Chân Lạp.

    Lê Văn Hưu nói :" Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thể không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ".

    Lời bàn :

    Lý Công Bình vui nhận mệnh vua mà đem tướng sĩ đi đánh giặc, cũng có thể nói là trung thần Công Bình xuất quân chỉ mới được mấy ngày đã có tin thắng trận báo về, cũng có thể nói rằng ông là người có tài làm tướng. Thưởng người có công, trị người có tội là lệ thường của mọi thời. Tiếc thay, Lý Công Bình chẳng được hưởng sự công bình, bởi vua u mê, cái gì cũng cho là trời Phật làm nên chứ chẳng phải sức người. Sau, đến năm Đinh Tị (1137), ông lại phải thêm một phen cầm quân đi đánh Chân Lạp ở Nghệ An, nhưng cũng chẳng thấy sử chép Nhà vua thưởng gì cho ông, Lý Thần Tông mất năm 1138, thọ 22 tuổi. Diễn đạt theo cách nghĩ của chính Nhà vua lúc sinh thời, thì cũng có thể coi đó là điềm lành cho xã tắc vậy.
     
  6. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 28:

    VỤ ÁN ĐỖ ANH VŨ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đỗ Anh Vũ là quan thái úy phụ chính thời Lý Anh Tông. Vua Anh Tông lên ngôi năm 1138, lúc chỉ mới được hai tuổi, chính sự trong nước vì thế mà gần như đều do Đỗ Anh Vũ quyết đoán cả. Phụ hoàng của Lý Anh Tông là Lý Thần Tông mất lúc mới 22 tuổi, bởi thế, các hoàng hậu và phi tần phải chịu cảnh góa bụa lúc còn quá trẻ. Đỗ Anh Vũ muốn nhân cơ hội đó tư thông với các bà hoàng, gây chuyện dâm loạn trong cung đình. Vì việc này mà một vụ án lớn đã xẩy ra vào năm Canh Ngọ (1150). Năm ấy, vua Lý Anh Tông 14 tuổi. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 7 a-b) đã chép về vụ án này như sau:

    "Trước đó, Vua còn trẻ thơ, mọi việc chính sự lớn nhỏ đều ủy thác cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ Thái hậu, nhân đó mà tư thông với Lê Thái hậu (mẫu hậu của AnhTông), và vì thế mà càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người liếc nhau chứ không ai dám nói. Quan Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ (Cát) Đái, chức Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, chức Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, chức Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh.. cùng hợp mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to lên rằng:

    - Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau.

    (Vua) bèn xuống chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ, trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh và giao cho đình úy xét việc. Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào đồ đựng thức ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hỏa đầu đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:

    - Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai họa về sau.

    Nói rồi, cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng (Thánh) là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, nói ngăn rằng:

    - Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết nhưng còn phải đợi mệnh vua, không nên tự tiện.

    (Nguyễn) Dương giận, chửi rằng:

    - Điện tiền Vũ Cứt Đái chứ chẳng phải Vũ Cát Đái (hai chữ Cát Đái đọc theo âm chữ Nôm là Cứt Đái). Hắn sao mà tham của đút đến quên cả mạng mình!

    Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.

    Bấy giờ, Vua xử án Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi (tức là đày đi là người cày ruộng cho nhà nước ở vùng Cảo Xã, nay thuộc đất Từ Liêm, Hà Nội). Thái hậu lo buồn, cố nghĩ cách để phục hồi chức tước cho Anh Vũ, bèn mở hội lớn nhiều lần để Vua ân xá cho tội nhân, mong rằng Anh Vũ cũng được dự vào đấy. Anh Vũ sau nhiều lần được ân xá tội lại giữ chức thái úy như cũ, càng được yêu dùng hơn, do vậy càng làm oai làm phúc, sát hại mọi người, lúc nào sự thù hằn cũng lộ rõ ra ngoài. (Hắn) còn sợ bọn lính đi bắt bớ thi hành lệnh không được như ý, mới dâng vua hơn một trăm thủ hạ, lập làm đô Phụng Quốc Vệ, hễ ai phạm tội cũng giao cho lính ở đô Phụng Quốc Vệ đi bắt. Anh Vũ tâu Vua rằng:

    - Trước kia bọn Vũ (Cát) Đái tự tiện đem cấm quân xông vào tận cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường trước được.

    Vua chẳng biết gì cả, bèn y lời tâu. Anh Vũ sai đô Phụng Quốc Vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. (Vua) xuống chiếu giáng Trí Minh Vương làm tước hầu, Bảo Ninh Hầu làm tước Minh tự, Bảo Thắng hầu làm Phụng chức, nội thị là bọn Đỗ Ất gồm 4 người bị" cưỡi ngựa gỗ "(đem đóng đinh lên ván, bêu ở chợ rồi sau mới tùng xẻo da thịt), bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ (Cát) Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp.. quả y như lời nói của (Nguyễn) Dương".

    Lời bàn:

    Vũ Cát Đái và những người đồng mưu bắt Đỗ Anh Vũ chẳng qua chỉ vì muốn giành những gì béo bở mà địa vị của Đỗ Anh Vũ có thôi. Có thế họ mới thản nhiên ăn của đút, bất chấp cả sự giận dữ của Nguyễn Dương. Ôi, vua nhỏ tuổi, thái hậu dâm loạn, quyền thần gian tà thi nhau lũng đoạn, phép nước chẳng còn ai lưu tâm tới nữa.. nước chẳng có giặc mà thực là như đang có giặc, nguy lắm thay!
     
  7. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 29:

    CÁI CHẾT CỦA NGUYỄN QUỐC DĨ

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nguyễn Quốc Dĩ (cũng có sách chép là Nguyễn Quốc) vốn người có tài, từng nhận mệnh vua Lý Anh Tông đi sứ sang nhà Tống. Tuy nhiên, con người vốn có tài ấy lại chết một cách tức tưởi vào năm Mậu Dần (1158). Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 6-a) chép rằng:

    "Viên tạ ti Nguyễn Quốc Dĩ đi sứ nhà Tống về. (Ông) tâu vua:

    - Thần đến nước Tống, thấy ở giữa sân (triều đình) có cái hòm bằng đồng để thu nạp những tờ sớ của bốn phương. Thần xin bệ hạ phỏng theo cách đó (mà làm) để thấu rõ được dân tình.

    Vua lấy làm phải, sai làm hòm để ở trước triều đình và lệnh rằng;

    - Ai muốn nói việc gì thì làm giấy bỏ vào hòm đó.

    Khoảng chừng một tháng, các thư sớ đã đầy hòm, trong đó có một tờ sớ nặc danh, bỏ trộm vào hòm, viết rằng:" Thái úy Đỗ Anh Vũ định đem binh vào cung làm loạn ". Kẻ nhận thư bèn đưa cho Anh Vũ. Anh Vũ nói:

    - Ông hãy vì ta mà tâu vua xin xét việc đó.

    Đến khá lâu sau vẫn không tìm ra kẻ viết thư, Anh Vũ bèn tâu vua rằng:

    - Thư ấy tất do người đề xướng việc làm hòm viết ra.

    Vua lấy làm phải, sai bắt Quốc Dĩ và em gái là Nghi giao cho quan xét xử, bày đặt buộc tội cho Quốc Dĩ rồi đày Quốc Dĩ lên trại Quy Hóa. Được ít lâu, vua tính triệu Quốc Dĩ về, Anh Vũ sai người đem thuốc độc cho Quốc Dĩ và nói:

    - Uống thuốc này thì có thể tránh được chướng khí. Quốc Dĩ biết rằng không thể thoát được, bèn uống thuốc độc mà chết".

    Lời bàn:

    Nguyễn Quốc Dĩ muốn bắt chước thiên triều nên mới tâu xin vua đặt cái hòm bằng đồng ở giữa sân rồng. Nhưng ở thời quyền thần lũng đoạn và vu hãm lẫn nhau, vua thì bạc nhược và u mê, thử hỏi cái hòm kia phỏng có ích gì? Xót thay, cái hòm ấy chỉ để chôn Nguyễn Quốc Dĩ với những ý định tốt đẹp của ông mà thôi!
     
  8. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 30:

    THÁI TỬ LÝ LONG XƯỞNG

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lý Long Xưởng sinh năm Tân Mùi (1151) là con trưởng của vua Lý Anh Tông, được Anh Tông cho lập làm Đông cung Thái tử. Với Thái tử Long Xưởng, ngôi vị Hoàng đế Đại Việt tương lai kể như đã cầm chắc trong tay. Thế nhưng, từ khi được lập làm thái tử, Lý Long Xưởng chỉ lo hoang chơi.

    Sự thể quả đúng là "giỏ nhà ai, quai nhà nấy", vua Anh Tông cũng nổi tiếng ăn chơi một thời. Trong Việt sử tiêu án , sử gia Ngô Thì Sĩ đã phải thốt lên rằng: "Ơn trạch của họ Lý đến đây tiêu ma hết cả". Thế nhưng, kẻ nổi tiếng ăn chơi này cũng phải chào thua con mình. Long Xưởng hơn hẳn vua cha ở chỗ, không chỉ ăn chơi mà còn hoang dâm vô độ, đến nỗi bất chấp cả sự loạn luân. Năm Giáp Ngọ (1174), Long Xưởng thông dâm với cả cung phi của Anh Tông. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 8 - a) chép rằng:

    "Long Xưởng có tính hiếu sắc, trong cung có những cung nữ được vua yêu dấu, Long Xưởng đều tư thông với họ. Vua lại ghét Long Xưởng vô lễ. Bà Nguyên phi Từ thị được Vua yêu, Hoàng hậu bèn sai Long Xưởng ngầm giở ngón tư tình để mê hoặc Từ thị, muốn cho bà Từ thị đó bị Vua nhạt tình. Từ thị đem hết việc đó tâu vua, Vua nhân đó mà giận dữ, phế Long Xưởng đi".

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 15 - b) còn cho biết thêm là Long Xưởng bị phế làm thứ dân và bị bắt giam một thời gian. Sau, đến đời vua Lý Cao Tông, vào năm Tân Sửu (1181) Long Xưởng ra tù, lại tụ họp bọn bất lương cướp bóc bừa bãi.

    Lời bàn:

    Thời Tiền Lê có Long Đĩnh, thời Lý lại có Long Xưởng, đất nước phải hai phen kinh hoàng. Nhưng, khác hẳn với thời Tiền Lê, thời vua Lý Anh Tông quả là vô cùng khéo góp: Vua cha hoang chơi, Thái tử hoang dâm, Hoàng hậu thì vì chút lợi riêng mà đang tâm xúi con mình làm điều vô đạo. Cha ấy, mẹ ấy thì con ấy, nào có lạ gì đâu. Vua Lý Anh Tông phế Long Xưởng xuống hàng thứ dân, thế là trong cái sai, còn có thêm cái sai nữa, bởi vì làm thứ dân mà thất đức cũng không thể làm nổi.
     
  9. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 31:

    LÝ LONG TRÁT ĐƯỢC LẬP LÀM THÁI TỬ NHƯ THẾ NÀO?

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi Lý Long Xưởng bị phế, ngôi Đông cung Thái tử của triều Lý vẫn còn tạm để trống, hoàng tộc cũng như triều đình Lý Anh Tông đều lấy đó làm mối lo. Bấy giờ, Lý Anh Tông tuy chưa đầy 40 tuổi, nhưng sức khoẻ lại quá yếu, sống chết chưa biết thế nào.

    Đang khi Anh Tông buồn giận thì bà Đỗ Thụy Châu (mẹ đẻ của hoàng tử Lý Long Trát) sai bà nhũ mẫu bế Long Trát tới. Bấy giờ, hoàng tử Long Trát mới được hơn một tuổi, trông bụ bẫm và rất kháu khỉnh. Chính sự ngây thơ trong trắng của vị hoàng tử tí hon này đã lấy lại sự quân bình cho nhà vua. Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-a) chép rằng:

    "Bấy giờ có nội nhân ẵm Long Trát ra. Long Trát thấy vua đội mũ, liền khóc đòi đội. Vua chưa kịp tháo mũ đưa cho thì càng khóc to hơn. Vua bèn tháo mũ đội cho, Long Trát cả cười. Vua càng lấy làm lạ, bèn quyết ý lập Long Trát làm thái tử".

    Thực ra, ý định lập Long Trát đã có từ trước. Cũng sách trên (tờ 15-b) chép:

    "Một hôm, vua gọi tể tướng đến bảo rằng: Thái tử là gốc lớn của nước, Long Xưởng đã làm điều trái đạo, trẫm muốn cho Long Trát nối giữ nghiệp lớn, nhưng nó còn nhỏ tuổi, sợ không đương nổi, mà đợi nó lớn thì trẫm đã già yếu, biết làm thế nào?".

    Có lẽ lời ấy đã bay đến tai bà Đỗ Thụy Châu nên mới có sự sắp đặt khôn khéo như đã kể trên chăng?

    Lời bàn:

    Vua Lý Anh Tông một đời nhu nhược, hoang chơi và lầm lỗi. Phế Long Xưởng để lập Long Trát thì nào có khác gì đổi sự đau khổ này lấy sự bất hạnh khác? Song, cái gọi là giềng mối chính thống của hoàng tộc vốn đã bó buộc tư duy cả một thời, Anh Tông không lập Long Trát cũng khó mà yên được. Vua cha còn không giữ được sự sạch sẽ cho ngai vàng huống chi là Long Trát sau này lên ngôi lúc chỉ mới được ba tuổi. Xem ra, đời con còn có chỗ hơn đời cha, Lý Long Trát (tức Lý Cao Tông) chẳng những làm dơ ngai vàng mà còn làm dơ cả những trang sử cuối của triều Lý. Kẻ phải chịu đựng sự dơ bẩn ấy, bao giờ cũng chỉ có dân mà thôi!
     
  10. Mạc Hồng Viên

    Bài viết:
    184
    Chương 32:

    CHIÊU LINH HOÀNG THÁI HẬU HỐI LỘ TÔ HIẾN THÀNH

    [​IMG]

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng 7 năm 1175, vua Lý Anh Tông mất. Trước đó một năm, con trưởng của Anh Tông là Long Xưởng, do ăn ở vô đạo nên đã bị truất ngôi Thái tử, con thứ sáu của Anh Tông là Long Trát, bấy giờ mới hơn một tuổi, được vua cha cho thay anh giữ ngôi vị này. Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh tuy buộc phải vâng mệnh nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch. Bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông thêm một lần nữa. Bởi sự việc này mà đã có một cuộc đối đáp rất đáng ghi nhớ giữa một bên là vua Anh Tông và quan quyền nhiếp chính là Tô Hiến Thành với một bên là bà Chiêu Linh.

    Sách Đại Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng:

    "Trước đó, khi Vua ốm nặng, Hoàng hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng.

    Vua nói:

    - Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được?

    (Nhà vua bèn để) di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Thái tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Bấy giờ, Thái hậu (Chiêu Linh) muốn làm chuyện phế lập, nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ (của Tô Hiến Thành) là bà Lữ Thị. Hiến Thành (biết được), nói rằng:

    - Ta là đại thần nhận mệnh của tiên đế lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?

    Thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng:

    - Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của Tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh".

    Trong câu trả lời của mình, Tô Hiến Thành có nhắc đến hai nhân vật của Trung Quốc, đó là Y Doãn và Hoắc Quang để tự nhấn mạnh mình là bậc trung thần, không thể bị mua chuộc. Y Doãn là bề tôi của nhà Thương, nhận mệnh vua Thành Thang giúp đỡ vua còn nhỏ tuổi là Thái Giáp. Thái Giáp thất đức, Y Doãn liền bắt đi đày ở Đồng Cung, sau Thái Giáp hối cải, Y Doãn lại đón về tôn lên ngôi vua như cũ. Hoắc Quang là bề tôi của nhà Hán, nhận mệnh Hán Võ Đế giúp đỡ vua trẻ là Phất Lăng. Sau, Phất Lăng lên nối ngôi, đó là Hán Chiêu Đế. Bấy giờ, con trưởng của Hán Võ Đế là An Vương Đản cùng bọn Thượng Quan Kiệt, Tăng Hoằng Dương mưu giành ngôi, bị Hoắc Quang giết chết.

    Lời bàn:

    Chiêu Linh xúi Long Xưởng làm chuyện vô đạo, gây mối loạn luân trong cung đình, đó là một lần lỗi. Chiêu Linh biết Long Xưởng vô đạo mà vẫn cố tìm cách xin vua Anh Tông cho Long Xưởng được làm thái tử và lên nối ngôi, đó là hai lần lỗi. Chiêu Linh đường đường là thái hậu mà định lợi dụng bà Lữ Thị để hối lộ quan phụ chính là Tô Hiến Thành, đó là ba lần lỗi. Ba lần lỗi lớn ấy đủ để tiêu hủy danh vọng một đời, vậy mà sau Chiêu Linh vẫn chưa tỉnh ngộ. Gớm thay!

    Tô Hiến Thành nghiêm tuân mệnh vua, không tham giàu để lấy của hối lộ bất nghĩa, quan lại như ông, quả là không phải nhiều, Tô Hiến Thành đọc sử để tự răn mình, hậu thế có lẽ cũng nên noi gương ông, đọc sử để biết đạo lí cổ nhân mà lo tích đức vậy.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...